Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Hiện tượng thèm ăn lạ thường khi mang thai: Lời giải thích từ khoa học

Đăng 4 năm trước

Chắc hẳn ai trong chúng ta đều đã từng nghe nói đến, thậm chí là tự mình trải nghiệm cảm giác thèm ăn những món nhất định khi mang thai. Vậy đâu là nguyên nhân gây nên hiện tượng này?

Có khó để từ bỏ việc ăn những loại pho mát và bánh quy giòn trong thời gian mang thai hay không? Những người phụ nữ mang thai phải đối mặt với vô số những quan niệm đã tồn tại từ lâu rằng: Cô ta ắt là sẽ thèm những chiếc bánh taco và các món đồ muối chua mằn mặn giòn giòn. Mọi người cũng thường liên hệ cảm giác thèm những loại thức ăn như vậy - bao gồm yến mạch, bơ lạc, đồ muối chua, kem và nhiều thứ khác nữa - với ước muốn lạ lùng của đứa bé trong bụng họ. Các quốc gia và các nền văn hóa khác nhau sẽ đưa ra những loại thực phẩm rất đa dạng khác nhau mà phụ nữ thèm ăn trong lúc mang thai. Chủ đề về chứng thèm ăn, liệu nó là tốt hay không, hoặc những điều mà nó báo hiệu về đứa bé chưa chào đời kia, đã trở thành đề tài gây tranh cãi đối với mọi người. 

Hiện tượng thèm ăn khi mang thai là có tồn tại thật, và chẳng có gì là mới mẻ cả. Nó đã xuất hiện từ hàng trăm năm nay, nhưng không có một loại thực phẩm nhất định nào mà tất cả phụ nữ đều thèm ăn như nhau trong lúc mang thai. Phụ nữ thèm đồ muối chua khi mang thai, nhưng đó không phải là loại thực phẩm duy nhất. Những bà mẹ đang có tin vui cũng có thể thèm muốn nhiều loại thực phẩm khác nữa. Các thai phụ ở Mỹ[1] được báo cáo là thèm nước trái cây, đồ muối chua, kem và bánh pizza. Những loại thực phẩm gây thèm thường gặp khác ở các thai phụ bao gồm thịt, xoài, sữa chua, cam, quả chuối lá (plantain) và nước ngọt. 

Nhiều nhà nghiên cứu và bác sĩ y khoa đã giải thích lý do dẫn đến xu hướng rất thích một số loại thực phẩm trong khi lại ghét bỏ một số loại khác. 

Hiện tượng thèm các món ngọt trong lúc mang thai được xem là dấu hiệu cho thấy người mẹ đang có con gái, và hiện tượng thèm các món mặn là dấu hiệu có con trai. Tiến sĩ, bác sĩ Merriam Stoppard, chuyên gia chăm sóc sức khỏe kiêm người dẫn chương trình truyền hình, đã lật tẩy quan niệm hoang đường này về hiện tượng thèm ăn khi mang thai, vốn đã tồn tại dai dẳng từ lâu. Cô nói, "Cảm giác thèm ăn được cho là phản ứng của cơ thể đối với sự thiếu hụt các khoáng chất và nguyên tố vi lượng nhất định nào đó. Hãy tự nuông chiều cảm giác đó một cách hợp lý, nhưng hãy tránh xa những thứ rõ ràng là có hại, như than đá chẳng hạn." 

Hiện tượng thèm ăn khi mang thai có thể là do tâm lý: Một nghiên cứu khác đã được thực hiện để lý giải chứng thèm ăn khi mang thai một cách hợp lý. Người ta cho rằng cảm giác thèm ăn có thể là một hiện tượng gì đó trong não không hề liên quan với nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Albany (UAlbany)2], với việc xem xét lại dữ liệu về các phụ nữ được thu thập từ các bài viết blog, các trang web trên Internet và các nền tảng mạng xã hội khác, đã gợi ý một cách đáng ngạc nhiên rằng không có mối liên quan nào giữa hiện tượng thèm ăn khi mang thai và nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. 

Julia Hormes, nhà nghiên cứu thuộc Khoa Tâm lý học của Đại học Albany[3], tin rằng một yếu tố tâm lý liên quan đến các quan niệm chuẩn mực xã hội về phụ nữ mang thai được lưu hành rộng rãi tại Mỹ có thể là nguyên nhân gây ra chứng thèm ăn khi mang thai. 

Một số nghiên cứu khác gợi ý rằng hiện tượng thèm ăn khi mang thai có thể dẫn tới tăng cân. Tuy nhiên điều này lại không đúng ở các nước khác. Chẳng hạn như một nghiên cứu được thực hiện tại Tanzania[4], nơi mà nguồn thực phẩm cho hơn 200 thai phụ là thịt, cá, trái cây, rau và ngũ cốc; đó đều là các thực phẩm không gây tăng cân. 

Các nội tiết tố của cơ thể có thể là nguyên nhân gây nên thèm ăn

Phụ nữ mang thai dễ mắc phải tình trạng kháng leptin, một loại nội tiết tố trong cơ thể có tác dụng ngăn cảm giác thèm ăn. Khi nội tiết tố này bị loại bỏ, các nội tiết tố khác kích thích cảm giác đói, được gọi là các peptide thần kinh, sẽ bắt đầu tăng cao trong máu. Nghiên cứu đã cho thấy lượng peptide thần kinh được sản xuất nhiều hơn trong thời gian mang thai. Sự mất cân bằng nội tiết tố này khiến phụ nữ có xu hướng rất thèm ăn và từ đó làm tăng cảm giác thèm những loại thực phẩm nhất định. 

Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng sự tạo ra vị bất thường trong miệng của các thai phụ có thể dẫn đến kích thích cảm giác thèm ăn. Nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 75 phần trăm số thai phụ báo cáo là có thấy mùi hoặc vị kỳ lạ. Do sự tương tác giữa tử cung và các tế bào thần kinh vị giác với nhau, các nụ vị giác trên lưỡi sẽ tạo ra một vị ngoài ý muốn. Sự nhạy cảm đó sẽ làm tăng thêm cảm giác thèm ăn.

Khía cạnh văn hóa của hiện tượng thèm ăn

Một số nền văn hóa trên khắp thế giới có những cách giải thích khác nhau về chứng thèm ăn khi mang thai. Đạo Hindu ở Ấn Độ diễn giải chứng thèm ăn như là kết quả của Dohada - nghĩa là "việc có hai trái tim". Sự hiện diện của một linh hồn thứ hai trong cơ thể người mẹ là nguyên nhân đứng sau việc thai phụ lui tới tiệm pizza hoặc quán đồ uống một cách bất thường. Họ cho rằng để có sức khỏe tốt và nuôi dưỡng đứa bé chưa chào đời, những cơn thèm ăn đó buộc phải được đáp ứng.

Biết tin vào đâu?

Bạn không cần phải để tâm tới niềm tin truyền thống của những người mà với tính tò mò đến mức bệnh hoạn của họ, sẽ khiến bạn rối tung lên với những lời khuyên giả tạo về những việc nên làm và không nên làm. Thay vào đó, hãy tập trung vào bức tranh toàn cảnh: Điều gì là tốt cho bạn và em bé của bạn, và bác sĩ của bạn khuyến cáo những gì? 

Chứng thèm ăn không phải là thứ đáng để lo lắng, và nó sẽ không gây hại gì cho bạn đâu. Nhưng bạn nên thảo luận về chế độ ăn và các loại thức ăn với bác sĩ. Họ hiểu rõ hơn về tình trạng của bạn cũng như những thứ mà bạn nên ăn và nên tránh. 

Nếu bác sĩ ngăn bạn ăn các loại rau củ quả còn sống vì chúng không tốt cho sức khỏe khi mang thai, thì bạn nên tránh chúng đi. Cái bụng khó tính của bạn sẽ không siết cổ bạn vì loại thức ăn nhất định đó đâu. Mặt khác, một số loại thực phẩm khác lại tốt hơn nhiều để bạn có thể ăn nhiều hơn một lần trong ngày. Và nếu việc đó khơi mào cho chứng thèm ăn thì cứ để nó tự nhiên như vậy. Bởi việc đó tốt cho sức khỏe của bạn.

Ngoài ra còn những biện pháp nào để đối mặt với chứng thèm ăn?

Hãy tránh những loại thực phẩm không lành mạnh

Hãy kiểm tra xem loại thực phẩm cụ thể mà bạn đang thèm ăn đó có thực sự lành mạnh hay không? Nếu có thì xin chúc mừng! Bạn thèm nó là đúng đấy. Và bạn có lý khi phát cuồng vì nó, ở đâu cũng được. Nhưng điều này có thể sẽ không đúng đối với tất cả các loại thực phẩm khác mà bạn bị ám ảnh vì thèm ăn. Hãy luôn cố gắng tự ngăn mình lẻn vào bếp để ngấu nghiến khoai tây chiên - nếu nó không tốt cho bạn. Bạn có thể chịu trách nhiệm với bản thân về việc không ăn các loại thực phẩm mà bác sĩ không khuyến cáo. Cách đó sẽ giúp bạn kiểm soát cơn thèm ăn của mình.

Đừng bao giờ bỏ bữa

Việc theo đuổi một lối sống lành mạnh là chìa khóa để vượt qua giai đoạn thèm ăn khó khăn trong thời gian mang thai. Nếu bạn bỏ bữa sáng hoặc bữa trưa, hoặc chỉ là ăn tối quá sớm, thì việc đó có thể sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn của bạn. Điều này sẽ không chỉ có hại cho sức khỏe của bạn mà còn không tốt cho em bé đang cuộn tròn trong bụng bạn nữa. Thế nên tốt hơn hết là hãy đúng giờ trong chuyện này nhé.

Hãy nói chuyện với bác sĩ

Điều quan trọng nhất là hãy cho bác sĩ biết về tình hình của bạn. Khi bạn đang cảm thấy không khỏe và đang tự nuông chiều bản thân quá mức với chứng thèm ăn, thì đó có lẽ là lúc bạn nên tới gặp bác sĩ và cho họ biết về chứng thèm ăn bất thường mới xuất hiện của bạn. Một số phụ nữ thèm ăn bụi, xà phòng, than đá hoặc tro. Chứng thèm ăn đặc biệt này - được gọi là pica - có thể là do tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng trong cơ thể bạn. Tốt nhất là hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn.

Kết luận

Vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong việc tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây ra chứng thèm ăn ở phụ nữ mang thai. Nếu cơn thèm đồ muối chua cứ tái diễn lặp đi lặp lại thì chắc phải có một sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng cụ thể nào đó trong cơ thể. Tuy nhiên có rất ít căn cứ ủng hộ để xác nhận niềm tin truyền thống về chứng thèm ăn khi mang thai. Nhưng sự thiếu hụt dinh dưỡng trong cơ thể thai phụ có thể có ý nghĩa đối với các nhà khoa học để họ tiến hành nghiên cứu nó. 

Tài liệu tham khảo 

[1]^NCBI: Chứng thèm ăn và ghét ăn ở những thiếu nữ mang thai. 

[2]^Đại học Albany: Lưu Ý Cho Các Bà Mẹ Đang Có Tin Vui: Chứng Thèm Ăn Khi Mang Thai Có Thể Là Do Tâm Lý 

[3]^Đại học Albany: Lưu Ý Cho Các Bà Mẹ Đang Có Tin Vui: Chứng Thèm Ăn Khi Mang Thai Có Thể Là Do Tâm Lý 

[4]^NCBI: Chứng thèm ăn, ghét ăn và thèm ăn đặc biệt ở những phụ nữ mang thai tại Dar es Salaam, Tanzania.

Chủ đề chính: #thèm_ăn

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn