Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

Hiểu đúng về người quá nhạy cảm - một tâm hồn rất mong manh nhưng cực kỳ sâu sắc

Đăng 7 năm trước

Làm thế nào để biết liệu bạn có phải là người quá nhạy cảm (Highly Sensitive Person - HSP)? Điểm mạnh, điểm yếu của họ là gì và bằng cách nào kiểm soát chúng? Bài viết này sẽ trả lời tất cả cho bạn.

Lời người dịch:

Bản thân tôi cũng là một người cực kỳ nhạy cảm (hypersensitive), dễ khóc, dễ cười; đôi khi thích thu mình lại; đôi khi lại muốn gặp gỡ và hòa nhập cùng mọi người. Vui, buồn, bực tức, khó chịu, cảm thấy lạc lõng, không ai hiểu mình, suy nghĩ nhiều về những thứ thoáng qua và dù chỉ một kích thích nhỏ thôi cũng khiến tôi trầm lặng... Có người bảo rằng tôi cầu toàn, có người bảo tôi sống nội tâm, có người bảo tôi thường làm quá lên mọi chuyện.... nhưng sau khi tìm hiểu về Highly Sensitive Person, tôi nhận ra rằng mình thuộc vào 15 - 20% dân số thế giới - những người rất nhạy cảm. 

Bản thân người nhạy cảm là người có tính khí đặc biệt. Họ sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là kiểm soát cảm xúc. Họ có thể hướng nội (introvert), hướng ngoại (extrovert) hoặc một ambivert (người vừa hướng nội vừa hướng ngoại) bất kỳ. Họ rất dễ gần, biết quan tâm và giàu lòng trắc ẩn với người khác.

Vì thế, nếu ai đó bảo bạn là người rất nhạy cảm thì cũng đừng quá xấu hổ hay mặc cảm về tính khí của mình. Đó là con người bạn, và nếu biết cách khai thác, nó sẽ trở thành lợi thế của bạn cả trong công việc lẫn cuộc sống đấy.

Những người nhạy cảm thường có phản ứng thái quá với mọi việc so với những người khác. Họ thường xuyên lo lắng cảm nhận của mọi người xung quanh về mình và có xu hướng tập trung hơn trong môi trường yên tĩnh.

Họ thường bị buộc tội là giả dối. 

Thực tế không phải như vậy. Họ chẳng qua là những con người rất nhạy cảm (highly sensitive person – HSP).

Người rất nhạy cảm – Highly Sensitive Person (HSP) là gì?

Thuật ngữ “người rất nhạy cảm” (HSP) lần đầu tiên được giới thiệu bởi tiến sĩ Elaine Aron vào năm 1992, ám chỉ những người mà việc xử lý các kích thích bên trong lẫn bên ngoài của họ sâu sắc hơn nhiều so với người bình thường do sự khác biệt về mặt sinh học trong hệ thống thần kinh của họ. 

Về cơ bản, khi bộ não nhận thông tin, nó sẽ tiến hành xử lý các thông tin đó qua các bộ lọc chịu trách nhiệm cung cấp sự thấu hiểu (insight) và nhận thức về môi trường xung quanh. Người rất nhạy cảm đơn giản là có nhiều bộ lọc này so với những người khác.

Những người rất nhạy cảm có khả năng nhận thức và độ nhạy cảm cao hơn người bình thường về:

  • 5 giác quan tiêu chuẩn (nghe, nhìn, chạm, ngửi, nếm).
  • Thuốc, caffeine, rượu…
  • Cảm xúc của chính họ và của những người khác.
  • Những thay đổi không dễ thấy của môi trường.
  • Thông tin thuộc về linh cảm hoặc ngoại cảm

Bởi vì những điều này nên tâm trí (mind) của người nhạy cảm cao cũng hoạt động hơi khác biệt. HSP có xu hướng:

  • Mô tả tốt hơn người bình thường về các lỗi sai và điểm khác biệt.
  • Rất tỉ mỉ.
  • Rất sáng tạo.
  • Tập trung cao độ.
  • Nhận ra được những thay đổi dù nhỏ của môi trường (và có thể dễ dàng bị phân tán bởi chúng).
  • Xử lý kỹ lưỡng thông tin đầu vào.
  • Nhận thức sâu sắc về những suy nghĩ cá nhân và tình trạng cơ thể.
  • Để ý tới việc giúp đỡ người khác.

Theo tiến sĩ Aron, trong đa phần các trường hợp, nhạy cảm cao là đặc điểm có tính di truyền. Tuy nhiên, sự nhạy cảm cũng có thể được hình thành thông qua một số trải nghiệm nhất định trong đời.

Rất nhạy cảm không phải là một rối loạn tâm lý. Nó cũng không phải là loạn thần kinh, quá thu mình, sống thiên về nội tâm hay có gì đáng xấu hổ. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng tìm hiểu kỹ từng khía cạnh này:

1. Xấu hổ (Shyness) là sự rụt rè, bẽn lẽn, e thẹn hay lo lắng trong một vài tình huống xã hội nhất định. Xấu hổ là một hành vi có thể học được (từ người khác). Bởi vì người rất nhạy cảm luôn thích tìm hiểu kỹ trước khi bước vào một hoàn cảnh mới nên họ thường bị gán một cách sai lầm là “xấu hổ”. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn khác. Khi người HSP tìm hiểu kỹ vấn đề và để ý tới các môi trường mới thì điều này đơn giản chỉ là việc họ xử lý các dữ liệu thuộc về cảm xúc một cách sâu sắc hơn mà thôi.

2. Quá thu mình, sống thiên về nội tâm (Introvert - người hướng nội): Những người này có sự kết nối sâu sắc với thế giới bên trong của tâm trí. Họ thích suy nghĩ, khám phá suy nghĩ và cảm  xúc của họ. Gặp gỡ quá nhiều người sẽ hút cạn năng lượng của người hướng nội trong khi ở một mình lại giúp họ nạp lại năng lượng dễ dàng. Khoảng 25 – 40% dân số thế giới là người hướng nội và khoảng 70% người rất nhạy cảm là người hướng nội. Mặc dù có một sự liên kết khá chặt chẽ giữa việc sống nội tâm và nhạy cảm cao nhưng thực tế, hai thiên hướng này không phải là một. 

3. Loạn thần kinh (Neurosis) là sự rối loạn hành vi chức năng mà không hề có một lý do cơ bản rõ ràng nào cho việc các cảm xúc sẽ gây ra các tình trạng sức khỏe không hề tốt. Loạn thần kinh bao gồm một loạt các rối loạn trầm cảm theo mùa (affective disorder) như lo lắng, khủng hoảng và ám ảnh. Trong khi một người rất nhạy cảm bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các kích thích từ bên ngoài thì người bị loạn thần kinh lại không hề nhìn thấy bất cứ một nguyên nhân cơ bản rõ ràng nào cả. 

Đặc trưng của những người rất nhạy cảm:

  • Giàu lòng trắc ẩn.
  • Đồng cảm.
  • Sáng tạo.
  • Chu đáo.
  • Trung thành.
  • Tập trung vào chi tiết.
  • Nhận ra được những sự tinh tế.
  • Điềm tĩnh.
  • Trầm lặng.
  • Khéo léo trong giao thiệp.
  • Trực giác.
  • Công bằng.
  • Hài hòa.
  • Hướng vào mục đích.
  • Đổi mới.
  • Khôn ngoan.
  • Nhẹ nhàng.
  • Yên bình.
  • Thấu hiểu.
  • Tận tâm.
  • Sùng kính tự nhiên/vẻ đẹp.
  • Chú trọng vào tinh thần.
  • Người nhạy cảm thường khóc một cách ngon lành.
  • Họ cảm nhận mọi thứ sâu sắc hơn.
  • Họ phản ứng mạnh mẽ hơn.
  • Họ thích ở một mình.
  • Chậm chạp trong việc đưa ra quyết định.
  • Dễ buồn bã khi quyết định sai.
  • Làm việc nhóm tốt.
  • Rất dễ lo âu và trầm cảm.
  • Họ suy nghĩ bằng cả con tim.
  • Họ không che đậy.
  • Họ không “sống vội”.
  • Họ cần thời gian để xoa dịu.
  • Họ chỉ làm những điều tốt.
  • Họ chú ý đến chi tiết.
  • Họ có thể đưa ra lời khuyên tuyệt vời.
  • Họ biết giá trị của mình.
  • Họ lễ phép và lịch sự.
  • Họ có tấm lòng yêu thương.
  • Họ có giác quan thứ 6.
  • Họ đồng cảm với người khác.
  • Họ có lòng từ bi.
  • Họ đặt người khác quan trọng hơn bản thân mình.
  • Họ có thể đọc được suy nghĩ của những người khác.
  • Họ hỏi nhiều câu hỏi.
  • Họ quyết định rất tính toán.
  • Họ có cảm xúc “lớn”.
  • Họ thừa nhận lỗi.

Ngoài những đặc điểm trên, người quá nhạy cảm cũng gặp những khó khăn sau:

  • Tập trung quá nhiều vào điều cần cho người khác hơn bản thân mình.
  • Khó khăn trong việc thiết lập ra các giới hạn.
  • Khó khăn trong việc kiểm soát mâu thuẫn.
  • Dễ bị phân tán (bởi tiếng ồn, các mối quan tâm khác).
  • Cầu toàn.
  • Thích được chú ý.
  • Dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc.
  • Cảm thấy bị hiểu nhầm hoặc lạc lõng.
  • Cần thời gian nghỉ ngơi mà không có bất cứ kích thích nào.

Một số người hướng ngoại nhưng rất nhạy cảm cũng sẽ có một vài tính chất khác biệt. Chẳng hạn, họ thích được chú ý bởi mọi người, ra quyết định nhanh, chắc chắn và khao khát thay đổi.

Một số người nổi tiếng thuộc nhóm người rất nhạy cảm:

  • Diễn viên: Woody Allen, Glen Close, Greta Garbo, Andy Kaufman, Anthony Hopkins, Judy Garland.
  • Nhà văn: Edgar Allen Poe, Ralph Waldo Emmerson, Emily Dickenson, W.B. Yeats, E.E. Commings, D.H. Lawrence, Henry David Thoreau, Walt Whitman, Deepak Chopra, Joseph Campbell.
  • Nhạc sĩ: Ludwig van Beethovan, Wolfgang Amadeus Mozart, John Lennon, Janis Joplin, Leonard Cohen.
  • Nghệ sĩ: Leonardo Da Vinci, Georgia O’Keefe, Salvador Dali, Picasso, Frank Llyod Wright, Steven Spielberg, Frida Kahlo, Ingmar Bergman.

Nhạy cảm và trí thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence)

Trí thông minh cảm xúc EQ là khả năng nhận dạng và thấu hiểu cảm xúc của chính mình và những người khác, và khả năng của bạn sử dụng hiểu biết này để kiểm soát các hành vi và mối quan hệ. Tin vui là những người rất nhạy cảm không có nhiều hơn hay ít hơn trí thông minh cảm xúc so với những người khác. Họ chỉ sử dụng trí thông minh cảm xúc theo cách khác biệt. 

Những người rất nhạy cảm trải qua mọi thứ hết sức dữ dội. Cảm xúc mãnh liệt của họ dễ dàng nhận ra hơn so với người bình thường). Điều này cũng giúp họ giao tiếp hiệu quả bởi vì họ không chỉ nghe những lời nói thốt ra từ miệng người khác mà họ còn bắt được cả sự tinh tế cả trong cử chỉ lẫn giọng điệu.

Tuy nhiên, luôn có sự đánh đổi vì những cảm xúc không được kiểm soát sẽ đi kèm với những hậu quả nghiêm trọng. Người rất nhạy cảm có thể sử dụng EQ như là lợi thế của họ chỉ khi họ hiểu được rằng họ là người rất nhạy cảm. 

20 câu hỏi giúp bạn tìm hiểu xem liệu mình có phải là người rất nhạy cảm?

1. Bạn có phải là người dễ bị lấn át bởi những thứ liên quan đến cảm xúc?

2. Bạn dễ dàng nhận ra được những điều nhỏ nhặt, tinh tế trong môi trường xung quanh hoặc nơi làm việc mà người khác thì không?

3. Tâm trạng của người khác tác động đến bạn.

4. Bạn nhạy cảm với các cơn đau và phương pháp điều trị y học?

5. Bạn thấy mình thường phải chạy trốn khỏi những ngày bận rộn, đi ngủ hoặc ở một mình trong phòng - nơi bạn có sự riêng tư và thư giãn?

6. Bạn đặc biệt nhạy cảm với cafe và đường?

7. Bạn nhạy cảm với ánh sáng, mùi hay tiếng ồn?

8. Bạn có đời sống nội tâm phức tạp, phong phú?

9. Bạn rất yêu âm nhạc hoặc nghệ thuật?

10. Bạn là người chu đáo, tỉ mỉ?

11. Bạn dễ bị giật mình?

12. Bạn luống cuống khi có nhiều việc phải làm trong một thời gian ngắn?

13. Khi mọi người cảm thấy không thoải mái với một tình huống nào đó, bạn luôn biết cách để làm mình thấy thoải mái?

14. Bạn luôn cố gắng không mắc sai lầm?

15. Bạn thấy khó chịu khi ai đó giao cho bạn quá nhiều việc hoặc nhiều trách nhiệm?

16. Bạn ưu tiên sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống của bạn để không phải lo lắng?

17. Bạn không thích ai đó nhìn hay quan sát bạn khi bạn đang làm việc?

18. Bạn suy nghĩ một cách sâu sắc?

19. Khi còn nhỏ, bố mẹ bảo rằng bạn hay thẹn thùng, xấu hổ?

20. Thay đổi điều gì đó sẽ khiến bạn cảm thấy không kiểm soát được?

Nếu 2/3 câu trả lời là “có” thì nhiều khả năng, bạn thuộc tuýp người rất nhạy cảm.

Dấu hiệu nhận biết người rất nhạy cảm

1. Bạn suy nghĩ sâu sắc

Khi cuộc sống gây bất ngờ cho bạn bằng một thứ gì đó khó kiểm soát, bạn bắt đầu thu mình lại, không nói chuyện với mọi người và suy nghĩ một cách sâu sắc về từng khía cạnh của thứ có thể xảy ra trước khi hành động. Những thứ nhỏ nhặt (trong cuộc sống của bạn và của những người khác) có thể tác động rất lớn tới bạn.

2. Bạn chú ý vào chi tiết

Bạn nhạy cảm với với các chi tiết nhiều như với cảm xúc vậy. Bạn nhìn thấy những chi tiết mà người khác bỏ lỡ, và bạn không bằng lòng cho tới khi bạn dồn hết sự chú ý vào chúng. Đây là một điểm mạnh được đánh giá rất cao trong nhiều nghề nghiệp.

3. Bạn mất nhiều thời gian hơn để ra quyết định

Vì bạn có xu hướng đào sâu tận gốc rễ của vấn đề hơn là chỉ nhìn vào bề mặt nên bạn sẽ mất nhiều nỗ lực hơn để ra quyết định. Bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng thử từng khả năng xuất hiện trong đầu bạn và đây thường sẽ là sự đánh đổi về mặt thời gian.

4. Bạn rất lo lắng với những quyết định sai lầm

Khi cuối cùng ra quyết định và sau đó, thực tế lại là một sự lựa chọn sai lầm, bạn sẽ làm nghiêm trọng nó hơn nhiều người khác. Điều này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn làm chậm dần quá trình ra quyết định của bạn vì nỗi sợ ra quyết định là một phần của thứ khiến bạn chậm ngay từ ban đầu.

5. Bạn phản ứng bằng cảm xúc

Khi ở một mình, bạn phản ứng một cách tự động, không suy nghĩ với cảm xúc của bạn. Bạn cũng có những phản ứng mạnh mẽ với điều người khác trải qua. Khi cảm xúc của bạn trở nên phấn khích sẽ khiến bạn rất dễ bị lợi dụng. Thử thách khó khăn đó là hướng cảm xúc của bạn vào việc tạo ra hành vi bạn muốn.

6. Bạn đưa ra lời chỉ trích khắc nghiệt

Cảm xúc mãnh liệt và những phản ứng về mặt cảm xúc dữ dội của bạn có thể rất khó chấp nhận những lời phán xét. Mặc dù ban đầu, bạn có thể phản ứng thái quá với sự chỉ trích nhưng bạn cũng có xu hướng nghĩ kỹ về mọi thứ và khám phá chúng sâu hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, bạn có thể có những thay đổi phù hợp.

7. Bạn có kỹ năng làm việc nhóm tốt

Khả năng tuyệt vời của bạn trong việc xem xét cảm xúc của người khác, coi trọng từng khía cạnh khác nhau của các quyết định có nhiều mặt và chú ý vào từng chi tiết nhỏ hơn sẽ làm cho bạn trở nên có giá trị trong môi trường đội nhóm. Hiển nhiên, điều này có thể phản tác dụng nếu bạn là người được giao đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi vì bạn phù hợp với việc đề xuất ý kiến và phân tích hơn là người ra quyết định liệu có hay không nhấn vào “nút đỏ”.

8. Bạn có nhân cách tuyệt vời

Sự nhận thức cao của bạn vào cảm xúc của người khác khiến bạn trở thành người rất chu đáo. Bạn quan tâm sâu sắc tới cách mà hành vi của bạn sẽ tác động tới người khác và có những cách phù hợp để thể hiện nó ra bên ngoài. Đặc biệt, bạn cũng rất khó chịu khi người khác thô lỗ.

9. Những văn phòng mở khiến bạn phát điên

Sự nhạy cảm của bạn với những người khác, tiếng ồn ào hay các kích thích khác khiến bạn không thể nào làm việc hiệu quả trong một môi trường cởi mở. Tốt hơn là bạn nên làm việc ở nhà hoặc trong các văn phòng có ngăn cách.

3 cách giúp những người quá nhạy cảm kiểm soát cuộc sống tốt hơn

Quá nhạy cảm không phải là biểu hiện của sự yếu đuối, đó là đặc điểm của một con người giàu lòng trắc ẩn và thực sự tồn tại. Không có gì phải xấu hổ khi thể hiện cảm xúc thật của bạn.

Rất nhiều người quá nhạy cảm cảm thấy rằng họ bị cô lập với những người khác. Họ cảm thấy bị hiểu nhầm và khác biệt và thường không hiểu tại sao. 

Albert Einstein, Martin Luther King và Steve Jobs đều là những người rất nhạy cảm. Tuy nhiên, không phải lúc nào tính cách này cũng là thuận lợi nếu không biết cách kiểm soát nó.

1. Từ bỏ việc tìm kiếm ai đó hoặc thứ gì đó giúp sửa chữa bạn

Nhạy cảm là một đặc điểm thuộc về tính khí chứ không phải là rối loạn y học. Thế nên, chẳng có vấn đề gì nếu bạn là người rất nhạy cảm cả. Đáng buồn là nhiều người không hiểu điều này nên luôn tìm mọi cách để thay đổi bản thân và cuối cùng, đều thất bại.

Nhạy cảm, về bản chất, không phải là thứ cần được sửa chữa, thay đổi và không thể sửa chữa, thay đổi.

Nếu tâm trí bạn mệt mỏi vì không ngừng tìm kiếm các giải pháp để sửa chữa khuyết điểm của mình thì hãy nhớ rằng, câu trả lời để sống hài hòa với bản chất nhạy cảm của bạn nằm ở bên trong bạn.

2. Tin vào trực giác của bản thân

Trực giác của người nhạy cảm thường rất chính xác bởi họ luôn nhận thức tốt mọi thứ diễn ra xung quanh. Tuy nhiên, họ lại phớt lờ những gì trực giác mách bảo. 

Do tính nhạy cảm vốn có, tuýp người này thường dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài, cả tin và hành động theo lời người khác. Để tránh bị lợi dụng, những người nhạy cảm nên lắng nghe tiếng nói của bản thân, lắng nghe trực giác của mình thay vì tin người mù quáng.

Bạn có thể tìm hiểu cảm xúc của mình bằng cách ghi “nhật ký cảm xúc”. Nó giúp bạn nhận ra điều gì châm ngòi cho một phản ứng quá khích từ bạn cũng như giúp bạn học được cách phản ứng phù hợp hơn.

Bạn cũng có thể thử tìm hiểu một sự việc nhất định. Chẳng hạn, có thể một ai đó trên xe buýt nhìn bạn như thể đang đánh giá vẻ ngoài của bạn. Điều này có thể làm tổn thương bạn, và thậm chí, bạn có thể cảm thấy buồn bực vì điều đó. Hãy cố gắng nhắc nhở bản thân bạn 2 điều: 1) Bạn không thật sự biết người đó đang nghĩ gì, và 2) Những đánh giá của người khác về bạn không thật sự quan trọng. Ánh nhìn đó có thể mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Và kể cả khi người ấy đang đánh giá vẻ ngoài của bạn thật thì người đó cũng không biết bạn là ai và cũng không biết những thứ làm bạn trở nên tuyệt vời.

3. Xem thử bạn có trở nên quá phụ thuộc vào ai đó một cách không lành mạnh

Những mối quan hệ quá phụ thuộc xảy ra khi bạn cảm thấy rằng giá trị và hình ảnh của bản thân đang phụ thuộc vào hành động và phản ứng của người khác. Bạn có thể cảm thấy mục đích sống của mình là hy sinh vì người bạn đời của bạn. Bạn có thể cảm thấy rất tệ hại nếu người bạn đời không đồng thuận với những gì bạn làm hoặc bạn đang cảm thấy. Sự phụ thuộc này rất phổ biến trong những mối quan hệ yêu đương, nhưng nó cũng có thể xuất hiện trong các mối quan hệ khác. Những điều dưới đây là biểu hiện của một mối quan hệ quá phụ thuộc:

  • Bạn cảm thấy sự hài lòng của bạn về cuộc sống đang bị gắn chặt với một người.
  • Bạn nhận ra những biểu hiện không lành mạnh ở bạn đời của mình nhưng vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ với anh ta/cô ta.
  • Bạn cố gắng để hỗ trợ người bạn đời của mình, kể cả khi điều đó có nghĩa rằng bạn phải hy sinh nhu cầu và sức khỏe của bản thân.
  • Bạn liên tục cảm thấy lo âu về tình trạng quan hệ của 2 người.
  • Bạn không hiểu rõ về giới hạn của bản thân.
  • Bạn cảm thấy tệ hại khi nói “không” với bất cứ ai, bất cứ thứ gì.
  • Bạn phản ứng với suy nghĩ và cảm xúc của mọi người bằng cách hoặc đồng ý với chúng, hoặc quá lo lắng về chúng.

Hãy thử chậm lại. Đừng quá thúc ép bản thân. Tâm lý học đã chứng minh rằng bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân là điều cần thiết để trưởng thành, nhưng cố gắng quá mức và quá nhanh có thể dẫn tới thất bại.

Theo HSPerson/Psychology Today/EliteDaily

Chủ đề chính: #người_nhạy_cảm

Bình luận về bài viết này
2 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn