A Hun

Hiệu ứng Rắn hổ mang

Đăng 7 năm trước

Một hiệu ứng tâm lý và kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống hàng ngày và trong công việc.

Hiệu ứng rắn hổ mang

Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu thuật ngữ “Hiệu ứng Rắn Hổ Mang” do nhà kinh tế học Horst Siebert đặt ra dựa trên sự kiện có thật sau:

Khi những người Anh cai trị Ấn Độ, những viên chức ở Delhi quan ngại về sự sinh trưởng mạnh mẽ của rắn hổ mang trong thành phố. Để kiểm soát vấn đề, chính quyền đã đề nghị treo thưởng cho mỗi bộ da rắn. Chương trình này đã tỏ ra hoạt động rất hiệu quả.

Trong một thời gian ngắn sau đó, rắn hổ mang dù muốn hay không bị giết rất nhiều và chính phủ hoàn toàn hài lòng về chương trình treo thưởng của mình. Tuy nhiên, một số tay buôn Ấn Độ nghe thấy cơ hội kiếm tiền từ chương trình và bắt đầu quay sang chủ động nuôi rắn hổ mang rồi giết để lấy da.

Khi chính phủ thu được quá nhiều bộ da rắn và họ phát hiện ra trò lừa đảo thì chương trình treo thưởng bị huỷ bỏ. Câu truyện vẫn chưa kết thúc ở đây.

Lúc này một số lượng lớn người nuôi rắn hổ mang ở Delhi bị bế tắc do đột ngột mất đầu ra dẫn tới “lượng hàng tồn kho lớn”. Họ thả xổng bầy rắn và một lần nữa Delhi lại chìm trong thảm hoạ rắn độc, lần này còn tệ hại hơn lần trước.

Điều tương tự cũng diễn ra suốt thời kỳ Pháp xâm chiếm Việt Nam. Chuột gây ra dịch bệnh ở Hà Nội. Chính quyền đề nghị treo thưởng cho mỗi đuôi con chuột bị giết. Kết quả: Người dân bắt đầu nuôi chuột để lấy đuôi. Khi chương trình bị huỷ, hàng đàn chuột lại bị thả ra, thoát ngược trở lại thành phố.

Fort Benning, Georgia cũng phải trải qua vấn đề tương tự với heo rừng. Quân đội đã treo thưởng 40 USD cho mỗi đuôi heo giao nộp. Mọi người bắt đầu mua đuôi heo từ những người bán thịt hoặc lò giết mổ với “giá buôn” và “bán lại” đuôi cho quân đội với giá cao để hưởng tiền chênh lệch.

Ngân hàng WellsFargo đặt ra mục tiêu doanh số không tưởng và đồng thời gây áp lực nặng nề lên nhân viên. Kết quả: hàng loạt tài khoản không xác thực được mở bởi nhân viên nhằm đạt mục tiêu doanh số và giữ việc làm.

Hiệu ứng rắn hổ mang đối nghịch với hiệu ứng lựa chọn bất lợi. Trong lựa chọn bất lợi, người mua hàng trong một giao dịch sở hữu nhiều thông tin hơn người bán và sử dụng kiến thức đó để giành lợi thế. 

Ví dụ, một người có chiếc xe đã qua thời hạn bảo hành nhưng lại muốn sửa chữa xe miễn phí sẽ mua thêm bảo hành trước khi mang xe tới xưởng. Trong hiệu ứng rắn hổ mang, đó là người bán với kiến thức nhiều hơn người mua và sẽ tận dụng nó để kiềm lời. 

Tương tự, trong thị trường lao động, nếu giảm lương để đối phó với dư thừa lao động thì có thể cũng gặp vấn đề “lựa chọn bất lợi” nói trên. Người giỏi sẽ nghỉ, còn người dở sẽ ở lại, vô tình làm cho người thuê lao động tích lũy nhân lực tồi (lựa chọn bất lợi). 

 

“Lựa chọn bất lợi (có tài liệu gọi là lựa chọn ngược, lựa chọn đối nghịch, lựa chọn trái ý) (tiếng Anh: Adverse selection) là một tình trạng kinh tế có thể nảy sinh do tồn tại tình trạng thông tin bất đối xứng, người lựa chọn thứ tốt lại chọn phải thứ không tốt. Đây là một loại thất bại thị trường.” - Wikipedia.

A HUN dịch từ psychologytoday.com 

Chủ đề chính: #Kinh_tế_học

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn