Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Hình phạt cho tội Ấu Dâm trong sử Việt

Đăng 5 năm trước

Trong thời gian qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước những vụ ấu dâm trong và ngoài nước. Câu hỏi được đặt ra là những kẻ phạm tội kia đã chịu những hình phạt thích đáng cho hành vi của mình chưa. Điều này cũng khiến người ta không khỏi bức xúc khi việc xử phạt các đối tượng là tương đối nhẹ, không đủ sức răn đe ngăn ngừa những trường hợp khác tái diễn trong xã hội. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu về việc xử phạt cho các hành vi liên quan đến tội thông dâm trong sử Việt.

Bộ luật Gia Long

Điều 332 Luật Gia Long quy định: Kẻ nào gian dâm với đứa con gái 12 tuổi trở xuống, thì dù đứa bé gái ấy có thuận tình gian dâm đi chăng nữa thì kẻ thực hiện hành vi gian dâm kia cũng bị xử theo tội của kẻ dùng sức mạnh để làm chuyện gian dâm đối với trẻ em.

Nhà làm luật khi đó giải thích về điều luật trên như sau: Đối với đứa bé gái mới chỉ 12 tuổi trở xuống, do tình dục của chúng chưa được phát triển, vốn là chúng không có lòng thích về chuyện gian dâm, nhưng chẳng qua là dễ bị người ta lừa phỉnh, hoặc là bị người ta khống chế để làm chuyện thông gian, cho nên dù chúng có thuận tình đi chăng nữa thì cũng là do sự phỉnh dụ của kẻ đồi bại mà ra. Do đó, cho dù là có hòa gian thì cũng đồng xử thuộc về tội cưỡng gian. Và nếu kẻ đồi bại kia đã làm được chuyện gian dâm với đứa trẻ nhỏ ấy thì y bị xử theo tội treo cổ, còn nếu như y chưa thực hiện được chuyện gian dâm thì cũng phải phạt y 100 trượng và bắt lưu đi 3000 dặm. 

Kẻ nào dùng bạo lực để hiếp dâm một đứa con gái bé nhỏ từ 12 tuổi trở xuống, vì thế mà đứa con gái ấy bị chết, cùng là đem đứa con gái bé nhỏ dưới 10 tuổi để dỗ dành làm chuyện hiếp dâm thì chiếu theo lệ buộc vào tội côn đồ xử theo tội trảm cho đến hành hình ngay. 

Còn kẻ nào dùng bạo lực để hiếp dâm một đứa bé gái từ 12 tuổi trở xuống và 10 tuổi trở lên, thì bị xử theo tội trảm giam hậu; cho dù đứa bé gái ấy có thuận tình làm chuyện gian dâm đi chăng nữa, thì tên dâm dục kia cũng phải chiếu theo luật là “tuy có sự thuận tình làm chuyện gian dâm nhưng cũng coi như là đã dùng bạo lực để hiếp dâm” đối với trẻ em, xử y theo hình phạt giảo giam hậu

Khối Châu bản triều Nguyễn còn lưu lại một số văn bản của Bộ Hình về việc xét xử các vụ án hiếp dâm, trong đó có cả những vụ hiếp dâm trẻ em. 

Đây là nội dung một văn bản của Bộ Hình về xử tội phạm hiếp dâm trẻ em vào năm Thiệu Trị thứ nhất:Bộ Hình phúc trình: Tối hôm qua, bộ thần đã trình bản án do tỉnh Biên Hòa tra xét tội phạm gian dâm Trần Văn Luỹ. Tội phạm gian dâm Trần Văn Luỹ nhân thấy em vợ là Vũ Thị Lúa mới 10 tuổi đã nổi máu dâm rồi nhân Vũ Thị Lúa đang ngủ đến cưỡng dâm. Khi tra xét đã thú nhận. Tên phạm sau đó lo sợ, hối hận dùng dao định tự tử là còn có một đường có thể hoãn được. Vậy truyền đổi lại là xử trảm giam hậu. Ngoài ra cho y như đã xử. Châu điểm.

Như vậy, pháp luật triều Nguyễn rất chú ý bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại tình dục với mức án cao nhất là “tội chết”. Nếu chưa thực hiện được chuyện gian dâm thì cũng phải phạt 100 trượng và bắt lưu đi 3000 dặm. 

Kể cả trong trường hợp đứa trẻ bị dụ dỗ thuận tình thì vẫn bị xem là “cưỡng gian” bởi luật pháp khi đó căn cứ thực tế là trẻ em gái dưới 12 tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất và cũng chưa có hiểu biết về tình dục.

Ngoài việc kế thừa các thành quả trong xây dựng pháp luật của các vương triều trước, bộ luật Gia Long còn có các điều khoản nhằm xử lý các quan hệ xã hội mới phát sinh trong cuộc sống, phân chia rõ ràng, cụ thể hơn.Đáng chú ý là những chế tài điều chỉnh các quan hệ gia đình. 

Cụ thể ở mục “nhân mạng” có quy định về tội “uy bức người khác dẫn đến họ tự vẫn”. Tại đây đề cập tới quan hệ mẹ chồng- nàng dâu như sau:“Đàn bà người nào bắt con dâu bán dâm nhưng con dâu không nghe, đã đánh đập cưỡng bức khiến con dâu tự vẫn thì xử giảo giam hậu (bị thắt cổ nhưng tạm giam một thời gian sẽ thi hành). Nếu gian phụ ép con dâu cùng đi vào con đường tà dâm khiến con dâu phải tự vẫn thì bị đày ra vùng biên giới xa xôi”.

Ngoài ra luật Gia Long cũng xử nghiêm tội “quấy rối tình dục”: “người nào dùng lời thô tục dâm đãng làm cho người đàn bà xấu hổ mà tự tử thì phải xử đến hình giảo giam hậu”. 

Bộ luật còn cấm quan lại lấy đàn bà, con gái ở địa phương nơi mình đương chức nhằm tránh sự lạm dụng quyền thế của các quan để cưỡng bức con gái nhà lành hoặc gia đình nhà gái lợi dụng hôn nhân chi phối quan quyền. Tương tự luật cấm nhà quyền thế cưỡng đoạt, ức hiếp con gái nhà dân làm vợ. Nếu phạm vào tội này sẽ bị xử thắt cổ.

Ngay sau khi lên ngôi năm 1802, Vua Gia Long (1762-1820) tiếp tục sử dụng bộ luật Hồng Đức của nhà Hậu Lê để quản lý xã hội. Nhà vua đã cho điều chỉnh một số quy định để bảo vệ quyền lực vương triều và ổn định xã hội sau thời gian dài biến động. 

Chẳng hạn vào tháng 8/1802 vua lệnh cho các quan hình án tham khảo luật Hồng Đức, đặt ra điều lệ kiện tùng gồm 15 điều.Bên cạnh đó nhà vua ra lệnh soạn bộ luật mới cho vương triều mình. Năm Ất Hợi (1815), vua ban chiếu công bố chính thức bộ luật với tên gọi “Hoàng việt luật lệ”, dân gian thường gọi Luật Gia Long. Luật Gia Long gồm 398 điều chia thành 22 quyển. Bộ luật phân thành 6 loại tương ứng với chức năng do 6 bộ phụ trách để tiện thi hành gồm: Danh lệ, Lại luật, Hộ luật, Lễ luật, Binh luật, Công luật và Tỷ dẫn luật điều quy định về việc áp dụng luật pháp.


Hồ Hoàng Anh tổng hợp

Chủ đề chính: #lịch_sử_việt_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn