Linhmiho Lớp ĐH Báo chí K5 Trường ĐH VH-NT Quân Đội

HỒ CHÍ MINH - Tinh hoa đất Việt

Đăng 5 năm trước

Mỗi một quốc gia, dân tộc đều có những vị lãnh đạo vĩ đại của mình hay chúng ta còn gọi là những vĩ nhân có sức ảnh hưởng lớn đến cả một dân tộc. Nếu Nga có Lê- nin, Trung Quốc có Mao Trạch Đông, Ấn Độ có Mahatma Ganhdi, Mỹ có Washington... thì dân tộc Việt Nam có người anh hùng Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng hội tụ tinh hoa của con người đất Việt về cả “tài” và “đức”.

Thiên tài trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén

        Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhãn quan chính trị của mình đã nỗ lực đưa cách mạng Việt Nam hòa cùng dòng chảy của cách mạng thế giới. Quyết định sang phương Tây cho thấy tư chất, trí tuệ và sự nhạy cảm chính trị của Hồ Chí Minh, mặc dù chưa ra nước ngoài, nhưng Người đã có cảm nhận đúng về trung tâm văn minh thế giới là phương Tây - và điều mà người ta cần phải tìm hiểu học hỏi chính là ở đó. 

       Năm 1920, Người đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I Lê nin.Cũng chính từ đây, Người đã khẳng định con đường giải phóng dân tộc Việt Nam chính là con đường cách mạng vô sản. Nếu không có trí tuệ và nhãn quan chính trị thì Người khó có thể “cảm nhận” được những lí luận mà Lê-nin muốn truyển tải trong bản luận cương của mình rồi từ đó Người biến nó thành tiếng nói của dân tộc Việt Nam và truyền bá về cho nhân dân. Với tầm nhìn và sự phân tích của mình, Người đã quyết định không đi theo con đường phong kiến  hay như con đường dân chủ tư sản của các bậc tiền bối trước đã đi. Bác rất trân trọng tinh thần yêu nước của các Cụ nhưng lại nhìn ra các mặt hạn chế trong các con đường đó. Vì vậy có thể nói không phải a icó cơ hội tiếp xúc với ánh sáng cách mạng thế giới đều có thể “hiểu” về nó. Lịch sử Việt Nam đã biến đổi khi một người con của dân tộc có đủ năng lực về trí tuệ để nhận thức đúng đắn những lí luận của con đường mà cả dân tộc cần đi theo.

        Trí tuệ hơn người của Bác còn được thểhiện sâu sắc trong tài năng lãnh đạo cách mạng của Người trên cả hai mặt : chiến tranh giành và bảo vệ đất nước cũng như xây dựng đất nước sau chiến tranh.  Với  tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư duy quân sự nhạy bén, khoa học, Người đã cùng với Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bác không hề học qua lớp đào tạo quân sự nào, tất cả đều là sự tự nghiên cứu sách vở, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh trong thời kì trước của dân tộc cũng như của các dân tộc khác và áp dụng một cách khoa học vào điều kiện thực tế trong từng thời kì của cách mạng nước nhà.

      Chính từ sự lãnh đạo và những chỉ thị kịp thời của Bác mà cách mạng nước ta đã liên tiếp giành thắng lợi to lớn và trong đó phải kể đến chiến thắng đưa tên tuổi Việt Nam đến với thế giới: chiến thắng của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Điện Biên Phủ năm 1954. Sự lãnh đạo trực tiếp của Người cũng như sự kế thừa chủ trương, quan điểm lãnh đạo của Người trong khoảng thời gian cuối chiến tranh là nguyên nhân quan trọng đưa đến thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất hai miềnNam- Bắc năm 1975.

      Bằng những hoạt động tích cực của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho bạn bè thế giới biết đến khát vọng, ý chí độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Người chính là người đặt những “viên gạch” đầu tiên trong việc mở rộng mối quan hệ của Việt Nam với các nước bạn bè trên thế giới, giúp nền ngoại giao nước ta có những bước tiến quan trọng. Có thể nói Người chính là cầu nối quan trọng đưa Việt Nam đến với thế giới. Thành công trong chuyến đi thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Trung Quốc và Liên Xô đầu năm 1950 là hàng loạt các nước xã hội chủ nghĩa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, qua đó củng cố quan hệ với lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới.  Chủ tịch Hồ Chí Minh với tài ngoại giao của mình đã mở cánh cửa nước ta hội nhập với thế giới thành công, Việt Nam chính thức gia nhập vào thế giới các nước dân chủ tiến bộ. Từ đó, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của nước ta đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và sự viện trợ vật chất lẫn tinh thần của các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. 

      Một điều lạ mà hiếm dân tộc nào trên thế giới có được đó là qua hai cuộc kháng chiến, chúng ta đã nhận được sự chia sẻ, ủng hộ từ chính nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ.  Đó cũng là thành công của chính sách mở cửa hội nhập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, làm cho thế giới hiểu rõ tính chính nghĩa của Việt Nam.  Đó cũng chính là những bài học đối ngoại đầu tiên để Đảng ta kế thừa, phát triển thành tư duy đối ngoại sau này.

     Nói về thiên tài trí tuệ của Bác, ta có thể thấy qua việc Bác có vốn tri thức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống.Không chỉ là vị tổng tư lệnh tối cao về mặt quân sự, một nhà chính trị,  Người còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo...Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “ Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều,máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải,tự mình đào thải mình...".

      Bên cạnh đó, nhắc đến Bác Hồ là nhắc đến một nhà ngôn ngữ tài ba. Bác chính là tấm gương sáng của việc tự học ngoại ngữ. Khi  bước chân ra đi tìm đường cứu nước thì hơn lúc nào hết Bác đã nhanh chóng nhận thức sâu sắc vai trò của ngoại ngữ trên hành trình đi tìm chân lý. Chính vì vậy, đặt chân đến đâu việc đầu tiên của Bác là học ngôn ngữ của đất nước đó để có thể sử dụng thứ ngôn ngữ ấy làm phương tiện giao tiếp, tìm tòi, khám phá, từ đó mà rút ra những bài học bổ ích cho hành trình của mình. Trên hành trình bôn ba qua bao nhiêu quốc gia ấy, đến nơi nào Bác cũng học ngoại ngữ. Giáo sư Hoàng Chí Bảo từng xác nhận rằng bác nói được 29 thứ tiếng, chưa kể tiếng đồng bào dân tộc nước Việt. Ngài Chủ tịch của chúng ta luôn tự tin trả lời phỏng vấn của các phóng viên nước ngoài cũng như tự mình giao tiếp với nguyên thủ các nước khác mà không cần đến người phiên dịch. Chính điều này cũng tạo nên tâm thế chủ động, sẵn sàng “ứng phó” của Người.

Tấm gương đạo đức của một vĩ nhân và cũng là của một người chân chính, bình thường...

      Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất”.Cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, Người đã hy sinh cho độc lập và thống nhất Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân, hòa bình và hữu nghị cho các dân tộc trên toàn thế giới. Đó là biểu hiện tập trung nhất của đạo đức cách mạng. Hơn thế nữa, Người là một trong những nhà tư tưởng, những lãnh tụ cách mạng đã bàn nhiều nhất đến vấn đề đạo đức và đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản vô giá. Đó là hệ thống quan điểm về một nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng, và bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức cách mạng. Trong tầm nhìn của nhân loại tiến bộ, Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương sáng nhất về cuộc đời của một con người “đầy tình yêu nhân dân, đầy yêu thương con trẻ, dạt dào tình yêu Tổ quốc, yêu những người lao động, yêu Đảng, yêu chủ nghĩa xã hội và lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”.

      Xuất hiện trước nhân dân, Bác vẫn luôn hiện lên với hình ảnh giản dị mà vô cùng tinh tế :bộ quần áo kaki, đôi dép cao su và chiếc mũ cối. Người luôn quan tâm đến cuộc sống của mỗi người dân, của từng đồng bào. Người đã từng nói : “ Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh, nước biếc để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Với mỗi người dân Việt, Người luôn gần gũi như một vị cha chứ không hề có khoảng cách của một người lãnh đạo. Người chú tâm đến đời sống của cả người già và người trẻ, binh lính và nông dân, công nhân, dân tộc đa số hay thiểu số, người theo tôn giáo hay không tôn giáo, phụ nữ... bất kì người dân Việt Nam nào, trừ những kẻ phản quốc, gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia thì Người nhất định không nhân nhượng. Trong đó, Người luôn đặc biệt quan tâm đến cựu chiến binh hay gia đình của họ. Người quan điểm : Cái gì cũng có thể xây dựng lại được nhưng sự mất mát máu xương của đồng bào thì không gì có thể thay thế.

       Với “ước muốn” nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc, Người thường xuyên quan tâm đến từng cuộc sống của nhân dân. Chúng ta không thể kể hết những câu chuyện Người tặng cành đào Tết cho từng hộ gia đình nghèo ở Hà Nội, không biết bao lần Bác đến thăm trực tiếp từng cơ quan, xí nghiệp, Bác đến thăm từng tỉnh thành trong cả nước để biết được cuộc sống của mọi người...Bác quan tâm, để ý đến từng lĩnh vực sản xuất phục vụ cuộc sống người dân.

      Hồ Chí Minh là hiện thân của sự hoàn thiện, hoàn mỹ về đạo đức: Yêu đồng bào, yêu nhân dân,triệt để cách mạng và vô cùng nhân từ; uyên bác mà cực kỳ khiêm tốn; vĩ đại mà rất mực bình dị. Bằng lời nói và việc làm, bằng giảng giải và nêu gương, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho mọi người thấy thế nào là một đạo đức cao đẹp, một cuộc sống đáng sống. Người nâng cao tâm hồn và tình cảm của nhân dân, khiến mọi người đều cảm thấy mình luôn luôn lớn lên và đầy niềm tự hào trước sự nghiệp vĩ đại và trước tấm gương đạo đức sáng ngời của Người.

      Nhiều lãnh tụ chính trị, học giả, nhà văn, nhà báo có tiếng đã viết về sức cổ vũ kỳ diệu của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với nhân dân nước mình và chứng minh rằng: Do ngưỡng mộ một nhân cách vĩ đại như vậy, có biết bao lớp người trẻ tuổi đã đứng vào hàng ngũ các chiến sĩ cộng sản, tình nguyện hiến dâng đời mình cho cuộc đấu tranh vì tự do độc lập, vì tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Với vẻ đẹp sáng ngời về cả “tâm” và “tài”, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.

      Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp, mới gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu". Vì vậy, “Học Hồ Chủ tịch thực ra dễ lắm, vì những điều Hồ Chủ tịch dạy chúng ta đã có sẵn trong tâm hồn, trong trí óc. Chúng ta hãy phản tỉnh lại thì thấy trong đáy lòng, trong ký ức, câu Trung với Nước, Hiếu với Dân, đoàn kết phấn đấu, cần, kiệm, liêm, chính chúng ta đã học từ thời cha ông. Chúng ta hãy hồi tỉnh lại, chúng ta sẽ thấy hiểu Hồ Chủ tịch hơn nhiều và làm những điều Hồ Chủ tịch dạy sẽ không còn khó nữa” (Phạm Văn Đồng - Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc – tháng 8/1948). Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần phải xuất phát từ “chữ tâm”. Điều đó trước hết là xuất phát từ tấm lòng yêu kính Bác, một con người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân, cho chính chúng ta.

                                                                                                         Diệu Linh.

Một số hình ảnh về Bác :

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn