Đặng Ngoan Là một người vui vẻ, hòa đồng, đam mê văn học và có sở thích viết lách. Có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Có kĩ năng giao tiếp tốt, có khả năng giao tiếp, viết bài, dịch bài từ Tiếng Anh sang Tiếng Việt và ngược lại.

Học sinh và những con đường

Đăng 7 năm trước

Một bài viết bày tỏ cảm xúc yêu mến với những con đường quê thân thuộc đồng thời thức tỉnh con người đừng đi theo đường mòn mà hãy khai phá một lối đi riêng.

"Kì thực, trên mặt đất này vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi." (Lỗ Tấn, Cố hương)

Đó là những con đường từ nhà đến trường, những con đường chạy ngoằn ngoèo qua những ruộng lúa, những con đường thở dài thườn thượt theo những triền đê, những con đường cát sỏi mịt mù hay những đường nhựa thẳng tắp êm ru. Đó là những con đường mà ngày vui thì ngắn như một cái nháy mắt còn ngày buồn thì dài lê thê như một tiếng thở dài não nuột. Đường đi học, đường về nhà - những con đường như trang giấy dài vô tận cần mẫn ghi chép những mẩu chuyện mà học sinh tán gẫu với nhau, thì thầm với nhau. Mà đường thì có cách ghi riêng biệt của nó, chẳng cần mực bút lem luốc, nó ghi vào một tiếng lá xào xạc, ghi vào một cây con đang vươn cành trổ lá, ghi vào một ngã rẽ đột ngột như muốn người ta phải bất ngờ... Cứ tự nhiên như thế, để rồi vào một ngày nào đó trong tương lai, có một người học trò cũ đứng trên đường nghĩ lại: Phải rồi, đúng đoạn đường này đây, mình đã nói với đứa bạn thân rằng:"Tao sẽ cố gắng học để sau này làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cho con cháu tụi mày được hưởng nền giáo dục như của Singapore ấy."

Những con đường ấy học trò quen lắm, thân lắm và cũng có thể là... chán lắm. Đường gì mà ngày nắng thì như rang như thiêu, ngày mưa thì bắn lên tận gáy, có gì đâu mà đẹp, mà thơ. Ấy thế mà, đi trên con đường láng bóng, cỏ hoa được cắt xén tỉ mỉ của thành phố, sao mà thấy nhớ con đường cỏ mọc tùm lum, sỏi kêu lạo xạo của quê mình đến thế. Ngồi trên xe bus từ trường đại học về nhà, chỉ ngấp ngóng hàng phi lao quen thuộc, chỉ ngấp ngóng con đường sợi chỉ vắt trên đê, nghe lọt qua cửa kính tiếng của một đứa học sinh than vãn:"Đường gì mà xấu quá vậy trời!", bỗng bất giác mỉm cười.

Những con đường của cuộc sống...

Những đứa trẻ của làng quê không còn muốn đi theo con đường của bố mẹ chúng nữa. Con đường của bố mẹ là con đường đi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bán máu cho thiên hạ. Trên con đường của thế hệ con, mồ hôi không còn thánh thót trên ruộng cà nữa, mà rỏ từng giọt mặn chát trên trang vở học sinh. Sấp mặt mà học cho thiên hạ phải ngửa mặt lên mà nhìn mình. Con đường mà con lựa chọn sẽ dẫn con đến những nơi mà chỉ trong mơ bố mẹ mới nhìn thấy mà cả những nơi mà dù trong mơ bố mẹ cũng không thấy. Con đường có sự nâng đỡ của tri thức dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, không còn màu bùn, màu đất, không còn bụi bặm, không rặm cỏ rơm.

Học trò vùng quê nghèo ai cũng mơ cho mình một con đường như thế , nhưng không phải ai cũng đủ can đảm và quyết tâm để biến nó thành sự thực. một nỗi sợ hãi mơ hồ rằng con đường đẹp như thế, tốt như thế thì lắm người bon chen lắm, tài hèn sức mọn như mình bước đi chỉ chùn chân mỏi gối mà thôi. Và thế là bạn không cả dám đặt chân lên đó, thậm chí phải cắt xén bớt một phần ước mơ chỉ để có được cái gọi là an toàn. Không dám đi thì sao có thể biết được mình có thể đi xa đến đâu.

Bi kịch của cuộc đời không nằm ở chỗ không đạt được mục tiêu mà bi kịch cuộc đời nằm ở chỗ không có mục tiêu để đạt được. Không có gì hổ thẹn khi bạn không vươn tới những vì sao nhưng thật hổ thẹn khi không có những vì sao để bạn vươn tới. Vậy thì tại sao bạn còn chần chừ giậm chân tại chỗ? Hãy đặt một con đường trong tim, phác một con đường trong đầu và bắt đầu cất bước đi. Hãy xẹm mình đi được bao xa!

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn