Qua Do Trong

Học tài thi phận

Đăng 5 năm trước

    Học tài thi phận là câu tục ngữ mà chúng ta ai cũng biết. Nó là nỗi ám ảnh của bao thí sinh khi mùa thi đến. Và cũng là niềm cay đắng đọng lại với bao người khi kỳ thi qua. Nhưng chỉ cần một nụ cười và cái vỗ vai, thì nó lại khơi lên sức mạnh cho biết bao đôi chân đang chùng xuống để bước tiếp trên chặng đường dài. Và cả bao kỳ thi trong tương lai.

Sự khác biệt giữa các kỳ thi xưa và nay

     Học tài thi phận là kinh nghiệm được ông cha đúc rút qua những kỳ thi ngày xưa. Ngày nay, học tài thi phận được chúng ta gắn cho kỳ thi vào các trường đại học được tổ chức hàng năm.

     Để biết việc sử dụng này có phù hợp hay không, chúng ta hãy xem sự khác biệt giữa các kỳ thi ngày xưa và ngày nay:

     - Về mục đích mở kỳ thi: Các kỳ thi ngày nay là để các trường đại học tuyển sinh để dạy còn ngày xưa là để triều đình tuyển người tài để giao việc quốc gia.

     - Về mục đích dự thi: Thí sinh ngày nay dự thi để học ngành nghề muốn theo trong tương lai khi được trúng tuyển. Còn sĩ tử ngày xưa đã xác định con đường khoa bảng ngay từ khi bắt đầu và kết quả của kỳ thi là thước đo mức độ trưởng thành của họ.

     - Sự khác biệt trước và sau kỳ thi: Sự khác biệt của thí sinh ngày nay sau kỳ thi đại học là sự chuyển biến từ việc tích lũy kiến thức cơ bản, phổ thông chuyển sang tích lũy kiến thức chuyên môn theo lĩnh vực được lựa chọn. Còn sĩ tử ngày xưa thì chuyển từ quá trình học tập tích lũy kiến thức sang việc ứng dụng vào xây dựng cuộc sống tùy theo kết quả đạt được trong kỳ thi.

     -Sự khác biệt về thời điểm tham gia kỳ thi: Trong khi kỳ thi ngày nay là điểm mốc đánh dấu cho khởi đầu còn kỳ thi ngày xưa lại là điểm cuối của một quá trình với cùng mục đích là để xây dựng cuộc sống dựa trên kiến thức tích lũy được trong quá trình đó của người học.

       Như vậy kỳ thi được nói tới trong câu tục ngữ học tài thi phận là kỳ thi để làm việc, để xây dựng cuộc sống và sĩ tử là những người tài giỏi đã đạt ngưỡng phát triển cao nhất của bản thân trong quá trình học tập. Còn kỳ thi ngày nay là kỳ thi của những học sinh để bắt đầu một quá trình tích lũy kiến thức theo lĩnh vực nào đó trong cuộc sống.

     Sự khác biệt hoàn toàn giữa xưa và nay khiến cho việc dùng câu học tài thi phận cho những kỳ thi đại học ngày nay trở nên không còn phù hợp nữa. Và chính điều này đã làm nảy sinh hoài nghi về kinh nghiệm mà ông cha muốn truyền đạt lại qua câu tục ngữ trên do việc sử dụng nó lại không thể lý giải được kết quả của các kỳ thi ngày nay. Để hiểu được học tài thi phận là như thế nào ta phải xem nó trong kỳ thi ngày xưa.

Bản chất của học tài thi phận

     Các sĩ tử ngày xưa có sự khác biệt rất lớn giữa trước và sau kỳ thi. Từ một nho sinh áo vải chăm chỉ đèn sách trở thành một vị quan làm việc nước, việc dân. Sự biến đổi này được ví như cá chép hóa rồng và mỗi kỳ thi lại được ví như vượt vũ môn.

     Sự khác biệt này là kết quả của quá trình biến đổi của kiến thức diễn ra trong kỳ thi. Các đạo lý học được từ sách vở và thực tế trải qua từng bước sát hạch mà chuyển dần sang ứng dụng để xây dựng cuộc sống. Sĩ tử làm bài thi thể hiện tài học của mình còn người chấm thi lại tìm cuộc sống được xây dựng trong đó. Đây là kỳ thi để xây dựng cuộc sống chứ không phải là kỳ thi để thể hiện sự hiểu biết. Chính vì không nhận ra sự khác biệt trong quan điểm được sử dụng để đánh giá kiến thức được thể hiện trong bài thi đã khiến cho kết quả của những sĩ tử không giống như những đánh giá trước đó trong quá trình học tập. Tùy theo việc sử dụng tài năng để xây dựng cuộc sống mà có số phận khác nhau. Học tài thi phận là đây. Khi không hiểu được điều này sẽ khiến cho kết quả đạt được của những sĩ tử tạo ra sự bất công và gợi lên cảm xúc bi quan cũng như cảm giác bất lực khi mọi thứ đã được an bài từ trước.

Lời khuyên của cổ nhân cho những người không đỗ

     Những cao nhân thời xưa chỉ cần xem thái độ, lời nói hay nhìn nét chữ là biết được kết quả thi cử cũng như thành tựu của một người. Họ không khuyên học cho chăm, không khuyên tìm thầy giỏi. Chỉ để lại một lời khuyên là sửa tâm. Và trong các câu chuyện được lưu truyền lại từ xa xưa, có biết bao người đã thay đổi được số phận của mình khi làm theo lời khuyên này.

     Sửa tâm trong lời khuyên của người xưa thực ra là sửa cuộc sống mà ta muốn xây dựng. Quá trình đó chính là một cuộc thi lâu dài mà ta tự đề ra để tìm tòi, học tập rồi tự mình trải nghiệm mà lĩnh hội những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó cũng chính là quá trình biến đổi bản chất khiến cho cá chép vượt lên mà từ từ chuyển hóa sang hình hài một con rồng. Tùy theo thành tựu đạt được trong kỳ thi này mà mỗi người lại có số phận khác nhau. Dụng tâm học thì thành tài, dụng tâm làm thì ra phận.

Ý nghĩa ngày nay của câu học tài thi phận

      Ngày nay, các kỳ thi giống như hồi xưa không còn khiến cho việc sử dụng câu tục ngữ học tài thi phận cho các trường hợp đã không đúng nữa. Khi so sánh với kỳ thi ngày xưa, tự nhiên sẽ thấy kỳ thi đại học chẳng nói lên được điều gì. Nó chỉ là khởi đầu cho việc chuyển đổi mục đích học tập nhằm lựa chọn kiến thức để xây dựng cuộc sống trong tương lai. Việc thi đỗ hay trượt chẳng quá quan trọng tới mức quyết định cuộc sống của một người.

      Khi loại đi sự khác biệt của các kỳ thi để hướng đến xây dựng cuộc sống thì câu tục ngữ trên vẫn còn nguyên giá trị. Đồng thời, lời khuyên của người xưa giúp cho ta thấy được mối quan hệ giữa tài năng và số phận để có những lựa chọn của riêng mình. Đó là cùng một nguyên nhân ban đầu là kiến thức nhưng được sử dụng cho các mục đích khác nhau sẽ tạo ra kết quả là những số phận khác nhau tùy theo lựa chọn của mình. Lúc này, câu tục ngữ học tài thi phận chẳng những không gây ra sự lo lắng, bi quan mà nó lại trở thành động lực tiếp thêm tự tin cho những nỗ lực trong việc xây dựng cuộc sống.    

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn