Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Huyền tích Chùa Keo

Đăng 4 năm trước

Tôi vốn sinh ra ở một nơi làng quê trù phú Thái Bình. Nơi có tiếng trống năm ba mươi còn ngả sóng sông Hồng, nơi có huyền tích Chùa Keo tháng ngày mê mải hát: anh đến thăm em.

Thái Bình không sâu, Thái Bình chẳng xa, Thái Bình gần như một mùa trĩu hạt, Thái Bình cạn như tít tắp đất bồi. Ai bảo Thái Bình buồn, tôi nói Thái Bình vui, Thái Bình đổ vàng trên những nẻo đường châu thổ, Thái Bình rền vang từ miền Thái Cơ đến Tiền Hải những tiếng trống muôn đời…Chùa Keo ư, Chùa Keo thì có đáng kể gì với Thái Bình một trong những nền văn minh Sông Hồng lúa nước. Chùa Keo ư, Chùa Keo thì có đáng kể gì với trầm tích bờ rời Đệ Tứ tự thủa ngàn năm. Ấy vậy mà tôi vẫn yêu Chùa Keo như một thứ xoắn xuýt bờ bờ cõi cõi Việt Nam.

Hà cớ gì Thái Bình lại được  được thiên nhiên ưu đãi, nằm ở vị trí Đông Bắc của Việt Nam, Thái Bình còn nằm trong dòng chảy văn hóa mấy ngày năm năm lịch sử của dân tộc. Bởi vậy, bên cạnh những đặc trưng riêng thì Thái Bình còn mang trong mình những văn hóa chung, trong số những đặc trưng ấy thì dấu ấn của Phật Giáo là rất đậm nét. Dấu ấn Phật Giáo không chỉ được thể hiện trong đời sống tinh thần của người dân, mà nó còn được cụ thể hóa thành hình thức bên ngoài – đó chính là những ngôi chùa.

Việc xây dựng những ngôi chùa với mục đích phục vụ tín ngưỡng tôn giáo, nhưng đồng thời ngoài ý muốn chủ quan nó đã tạo nên một phong cách kiến trúc rất độc đáo, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú hơn cho hệ thống kiến trúc Việt Nam. Trong số những đóng góp độc đáo về mặt kiến trúc mà Phật giáo để lại, thì chùa Keo Thái Bình là một minh chứng điển hình. Được xây dựng dưới thời kì phát triển cực thịnh của Phật giáo (thời Lý – Trần), chùa Keo Thái Bình được đánh giá là “một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thế kỉ XVII”.

Có một điều lạ lùng hơn tất thảy những điều lạ lùng khác, dù bạn đến Chùa Keo lần đầu, dù bạn đến Chùa Keo lần sau, dù bạn đến Chùa Keo đời đời kiếp kiếp thì Chùa Keo chẳng có vẻ thâm u đến tình tịch linh thiêng. Chùa Keo như thôn dã, Chùa Keo như một mái đìnhlớn, Chùa Keo chỉ đơn giản như một chốn huyền tích của một miền quê yên bình. Tôi và nhiều nhiều người khác gọi đó là Quê Lúa…

Đạo Phật du nhập vào nước ta khoảng thế kỉ thứ II (SCN). Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đạo Phật và các nhà sư đã có đóng góp rất lớn, từ các triều đại vua chúa phong kiến trước đây, cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua.Nhiều nhà sư đã cống hiến trọn đời mình cho nền độc lập, tự do của đất nước và sự bình yên phát triển của dân tộc.Trong số các nhà sư đó có thánh tổ Dương Không Lộ thiền sư – người đã có công trong việc xây dựng chùa Keo (Thái Bình) và hiện nay đang được thờ tự trong chùa.

Theo sử sách: Thiền sư họ Dương, húy là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ, người làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh nối đời làm nghề đánh cá. Mẹ người họ Nguyễn ở Hải Dương. Thiền sư sinh ngày 14/09 năm Bính Thìn (1016), xuất thân làm nghề chài lưới, song đức Không Lộ lại là người có chí hướng đạo thiền. Năm 29 tuổi đi tu, đến năm 44 tuổi (1059) ngài tu tại chùa Hà Trạch cùng các đạo sư Đạo Hạnh, Giác Hải kết bạn chuyên tâm nghiên cứu đạo Thiền.

Năm 1060 ba ông đã sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Năm 1061 thời vua Lý Thánh Tông, sư về nước dựng chùa Nghiêm Quang tiền thân của chùa Keo (Thần Quang Tự) ngày nay.Từ đó ông đã chu du khắp vùng rộng lớn của châu thổ Bắc Bộ, dựng chùa, truyền bá đạo Phật và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái Thiền Việt Nam. Ông đã có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và được vua phong làm quốc sư triều Lý. Ngày 03/06/1094 đức Dương Không Lộ viên tịch, thọ 79 tuổi. Đến 1167 đời vua Lý Anh Tông, nhà vua xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang.

Thái Bình nhà tôi ai chẳng biết đến Chùa Keo một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều hạng mục công trình. Bên cạnh những hạng mục công trình còn khá nguyên vẹn, thì do thời gian tàn phá nên nhiều công trình đã được trùng tu, tôn tạo, thay thế nên mang tính hiện đại hơn. Nhưng dù có sự biến đổi nó vẫn giữa được những nét đặc sắc riêng của phong cách kiến trúc một thời.Chùa Keo có một phong cách kiến trúc rất độc đáo. Với chất liệu chủ yếu bằng gỗ và với những đường nét chạm trổ rất tinh xảo đã tạo cho nơi đây một phong cách riêng, tôi cho rằng đó là một Trải Nghiệm Khác Biệt. Toàn cảnh chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình với 157 gian. Hiện nay chùa Keo còn 17 công trình với 128 gian. Đó là các công trình kiến trúc chính như: chùa Phật, điện Thánh, gác chuông, hành lang và khu tăng xá, vườn tháp…

Hằng năm, Chùa Keo mở hội hai lần. Lễ hội đầu xuân được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch, với mong muốn mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch, Chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỉ niệm 100 ngày Thiền sư Không Lộ qua đời (ngày 03 tháng 6 năm 1094). Trong lễ hội, phần lễ dân làng long trọng tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh.

Phần hội, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong lễ hội như: thi nấu cơm, thi bắt vịt, leo cầu ngô, hát chèo, têm trầu cánh phượng… cũng là để nhắc nhở nhân dân có ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc văn hoá của dân tộc. Vì thế ca dao đã có câu về lễ hội Chùa Keo:

Dù cho cha đánh mẹ treo 

Em không bỏ hội Chùa Keo hôm rằm.

Tôi từng đi nhiều nơi, chú tâm quan sát nhiều ngôi chùa. Tôi may mắn được đến và chiêm ngưỡng những ngôi cổ tự lớn và nổi tiếng bậc nhất ở Châu Á, đáng kể như Sri Lanka những khoảnh khắc vàng cổ tự. Vậy nhưng đúng thật chẳng ở đâu bằng quê nhà. Chùa Keo luôn hiện lên trong tôi với những mảnh mai khói chiều thơm nồng rơm rạ, một tiếng chuông vọng gác tịch tà tâm tư…Huyền tích ư, có gì mà huyền tích, chẳng qua đó là những khói nhang trong lòng tâm kính mà thành.Nhớ quê hương, nhớ Chùa Keo xin chép lại bài thơ Ngôn Hoài của Không Lộ Thiền sư để thay lời kết bài viết này:

Kiểu đất long xà chọn được nơi 

Tình quê nào chán suốt ngày vui 

Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng 

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời. 

(Nguồn: Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập II), NXB Văn học, 1976)


Trải Nghiệm Khác Biệt

Chủ đề chính: #du_lịch_thái_bình

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn