nguyen hoa

KHÁM PHÁ Ý NGHĨA BÁNH TRUNG THU Ở CÁC QUỐC GIA CHÂU Á

Đăng 5 năm trước

Tết trung thu là lễ hội lớn ở các quốc gia Châu Á như: Trung quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam... Và mỗi quốc gia đều có các loại bánh trung thu đặc trưng mang ý nghĩa khác biệt.

Tết Trung thu hay còn gọi là Tết thiếu nhi theo Âm lịch là ngày rằm tháng 8 hằng năm. Vào dịp này, mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau thưởng thức những tách trà nóng và những chiếc bánh nướng, bánh dẻo cùng trò chuyện với nhau trong không khí thân tình và ấm áp, vì vậy mà Tết Trung thu còn có tên gọi khác là Tết đoàn viên – biểu trưng cho tình bằng hữu, tri ân, hiếu thảo và yêu thương. Tết Trung thu là lễ hội lớn ở các quốc gia châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam… Và mỗi quốc gia đều có các loại bánh trung thu đặc trưng mang ý nghĩa khác biệt. 

Trung Quốc 

Tết Trung thu ở Trung Quốc đã xuất hiện từ rất lâu vào thế kỷ thứ VIII. Trong dịp tết này lúc đầu người Trung Quốc chỉ uống rượu, thưởng trăng nên gọi là Tết ngắm trăng. Sau này, người Trung Quốc có phong tục cứ vào ngày này thì mọi người dù đi làm ăn xa xôi cũng phải về đoàn tụ, sum họp, quây quần cùng gia đình nên có tên gọi là Tết đoàn viên. Bánh trung thu của Trung Quốc có hình tròn tượng trưng cho sự “đoàn viên” và vẹn tròn. Ngày nay, do nhu cầu của người tiêu dùng thì chiếc bánh trung thu có cả hình vuông và được làm từ nhiều nguyên liệu mới lạ, hấp dẫn hơn thậm chí chia thành nhiều kiểu loại đặc trưng như Quảng Đông, Tô Châu hay Bắc Kinh.  

 Nhật Bản  

Tết Trung thu ở Nhật Bản gọi là Tsukimi hoặc Otsukimi nghĩa là “ngắm trăng”. Vào thời kỳ Heian với sự cực thịnh về kinh tế và phát triển rực rỡ về văn hóa tinh thần của con người xứ Phù Tang, vào dịp này người Nhật sẽ chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và thành kính dâng lên trăng để bày tỏ tấm lòng biết ơn. Dưới ánh trăng sáng rực của tháng 8 tất cả mọi người trong gia đình sum họp cùng nhau uống trà, ăn bánh và thưởng trăng. Bánh Tsukimi Dango có hình tròn tượng trưng cho sự đủ đầy, đầm ấm, sum vầy và tạ ơn trời phật cho một vụ mùa bội thu. Loại bánh này giống với bánh trôi nước ở Việt Nam với phần nhân được làm từ đậu xanh hoặc đậu đỏ.

Hàn Quốc 

Tết Trung thu ở Hàn Quốc được gọi là Chuseok – Lễ Tạ ơn. Chuseok là lời cảm tạ của người Hàn đến tổ tiên và cảm tạ vì mùa màng bội thu mang ý nghĩa hiếu đạo sâu sắc trong truyền thống Hàn Quốc. Vào dịp này mọi người cùng tụ họp bên nhau trò chuyện và thưởng thức món bánh trung thu. Tuy nhiên, khác với các loại bánh có hình tròn như ở Nhật hay Trung Quốc thì bánh ở Hàn có hình bán nguyệt. Loại bánh làm từ các nguyên liệu như hạt thông, vừng, quế, hạt dẻ,… Trong thời Tam quốc có hai vương quốc Beakje và Silla. Beakje có nghĩa là trăng tròn và Silla có nghĩa là trăng khuyết. Không lâu sau đó vương triều Beakje sụp đổ chính vì thế Hàn Quốc đã lựa chọn hình bán nguyệt để chỉ về tương lai tươi sáng hay sự chiến thắng.  

Thái Lan

Tết Trung thu ở Thái Lan có tên gọi khác là “lễ cầu trăng”. Vào dịp lễ này tất cả mọi người trong gia đình sẽ sum họp bên nhau để cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất bên bàn thờ của Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên. Phía trên bàn thờ sẽ bày những quả đào và bánh trung thu. Người Thái quan niệm rằng Bát Tiên sẽ mang những quả đào tới chúc thọ Quan Âm và các vị thần sẽ ban phước lành. Vì thế mà bánh trung thu của Thái Lan có hình dạng quả đào và có phần nhân làm từ sầu riêng để cầu mong sự phù hộ của Bồ Tát và mang ý nghĩa may mắn tốt lành. 

Việt Nam 

Tết Trung thu là một trong ba lễ lớn của Việt Nam. Tết Trung thu còn được gọi là Tết thiếu nhi hay Tết đoàn viên và được người Việt ta tổ chức rầm rộ và được trẻ con hết mực trông chờ. Vào dịp lễ này thì cả gia đình sẽ quay quần bên mâm cỗ thưởng thức bữa cơm ấm áp và chuyện trò vui vẻ bên nhau. Còn trẻ con thì được tặng những chiếc lồng đèn với đủ màu sắc và kiểu dáng xinh đẹp như đèn ông sao, cá chép…

Ngoài ra chiếc bánh trung thu là thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên và trên mâm cỗ của người Việt. Bánh trung thu ở nước ta có hai loại là bánh dẻo và bánh nướng, hình tròn và hình vuông. Bánh Trung thu có hình tròn và vuông là vì mang ý nghĩa “trời tròn đất vuông”. Tháng 8 cũng là tháng của mùa màng bội thu vì vậy mọi người hay tặng nhau những chiếc bánh trung thu để cầu mong sự may mắn, sum họp và đủ đầy. Nhân bánh có thể làm từ đậu xanh hay hạt sen hoặc là nhân bánh thập cẩm làm từ lạp xưởng… 

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn