Drakonile

Khi không còn gì để nói (Làm sao để an ủi người khác)

Đăng 7 năm trước

Khi ai đó hứng chịu một nỗi đau, một mất mát lớn, bạn phải làm gì để an ủi, vỗ về họ? Hãy đọc bài viết được chia sẻ dưới đây.

Những lời an ủi

Khi một ai đó ra đi, mọi người thường nói rằng, "Đó là lẽ tự nhiên, ai cũng phải chết" hay "Thượng đế/thần thánh,... có lý do cho mọi việc". Đương nhiên, lẽ tự nhiên hay thần thánh là lý do cho mọi thứ, nếu bạn tin vào số mệnh. 

Tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ không nói với một người nào đó đang mắc kẹt trong một cơn mưa to rằng nó (cơn mưa) là lẽ tự nhiên hay "Thượng đế có lý do để tạo ra cơn mưa". Bạn sẽ cho họ một chiếc ô, chứ không phải một lời an ủi. Vậy thì tại sao nói những lời an ủi cho một ai đó đang đau buồn lại có ích? Và tại sao chúng ta luôn làm vậy?

Chúng ta làm như vậy bởi không giống như những cơn mưa, nỗi buồn có những "chiếc ô" vô hình của riêng nó, theo từng người và từng hoàn cảnh. Để có thể tìm ra được đúng "chiếc ô" ấy cho một người bạn đang chìm trong vô tận nỗi đau thật sự là điều vô cùng khó khăn nếu như muốn nói là bất khả thi. Những người khác nhau sẽ có những lời an ủi khác nhau, thế nhưng gần như chẳng ai thật sự cần đến chúng. Điều hữu ích hơn có lẽ là bạn nên hỏi, "Tôi có thể làm gì cho bạn?", "Tôi có thể giúp gì?".

Mọi người cũng thường nói, "anh ấy/cô ấy đang ở một nơi tốt đẹp hơn." Nếu bạn đang cố gắng chi phối cảm xúc của một ai đó đang trải qua nỗi đau mất, một thực tế nội tại sẽ dễ đón nhận hơn là một thực tế mà mọi người đồng thuận như những giáo điều tín ngưỡng. Không quan trọng bạn có niềm tin bao nhiêu vào những giáo lý về thế giới bên kia, hay sự chặt chẽ của những đức tin ấy đối với tôn giáo của bạn như thế nào. Chúng vẫn chỉ là những đức tin - bất kể bao nhiêu người tin tưởng vào chúng. Thể hiện đức tin của bạn như một sự thật hiển nhiên là thể hiện sự tự phụ và thậm chí có thể xúc phạm đến người đang hứng chịu nỗi đau mà bạn đang cố an ủi.

Sau cùng, làm sao bạn biết rằng người đã khuất đang ở một nơi tốt đẹp hơn? Bạn có nhận được tin nhắn từ họ? Không, bạn không hề biết, bạn chỉ tin vào điều đó. Khi một người đang trải qua nỗi đau, niềm tin của bạn thực tế chỉ quan trọng đối với bản thân bạn.Hay một số người lại nói, "Anh ấy/cô ấy là người tốt, Thượng đế cần gọi anh ấy/cô ấy trở về nhà". Nếu Thượng đế thật sự cần họ đến vậy, rồi đưa họ đi và để lại nỗi đau trong lòng những người ở lại, có lẽ đó không hẳn thực sự là thượng đế, mà chỉ là một người thích chơi đùa với những hình nộm, những con búp bê. Những lời an ủi như vậy thật sự kỳ quặc, và không đem lại sự an ủi.

Hay bạn nói với họ "mạnh mẽ lên". Chính xác thì bạn cần kiểu mạnh mẽ gì khi bạn đang hứng chịu cơn đau mất đi người mình thương yêu? Nỗi đau này ở bên trong tâm trí con người, bị chi phối bởi nền văn hóa và hoàn cảnh gia đình của mỗi người. Vì thế, khi ai đó đang đau buồn, dù là một nỗi đau ngắn ngủi hay dai dẳng hãy để họ có quyền được chìm trong nỗi đau của mình như họ muốn.

Những lời biện minh

Thực tế chúng ta nói những điều vô nghĩa ấy là bởi chúng ta "không còn gì để nói". Giống như bạn, tôi và chúng ta đều muốn làm vơi bớt đi nỗi đau buồn của những người ta quan tâm. Tuy nhiên, cũng giống như những cơn mưa, chúng ta không thể ngăn chặn cái chết, và cái chết đến cùng với nỗi buồn, và chấp nhận nó là lẽ tự nhiên như chấp nhận một phần của cuộc sống.

Vấn đề không phải là nỗi buồn hay sự tiếc thương. Vấn đề ở đây là những niềm tin sai lầm tồn tại từ lâu trong xã hội cho rằng những cảm xúc tiêu cực và đau thương là vô giá trị và cần phải thoát khỏi nó, trốn tránh nó thay vì đối mặt và chấp nhận. Bạn phải thừa nhận rằng bạn không thể nào có niềm vui và hạnh phúc mà không bao giờ phải trải qua nỗi buồn, nỗi đau như một mặt đối lập để so sánh. Đó là lý do, cả hai thứ cảm xúc này đều vô cùng giá trị và cần phải học cách sống cùng với chúng.

Đừng nói với những người bạn đang đau buồn rằng họ nên cảm thấy thế nào, hay cố gắng đưa ra những câu trả lời mà thực tế con người không hề biết. Chúng ta không biết điều gì xảy ra với những người đã khuất. Chúng ta không có tri thức hay kinh nghiệm để chứng minh hay phản biện bất cứ một niềm tin truyền thống nào. 

Mặc dù điều đó dường như là phản lại trực giác của chúng ta, chúng ta vẫn cần phải học cách đón nhận những cảm xúc bao trùm quanh cái chết bởi một điều chắc chắn là, mỗi con người vào một thời điểm rồi sẽ phải đến một nơi nào đó, vĩnh hằng, bỏ lại những trái tim tan nát và nỗi đau mà nó gây ra.

                                                         Nguồn: psychologytoday

Chủ đề chính: #cảm_xúc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn