Mỹ Hằng Những gì chính mình còn không hiểu, thì đừng viết cho người khác đọc.

Khoa học của việc thiết lập mục tiêu

Đăng 7 năm trước

Dưới đây là 4 kết luận của Kelly McGonigal có thể giúp bạn thiết lập mục tiêu và thực hiện chúng một cách khôn ngoan nhất có thể.

Thời điểm năm mới là thời điểm mà bạn sẽ vạch ra những mục tiêu và hi vọng đạt được nó bằng một khí thế hừng hực, chẳng bận tâm là mục tiêu đó mình đã từng vạch ra và từ bỏ nó trong ngày Valentine năm ngoái.

Bạn luôn tự sỉ vả bản thân thế nhưng vẫn luôn lần lữa hết lần này đến lần khác. Bạn không thể thực hiện nổi chúng. 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẶT RA MỘT MỤC TIÊU PHÙ HỢP CHO NĂM MỚI?

Vậy, làm thế nào để đạt được mục tiêu mà bạn đã cất công suy nghĩ rồi lại bỏ dở giữa chừng? Năm nay sẽ hoàn toàn khác biệt chứ?

Chúng tôi gọi đó là "khoa học của việc thiết lập mục tiêu". Vấn đề là việc này thường xuyên khiến bạn ở trong một chiếc tháp ngà ảo vọng hoặc làm bạn rối tung lên mà không biết giải quyết bằng cách nào. Nói thì luôn luôn dễ, làm mới khó. Hãy xem Kelly McGonigal, nhà tâm lý học tại Đại học Stanford bày tỏ quan điểm của cô ấy về việc làm thế nào để thiết lập các mục tiêu một cách hiệu quả và khoa học.

Dưới đây là 4 kết luận qua quá trình nghiên cứu của cô ấy có thể giúp bạn thiết lập mục tiêu và thực hiện chúng một cách khôn ngoan nhất có thể.

THIẾT LẬP MỤC TIÊU CÓ CHẤT LƯỢNG, ĐỪNG CHỈ LÀ NHỮNG MỤC TIÊU "DỄ THỰC HIỆN"

Não của chúng ta có các sợi dây liên kết để nhận biết và phấn khích với việc "đạt được phần thưởng", do đó chúng ta có xu hướng thiết lập các mục tiêu dễ dàng có thể thực hiện được để nhanh chóng báo với não bộ "À, nhìn xem, tao đã làm được rồi này, tao giỏi chưa?". Tập gym vào chiều nay? Đã xong. Ghi chép lại trong chuyến đi thực tế? Đã xong. Những cảm giác dễ chịu đó khiến chúng ta thích thú với việc đề ra mục tiêu. Chúng ta thường xuyên đề ra những mục tiêu nhỏ lẻ như vậy để đốt cháy và làm thỏa mãn sự lạc quan, quyết tâm thay đổi của bản thân. Nhưng nó không mang đến nhiều sự thay đổi về lâu về dài mà còn làm chúng ta bỏ dở những mục tiêu quan trọng.

Một mục tiêu có ý nghĩa - thực sự phải truyền được cảm hứng để bạn phải nỗ lực thay đổi, không phải là những mục tiêu làm cũng được, mà không làm cũng chẳng sao. Một mục tiêu khiến bạn phải nỗ lực hết mình và dành nhiều thời gian cho nó. 

Hãy liệt kê ra những điều bạn muốn làm trong năm mới, sau đó tự hỏi mình 3 lần là tại sao bạn lại muốn có những điều đó theo những câu hỏi nối tiếp. Ví dụ: Nếu bạn muốn bỏ thuốc lá, bạn thiết lập mục tiêu đó trong năm tới, hãy hỏi mình câu đầu tiên: Vì sao tôi muốn bỏ thuốc lá? Tiếp theo, nếu câu trả lời là bỏ thuốc lá để có sức khỏe tốt hơn, hãy hỏi tiếp: Sức khỏe tốt hơn để làm gì? Nếu câu trả lời là để có thể sống lâu hơn, hãy hỏi tiếp: Sống lâu hơn để làm gì?

Đó không hoàn toàn không phải là việc làm mất thời gian. Hiểu được căn nguyên của vấn đề, bạn sẽ tìm ra được gốc rễ quan trọng của những mục tiêu, tạo động lực thúc đẩy để bạn hoàn thành nó.

TẬP TRUNG VÀO QUÁ TRÌNH, KHÔNG PHẢI LÀ KẾT QUẢ

Khi thiết lập mục tiêu, bạn thường gắn nó với những kết quả huy hoàng khi chúng ta đạt được nó. Ví dụ như đạt bằng tốt nghiệp loại xuất sắc, đạt học bổng du học toàn phần...Nhưng có một điều là chúng ta không thể kiểm soát được kết quả, chúng ta chỉ có thể nhích dần đến nó từng chút một và trông đợi một kết quả như vậy. Nếu bạn đặt mục tiêu IELTS 8.0, bạn có chắc chắn là bạn sẽ đạt được đúng 8.0 không?

Chúng ta thường không chú trọng nhiều đến "quá trình", "tích tiểu thành đại". Hãy nghĩ xem là hàng ngày bạn phải làm gì để từng bước đạt đến mục tiêu đó, từ những việc nhỏ nhất. Ví dụ, nếu bạn là người nhút nhát và bạn muốn tự tin hơn, năng nổ hơn, việc nhỏ bạn có thể làm để từng bước tiến đến mục tiêu đó chính là nhận những lời mời ăn tối hoặc tham gia tiệc tùng cùng bạn bè, nói "xin chào" một cách thân thiện với mọi người trên đường đi làm hoặc với bất kì ai bạn gặp trong công ty. 

Bạn cần phải tiến từng bước rất nhỏ kiên định để tiến đến mục tiêu lớn. Hãy luôn luôn chú trọng đến quá trình, bạn sẽ chạm tay được tới mục tiêu dù có thể kết quả không hoàn toàn chuẩn xác như mong đợi mà kém đi một chút.

XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU MỘT CÁCH RÕ RÀNG VÀ TÍCH CỰC - ĐÓNG KHUNG NÓ LẠI TRONG MỘT VÙNG CỤ THỂ

Cách bạn miêu tả mục tiêu của mình như thế nào, sẽ tạo nên sự khác biệt lớn. Tập trung vào những gì bạn cải thiện được, chứ không phải là những gì bạn tránh. Đó là tính chất hoạt động nguyên thủy của não bộ. Ví dụ như mục tiêu của bạn là trở nên giàu có chứ không phải là "không nghèo", hoặc giảm cân chứ không phải là "không béo thêm". Những kiểu mục tiêu như vậy làm kiềm hãm động lực tiến tới mục tiêu của bạn.

Suy nghĩ về những gì bạn đang nung nấu trong lòng mình và phát triển nó. Sự tích cực (positivity) sẽ thúc đẩy bạn khi bạn cảm thấy muốn từ bỏ.

CHUẨN BỊ CHO SỰ THẤT BẠI (THEO CHIỀU HƯỚNG TỐT)

Khi đã thiết lập mục tiêu, nhiệm vụ của bạn là không được để nó thất bại, nhưng hãy chuẩn bị kế hoạch cho nó, một phương án B phòng thủ. Tự hỏi mình là "Nếu thất bại thì mình sẽ ra sao?, hoặc "Nếu chuyện đó xảy ra, mình sẽ phải làm như thế nào?"

Tóm lại, khi bạn phải đi đường vòng vì có quá nhiều vật cản, bạn sẽ phải thỏa hiệp nhưng hãy luôn nhắc mình nhớ rằng mục tiêu này quan trọng đối với bạn như thế nào để bạn không bị phân tâm và dễ dàng bỏ cuộc. Chiến thắng bản thân mình luôn là một việc rất khó khăn. Ai mà biết được, bạn sẽ lại trì hoãn nó vào năm sau nữa?

Nào, bây giờ bài viết của tôi đã kết thúc và đến lúc thực hiện mục tiêu của bạn rồi đấy. Chúc bạn thành công!

>>  Bạn có sẵn sàng để bước ra khỏi "vòng luẩn quẩn" của cuộc đời?

Nguồn: Ted.com

Biên tập: Mỹ Hằng

Chủ đề chính: #thiết_lập_mục_tiêu

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn