Trần Ngọc Nghĩa

Khoa học - Khác biệt giữa Hiểu Biết và Niềm Tin

Đăng 6 năm trước

'Với niềm tin, chúng ta thành con người. Với tri thức, chúng ta thành Chúa.' (In belief we become human. In knowledge we become Godlike.) - Noam Shpancer, Ph.D., PsychologyToday.

Tháng 8/2013, thương hiệu Suntory (Công ty PepsiCo Việt Nam) cho ra mắt tại thị trường Việt Nam sản phẩm Trà Ô long TEA+ Plus. Truyền thông đại chúng tạo điều kiện cho việc phát triển sản phẩm này. Một trong những thông tin đưa ra nhằm giúp thức uống này chiếm lĩnh thị trường là: “Hợp chất tự nhiên OTTP (Oolong Tea Polymerized Polyphenols) được chiết xuất từ trà Ô Long giúp hạn chế hấp thu chất béo”.Quan điểm này thật lôi cuốn và những kết quả ban đầu là rất tích cực. Sản phẩm mới này có mặt trên hầu hết các giờ vàng để quảng cáo. Nó dường như là một bước đột phá mới trong sản phẩm giải khát tại Việt Nam.

Tuy nhiên, những vấn đề nhanh chóng xuất hiện. Đầu tiên, theo khẳng định của các nhà khoa học, trong trà không hề có chứa chất nào tên OTPP. Miễn cưỡng thì xem nó như là hợp chất Polyphenols mà thôi và hợp chất này thì có không chỉ trong mỗi trà Ô Long. Việc công ty PepsiCo Việt Nam khuếch đại công dụng của trà Ô long TEA+ Plus rõ ràng lợi dụng sự thiếu thông tin chuyên môn của người tiêu dùng. Lớn chuyện hơn, sản phẩm trà này lại là nhập khẩu và chế biến theo công nghệ Trung Quốc. Đến đây thì nhiều người đã đặt câu hỏi: “Liệu sản phẩm này có gây hại sức khỏe không?” (1).

Vấn đề bây giờ là người tiêu dùng đối mặt với chuyện này như thế nào? Bỏ qua những thông tin rắc rối đó và duy trì niềm tin là dù sao hợp chất polyphenols đã được đăng ký trong trà cũng giúp giảm béo không ngang thì dọc? Nhưng quan điểm của những người chỉ trích nghe có vẻ lại hợp lý. Vậy làm thế nào chúng ta biết sự thật đằng sau những câu chuyện này?

Rõ ràng, cuộc chiến với thông tin để tìm ra sự thật chưa bao giờ ngừng lại. Trong thời đại được gọi là bùng nổ thông tin như hiện nay thì trận chiến này lại càng dữ dội hơn. Có thể nào một người trung lập ở giữa sẽ quyết định được các vấn đề? Thật may mắn, suốt chiều dài lịch sử, nhân loại đã tạo ra một trọng tài cho những khẳng định đối nghịch nhau. Nó được gọi là phương pháp khoa học - một trong những thành tựu vĩ đại nhất của con người.

Thế nào là khoa học? Nhiều người đến nay vẫn xem khoa học như những kiến thức chắc chắn được hình thành từ danh sách các câu hỏi hay một quá trình phát minh, khám phá nào đó. Nếu là vậy thì khoa học sẽ là chân lý không thay đổi được nữa. Đó là tư duy khoa học thời đại Newton - tư duy  theo lối kinh nghiệm, một tư duy đã gần 400 tuổi. Tư duy khoa học hiện đại đi theo một hướng khác hoàn toàn nhưng tóm gọn cho đơn giản thì nó là phương pháp của sự kiểm tra. Theo đó, đóng góp lớn nhất của khoa học là việc nó đặt ra những câu hỏi để thẩm tra những ý kiến nào đó với bằng chứng cụ thể chứ không phải với những sự tin tưởng chủ quan của những người có nhiều kinh nghiệm. Nói cách khác, khoa học không muốn tin tưởng điều gì cả mà nó muốn biết!

Quay trở lại câu chuyện trên, người dân có lẽ sẽ bớt phân vân, lo lắng hơn cho số phận của mình nếu Cục VSATTP vào cuộc và đưa ra những chứng cứ khả dĩ cho sự an toàn của sản phẩm. Hoặc nghiêm túc hơn, thiết kế một nghiên cứu phù hợp (vd: nghiên cứu bệnh chứng - case control study) để chứng minh ảnh hưởng của sản phẩm lên sức khỏe người tiêu dùng. Thực tế thì đã có những bằng chứng chứng minh sự gian dối của công ty trong việc quảng bá sản phẩm này (2).

Nhưng rõ ràng hiện tại thì sản phẩm này vẫn lưu hành trên thị trường. Người dân vẫn đang tiêu thụ nó. Nghĩa là không phải tất cả người dân đều mất niềm tin vào sản phẩm này. Đây là một ví dụ tuyệt vời cho việc rất khó thay đổi niềm tin trong bản năng một người. Điều này làm tác giả nhớ lại bài nói chuyện trên TED-talk của Kathryn Schulz: “Tất cả chúng ta đều dùng những cách giống nhau để giải thích cho những người bất đồng ý kiến với mình bằng cách dựa vào những giả định rất đáng tiếc (a series of unfortunate assumptions):

  1. Điều đầu tiên mà chúng ta làm với người bất đồng ý kiến là chúng ta giả định họ không biết chuyện gì đã xảy ra/ họ không có những thông tin mà ta có.
  2. Nếu họ đã chứng kiến sự việc và họ có những thông tin mà ta có nhưng vẫn bất đồng ý kiến thì chúng ta đi đến giả định rằng họ là những người kém tư duy.
  3. Nếu có tất cả thông tin và họ phân tích, xử lý tốt hơn cả ta thì chúng ta giả định rằng họ là những kể xấu xa, cố tình nói sai vì mục đích nào đó.”

Phát biểu này không chỉ đúng trong tranh luận giữa người với người, mà còn đúng trong xung đột nội tâm của một người cụ thể. Con người rất kiên trì trong việc bám chặt vào những niềm tin mà từ đầu họ cho là đúng. Do vậy mà Sự thật không dễ dàng gì thay thế Niềm tin này dù trong thực tế có những bằng chứng trái ngược.

Điều này nghe có vẻ hơi tệ? Không hẳn. Ai đó đã nói rằng: một hệ thống dễ thay đổi thì đi kèm là những bất ổn. Thật vậy, một hệ thống tư duy được xây dựng trong tiềm thức chúng ta nếu quá dễ thay đổi thì nó không còn là một hệ thống nữa, tâm trí chúng ta không có gì ổn định để bám víu vào nữa. Sự thay đổi quá dễ dàng tạo nên sự hỗn loạn. Đặc tính tự nhiên của một hệ thống là sự kháng cự lại thay đổi và hệ thống niềm tin của chúng ta cũng làm việc theo đặc tính này.

Thêm nữa là, niềm tin có cách tồn tại riêng của nó, độc lập với sự thật khách quan. Niềm tin của chúng ta là cách mà chúng ta sinh tồn. Lấy ví dụ: Từ nhỏ, chúng ta có tin rằng gia đình là nơi an toàn nhất thì tiềm thức chúng ta mới yên tâm phạm sai lầm và phát triển; Chúng ta tin rằng bạn bè luôn quan tâm mình thì chúng ta mới duy trì được mối quan hệ hằng ngày; Chúng ta tin rằng chú chó 50kg đầu hẻm sẽ không cắn thì mới yên tâm đi qua đó mỗi ngày…. Nếu bất cứ việc gì cũng phải suy xét thì sẽ gây quá tải cho não bộ mình. Chúng ta tin là chúng ta quyết định hành động của mình nhưng thật sự thì hầu hết việc làm chúng ta hằng ngày là từ các quyết định vô thức. Các quyết định vô thức này hoạt động theo một loạt các niềm tin cốt lõi của chúng ta. Nếu không tin là phải ăn để tồn tại thì mỗi buổi sáng-chiều-tối chúng ta đều phải chọn lựa giữa việc ăn hoặc không ăn.

Một điều nữa cần phải xem xét là nếu so sánh thì bộ não chúng ta sẽ ít việc làm hơn để xây dựng một niềm tin mới so với hình thành một kiến thức mới. Vì sao vậy? Như đã bàn luận ở trên, một tri thức khoa học là một tri thức có thể kiểm chứng và nó có thể là đúng hoặc sai, nghĩa là nó luôn bị nghi ngờ về tính phù hợp logic. Do đó, nó luôn bị suy xét trong nhiều tháng, nhiều năm. Não bộ chúng ta ưa thích sự ngắn gọn, trực tiếp và tiết kiệm năng lượng.

Điều cuối cùng cần biết là niềm tin luôn là nền tảng cơ bản để đi từng bước một đến kiến thức mới. Nó giúp chúng ta bước những bước đầu tiên và những bước tiếp theo kể cả khi chưa thấy được toàn bộ con đường tri thức. Vậy thì nên nhìn nhận rằng Việc chọn kiến thức khách quan khôngphải luôn đối lập với Việc duy trì niềm tin dù có bằng chứng trái ngược. Thậm chí ngược lại, hai vấn đề này còn hỗ trợ lẫn nhau. Tôi muốn nhìn nhận hai việc này như hai mặt của đồng xu mà chúng ta sẽ dựa vào khi ra quyết định nào đó. Sự gắn kết qua lại này giúp cho cuộc sống luôn được tiếp diễn. Đó là một cuộc sống mà chúng ta vừa thoải mái tin vào sự tồn tại của Thiên đường, vừa tìm kiếm sự thật chân thực nhất bằng Khoa học. 

Tài liệu tham khảo: 

(1) "Bộ Y tế yêu cầu giải trình về ‘chất lạ’ trong trà Ô Long TEA+ Plus", báo Năng lượng mới. 

(2) "Trà Ô Long TEA+ Plus bị phát giác “treo đầu dê bán thịt chó”?", báo Đời sống và Pháp luật. 

(3) "Karl Pooper với sự phê phán Chủ nghĩa thực chứng và Chủ nghĩa lịch sử", PGS.TS. Nguyễn Tấn Hùng, Tạp chí Triết học, số 2 (261), 2013. 

(4) "Triết lý khoa học hiện đại", Nguyễn Đức Hiệp, đăng trên vietsciences ngày 6.2.2007 

(5) "Fact and Faith: Combatants or Collaborators?", Noam Shpancer, Ph.D. in Insight Therapy PsychologyToday

Tác phẩm "Angels and Devils" - M.C. Echer vẽ hoàn thành năm 1960. Nếu nhìn vào màu trắng sẽ thấy những thiên thần, nhìn vào màu đen sẽ thấy những con quỷ.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn