Nguyễn Hiền

Không học đại học thì sao?

Đăng 6 năm trước

18 tuổi, người ta có thực chỉ có duy nhất một con đường là học đại học? Tất nhiên học đại học không có gì là không tốt, nhưng vẫn có những con đường tốt hơn thế...

Năm 15 tuổi tôi chỉ có một mục tiêu là đỗ vào ngôi trường cấp 3 tốt nhất huyện.

16, 17, 18 tuổi, tôi ngờ nghệch ngồi trong những lớp học thêm toán lý hóa văn anh… với ước mơ “đỗ đại học”. Thời gian cuốn tôi vào guồng quay của điểm số, của thành tích, của những công thức sin cos hay những khái niệm vô tri về quang năng, điện năng, về axit, bazơ hay đêm đêm nằm mơ còn vang vọng bên tai lời giảng về Xuân Quỳnh, Xuân Diệu, một hôm Nguyễn Tuân về trong cơn mộng vừa chèo đò trên sông Đà vừa hát vang Tây Tiến. Tôi còn chưa kịp hiểu đại học to lớn tới nhường nào đã kịp ước mơ về ngày rời xa sách vở, được vui chơi thả ga, được tham gia câu lạc bộ này, hoạt động ngoại khóa kia,… Tôi còn chưa kịp mơ giấc mơ của chính mình.

Rồi một ngày cuối 18, ném vào tâm trí tôi giữa những giờ học dài căng thẳng. Tôi học đại học để làm gì? Tôi có thể không học đại học được không? Nếu không học đại học thì tôi sẽ ra sao, sẽ như thế nào?

Nếu không học đại học thì sao? Có những công việc gì không bắt buộc về bằng cấp?

Tôi quen một chị gái, sau bốn năm học tại Học viện Ngân hàng khoa Kế toán, chị vào làm tại ngân hàng Vietcombank được hơn hai năm bỗng thấy chán nản với công việc và chỉ có ước muốn giản đơn là được về trồng cây chăn gà. Nghe thật phù phiếm. Nhưng rồi một hôm tôi thấy chị đăng lên Facebook rằng đã nghỉ việc và sẽ bán cây cảnh, hình ảnh kèm theo là những chậu cây sen đá, xương rồng nhỏ nhỏ xinh xinh đáng yêu vô cùng. Từ đó đến nay đã hơn nửa năm, chị vẫn hạnh phúc với mỗi ngày thức dậy là tưới hoa, là trồng thêm cây mới với những đồ trang trí thật dễ thương và sáng tạo, rồi gói hàng, giao hàng cho khách, rồi tíu tít kể những chuyện nhỏ nhặt “vui ơi là vui” với tôi, và cười nói và yêu đời. Chị bảo tôi rằng, “không cần biết em làm gì ở đâu, chỉ cần công việc đó cho phép em vui vẻ và đủ trang trải cuộc sống, đó chính là nghề nghiệp lý tưởng".

Anh họ của tôi vừa tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương cách đây vài tháng. Muộn một năm so với chúng bạn do anh học thêm văn bằng hai. Năm năm, hai bằng đại học, một là ngành Tài chính, một là ngành Luật kinh tế. Hình như ngôi trường ấy là một trong những trường tốt nhất trên cả nước. Hình như hai ngành học ấy thuộc danh sách những ngành học có cơ hội làm việc và tiềm năng phát triển cao nhất. Nhưng mỗi ngày tôi đều thấy anh check-in ở một nơi nào đó xa xôi với công việc truyền thông cho một tổ chức phi chính phủ. Có lần anh cười rõ tươi nói với tôi rằng, “anh còn chẳng hiểu công việc hiện tại của mình có liên quan gì tới ngành mình đã học, chỉ thấy mình thích lông bông và đang vui thôi”.

Đấy là hai ví dụ cho việc học đại học ra để làm gì. Bởi hôm nay tôi thích một công việc văn phòng nhưng bốn năm sau tôi lại thích tự do, tôi lại thích dịch chuyển. Vậy phải làm sao đây khi tuổi trẻ của chúng ta chẳng có mấy lần bốn năm, năm năm để có được một tấm bằng đại học mà sau này nó không quá cần thiết cho công việc của bạn. Tất nhiên tôi không phủ nhận những kĩ năng mà đại học sẽ trao cho bạn dù bạn học ngành gì, trường nào, nhưng tôi tin rằng những kĩ năng đó chúng ta chỉ có thể thành thục khi áp dụng vào thực tế. Vậy nếu tôi không học đại học và đi học hỏi kèm theo thực hành ngay từ thời điểm này thay vì chờ bốn năm nữa thì sao?

Nếu tôi tiếp tục liệt kê ra đây những cái tên như Mary Kay Ash, Michael Dell, Henry Ford, John D, Rockefeller hay Steven Spielberg để minh chứng cho việc không cần học đại học vẫn có thể thành công thì nghe chừng nhàm tai quá. Hoặc bạn sẽ nói rằng do họ sinh ra và lớn lên ở những nước có tiềm năng, hay vì họ gặp thời, như Bill Gates thành công vì ngành công nghệ thông tin những năm 90 của thế kỉ trước chắc chắn trở thành xu hướng và ông gặp thời khi có tầm nhìn xa mà thôi. Vậy tôi sẽ kể những ví dụ giản dị hơn, ngay trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này, để bạn biết được, không có bằng đại học thì sao?

Chị bạn của tôi sau bốn năm học Đại học Mỹ thuật tốt nghiệp loại giỏi và ngay sau đó liền xin được việc tại một công ti thiết kế đồ họa có quy mô khá lớn, lương không thể gọi là thấp. Tưởng chừng như thật tuyệt vời, thật xứng là một tấm gương để noi theo hay ngưỡng mộ trong thời điểm nhan nhản thông tin về hàng ngàn cử nhân thất nghiệp này nọ. Nghe được vậy cũng thấy mừng cho chị. Nhưng trong một lần ngồi lại với nhau tôi mới chợt nhận ra đó chưa phải là những điều tốt nhất. Chị tâm sự rằng ngay trong phòng làm việc cùng chị có rất nhiều là những bạn không hề học chuyên ngành về mỹ thuật, trẻ hơn chị tới vài tuổi nhưng đã có kinh nghiệm làm trong nghề vài năm. Chị nói, “Trong khi chị còn đang ngồi lê la trên giảng đường để vẽ những bài tập cơ bản nhất thì các bạn ấy đã kịp trải nghiệm thực tế, nắm bắt những xu hướng mới nhất, thay đổi phong cách làm việc và trau dồi những kĩ năng cần thiết cho công việc. Hiện tại đây, khi chị mất bốn năm để giờ học những điều đơn giản nhất cho người mới ra nghề thì các bạn ấy có tất cả, xứng đáng là bậc tiền bối dẫn dắt chị luôn rồi.” Và khi tôi thắc mắc về các kĩ năng chuyên môn thì chị lắc đầu bảo “thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì có gì không thể tự học được em ơi, những khóa học, bài học online này, những video chia sẻ từ những chuyên gia trong và ngoài nước này, những phần mềm thì đều kèm theo hướng dẫn, có gì là lạ. Nhà tuyển dụng sẽ không quan tâm em có những bằng cấp gì, của trường đại học to hay học viện nhỏ, điều họ quan tâm là em có thể làm những gì kìa, chỉ cần có khả năng, có năng lực, sợ gì không kiếm được công việc tốt hả em”. Chị còn nói thêm, “mà không chỉ có mỹ thuật hay đồ họa có thể tự học và đi làm sớm mà bất kì nghề gì cũng vậy em ạ. Có thể khởi điểm không cao, em chỉ là nhân viên bán hàng chẳng hạn, nhưng nếu em có năng lực quản lý thì những vị trí như trưởng phòng kinh doanh hay thậm chí giám đốc kinh doanh thuộc về người không bằng cấp cũng chẳng có gì là lạ cả”.

Những điều chị nói khiến tôi suy nghĩ nhiều, và tôi chợt nhớ đến chị gái mình. Người đã vì tôi, vì gia đình không có điều kiện và gác lại ước mơ học đại học để đi làm công nhân, kiếm tiền trang trải gia đình. Chị vốn nhỏ người và ít nói nhưng khi đi làm chị cởi mở hơn và nhanh nhẹn hơn, chị hoàn thành tốt bất kì công việc gì được giao và dần dần chị lên vị trí Hỗ trợ (Support) rồi lên Quản lý (Leader). Chỉ sau hai năm làm việc chị được cất nhắc lên vị trí mà những người khác có bằng đại học vẫn phải trải qua kì thi tuyển gắt gao. Trong khi bạn bè của chị vẫn đang đi học, chị đã được làm việc ở vị trí mà sau khi ra trường chưa chắc họ đã có thể có được. Tất nhiên những khó khăn vất vả là không thể phủ nhận nhưng chẳng phải nỗ lực của con người vẫn chiến thắng tất cả đó sao, chẳng phải chỉ cần bạn có năng lực thì sẽ được tín nhiệm đó sao.

Vậy thì liệu có thực sự cần bỏ ra bốn năm, năm năm đi học đại học để có một tấm bằng? Theo tôi là có, nếu tấm bằng đó với bạn là quan trọng, là cần thiết. Đó là sự thật bởi sẽ chẳng ai cấp bằng hành nghề dược sĩ cho một người không có bằng cấp chứng thực khả năng cũng như những trường học công lập không thể nhận bạn vào đứng trên bục giảng giảng dạy mà không có chứng chỉ sư phạm. Nhưng nếu có thể, bạn có năng lực và công việc bạn yêu thích không bắt buộc một tấm bằng thì hãy thử nghĩ tới việc không học những kiến thức bài bản trong trường học mà thay vào đó là cơ hội trải nghiệp thực tế, thích nghi với môi trường, cập nhật xu thế thời đại và lao vào trải nghiệm công việc đó xem sao. Nếu sau nửa năm bạn nhận ra mình không phù hợp thì bạn vẫn còn nhiều thời gian để thay đổi. Hay sau một năm bạn vẫn thấy mình cần những kĩ năng chuyên môn từ nhà trường, hãy quay lại trường học và thực hiện những điều đó. Cơ hội là dành cho tất cả, tại sao bạn không nắm bắt ngay từ hôm nay?

Thêm một hướng suy nghĩ dành cho bạn về thiệt thòi của việc dành ra bốn năm để đi học đại học. Tôi đã thấy rất nhiều học sinh lựa chọn ngành học vì lý do “nghề này đang là xu hướng” hay “nghề này đang thiếu nhân lực” và như vậy thì sẽ dễ xin việc. Điều này cũng đúng thôi, nhưng đó là hiện tại. Ví dụ ngành Công nghệ thông tin hiện nay đang rất nóng, tới độ có anh bạn nói với tôi rằng chẳng sợ thiếu việc làm trong thời buổi công nghệ này em ạ, nhưng bốn năm nữa thì sao? Mỗi năm có hàng nghìn kĩ sư công nghệ ra trường, bốn năm con số ấy có thể lên đến hàng triệu. Liệu bạn có chắc chắn có hàng triệu việc làm để đủ cho số lượng đó? Và nếu không bạn có chắc mình sẽ xuất sắc hơn người khác để được chọn thay vì họ? Tất nhiên nếu bạn giỏi, tôi không có ý kiến gì nữa, Nhưng sự thật là nếu bạn giỏi thì ngay từ hôm nay bạn đã có thể kiếm một công việc về lĩnh vực này chứ không cần chờ bốn năm nữa. Bạn tham gia một khóa học kéo dài 3 tháng về những kĩ năng chuyên ngành, bạn xin việc tại ví trí thấp của một công ti nhỏ. Và vì bạn giỏi, một hôm nào đó bạn sẽ khoe với tôi rằng bạn đang có một công việc tuyệt vời theo cách của bạn, “tớ đang làm việc, được sáng tạo và đủ trang trải cuộc sống, thật tuyệt vời”. Vậy chẳng phải rất tuyệt sao!

Tôi không có ý ngăn cản các bạn tham gia học đại học. Hơn 400 trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước vẫn cần có sinh viên và vẫn đang đào tạo rất hiệu quả. Nhưng có một câu nói hẳn bạn đã nghe nhàm tai rằng, đại học không phải lối đi duy nhất tới thành công, mà còn vô khối những con đường khác. Vậy thì tại sao bạn không phải chính là người rẽ lối ngay hôm nay và sở hữu một công việc tuyệt vời ở ngày mai. Hãy lựa chọn điều mình thực sự thích và cần.

Xem thêm

Chủ đề chính: #học_đại_học

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn