Trí Nguyễn Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tp.HCM chuyên ngành Marketing, cộng tác viên tạp chí Tuổi Trẻ Cười thuộc báo Tuổi Trẻ và từng tham gia nhiều dự án với vai trò copywriter, tôi mong rằng sẽ cho ra đời nhiều bài viết 'chỉnh chu' và hữu ích dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm cùng một chút 'tếu' trong phong cách.

Không việc gì phải sợ giàu có

Đăng 8 năm trước

Nhiều vụ giết người cướp của gần đây đã khiến giới nhà giàu lo sợ. Giới muốn làm giàu cũng sợ không kém vì lo rằng càng cố giàu thì họ lại càng gặp nguy hiểm.

Sáu người trong một gia đình bị sát hại trong vụ thảm sát tại Bình Phước

Điều đầu tiên ta phải thừa nhận đó nhà giàu thì nguy cơ cướp “viếng thăm” nhiều hơn nhà nghèo. Chúng ta thường nghe câu “cướp của người giàu chia cho người nghèo”trong những câu chuyện anh hùng hiệp nghĩa (nhưng thời nay bọn cướp thường cho rằng chúng chính là người nghèo và chiến lợi phẩm là để chia cho chúng). Đã cướp thì chẳng ai vào một nhà nghèo để mà cướp cả mặc dù không phải lúc nào điều này cũng đúng. 

Chẳng hạn, bọn cướp đang cần ngay một “bửu bối” nào đó mà oái ăm thay nhà ai cũng có nó thì ắt hẳn nó phải chọn một nhà nào dễ “ra tay” nhất chứ không hẳn phải là nhà giàu. Hoặc là  trong lúc đi ngang qua một nhà nào đó, thấy một món đồ nào đó đã làm nhu cầu phát sinh tức thời và lúc này dù giàu hay nghèo chúng vẫn cướp. Nhưng đa phần đã cướp thì phải cướp nhà nào có của và điều này bọn cướp đã tính toán xác định mục tiêu từ trước. Dĩ nhiên những nhà giàu thường nằm trong danh sách ưu tiên này. Vấn đề ở chỗ nhà nào được gọi là giàu, nhà nào được gọi là nghèo và nhà giàu nào lọt vào tầm ngắm của bọn đạo chích.

Định nghĩa nhà giàu

Định nghĩa nhà giàu là ai mang tính chất quyết định trong việc xác định mục tiêu của cướp. Nhà giàu theo đánh giá của bọn cướp thường phải là nhà có nhiều tiền, nhiều của hơn hoặc ít ra cũng phải ngang bằng chúng. Cũng như việc thu nhập bạn là 10tr/tháng thì ít ra thằng nhà giàu trong mắt bạn cũng phải có số tiền từ 10tr/tháng trở lên. Như vậy, việc nhà ai giàu phụ thuộc vào điều kiện hiện tại của bọn cướp. Bạn nghĩ nhà bạn không giàu và sẽ không có tên cướp nào vào là sai lầm vì khi chúng ít tiền, ít của hơn bạn thì hiển nhiên bạn được liệt vào hạng nhà giàu và bắt đầu chịu rủi ro được chúng “viếng” nhà.

Có phải cướp sẽ chọn nhà nào giàu nhất trong danh sách?

Sau khi lọc ra danh sách nhà giàu (tức là chỉ có những nhà có thể cướp được), bọn cướp sẽ xác định mục tiêu. Có người nói “dĩ nhiên chúng phải cướp nhà nào giàu nhất rồi”. Sai lầm, việc chúng có cướp nhà bạn hay không thì phải xem nhà bạn có “tạo điều kiện” cho chúng cướp hay không. Nếu cứ giàu nhất là cướp sao lại không đi cướp nhà băng đi mà chui vào nhà bạn làm gì? Nếu nhà bạn được hai ba lớp người bảo vệ, có tường rào thép gai tựa như nhà tổng thống Mỹ thì bạn có tỷ đô cũng chẳng có bọn mafia nào đến viếng. Chẳng qua là nếu bạn đi máy bay thì trúng vài quả tên lửa thôi chứ chúng chẳng đến nhà bạn để cướp làm gì. Việc này thì xếp vào loại giết người do mâu thuẫn chứ không phải để cướp của.

Như vậy, bất kì ai cũng biến thành nhà giàu bất đắc dĩ , đều có khả năng lớn bị cướp. Khác nhau ở chỗ là nhà cực giàu phải đối mặt với những băng cướp lớn và chuyên nghiệp. Nhưng những băng cướp như vậy là rất hiếm do mỗi lần gây án thường bị tóm luôn cả bọn. Hơn nữa, nếu chúng chuyên nghiệp như vậy thì dễ dàng ra tay mà không ai biết, xong rồi phắng ngay việc gì phải giết người khiến thiên hạ rầm ben lên. Điều đáng nói không phải chỉ những băng cướp như vậy mới biết ra tay giết người. Một tên cướp bình thường nếu bị dồn vào đường cùng hoặc có bản tính tàn độc sẵn thì chúng vẫn giết người như thường. Việc giết người hay không phụ thuộc bản tính, suy nghĩ nhất thời của tên cướp và tình huống có bị dồn ép hay không chứ không phụ thuộc vào việc đó có phải là băng cướp lớn và chuyên nghiệp hay không. Cho nên, càng giàu thì càng ít nguy cơ bị cướp (nếu biết trang bị hệ thống an ninh) còn nguy cơ bị giết là như nhau cho cả nhà giàu và nhà cực giàu.

Ngoài ra nếu là một tên cướp biết phòng ngừa rủi ro thì không thể nào có chuyện cướp của xong rồi lại giết người (trừ trường hợp bị dồn đến đường cùng). Hắn phải tính rằng nếu lỡ có bị bắt thì tội cướp của có thể chỉ bốc lịch vài năm nhưng nếu là cố ý giết người thì bốc lịch cả đời (nếu ở Mỹ) hoặc bị xử tử (nếu ở Việt Nam). Nhưng thường chúng không nghĩ đến chuyện có thể bị bắt sau này.

Tóm lại, bạn cứ hãy tiếp tục làm giàu không việc gì phải sợ vì khả năng bị cướp của giết người gần như là ngang nhau đối với tất cả chúng ta. Khi ai cũng giàu, đất nước sẽ có nguồn thu để đầu tư cho giáo dục và an ninh, ý thức của người dân sẽ dần tiến bộ và những trường hợp cướp của giết người sẽ giảm dần theo thời gian. Điều quan trọng là hãy làm giàu chính đáng, mang số tiền “dư thừa” giúp đỡ bà con, sống tốt đời đẹp đạo tránh gây mâu thuẫn và cũng không quên dự phòng nhiều trường hợp có thể xảy ra. Còn nếu ai đọc tới đây mà vẫn phán một câu xanh rờn:“Sao gia đình ông đại gia ngành gỗ ở Bình Phước làm giàu và sống lương thiện mà vẫn bị cướp của giết người” thì lưu ý rằng khả năng bị cướp của giết người là ngang nhau đối với tất cả chúng ta chứ không phải là nhà giàu không có khả năng đó.

Chủ đề chính: #kiếm_tiền

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn