Xuân Quang Trường : ĐH Sư Phạm Hà Nội

Kì lạ những ngôi mộ được xây trước cho người còn sống

Đăng 7 năm trước

Những quy ước độc đáo và có phần kì lạ chỉ có ở thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc không khỏi khiến nhiều người tò mò và muốn tìm hiểu. Đó là quy ước xây trước những ngôi mộ cho người còn sống.

Người sáng lập và quyết tâm thực hiện kế hoạch quy hoạch nghĩa trang bằng cách xây sẵn những ngôi mộ để chôn cất là ông Phạm Quang Tiệp - nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Lạc. Khi đương nhiệm chức Bí thư Đảng ủy, ông Tiệp nhận thấy tập tục chôn cất, xây đắp những ngôi mộ ở địa phương thật lạc hậu. Mỗi khi có người qua đời phải có từ 15-20 người hàng xóm đi đào huyệt, chuẩn bị lo liệu chỗ chôn cất. Mỗi gia đình có hướng đặt mộ và xây mộ khác nhau. Nhà nào có điều kiện thì xây dựng to đẹp, không thì xây nhỏ, điều này thể hiện sự bất bình đẳng và việc phân bố mộ lộn xộn.

Từ những nguyên nhân trên, ông vạch ra kế hoạch quy hoạch nghĩa trang. Những ngôi mộ được xây khung sẵn, cao 0,8m, dài 0,8m, xung quanh có lỗ thông gió và có nắp đậy. Ngôi mộ nào cũng giống nhau, đều tăm tắp và được đánh số thứ tự cụ thể, vừa tiết kiệm diện tích đất vừa tránh gây lãng phí cho mỗi gia đình và giảm tối đa số người đi đào huyệt. Những ưu điểm và tính ứng dụng cao của nó được các cấp lãnh đạo Đảng ủy, UBND, HĐND và các cấp ban ngành ủng hộ và phê duyệt.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với ông Tiệp là thuyết phục và minh chứng cho bà con biết được những tiến bộ của việc làm này. Chôn cất, mai táng ở địa phương đã hình thành và tồn tại từ lâu đời, thay đổi công việc chưa hề có trong tiền lệ của địa phương là rất khó khăn. Ông Tiệp đứng ra tổ chức những buổi nói chuyện trực tiếp với hội người cao tuổi của địa phương. Ban đầu có rất nhiều ý kiến trái chiều. Ròng rã vài tháng trời trình bày, giải thích, cuối cùng, những người cao niên cũng đồng tình và ủng hộ quyết định táo bạo này.

Nghĩa trang được phân làm hai ngăn

Nghĩa trang được phân làm hai ngăn: ngăn một là mộ phần cho những người sau 3 năm được cải táng đưa vào với chiều dài 0.8m, chiều rộng 0.5m, chiều sâu 1m. Còn ngăn hai là những ngôi mộ còn trống với chiều dài 2.2m,chiều rộng 0.5m, chiều sâu 2m và hai bên mộ có rãnh thoát nước.

Ngoài nghĩa trang khi quan sát phần mộ ở ngăn bên kia kích thước các ngôi mộ không đồng đều. Vì trước kia quy định của quy ước chưa được chặt chẽ, mạnh ai người đó làm nhà nào có điều kiện sẽ xây mộ cao, rộng hơn.Nhưng đến bây giờ quy ước đã được đưa ra là các ngôi mộ đều có kích thước giống nhau, vậy nên nghĩa trang nhìn rất quy củ và văn minh.

Quy ước về thời gian cải táng

Ở đây, cứ khoảng 30-36 tháng người ta sẽ cải táng nên thời gian đầu địa phương sẽ xây 49 ngôi mộ "chờ". Đến thời điểm cải táng, người nào được chôn ở những ngôi mộ đầu sẽ được đưa sang một địa điểm khác. Những người mất sau đó sẽ được chôn chính vào những ngôi mộ mới được chuyển đi. 

Người sống không được chọn trước mộ cho mình

Cải táng thực hiện theo quy ước, không mạnh ai người nấy làm. Khi trong thôn có người mất thì phải chôn theo thứ tự các ngôi mộ,người dân không được chọn phần mộ cho mình trước. Cũng theo quy ước của thị trấn Yên Lạc, việc cải táng chỉ được thực hiện vào 2 tháng mùa khô là tháng 9, tháng 10 và diễn ra trong các ngày mồng 2, mồng 10, 16, 22. Riêng tháng 12 chỉ được cải táng vào một ngày duy nhất là ngày mồng 2.

Quỹ xây mộ do các nhà hảo tâm ủng hộ

Những ngôi mộ đó đều do chính quyền địa phương đứng ra xây.Nguồn quỹ là do các nhà hảo tâm ủng hộ. Làm như thế sẽ tiết kiệm được quỹ đất cho địa phương. Bởi vì trên thực tế nhiều nơi họ đào mộ phân tán, không tập trung nên cũng gây ảnh hưởng tới môi trường và lãng phí. Vì thế số tiền lo đám ma trước đây vốn rất tốn kém nay đã giảm hẳn. 

Không có sự phân biệt giàu – nghèo giữa các ngôi mộ

Việc xây sẵn mồ mả thế này sẽ không có sự phân biệt giàu nghèo. Tâm lý "gà ghét nhau tiếng gáy", ví dụ nhà có điều kiện xây mộ to, người nghèo hơn không có điều kiện nhưng cũng vẫn cố xây to đẹp vì không muốn ông bà tổ tiên mình thua kém người khác. Vì thế việc xây mồ mả trước đó rất tốn kém và không cần thiết. Từ khi có quy ước này đã giúp tiết kiệm được rất nhiều, hơn nữa lại rất bình đẳng. Chính vì thế, việc xây dựng mồ mả cho người đang sống được đưa vào quy định như một hương ước. 

Ưu điểm, nhược điểm của việc xây trước những ngôi mộ

Quy định này hay ở chỗ là nó không phát sinh về diện tích đất, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhân công và đỡ chi phí mỗi khi có người mất. Nhiều nơi họ làm phân tán, phí ruộng, phí đất. Trước đây, đang đường cày thẳng tắp, trâu chạy băng băng thì vướng vào phần mộ, lại phải lách sang mà làm. Làm thế này không chỉ sạch đẹp, gọn gàng, mà tiết kiệm, quy củ, văn minh”.  

Về quá trình thực hiện cũng diễn ra nhanh gọn, khi một gia đình có người vừa qua đời họ chỉ cần báo cho ủy ban, chính quyền địa phương biết. Sau khi chôn người chết xong việc tổ chức ăn uống được bó hẹp, quy định chỉ có anh em họ hàng ở lại ăn cơm chia buồn cùng gia đình chứ không mở rộng.

Quy ước được đề ra từ xưa đến nay được người dân đánh giá là chưa có nhược điểm nào.

Quy ước được sự ủng hộ của người dân

Lúc đầu người dân cũng thấy hơi kỳ lạ về quy định này, nhưng sau khi đưa vào làm thí điểm, thấy có lợi nên ai cũng phấn khởi vì nó đạt được nhiều mục đích. Trước đây việc khó khăn nhất vẫn là công tác tuyên truyền đối với người dân địa phương, mọi người quan niệm: “sống nhờ đất chết phải về với đất” nhưng đến bây giờ người dân đã thấy được những mặt tích cực mà quy ước mang lại nên đã không phản đối, thay vào đó là ủng hộ cũng như tuân thủ quy ước rất tốt.

Đây là một quy ước mang tính tích cực cần phải được duy trì và phát triển.  Nó không chỉ mang lại nhiều thuận lợi trước mắt mà còn ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sau này của người dân trong thôn và cả thị xã.

Chủ đề chính: #Quy_ước

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn