Mỹ Hằng Những gì chính mình còn không hiểu, thì đừng viết cho người khác đọc.

Kiềm chế cái tôi cá nhân để tránh những xung đột không đáng có

Đăng 7 năm trước

Chúng ta thường mắc những sai lầm vì không chế ngự được cái tôi cá nhân của bản thân mình. Nhưng làm thế nào để kìm chế nó? Chúng tôi sẽ cho bạn câu trả lời.

Khi tôi 18 tuổi, trong một lần nói chuyện với mẹ, tôi đã nói rằng: "Mẹ chẳng hiểu con gì cả". Và mẹ đã đánh tôi. Tôi sợ hãi, nhưng cũng rất tức giận, tôi đã bỏ đi. Chiều tối, tôi mò về nhà và trông thấy mẹ ngồi thẫn thờ chờ tôi ở cổng, nước mắt ngắn dài. Mẹ nói: "Vào ăn cơm đi con". Sau lần đó tôi không bao giờ nói những câu tương tự như vậy với mẹ.

Thế nhưng điều đó cứ khiến tôi ấm ức mãi. Vì sao mẹ lại đánh tôi? Lúc đó mẹ nói rằng vì tôi hỗn láo với mẹ. Nhưng các bạn thấy đấy, tôi không hề hỗn láo, câu từ tôi dùng không có từ nào xúc phạm đến mẹ. Vậy lí do là gì?

Câu hỏi ấy đến khi 20 tuổi tôi mới có thể trả lời được.

CÁI TÔI CÁ NHÂN TRONG GIA ĐÌNH: KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ VÀ XUNG ĐỘT NGẦM

Các vị phụ huynh luôn sợ nhất khi con cái của mình đến tuổi dậy thì. Đó là thời kì chúng như một quả bom chỉ muốn "nổ tung". Chúng sống một cách nổi loạn, chúng trở nên ương bướng và không tuân theo bất cứ sự sai khiến nào, thậm chí chúng còn hay cãi lại bố mẹ. Tâm lý của trẻ vị thành niên luôn luôn muốn xã hội và kể cả bố mẹ phải công nhận rằng chúng đã lớn, có ý kiến riêng, có lập trường riêng. Nhưng trái ngược với suy nghĩ to tát và vĩ đại hóa bản thân của chúng thì thật sự chúng chỉ là những đứa con nít nổi loạn không định hướng. Nhưng chúng cần được "tôn trọng quyền tự do cá nhân và riêng tư". Rất nhiều bố mẹ sẽ cảm thấy xa cách con mình khi chúng đến tuổi sắp trưởng thành. Chúng ít nói hơn, chẳng kể chuyện gì ở trường lớp cho bố mẹ nghe, đứa thì suốt ngày lông nhông ngoài đường, đứa thì cứ đóng chặt cửa phòng và ở lì trong đấy. Bố mẹ chỉ biết nhìn qua khe cửa và thở dài: "Nó thay đổi nhanh quá".

Thế nhưng điều tệ hại hơn, lúc này bố mẹ lại hay đem con cái của mình so sánh với bạn bè của chúng: " Xem con nhà người ta kia kìa". Vâng, cụm từ "con nhà người ta" luôn là một cụm từ gây nên sự ức chế khó mà nuốt trôi được. Với khoảng cách thế hệ, các thành viên trong gia đình dần tạo ra những xung đột ngầm. Có người biết kiềm chế, có người không kiềm chế được sẽ tạo nên những mâu thuẫn không đáng có.

Mỗi người đều có một phạm trù gọi là "cái tôi cá nhân", "cái tôi" đó chính là đặc trưng bản thể của mỗi con người, nó được hình thành từ khi chúng ta ý thức được rằng mình đang tồn tại, phát triển đỉnh điểm ở tuổi dậy thì và có sự suy giảm về sau. Tức là chúng hình thành và tồn tại mãi chứ không hề mất đi, chỉ có thể giảm bớt. Cái tôi cá nhân của mỗi người luôn muốn khẳng định mình, nâng mình lên vị thế cao hơn so với người khác. Có thể tưởng tượng rằng chúng phát triển và nổi dậy cùng lúc với các nội tiết tố (estrogen đối với nữ và testosteron đối với nam) hình thành nên tính dục của cơ thể.Trong giai đoạn tuổi dậy thì, cái tôi cá nhân dễ bị mất kiểm soát vì chủ thể của chúng chưa có ý thức để kiểm soát được nó. Hành động của trẻ vị thành niên dễ đi ngược lại với lý trí và bị cái tôi cá nhân điều khiển. Vào thời điểm đó, cái tôi cá nhân có nhu cầu được công nhận: "tôi có tài năng, tôi xinh đẹp, tôi quyết đoán, tôi có thể làm được việc này và cả việc đó nữa. Mọi người phải công nhận tôi." 

Thế nhưng điều hơi buồn là hầu hết các bố mẹ hoàn toàn không hiểu được điều này. Họ tỏ ra buồn phiền và đau đầu vì càng ngày con mình càng khó bảo, chúng chỉ làm những gì chúng muốn mà đôi khi lờ đi sự có mặt của bố mẹ. Hơn nữa bố mẹ còn phải đi làm, và bao nhiêu mối lo của người trưởng thành. Bố mẹ cũng có cái tôi cá nhân của bố mẹ, có điều nó khác với các con. Cái tôi của bố mẹ luôn cho rằng suy nghĩ của mình là đúng và áp đặt nó lên con cái của mình:

" Cá không ăn muối cá ươn / Con cãi bố mẹ trăm đường con hư"

 Bố mẹ cho rằng mình là người đi trước, cách con cái mình đến hàng chục năm, mọi điều bố mẹ nói đều đúng.

Cái tôi cá nhân đặt chủ thể của nó ở những vị trí đối nghịch nhau. Nếu họ không tự đặt mình vào suy nghĩ của người kia, ắt sẽ gây ra mâu thuẫn.

Nếu so sánh giữa bố mẹ và con cái, rõ ràng bố mẹ là người thấu hiểu hơn quy luật phát triển tâm sinh lý của con cái họ. Vì vậy, bố mẹ cần định hướng cho cái tôi cá nhân của con mình, tránh cho chúng sự thể hiện bản thân một cách lệch lạc. Vấn đề là so với lượng tri thức tiếp nhận thì bố mẹ lại không bằng con cái, sự cách biệt mấy mươi năm cũng đã khiến lượng kiến thức của nhân loại biến đổi bao nhiêu lần. Thời của bố mẹ hoàn toàn không có smartphone, không có mạng xã hội và những biến động công nghệ lớn lao làm thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người. Đó là điều khó khăn để bố mẹ có thể đặt mình vào vị trí của các con mình vì đôi khi họ sẽ không hiểu thế giới bây giờ đổi khác như thế nào. Họ vẫn sống với những quan niệm cũ của mình và cái nhìn của thời cũ. Bạn thử nói với họ về lừa đảo qua facebook hay bán hàng qua mạng xem. Chắc chắn có nhiều vị phụ huynh sẽ không hiểu, thế thì đòi hỏi họ hiểu thế giới của bạn, cuộc sống của bạn, liệu có khó khăn cho họ?


Quay trở lại câu chuyện của tôi, các bạn có biết vì sao mẹ đánh tôi mặc dù tôi không hề có ý xúc phạm bà, có hai nguyên do:

- Nguyên do thứ nhất: Bà cho rằng tôi nói bà "không hiểu tôi" là coi thường bà. Mẹ tôi cho rằng "không hiểu" là "không biết", không có kiến thức, không có hiểu biết mặc dù nghĩa của hai từ này hoàn toàn khác nhau. Còn ý của tôi, "không hiểu" chính là "không cảm thông", không "đồng cảm". Ý nghĩ của mẹ khác ý nghĩ của tôi vì thế dẫn đến hiểu sai vấn đề.

- Nguyên do thứ hai: Cái tôi cá nhân của bà khác tôi, bà cho rằng " thương cho roi cho vọt/ ghét cho ngọt cho bùi". Mẹ coi đánh đập là hình thức dạy dỗ tôi nên người. Đánh tôi đồng nghĩa với việc mẹ thương tôi. Còn cái tôi cá nhân của tôi lại cho rằng: Đánh đập là việc làm gây tổn thương tinh thần cho con cái, không phải là hình thức dạy dỗ phù hợp". Như vậy, nhân sinh quan của tôi và mẹ khác nhau. Cái tôi cá nhân của mẹ hoàn toàn đối nghịch với cái tôi cá nhân của tôi và chẳng ai chịu nghe ai. Ai cũng nghĩ mình là đúng.

Điều đó cho thấy muốn có được sự hòa hợp, những thế hệ trong gia đình phải có sự hiểu biết về cái tôi cá nhân của nhau. Từ đó đặt mình vào vị trí của người khác và dung hòa nó. Chỉ có như vậy mới có thể kéo gần khoảng cách thế hệ và tránh được những xung đột và mâu thuẫn không đáng có.

CÁI TÔI CÁ NHÂN TRONG TÌNH YÊU: KÌM HÃM VÀ PHÁT TRIỂN

Đã bao giờ bạn muốn quay lại với người yêu cũ vì bạn lỡ nói lời chia tay nhưng lòng tự tôn của bạn không cho phép? Tự nhủ rằng " Không, không, mình không cần anh ta, nếu mình níu kéo, anh ta sẽ coi thường mình".

Trong tình yêu, cái tôi có hai loại: cái tôi phát triển và cái tôi kìm hãm.

"Cái tôi phát triển" làm cho mối quan hệ của bạn rạn nứt dần. Khi bạn đòi hỏi người yêu phải đáp ứng cho bạn cái này cái kia, bạn cho rằng nửa kia có người yêu như bạn là một may mắn và bạn cho mình quyền đòi hỏi sự chiều chuộng quan tâm theo như ý muốn của bạn. Lúc đó cái tôi cá nhân đã lấn át luôn tình yêu của bạn. Bạn cần người phục vụ và vuốt ve cái tôi cá nhân của bạn chứ không phải là tình yêu thực sự. Giả sử người yêu (hoặc chồng) bạn say xỉn và về nhà lúc nửa đêm trong tình trạng nôn ói khủng khiếp. Bạn lao ra mắng nhiếc thậm tệ sau đó bỏ mặc anh ấy và đi về phòng. Như vậy, bạn có cái tôi cá nhân quá lớn. Bạn chỉ muốn người khác làm theo ý của bạn mà không cần quan tâm anh ấy có cảm nghĩ gì. Cái tôi phát triển sẽ giết chết mối quan hệ của bạn nếu một trong hai người không chịu hạ nó xuống.

Ngược lại, "cái tôi kìm hãm" lại giúp phát triển và hàn gắn mối quan hệ. Mỗi người nhường nhịn nhau một chút. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Như cổ nhân ta đã từng có câu: 

"Chồng giận thì vợ bớt lời / Cơm sôi bớt lửa biết đời nào khê."

Cũng trong tình huống trên, nếu bạn kìm hãm được cái tôi cá nhân, bạn sẽ thay đồ cho anh ấy và có thể pha thêm cho anh ấy một cốc nước chanh giải rượu. Bất luận thế nào, anh ta cũng sẽ cảm kích hành động đó của bạn, vì bạn đã không quá đề cao bản thân mà đánh mất đi tình yêu của mình. Biết suy nghĩ cho người khác. 

Đối với nam giới cũng vậy, bớt gia trưởng đi một chút, biết chia sẻ công việc nhiều hơn một chút, phụ nữ sẽ luôn cảm thấy không lẻ loi bên cạnh người đàn ông của mình. Tất yếu sẽ chăm lo hết mực cho gia đình, tạo nên mái ấm hạnh phúc.

CÁI TÔI CÁ NHÂN TRONG CÔNG VIỆC: BIẾT NGƯỜI BIẾT TA - TRĂM TRẬN TRĂM THẮNG

Bất cứ ai khi đi làm, cũng đều muốn sếp công nhận tài năng của mình và được đối xử tốt. Sự công nhận sẽ làm bạn trở nên hào hứng và cống hiến hết mình cho công việc. Cái tôi cá nhân của bạn cho rằng bạn làm việc cho sếp chính là hợp tác 1-1 đôi bên cùng có lợi. Bạn cần sếp và sếp cũng cần bạn, đương nhiên. 

Thế nhưng thật sự là bạn sẽ ở vị trí "cần" việc hơn. Sếp tạo ra môi trường cho bạn làm việc, cho bạn công việc, hướng dẫn và đào tạo để bạn làm tốt. Sếp phải trả lương hàng tháng cho bạn và hàng tá các chi phí về mặt bằng, máy móc, cơ sở vật chất, thuế má, vân vân và vân vân. So với bạn, sếp phải mang một gánh nặng rất lớn để duy trì và phát triển công ty. Sếp có cả tá công việc và áp lực gấp trăm gấp ngàn lần của bạn. Như vậy bạn không thể đòi hỏi sếp lúc nào cũng phải nhã nhặn và lịch thiệp đối với bạn, hay phải nhìn thấu được khả năng của bạn mà đôi khi khả năng ấy cũng không xuất sắc như bạn tưởng. Nếu bạn đặt mình vào vị trí của sếp, có thể bạn cũng sẽ không còn đòi hỏi nhiều nữa đâu.

Tuy nhiên, cái tôi cá nhân cũng nên có lúc được sử dụng đúng lúc. Bạn là nhân viên không có nghĩa là bạn không có quyền ý kiến, sếp sai đâu thì đánh đó. Khi bạn cảm thấy có điều gì đó không thỏa đáng, hãy trao đổi trực tiếp với sếp để điều chỉnh lại. Khi bạn cảm thấy mình làm việc tốt hơn mong đợi và đóng góp nhiều cho công ty, hãy đề nghị sếp tăng lương. Và hãy đóng góp ý kiến để công việc của bạn được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Nếu sếp cố tình trù dập bạn thì chắc chắn là bạn không nên làm việc ở đó nữa rồi. 

Cuối cùng, thay cho lời kết, tặng bạn một đoạn video rất ý nghĩa và cảm động bên dưới của đạo diễn Hoàng art. Chúc bạn biết cách kiềm chế cái tôi cá nhân và có khoảng thời gian dạo chơi vui vẻ tại OhayTV nhé!

_______________

Mỹ Hằng

( Ghi rõ tên tác giả nếu có bất kì sự sao chép nào từ OhayTv)

Xem thêm các bài viết khác của tôi tại đây.

Chủ đề chính: #kiềm_chế_cái_tôi_cá_nhân

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn