Vô Úy

Kim chỉ nam mỗi khi cần đưa ra lựa chọn

Đăng 5 năm trước

Nhiều khi đứng trước các lựa chọn, ta thường cảm thấy đắn đo, lo sợ vì không biết nên chọn điều gì là đúng. Vậy có công thức nào để luôn đưa ra những quyết định chính xác hay không?

Quan niệm thông thường về các lựa chọn

Trước tiên ta cần định nghĩa được thế nào là quyết định đúng đắn, quyết định sai lầm là cái chi đã. Thông thường, có lẽ bạn sẽ cho rằng quyết định đúng đắn là quyết định dẫn tới những điều tốt đẹp, và quyết định sai là quyết định dẫn bạn tới những thứ kinh khủng? Ví dụ, bạn đang lên kế hoạch để có một chuyến du lịch, bạn phân vân giữa đi chơi núi hay là đi tắm biển. Kịch bản thứ nhất: sau một hồi đắn đo,bạn quyết định sẽ đi chơi biển. Hôm đó trời nắng đẹp, biển trong xanh, gió hiền lành, và bạn có những trải nghiệm tuyệt vời. Bạn sẽ cho quyết định đi biển là một lựa chọn chuẩn xác. Ở một diễn biến khác, bạn lựa chọn đi leo núi. Trời hôm đó âm u và hơi mưa, đất lầy lội khó đi khiến bạn bị vồ ếch vài lần. Chán nản, bạn quyết định về sớm hơn dự định và tuyên bố chọn leo núi là lựa chọn sai lầm nhất trong cuộc đời!

Bạn có thường nghĩ về các lựa chọn theo cách đó không? Nếu đúng là vậy, thì tin buồn là, chẳng có công thức nào giúp ta có lựa chọn chính xác cả. Bởi vì, thứ duy nhất mà ta làm chủ được, đó là chọn cái gì. Còn những gì sẽ xảy đến thì nằm ngoài khả năng hiểu biết của ta. Trở lại với ví dụ trên, sửa lại kịch bản một chút, ta sẽ có hai câu chuyện hoàn toàn khác. Với quyết định leo núi, buổi sáng hơi mưa nhỏ nhưng sau đó tạnh và trời hửng nắng, điều đó khiến không khí rất mát mẻ, đường khô dễ đi, bạn gặp nhiều loài hoa lạ rất đẹp mà bạn chưa từng gặp trước đó. Ngoài ra, bạn còn tình cờ gặp một nhóm dã ngoại khác, họ rất thân thiện và chia sẻ với bạn những bức ảnh mà họ đã chụp được và còn mời bạn vài món đặc sản địa phương. Giờ thì, quyết định leo núi rõ là rất đúng đắn. Ở chiều ngược lại, biển hôm đó bị đục và có thông tin xuất hiện nhiều sứa ở gần bãi biển vàdu khá ch được khuyên không nên xuống tắm. Bạn bực bội quay lại khách sạn thì có một sự cố nhỏ khiến khách sạn mất điện 15 phút, ngay đúng lúc khi bạn đang xem chương trình truyền hình trực tiếp trên TV đang vào hồi gay cấn nhất. Có lẽ quyết định đi biển không còn chuẩn lắm nữa rồi.

Một định nghĩa khác về đúng và sai

Nhiệm vụ của mỗi lựa chọn là dẫn tới các lựa chọn khác để ta tiếp tục… chọn lựa. Cuộc đời con người là kết quả của một chuỗi các lựa chọn từ khi sinh ra cho tới khi nhắm mắt đi sang thế giới bên kia. Ta không thể lường hết mọi khả năng có thể xảy ra. Vậy thì, nếu mỗi lần lựa chọn mà bạn cảm thấy hoàn toàn thoải mái, tự tin và không hối tiếc thì sao? Nếu làm được như vậy, hẳn là ta sẽ có “cả một đời hạnh phúc”. Có thể coi như đó là quyết định đúng đắn.

Lựa chọn đúng khiến bạn thấy bình an và bạn không hối tiếc về nó 

Ngược lại là quyết định sai. Sau khi đã lựa chọn, bạn vẫn luôn băn khoăn rằng nếu lúc đó mình quyết định khác đi thì sẽ thế nào? Biết thế… giá mà… là các từ lặp đi lặp lại trong suy nghĩ của bạn. Khi bạn đưa ra một quyết định mà trong bạn có nhiều thắc mắc, câu hỏi, tiếc nuối... thì đó là quyết định sai. Luôn làm ngược lại những mong muốn của bản thân sẽ dẫn đến “cả một đời ai oán”. 

 Lựa chọn sai khiến bạn luôn thấy bất an và hối tiếc

Làm sao đưa ra quyết định đúng

Nhà tâm lý học người Mỹ - Carl Rogers đã viết trong cuốn sách Tiến trình thành nhân của mình rằng, những con người có “đời sống đẹp” thì đưa ra quyết định bằng cả cơ thể. Ta có thể xem xét ý tưởng này. Thông thường chúng ta chỉ dùng cái đầu để suy nghĩ, nói cách khác, chúng ta dùng lý trí để đưa ra quyết định dựa trên những nguyên tắc, những hướng dẫn v.v… do ai hay do cộng đồng định hướng. Nhưng thật ra chúng ta có một phương tiện hiệu quả hơn rất nhiều., đó là chính là cơ thể. Thử nghĩ xem cơ thể của chúng ta tinh vi đến mức nào? Cơ thể thực hiện được  rất nhiều chức năng cùng lúc: khi bạn đang đọc dòng này thì tim vẫn đập để đưa máu đi khắp nơi trong cơ thể bạn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa vẫn làm việc vô cùng hiệu quả cho dù bạn không hề biết nó hoạt động ra sao. Khi bạn thư giãn, nó tự biết thở chậm lại, khi bạn vận động mạnh, nó tự biết tăng nhịp thở lên, tự mắt ta biết chớp bao nhiêu nhịp một phút là đủ. Khi ta ngủ, cơ thể tự điều chỉnh để những bộ phận nào được nghỉ ngơi, bộ phận nào tiếp tục làm việc. Cơ thể còn có cơ chế điều khiển tự động để hệ miễn dịch tiêu diệt các vi khuẩn, virus xâm nhập; loại bỏ các tế bào hư hỏng để ta k hông mắc ung thư v.v… Nói chung, cơ thể bạn là một bộ máy vô cùng tinh xảo, nó biết điều gì là nên và không nên cho bạn. Vậy thì có thể rút ra là, thay vì chỉ dùng đầu để suy nghĩ, hãy lắng nghe toàn bộ cơ thể và hành động theo những gì cơ thể mách bảo. Hãy xem lựa chọn nào mang lại sự cân bằng, an lạc bên trong bạn, thì đó là lựa chọn đúng. Ngược lại, lựa chọn sai khiến cơ thể bạn có những phản ứng tiêu cực, bạncảm thấy bất an, khó chịu, bối rối v.v…

Tuy nhiên, cần nói rõ rằng, việc để cơ thể đưa ra quyết định không có nghĩa là buông thả theo những thói quen. Sự an lạc, cân bằng... không giống như khoái lạc nhất thời. Dưới đây là một số cách thực hành để chúng ta có cách hiểu đúng đắn về tiếng nói của cơ thể.

Một số phương pháp thực hành

Hiểu được những khía cạnh quan trọng với bản thân 


Mỗi người có những mong muốn, ước mơ khác nhau. Bạn cần hiểu được với bản thân mình, điều gì là quan trọng. Có thể với người này sự thăng tiến, lương thưởng là quan trọng,trong khi với người khác thì được làm công việc mình yêu thích mới đáng để chọn lựa. Nếu bạn vẫn khó khăn trong việc thấu hiểu những ước ao của bản thân thì thử tham khảo phương pháp sau, nó có tên là Thiền xác chết, vì bạn sẽ nằm im như xác chết vậy: mỗi sáng, trước khi thức dậy, đừng ra khỏi giường vội mà hãy thả lỏng cơ thể, nằm ngửa, nhắm mắt, tay và chân dang ra một cách tự nhiên. Nằm như vậy trong 5 phút và thử nghĩ xem ngày hôm nay nếu là ngày cuối đời, mình sẽ làm gì. Bạn sẽ thấy có những mong muốn, khát khao nổi trội - điều mà bạn muốn làm nhất trồi lên. Thực hiện một phương pháp này một thời gian và ghi chép lại, bạn sẽ thấy bản thân mình có xu hướng muốn làm những việc gì, chúng có chung tính chất gì. Đó chính là những khía cạnh quan trọng với bạn nhất.

Tăng cường sự nhạy cảm với toàn cơ thể 

Khi còn là trẻ con chúng ta rất nhạy cảm với cơ thể mình, nhưng càng lớn thì dường như ta càng xa cách với chính cơ thể. Có một số phương pháp có thể giúp ta kết nối lại, nhạy cảm hơn với cảm giác của chính mình. 

  • Thiền định: Một số kỹ thuật thiền hướng đến việc ghi nhận mọi sựkiện diễn ra trong hiện tại, bao gồm cả các cảm giáctrên cơ thể, như thiền Vipassana là một ví dụ. 
  • Chú ý vào cảm xúc của mình khi hành động: khi làm bất cứ một việc gì, hãy để ý cảm xúc của bạn khi làm việc đó. Như khi uống nước, để ý xem bạn cảm thấy thế nào khi uống nước, chứ không chỉ tập trung vào hành động uống nước. 

 KẾT LUẬN

Như vậy, công thức để có những quyết định đúng đắn là tin tưởng vào quyết định của mình. Nếu chỉ dùng cái đầu để suy nghĩ, bạn sẽ mất cân bằng. Luôn lắng nghe để biết những phản ứng của toàn cơ thể. Nếu bạn “cảm thấy đúng”, hãy dũng cảm, tự tin nắm lấy và tự tin vào bản thân.

Chú ý: bài viết mang tính chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, độc giả cân nhắc trước khi thực hiện theo. Chính xác là, độc giả hãy "lắng nghe cơ thể mình" xem có nên tin những gì tác giả đã viết không :D

Chủ đề chính: #kỹ_năng_ra_quyết_định

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn