thaonhihd34

Làm mẹ, một cơn ác mộng mà tôi sẽ không bao giờ thoát ra được

Đăng 7 năm trước

Làm mẹ tại Việt Nam luôn là một thiên chức hết sức cao quý nhưng không phải nước nào cũng có quan điểm như vậy.

Năm học mới đã bắt đầu được khoảng hai tuần. Những ngày này, câu chuyện của các bậc phụ huynh thường xoay quanh chủ đề việc học hành, các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giải trí … của con cái.

Thế nhưng, trên tờ báo Libération ra ngày 12/09/2016 lại có bài viết với tiêu đề “Làm mẹ, một cơn ác mộng mà tôi sẽ không bao giờ thoát ra được”, nói về một thực trạng tại Đức, một nước mà 40% phụ nữ trên 40 tuổi và có trình độ từ đại học trở lên không sinh con.

Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến công bố tại Đức vào tháng 07/2016, 20% các bậc phụ huynh được hỏi tỏ ra hối tiếc vì đã sinh con. Cho dù họ rất yêu con cái, họ cho rằng quyết định sinh con là một sai lầm. Nếu được phép lựa chọn lại, họ đều trả lời không muốn có con.

Cuộc tranh luận ở Đức được thổi bùng lên từ sau nghiên cứu của bà Orna Donath, nhà xã hội học người Israel, vào năm 2015. Bà Donath đã phỏng vấn 20 bà mẹ từ 20 đến 70 tuổi. Tất cả đều tuyên bố nếu cho phép họ làm lại, họ sẽ chọn không sinh con. Họ có cảm giác một khi có con, họ không bao giờ còn có thể sống vô lo vô nghĩ như trước đây, kể cả khi con cái đã trưởng thành và ra ở riêng.

Nếu ở Israel, cuộc tranh luận khép lại chỉ sau 1 tuần thì ở Đức, cuộc tranh luận kéo dài đến vài tháng. Rất nhiều tác phẩm xoay quanh chủ đề này đã ra đời, chẳng hạn hai cuốn sách “Lời nói dối về niềm hạnh phúc được làm mẹ” của Sarah Fischer, “Khi làm mẹ không mang lại hạnh phúc” của Christina Mundlos. Kèm theo đó là rất nhiều bài báo, các cuộc tranh luận trên truyền hình và trên trang xã hội Twitter…

Một giáo sư văn học và triết học ở Đức, tác giả của một cuốn sách về cuộc sống của các bà mẹ ở nước này cho biết : “Ở Đức, sinh con và làm mẹ có nghĩa là hy sinh tuyệt đối bản thân”, và cách duy nhất để tránh khỏi sức ép này là không sinh con.

Trên thực tế, ở Đức, bác sĩ nhi khoa khuyến khích các bà mẹ phải cho con bú hoàn toàn và cho con ngủ chung với mẹ đến khi con được 6 tháng tuổi, mẹ phải tự tay chế biến đồ ăn sạch cho con, không được thuê người trông con khi con dưới 1 tuổi và cũng rất khó tìm được người trông con cho đến khi con được 3 tuổi, ... Khi con đến tuổi đi nhà trẻ, nhà xã hội học Christina Mundlos nhận xét, các yêu cầu dành cho bà mẹ hoặc do các bà mẹ tự đặt ra cho mình nhiều vô cùng. Nào là mẹ phải tự tay làm các đồ chơi hoặc đồ ăn cho con mang đến các sự kiện ở lớp chứ không được mua hàng bán sẵn. Nào là mẹ phải tự nguyện tham gia trông coi thư viện ở trường … Nếu ai không tôn trọng “bộ luật bất thành văn”dành cho các bà mẹ, chẳng hạn như đi làm tất cả các ngày trong tuần, thì sẽ bị giễu cợt bằng cái tên “bà mẹ quạ”.

Nhà xã hội học Barbara Vinken giải thích là trong một xã hội theo đạo Tin Lành như ở Đức, người mẹ là người chữa lành các vết thương của xã hội, không phải nhà thờ mà chính gia đình là nơi chốn của lòng vị tha, nhân từ.

Thế nhưng, cũng theo quan niệm lịch sử, phụ nữ chỉ ở nhà nội trợ, chăm sóc con lại bị coi là đòn đáp trả cho chế độ cộng sản trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Trước những áp lực trái chiều như vậy, 50% phụ nữ Đức chọn giải pháp đi làm một nửa thời gian. Đức là 1 trong các nước có tỉ lệ phụ nữ ở nhà làm nội trợ thấp nhất Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế OECD.

Nhưng giải pháp tốt nhất để tránh mọi áp lực, ràng buộc khi làm mẹ là không sinh con. Kết quả là Đức là nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới và tỉ lệ phụ nữ trên 40 tuổi, có trình độ từ đại học trở lên nhưng không có con cao nhất thế giới.

Theo vi.vfi.fr

Chủ đề chính: #làm_mẹ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn