Nghiên cứu Kinh tế Nghiên Cứu Kinh Tế là chuyên trang thông tin về lĩnh vực kinh tế, bao gồm các bài viết tin tức, học thuật, phân tích & phản biện, tài liệu kinh tế. Website: https://nghiencuukinhte.org/

Lạm phát và thất nghiệp: Sự sụp đổ của đường cong Phillips

Đăng 6 năm trước

Nhiều tín đồ đường cong Phillips vẫn tin rằng lạm phát và thất nghiệp có mối quan hệ nghịch, khi thất nghiệp giảm thì lạm phát sẽ tăng cao, và ngược lại. Rất nhiều giảng viên đại học tại Việt Nam đã giảng cho sinh viên như thế (hoặc không làm rõ đường cong Phillips ngắn hạn và dài hạn, gây ra ngộ nhận cho sinh viên).

PHÂN TÍCH VÀ PHẢN BIỆN

Nhiều tín đồ đường cong Phillips vẫn tin rằng lạm phát và thất nghiệp có mối quan hệ nghịch, khi thất nghiệp giảm thì lạm phát sẽ tăng cao, và ngược lại.  Rất nhiều giảng viên đại học tại Việt Nam đã giảng cho sinh viên như thế (hoặc không làm rõ đường cong Phillips ngắn hạn và dài hạn, gây ra ngộ nhận cho sinh viên). Cần phải biết rằng lạm phát và thất nghiệp là hai yếu tố tác động lớn đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Vì thế, việc hiểu rõ về chúng rất quan trọng. Bất cứ sự ngộ nhận hay tư duy lệch lạc nào trong việc hoạch định chính sách cũng đều tiềm ẩn nguy cơ cho một cuộc khủng hoảng.

Lạm phát và thất nghiệp có tỷ lệ nghịch với nhau không?

Câu trả lời là: Không. Không có sự đánh đổi nào giữa lạm phát và thất nghiệp. Lạm phát tỷ lệ nghịch với thất nghiệp, theo tôi, là một trong những tư duy kinh tế sai lầm nhất trong thế kỷ XX. Nó gây ra ngộ nhận rằng “muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp thì ngân hàng trung ương cần phải in thêm tiền”. Nếu thực vậy, nền kinh tế của Zimbabwe và Venezuela đã không phải khốn đốn như bây giờ.

Lập luận “tỷ lệ lạm phát cao có liên hệ với tỷ lệ thất nghiệp thấp và ngược lại” được đưa ra bởi nhà kinh tế học William Phillips, sau này được biết đến như đường cong Phillips (Phillips Curve). Có một thời gian người ta đã tin rằng mối tương quan lịch sử này là có cơ sở và bền vững. Thực tế, dữ liệu trên đồ thị cũng thể hiện hai thành phần này nghịch nhau. Nhưng nếu nhìn vào đó mà kết luận nó nghịch nhau thì quả là sai lầm. Tại sao? Trước hết, ta cần bắt đầu với: Cung – cầu trong vấn đề nhân công và Đường cong Phillips.

Cung – cầu trong vấn đề nhân công

Nền kinh tế tư bản hoạt động dựa trên nguyên lý cung - cầu. Khi nguồn cung giảm thì giá cả sẽ tăng lên, và ngược lại. Mối tương quan nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp (về trực giác) có thể dễ dàng chỉ ra dựa trên nguyên lý cung – cầu đó. Cụ thể ở đây là nhân công và tiền lương, khi thất nghiệp giảm (cung) thì lạm phát tiền lương sẽ tăng cao, và ngược lại.

Nếu xem tỷ lệ lạm phát tiền lương (tỷ lệ biến thiên của đồng lương) là đại diện cho tỷ lệ lạm phát chung về giá trong một nền kinh tế. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, lượng người đi xin việc (cung) nhiều hơn lượng công việc hiện có (cầu). Lúc này, cung vượt quá cầu. Kết quả, doanh nghiệp không bị áp lực phải tăng lương để giữ chân người lao động. Tiền lương rơi vào trạng thái “bão hòa” và lạm phát tiền lương vì thế sẽ không diễn ra.

Ngược lại, khi tỷ lệ thất nghiệp thấp (cung), nhu cầu về nhân lực (cầu) của những người thuê lao động tăng lên. Lúc này, doanh nghiệp sẽ không ngần ngại đưa ra mức lương cao để thu hút lao động, gây ra lạm phát tiền lương.

Đường cong Phillips

A.W.Phillips là một trong những nhà kinh tế học đầu tiên tìm cách chứng minh mối tương quan nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp. Phillips đã nghiên cứu rất nhiều về mối quan hệ giữa tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp của nước Anh trong suốt gần một thế kỷ (từ 1861 đến 1957). Cuối cùng, ông phát hiện rằng giữa 2 tỷ lệ này có sự đánh đổi (!?).

Đánh đổi của thất nghiệp lên tiền lương

Giả thiết ông đưa ra là khi nhu cầu về nguồn lực tăng cao, lao động trở nên khan hiếm, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng đưa ra mức lương cao hơn để thu hút người lao động. Tuy nhiên, khi nhu cầu về nguồn lực giảm, thất nghiệp tăng cao thì người lao động sẽ miễn cưỡng chấp nhận mức lương thấp hơn những gì họ đáng được thụ hưởng. Vì thế, tỷ lệ tăng trưởng tiền lương sẽ giảm dần.

Đánh đổi của tiền lương lên thất nghiệp

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến sự thay đổi của tỷ lệ tăng trưởng tiền lương là sự thay đổi trong tỷ lệ thất nghiệp. Khi nền kinh tế phát triển mạnh, doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, họ sẵn sàng trả lương hậu hĩnh trong việc thuê lao động. Điều này làm tăng cao lượng cung lao động, và tỷ lệ thất nghiệp sau đó nhanh chóng giảm xuống. Ngược lại, khi doanh nghiệp kinh doanh không tốt, lương người lao động không tăng hoặc tăng rất chậm, nhu cầu thuê lao động giảm thì tỷ lệ thất nghiệp trở nên tăng cao.

Giả thiết trên của Phillips mô tả một mối tương quan khá phi tuyến giữa thất nghiệp và lạm phát tiền lương, dưới biểu đồ phân tán của hai biến, vẽ ra ba giai đoạn tách biệt của nước Anh từ 1861 đến 1957. Những đường cong tạo nên mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát chung về giá (hay đúng hơn là lạm phát tiền lương) đã làm nên đường cong Phillips nổi tiếng.

Dữ liệu về lạm phát tiền lương mà Phillips sử dụng cũng có thể mô tả cho lạm phát chung về giá. Vì tiền lương nhân công cũng nằm trong chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Tăng lương sẽ làm giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên theo, và đây chính là định nghĩa cơ bản nhất của lạm phát.

Trong thực tế, tuy nhiên, mối quan hệ lạm phát – thất nghiệp lại phức tạp hơn nhiều. Vào cuối thập niên 1960, một nhóm các nhà kinh tế đại diện cho trường phái trọng tiền, tiêu biểu là Milton Friedman và Edmund Phelps, đã đưa ra những phân tích và phản biện sắc bén rằng đường cong Phillips không thể ứng dụng trong dài hạn. Về mặt lâu dài, thất nghiệp sẽ trở lại.

Không có sự đánh đổi nào giữa lạm phát và thất nghiệp

Hãy xem xét việc ứng dụng đường cong Phillips trong dài hạn. Bằng bất cứ cách thức nào, việc gia tăng tỷ lệ lạm phát để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp chỉ được thể hiện trong ngắn hạn. Bởi cơ chế điều chỉnh tự nhiên của thị trường sẽ làm thất nghiệp quay trở lại, giai đoạn này được Paul Samuelson gọi là thời kỳ suy lạm phát (stagflation).

Trong ngắn hạn, tăng lương sẽ làm thu hút thêm lao động. Lúc này, nguồn cung lao động trở nên dồi dào, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu giảm. Tuy nhiên, người lao động sẽ dần nhận ra sức mua đồng lương của họ bị giảm vì lạm phát, và họ sẽ đề nghị một mức lương cao hơn để lương tăng kịp với giá. Nguồn cung lao động vì thế bắt đầu thu hẹp trong khi lạm phát tiền lương và lạm phát chung về giá vẫn tiếp tục tăng, thậm chí tăng nhanh hơn trước.

Việc tăng lạm phát để giảm thất nghiệp, trong dài hạn, không có lợi cho nền kinh tế. Tương tự, việc giảm tỷ lệ lạm phát cũng không làm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Vì lạm phát không ảnh hưởng lên thất nghiệp trong dài hạn nên đường cong Phillips trở thành đường thẳng đứng khi cắt trục hoành ở giá trị của tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên.

Đường cong Phillips dài hạn và đường cong Phillips ngắn hạn

Những phát hiện của Friedman và Phelps đã tách biệt “đường cong Phillips dài hạn” và “đường cong Phillips ngắn hạn”. Tại đường cong Phillips ngắn hạn, miễn là tỷ lệ lạm phát bình quân còn ổn định (như những năm 1960 tại Hoa Kỳ) thì lạm phát và thất nghiệp sẽ vẫn giữ quan hệ nghịch. Tuy nhiên, khi tỷ lệ lạm phát bình quân bị thay đổi bởi những nỗ lực đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn tỷ lệ tự nhiên, sau một thời gian thị trường tự điều chỉnh, thất nghiệp sẽ trở lại, và đó chính là đường cong Phillips trong dài hạn.

Sau này, đường cong Phillips nguyên thủy đã được bổ sung thêm một phiên bản khác, là sự kết hợp giữa đường cong Phillips ngắn hạn và đường cong Phillips dài hạn, với tên gọi “đường cong Phillips tăng cường – kỳ vọng” (expectations-augmented Phillips curve). Nghĩa là, khi lạm phát thực tăng thì lạm phát kỳ vọng cũng tăng theo. Cụ thể hơn, khi người lao động kỳ vọng vào đồng lương của mình có thể đuổi kịp lạm phát thực càng nhiều, thì tỷ lệ thất nghiệp (hiện tại) trở về tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên càng nhanh. Đồng thời, càng giảm khả năng thành công của chính phủ trong nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Đường cong Phillips tăng cường – kỳ vọng

Ban đầu, dựa vào đồ thị trên, đường cong Phillips ngắn hạn dốc xuống phía phải và cắt trục hoành ở giá trị của tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên tại A. Khi chính phủ nỗ lực đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức này, kỳ vọng sẽ dịch chuyển sang điểm B trên đường cong Phillips ngắn hạn: Thất nghiệp được giảm bằng sự đánh đổi lạm phát. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, người lao động nhận ra tiền công thực tế giảm do lạm phát, họ sẽ kỳ vọng mức lương cao hơn để lương tăng kịp với giá. Lúc này, họ sẽ giảm nguồn cung lao động, thậm chí tự nguyện thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp trở về tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên tại điểm C trong khi tỷ lệ lạm phát vẫn tăng cao. Tương tự, khi kỳ vọng tại C dịch chuyển sang D. Lập tức sau đó, D sẽ nhanh chóng trở về E.

Đó là lý do tại sao, trong dài hạn, lạm phát và thất nghiệp không ảnh hưởng hay có sự đánh đổi cho nhau. Nếu chính phủ tiếp tục thực hiện việc giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp hơn mức tự nhiên, cơ chế trên vẫn sẽ tiếp diễn. Hậu quả là, trong dài hạn, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức tự nhiên mà tỷ lệ lạm phát lại bị nâng lên liên tục. Vì vậy, đây là một chính sách thất bại.

Đường cong Phillips tăng cường – kỳ vọng ngày nay đã trở thành yếu tố chính của hầu hết mô hình dự đoán kinh tế vĩ mô hiện đại. Đưa Milton Friedman trở thành nhà kinh tế học vĩ đại và lỗi lạc nhất của thời đại, ông chính là nhà kinh tế của các nhà kinh tế.

Dự báo chính xác của Milton Friedman và sự sụp đổ của đường cong Phillips

Không giống như dữ liệu kinh tế của những năm 1960 (đã ủng hộ cho đường cong Phillips), dữ liệu từ sau năm 1970 đã chứng minh sự chính xác trong dự đoán của Friedman và Phelps, khi tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp không nghịch nhau mà đi cùng chiều nhau.

Nguồn: Cục dự trự liên bang Hoa Kỳ (Fed) tại St. Louis

Biểu đồ tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp của Hoa Kỳ trong những năm 1970 đã cho thấy dù tỷ lệ lạm phát của Hoa Kỳ đã tăng lên hai con số nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao không kém. Về khía cạnh lạm phát, giá cả tăng cao do nhiều nguyên nhân, bao gồm việc Fed giữ mức lãi suất thấp và những tác động ngoại sinh như “cú sốc giá dầu” bởi cấm vận trong năm 1973 và 1979. Còn về khía cạnh sản xuất, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và sự khốc liệt của cạnh tranh toàn cầu đã kìm hãm nền kinh tế Hoa Kỳ, khiến tốc độ tăng trưởng GDP không thể theo kịp tốc độ lạm phát.

Và thực tế, tình trạng tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp đi cùng chiều nhau đã diễn ra trong 3 thập kỷ liên tiếp sau đó. Phủ nhận sạch trơn mối tương quan nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp của William Phillips.

Trong khi giai đoạn những năm 1970 cho thấy tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ cùng tăng một cách song mã, thì giai đoạn bùng nổ kinh tế trong những năm 1990 chứng kiến tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp của Hoa Kỳ cùng rơi xuống mức thấp. Các nhà kinh tế đã đưa ra nhiều lý do giải thích cho sự kiện trên, như:

Các công ty sản xuất của Hoa Kỳ đã làm tăng cạnh tranh toàn cầu, nhờ đó lạm phát giá trở về trong tầm kiểm soát.

Việc giảm lạm phát kỳ vọng bằng chính sách tiền tệ thắt chặt. Tỷ lệ lạm phát đã giảm trong suốt hơn một thập kỷ.

Năng suất lao động tăng nhanh nhờ cải tiến quy mô công nghệ.

Sự thay đổi về nhân khẩu học, với nhiều em bé sinh ra hơn và số người trong độ tuổi thanh thiếu niên giảm.

Kết luận

Mối tương quan nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp trong đường cong Phillips chỉ có thể mô tả nền kinh tế trong ngắn hạn, đặc biệt khi tỷ lệ lạm phát trong trạng thái ổn định. Nó không thể ứng dụng trong dài hạn, vì cơ chế thị trường sẽ tự điều chỉnh tỷ lệ thất nghiệp về với tỷ lệ tự nhiên của nó.

Đường cong Phillips không phải “vị thuốc tiên” cho nền kinh tế, cũng không thể áp dụng nó để “chữa cháy” tình trạng khủng hoảng thất nghiệp của một quốc gia, thậm chí, nó còn gây hại cho nền kinh tế.

Bởi vì, giữa lạm phát và thất nghiệp không hề có sự đánh đổi.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn