Anns Nơi ghi chép những câu chuyện vụn vặt của cuộc sống

"Làm sao anh biết anh là một con người"

Đăng 2 năm trước
"Làm sao anh biết anh là một con người"

Ngày 25.10.2017, Sophia là robot đầu tiên trong lịch sử được chính quyền Saudi Arabia cấp quyền cấp công dân. Sophia không chỉ thông minh mà còn biết biểu hiện 62 sắc thái biểu cảm khác nhau trên gương mặt, có khả năng học hỏi từ những gì cô ấy nhìn thấy và giao tiếp được với con người. Trong cuộc phỏng vấn, một phóng viên hỏi: Liệu robot có nhận thức được mình là robot không? Sophia trả lời: Vậy tôi hỏi anh… làm thế nào anh biết anh là một con người?

Còn nhớ Voltaire đã hơn một lần đặt tay lên trái tim và tự hỏi: “Tôi đã từng muốn tự sát hàng trăm lần, nhưng không biết vì sao tôi vẫn yêu cuộc đời. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nhưng phải chăng vì đó lại chính là thứ không thể chối bỏ?” Sống không phải là một điều khó, nhưng sống thế nào để trọn vẹn là một con người có ý nghĩa mới thực sự khiến chúng ta trăn trở. Liệu có bao giờ chúng ta nhìn lại để ngẫm xem mình đã thực sự sống như một con người chưa? Hay tất cả chúng ta đều giật mình trước câu hỏi của robot Sophia: “Vậy tôi hỏi anh… làm thế nào anh biết anh là một con người?”?

Ngày 25.10.2017, Sophia là robot đầu tiên trong lịch sử được chính quyền Saudi Arabia cấp quyền công dân. Sophia không chỉ thông minh mà còn biết biểu hiện 62 sắc thái biểu cảm khác nhau trên gương mặt, có khả năng học hỏi từ những gì cô ấy nhìn thấy và giao tiếp được với con người. Trong cuộc phỏng vấn, một phóng viên hỏi: “Liệu robot có nhận thức được mình là robot không?”. Sophia trả lời: “Vậy tôi hỏi anh… làm thế nào anh biết anh là một con người?”. Câu trả lời của Sophia như một hồi chuông đánh thức trong chúng ta nhiều trăn trở thú vị và cũng đầy đau xót về vị thế cũng như sự nhận thức về vai trò của chính mình trong thời đại khoa học công nghệ ngày nay. Vậy chúng ta có gì khác với robot và vì sao ta nhận thức được mình là một con người?

Robot Sophia - "Làm thế nào anh biết anh là một con người?" (Nguồn ảnh: Internet)

Chúng ta là con người vì ta có cảm xúc. 

Trong một lần trả lời phỏng vấn cho cuốn tiểu thuyết “Biên niên ký chim vặn dây cót”, Haruki Murakami từng khảng khái nhận xét về “chiếc giếng cạn ở Nội Mông” rằng: “Nó toát lên một cái gì đó có thể gọi là 'sự vô cảm tuyệt đối'. Có cảm giác như chỉ cần ta rời mắt khỏi khung cảnh này, lập tức những vật vô tri sẽ càng vô tri hơn nữa. Sở dĩ vậy vì chính chúng ta có cảm xúc, chính cảm xúc là vũ khí mà con người cảm nhận thế giới”.

Quả thật vậy, con người trước hết là một thực thể sống bằng cảm xúc. Chúng ta biết sống vì mình và sẵn sàng hi sinh vì người khác. Mọi hành động, lời nói hay cử chỉ của con người đều bị chi phối bởi tình cảm và vì tình cảm. Sophia là một robot hiện đại, có thể biểu hiện sáu mươi hai sắc thái biểu cảm, nhưng liệu nó có thực sự hiểu và cảm nhận được ý nghĩa của từng loại riêng biệt? Hay chăng, những sắc thái ấy chỉ được lập trình trong những cảnh huống cụ thể, theo một sơ đồ tư duy sẵn có? Con người khác với robot ở chỗ, chúng ta có khả năng làm chủ cảm xúc, không chỉ biết thể hiện một cách chân thực mà còn biết kiềm nén những xúc cảm cá nhân vì lợi ích và hoàn cảnh chung của tập thể, vì tình trạng của người khác. Cảm xúc của con người là cảm xúc được kiểm soát bởi sức mạnh của lí trí, của tinh thần nhân văn và nhân đạo. Chính vì thế mà con người mới thực sự sống, thực sự phát triển.

Ngày 04.8.2020, khi chương trình truyền hình “Rap Việt” lần đầu lên sóng, cả cộng đồng mạng được một lần vỡ òa cảm xúc trước màn trình diễn “Người cha câm” của Hydra. Khi cảm nhận bài hát, mọi người đều ngỡ đó là cuộc đời thật của thí sinh, nhưng đây lại là ca khúc được viết nên khi Hydra xem đến ba lần bộ phim “Người cha câm” của Thái. Vậy mới thấy cảm xúc của con người mạnh mẽ đến thế nào. Nếu con người cũng như robot chỉ biết biểu hiện sắc thái cảm xúc lên mặt mà không thực sự hiểu và cảm nhận cảm xúc ấy liệu có thể viết nên một bài hát thay lời nhân vật trong bộ phim và giúp mọi người cảm nhận được tâm tư của người con ngay cả khi chưa từng xem qua bộ phim như vậy?

Hydra bùng nổ cảm xúc với "Người cha câm" (Nguồn ảnh: Internet)

Biết sống có lý tưởng, có mục đích và sẵn sàng theo đuổi đam mê đến cuối cùng. 

Tôi vẫn rất tâm đắc câu nói của Epik High: “Chỉ vì bạn còn thở, không có nghĩa là bạn đang sống”. Một cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người biết sống có lý tưởng, có mục đích và sẵn sàng theo đuổi đam mê đến cuối cùng. Dường như điều này không chỉ là sự khác biệt giữa con người và robot, mà còn là sự khác biệt giữa chính con người với nhau. Hãy gắn cho cuộc sống của mình một tên gọi, một bảng giá để bản thân không ngừng nỗ lực, không ngừng tiến lên. Chính ước mơ và lí tưởng là chòm sao Bắc Đẩu phía cuối chân trời, luôn hiện diện và soi đường trên hành trình chúng ta bước tiếp. Mục đích và lí tưởng không chỉ là lí do mà còn là động lực để cuộc sống không ngừng phát triển, đổi mới.

Chẳng vậy mà Anna Pavlova – huyền thoại của ballet cổ điển Nga đến cuối đời mắc phải căn bệnh phổi vẫn sẵn sàng đánh đổi sự sống chỉ để đứng trên sân khấu lần cuối cùng đó sao? Câu nói cuối cùng: “Hãy thay cho tôi bộ váy diễn và dìu tôi lên sân khấu” như một lời tuyên ngôn đanh thép cho lý tưởng và đam mê của đời mình. Mặt khác, sẵn sàng theo đuổi ước mơ không đồng nghĩa với việc cố chấp, mù quáng, mà là sẵn sàng thay đổi để hoàn thiện cuộc đời mình.

Anna Pavlovna Pavlova - "Chuẩn bị trang phục Swan của tôi..." (Nguồn ảnh: Internet)

Phá bỏ giới hạn của bản thân

Kể cả robot hay con người, ai cũng đều có một giới hạn của bản thân, đều phải thu mình trong một "thế giới quả trứng" bé nhỏ và chật hẹp. Thế nhưng, chúng ta là con người bởi chúng ta biết phá bỏ giới hạn của bản thân để đạt đến một tầm cao mới. Khả năng của con người là vô hạn, và chính vì con người có suy nghĩ, có khát khao và có quyền làm chủ chính mình nên chỉ có con người mới đủ sức và đủ kiên cường để vượt qua bản thân. Có chăng chính robot cũng là một bước ngoặt đánh dấu một lần con người dám phá bỏ giới hạn của mình đấy thôi. Sophia có thể học hỏi từ việc quan sát và giao tiếp với con người nhưng đó chỉ là một sự tiếp thu đơn thuần mà không có khả năng chuyển hóa, thích nghi và bức phá. Có lẽ chính việc dám phá bỏ giới hạn của bản thân là lí do mà thế giới không ngừng phát triển, phải chăng?

Còn nhớ ngày 24/10/2011 lần đầu tiên một người Việt Nam chỉ cao vỏn vẹn 90cm cùng với đôi nạn gỗ chinh phục đỉnh Phanxipan đã khiến truyền thông dậy sóng. Đó là Nguyễn Sơn Lâm, chàng trai bất hạnh mắc phải chất độc màu da cam khiến cơ thể không phát triển. Có ai dám nghĩ một con người nhỏ bé như thế có thể dũng cảm vượt qua thử thách để hoàn thiện chính mình? Chinh phục đỉnh Phanxipan có lẽ cũng là lúc anh dám phá bỏ giới hạn của bản thân mà chạm đến những tầm cao mới, điều mà chỉ có con người với ý chí và quyết tâm mới có thể thực hiện được.

"Con người được sinh ra trên đời, đã là điều kì diệu"

Chúng ta là con người đích thực còn là khi chúng ta sống và tạo ra những giá trị đích thực. 

Voltaire sống hơn sáu mươi năm vẫn ôm nỗi trăn trở liệu: “Ta đã thực sự sống chưa?”, Bill Gate khi nằm trên giường bệnh vẫn đau đáu khôn nguôi: “Cuộc đời mình liệu đã trọn vẹn?”. Dường như người ta vẫn luôn khắc khoải nỗi sợ lãng phí sự sống quý giá này, chính vì thế mà con người không ngừng nỗ lực để cuộc sống thêm giá trị và ý nghĩa. Những giá trị con người mang lại không đơn thuần chỉ là giá trị vật chất, sự phát triển của lịch sử loài người cần hơn cả là những giá trị tinh thần bền vững và cao đẹp. Chính chúng ta là người có khả năng tạo ra những giá trị đích thực có sức trường tồn và đồng cảm quảng đại. Thử hỏi, có ai hiểu con người bằng chính con người, và có ai xúc cảm trọn vẹn và nhiệt thành bằng trái tim vẫn đập bên ngực trái? Chẳng thế mà khi máy AI tham gia vào sự kiện sáng tác văn học tại Nhật dù vượt qua vòng loại nhưng nó không thể đi xa hơn. Bởi máy móc hiện đại vẫn làm sao bằng một nghệ sĩ thực thụ? Robot có thể tạo ra giá trị theo một khuôn mẫu sẵn có, nhưng giá trị đích thực phải xuất phát từ trái tim và lí trí của con người – những giá trị cốt lõi mang trong mình sự nhiệt huyết và đam mê.

Nhận thức về những sai lầm của chính mình

Trong hành trình đi tìm câu trả lời về giá trị người, có bao giờ chúng ta giật mình nhìn lại để thấy chính con người chúng ta vẫn còn nhiều thiếu sót? Không phải ngẫu nhiên mà tích cổ Ba Tư lại xem con người như những “mảnh phiến vụn vỡ của thời gian” và Luciano De Cresehenzo gọi chúng ta là “những thiên thần một cánh và ta phải ôm lấy nhau để tập bay”. Con người vốn là một thực thể không hoàn hảo, không được lập trình trước và dễ dàng mắc sai lầm. Thế nhưng, chỉ có con người mới có khả năng nhận thức về những lầm lạc hay thiếu sót của bản thân để khắc phục và hoàn thiện. Chỉ khi con người không hoàn hảo thì mới có sự nỗ lực và phát triển từng ngày, mới có tập thể và cộng đồng để hỗ trợ lẫn nhau.

Điều đáng buồn là, càng đi tìm giá trị người, người ta lại càng nhận ra rằng, con người đang dần đánh mất vị thế và tính người thực sự của mình. Chúng ta để cuộc đời mình đi theo sự quyết định, lời bàn tán của người khác. Chúng ta sợ hãi, bỏ cuộc khi thất bại thay vì đứng dậy và bước tiếp. Chúng ta chối bỏ cảm xúc của mình vì sợ người khác đánh giá. Và một lúc nào đó ta giật mình, tự hỏi: “Mình có phải là một con người không?” Đặc biệt là trong thời buổi công nghệ 4.0 ngày nay, chúng ta càng ỷ lại, dựa vào công nghệ mà đánh mất đi khả năng tự nhiên của mỗi người, bào mòn dần sự tư duy và trí tuệ trước những công cụ đắc lực như Google hay Cốc Cốc. Những cuộc gặp gỡ vội vàng hay vô tâm qua chiếc màn hình lạnh lẽo như đang đóng băng dần tình người trong mỗi chúng ta. Theo số liệu thống kê của Internet thì Việt Nam đứng top 5 những nước có văn minh mạng kém nhất chính là một hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta cần phải nhìn lại tính người và quyền người của mình trong sự phát triển không ngừng của xã hội ngày nay.

Có bao giờ bạn tự hỏi rằng: Liệu mình có đang sống như một con robot?

Chủ đề chính: #phong_cách_sống

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn