cvs

Làm sao để nhà trường, doanh nghiệp và người lao động gặp nhau?

Đăng 6 năm trước

Nỗi lo thất nghiệp sau khi ra trường là nỗi lo không chỉ của riêng ai. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau tìm giải pháp để tình trạng này không còn lặp lại là nội dung mà bài viết này hướng tới.

Qua khảo sát trên trang thông tin điện tử của một số trường Đại học, Cao đẳng chỉ nhìn thấy số liệu dự kiến tuyển sinh năm tới mà không hề có số lượng sinh viên hiện tại đang theo học tại trường cũng như số sinh viên sẽ tốt nghiệp vào năm sau.Vào trang thông tin điện tử của các cơ quan Thống kê cũng chỉ có số liệu chung chung, quá cũ nên cũng chẳng thể sử dụng được. Do đó, doanh nghiệp muốn có số liệu để hoạch định chiến lược, xây dựng nguồn nhân lực thì buộc phải tự dự đoán hoặc làm công văn hoặc liên hệ tới các trường xin số liệu, tổng hợp. Như vậy, vừa mất thời gian và đôi khi số liệu thu được còn thiếu chính xác, chưa đảm bảo độ tin cậy. 

Đối với học sinh – người lao động trong tương lai thì cũng mù mờ thông tin về công việc tương lai của mình nên đành phải chọn theo sở thích, theo tâm lý hoặc theo sự áp đặt từ gia đình. Vì vậy, khi tốt nghiệp các em không tránh khỏi cảnh làm việc trái ngành nghề đã học hoặc làm những công việc đơn giản. Bản thân doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động làm trái nghề hoặc người lao động có trình độ cao nhưng làm công việc đơn giản cũng là việc chẳng đặng đừng và phải chấp nhận rủi ro, tốn thời gian, chi phí đào tạo lại. 

Theo kinh nghiệm của tôi thì ít có người lao động nào dành toàn tâm, toàn ý khi làm những việc việc trái ngành nghề và công việc không đúng trình độ được đào tạo của mình. Năng suất, cụ thể là hiệu quả công việc sẽ không cao. Doanh nghiệp cũng luôn mang tâm lý bất an vì những lao động này có thể bỏ việc bất cứ lúc nào nên phải luôn chuẩn bị nhiều phương án dự phòng. Bên cạnh đó, hàng năm, Nhà nước phải dành nguồn lực rất lớn cho đào tạo, dạy nghề. Như vậy, người lao động, doanh nghiệp, Nhà nước đều phải tiêu tốn một khoản chi phí và thời gian nhưng không ai dám khẳng định là mục đích cuối cùng có đạt được hay không? 

Theo quan điểm cá nhân thì vấn đề có thể được giải quyết nếu các bên liên quan cùngthực hiện các giải pháp như sau: 

 -Đối với nhà trường: công khai số lượng sinh viên đang theo học, số lượng tốt nghiệp trong năm, số lượng dự kiến tuyển sinh thời gian tới theo từng chuyên ngành đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường để học sinh, gia đình học sinh, doanh nghiệp nắm được thông tin. Đây là công việc khá đơn giản vì hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay đều có trang thông tin điện tử riêng, nhân viên phòng Đào tạo của Trường tổng hợp và thực hiện cũng được. 

 -Đối với cơ quan thống kê: 6 tháng một lần hoặc hàng năm, yêu cầu tất cả các trường Đại học, Cao đẳng, Dạy nghề báo cáo số lượng sinh viên đang học theo từng ngành đào tạo để tổng hợp, phân tích, đưa ra các đánh giá, nhận xét sau đó cập nhật lên trang thông tin điện tử của ngành cho đông đảo mọi người nắm bắt được thông tin. Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đều thực hiện theo cách này. Những thông tin này vô cùng quý giá đối với người lao động và doanh nghiệp. 

 -Đối với học sinh, gia đình: trước khi chọn ngành học nên tham khảo các thông tin từ các trường Đại học, cơ quan thống kê, khả năng, nguyện vọng của bản thân để chọn ngành học phù hợp nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho bản thân, gia đình và xã hội. Đây là công việc khó do đó cần phải có sự định hướng từ các bậc học bên dưới, từ phía gia đình, thông tin chính thống từ cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, việc làm. 

 - Đối với doanh nghiệp: thường xuyên tham giacác hội thảo, hội chợ việc làm, tư vấn tuyển sinh hoặc tham gia các sự kiện về đào tạo, việc làm để tư vấn, đưa ra các giải pháp với nhà trường, cơ quan quản lý Nhà nước nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế công việc. Nếu doanh nghiệp không cùng tham gia vào ngay trong giai đoạn tư vấn, đào tạo thì rất khó để có những nhân viên hội đủ các yếu tố cần thiết cho công việc mà doanh nghiệp cần trong tương lai. Các doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều lợi thế hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên vì sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp nên mỗi doanh nghiệp phải có định hướng riêng để phát triển.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn