Khánh Linh Nguyễn

Làm sao để nói lời hay ý đẹp, 5 phương pháp sau đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này

Đăng 5 năm trước

'Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau', nói chuyện, ai ai trong chúng ta cũng đều biết, nhưng cùng một ý nghĩa, có người có thể nói nghe rất êm tai nhưng có những người lại không biết cách ăn nói, thậm chí tệ hơn còn làm mất lòng đôi bên. Vậy làm sao để nói lời hay ý đẹp, 5 phương pháp sau đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

1. Đừng nói “nhưng”, hãy nói “ngoài ra”

Chúng ta khi muốn đưa ra ý kiến cho người khác thường nói: “Tôi cảm thấy ý tưởng này của bạn rất tốt, nhưng nếu có thể…. thì sẽ tốt hơn”. Dùng “nhưng” mặc dù có thể biểu đạt rất rõ ý kiến của bạn nhưng cách dùng từ chuyển ý này có phần cứng nhắc, hơi mang tính công kích. Nếu những người chưa quá thân thiết mà dùng từ như vậy sẽ dễ khiến người khác cảm thấy phật lòng.

Có thể đổi thành: “Tôi thấy ý tưởng này của bạn rất tốt, ngoài ra, nếu có thể…. thì sẽ tốt hơn”. Nói như vậy cho thấy bạn là người thông minh, đồng thời cũng khiến đối phương cảm thấy dễ chịu hơn.

2. Đừng nói “lát tôi sẽ làm” mà hãy nói “tôi làm ngay đây”

Lãnh đạo giao việc cho bạn làm tất nhiên hi vọng bạn sẽ nhanh chóng hoàn thành nó, nếu như bạn nói: “Lát tôi sẽ làm”, có thể lúc đó bạn còn có rất nhiều việc cần phải giải quyết, những lời bạn nói đều là thật, nhưng ở vị trí của người giao cho bạn công việc họ sẽ không cảm thấy sự tích cực từ bạn,cảm giác có chút gì đó miễn cưỡng, đồng ý cho lấy lệ.

Nếu bạn nói: “Tôi sẽ làm ngay đây”, nó sẽ cho thấy bạn là một người chủ động đồng thời sẽ để lại cho lãnh đạo một ấn tượng tốt về bạn. Thực ra, “làm ngay đây” nó không cho thấy là bạn sẽ làm nó vào thời gian nào nhưng nghe lại rất xuôi tai.

3. Đừng nói “chuyện này không liên quan gì đến tôi”, hãy nói “chuyện này không phải do tôi phụ trách, tôi quả thực cũng không rõ mọi chuyện là như thế nào”.

Khi người khác hỏi bạn sự tình của sự việc, bạn trực tiếp nói: “Chuyện này không liên quan gì đến tôi”, kiểu nói chuyện lạnh nhạt như vậy sẽ rất dễ khiến người khác không còn gì để nói với bạn nữa dù họ có muốn nói tiếp, cứ vậy muốn người khác có thiện cảm với bạn khó không khác gì hái sao trên trời.

Có thể đổi thành: “Chuyện này không phải do tôi phụ trách, tôi quả thực cũng không rõ mọi chuyện là như thế nào”. Cách đáp lời như vậy dễ khiến người nghe tiếp nhận hơn, cũng sẽ không có cách nhìn phiến diện về bạn.

4. Đừng nói “Như này chắc chắn không được”, hãy nói “làm như này thực sự rất khó, không có nhiều khả năng thành công”

Ở nơi làm việc bạn sẽ thường xuyên gặp phải những vị sếp “vui tính” giao cho bạn những công việc không thể hoàn thành, trong thâm tâm mặc dù  bạn rất muốn từ chối công việc này, thậm chí còn oán thầm vị lãnh đạo này, nhưng cho dù là vậy thì bạn cũng đừng nên nói: “Như này chắc chắn không được”, thay vào đó hãy nói: “Làm như này quả thực rất khó, không có nhiều khả năng thành công”, rồi sau đó bạn hãy phân tích cho lãnh đạo nguyên nhân vì sao lại khó để lãnh đạo từ từ bỏ đi cái suy nghĩ này.

5. Gặp lãnh đạo thì phải làm sao?

Chúng ta cần phải phân tích tình hình cụ thể. Ví dụ như, ở trong thang máy, có thể nói chuyện gia đình hàng ngày, chuyện thời tiết, các trận đấu thể thao… bởi trong thang máy còn có nhiều người khác, không khuyên bạn nói chuyện công việc ở đây.

Ở trên đường, nếu lãnh đạo đang bận rộn một chuyện gì đó thì gật đầu mỉm cười chào lãnh đạo một tiếng là ổn rồi, nếu lãnh đạo không bận, tâm trạng trông cũng tốt thì bạn có thể hỏi chuyện công việc hoặc nói về tình hình các phòng ban, như vậy  bản thân bạn cũng sẽ nắm được những động thái mới nhất trong công ty.

Nói về cách nói chuyện, một người thực sự biết cách ăn nói thì những mánh khóe, bí quyết vẫn còn rất nhiều, nhưng mấu chốt quan trọng nhất đó chính là làm sao biết cách đứng trên lập trường của người khác để suy nghĩ, có vậy lời bạn nói ra cũng dễ chịu và êm tai hơn rất nhiều. 

nguồn: sohu

Chủ đề chính: #kỹ_năng_giao_tiếp

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn