Quyên Nguyễn "Life is a choice" Trong cuộc sống này, tất cả những việc mình làm đều là do mình lựa chọn. Nó đồng nghĩa với việc chọn làm việc tốt hay chọn việc làm trái với lương tâm; chọn sống cho mình hay chọn sống cho người khác; chọn nhìn về hướng tích cực hay chọn đi về hướng tiêu cực.

Làm thế nào để có một cuộc trò chuyện sâu sắc?

Đăng 5 năm trước

Một cuộc trò chuyện sâu sắc là cuộc đối thoại với người khác, mà thông qua đó chúng ta kết nối được với đối phương. Khả năng tạo dựng và duy trì cuộc nói chuyện sâu sắc tự nó đã là một kỹ năng quan trọng để xây dựng các mối quan hệ thân thiết với người khác. Nó sẽ cải thiện cuộc sống của bạn trong nhiều lĩnh vực như hẹn hò, kết bạn thân và xây dựng mối quan hệ trong công việc,... Bài viết dưới đây đưa ra một số cách giúp bạn có một cuộc trò chuyện sâu sắc. Mời bạn đọc Ohay TV cùng tham khảo!

Có bao giờ bạn cảm thấy không được thấu hiểu? Có bao giờ bạn thấy rằng mình không có nhiều người bạn mà bạn có thể gọi là bạn thân/bạn tốt thực sự? Có phải mọi người hiếm khi nói rằng họ rất thích được trò chuyện cùng bạn? Nếu có đúng như vậy thật thì bạn đừng lo lắng vì nhiều người cũng giống bạn. Điều quan trọng là có cách nào để cải thiện kỹ năng duy trì một cuộc trò chuyện sâu sắc? 

Một cuộc trò chuyện sâu sắc là cuộc đối thoại với người khác, mà thông qua đó chúng ta kết nối được với đối phương. Những người giỏi việc tạo ra và duy trì các cuộc trò chuyện sâu sắc, có thể khiến bạn cảm thấy thân thiết với họ dù cho hai người mới gặp nhau vài tiếng. Khả năng tạo dựng và duy trì cuộc trò chuyện sâu sắc tự nó đã là một kỹ năng quan trọng để xây dựng các mối quan hệ thân thiết với người khác. Nó sẽ cải thiện cuộc sống của bạn trong nhiều lĩnh vực như hẹn hò, kết bạn thân và xây dựng mối quan hệ trong công việc,... 

Để có thể tạo ra được một cuộc trò chuyện sâu sắc, ta cần có 3 thứ. Nhưng trước khi tìm hiểu 3 điều đó là gì, ta phải hiểu rằng để vòng lặp được bắt đầu, ai đó phải sẵn lòng chia sẻ trước nhưng phần lớn mọi người đều ngại ngùng. Vậy nên bạn phải là người mở đầu. Bạn nên là người chia sẻ trước. 

Để chia sẻ đúng cách, bạn cần nhìn nhận chân thật về bản thân và thể hiện suy nghĩ, cảm xúc thật đối với sự việc. Điểm cốt yếu ở đây là đừng nói về sự kiện, mà hãy tìm kiếm cảm xúc. Sự kiện như nghề nghiệp của bạn, bạn đi học ở trường nào, chuyên ngành gì, tình hình trận đấu thể thao tối qua ra sao hay một chương trình TV nào đó, chuyện phiếm, tin giật gân,... Đây đều là những chủ đề hời hợt! Chúng có thể dùng để làm quen nhưng lại không thể dùng để xây dựng một mối quan hệ sâu sắc vì chúng không thể hiện được cá tính của bạn.  

1. Tìm kiếm cảm xúc

Điều bạn cần làm là tìm kiếm cảm xúc. Ví dụ như bạn cảm thấy thế nào khi gặp thất bại, hay khi bạn có được thành công đầu đời, khi lần đầu tiên chuyển chỗ ở, điều bạn tiếc nuối, điều bạn yêu thích, thứ bạn ghét, ước mơ, nỗi sợ hãi, tình cảm, khát vọng, nỗi tiếc thương, một trải nghiệm xấu hổ, khoảnh khắc hạnh phúc, quan điểm,... - nói chung là tất cả những cảm nhận của bạn về mọi thứ.

Đây là những thứ bạn cần nhắc đến vì chúng khơi gợi được phản hồi cảm xúc. Vì sao mọi người lại thích một số nhân vật trong phim? Vì bạn có thể hiểu được cảm xúc của họ khi họ gặp thất bại, hiểu được cảm giác của họ khi mất đi người mình yêu thương, bạn sẽ hiểu được cảm xúc của họ khi cuối cùng họ cũng thành công, bạn hiểu được chính con người họ. 

Và đây chính là những điều bạn cần chia sẻ. Bạn cần chia sẻ giống như cách mà nhân vật đã bộc lộ bản thân với cả rạp chiếu phim. Bạn biết mình đang đi đúng hướng nếu ban đầu bạn cảm thấy như thể mình đang nằm trên bàn cho thiên hạ phóng phi tiêu vào vậy. Đấy là do khi chia sẻ những điều sâu sắc, bạn trở nên rất dễ tổn thương. Đó cũng là cơ hội để người khác cười nhạo bạn và cũng chính là lý do mọi người thường tránh né chia sẻ trước. Họ lo sợ rằng mình sẽ bị trêu chọc và cười nhạo. Nhưng bạn càng chia sẻ chúng thường xuyên, cảm giác đó sẽ "tan biến" dần. Bạn sẽ không chỉ học được cách chia sẻ mà còn học được cách yêu thương bản thân mình hơn.

Tiếp theo là một số ví dụ thực tế mà bạn có thể nghĩ đến để dùng khi chia sẻ về bản thân. Hãy kể về khoảnh khắc trong quá khứ khiến bạn tiếc nuối. Khoảnh khắc khiến bạn muốn được quay ngược thời gian trở về và làm lại. Vì sao bạn lại muốn làm thế? Kể về điều mà bạn luôn mong ước được thực hiện nhưng lại quá e ngại nói với mọi người? Bạn có sợ mình sẽ không thể thực hiện được điều đó? Vì sao? Trải nghiệm vui vẻ hay tệ hại nhất bạn có với gia đình là gì? Bạn cảm thấy như thế nào vào lúc đó? Mọi người đánh giá thế nào về bạn?

Sau nhiều lần chia sẻ như vậy, đối phương sẽ bị thôi thúc và cũng muốn chia sẻ điều gì đó với bạn. Thỉnh thoảng, nếu họ không làm vậy, bạn có thể "đẩy nhẹ" họ một chút bằng cách hỏi xem họ có từng cảm thấy thế bao giờ chưa, hoặc là chuyện gì đó có từng xảy ra với họ chưa,...

2. Lắng nghe

Phần lớn mọi người không giỏi kỹ năng này. Khi ai đó chia sẻ những điều họ cho là sâu sắc với bạn, thì tức là họ đã cho bạn cơ hội "dấn thân" vào thế giới của họ rồi. Họ tin tưởng bạn nên họ chia sẻ những điều riêng tư của họ - những điều mà không phải ai họ cũng nói. Vậy nên hãy chắc chắn là bạn đang thực sự lắng nghe. 

Mấu chốt của việc trở thành người lắng nghe tốt là luôn hiện diện. Lắng nghe họ như thể đang chăm chú vào một bộ phim trong suốt quãng thời gian mà họ nói. Hãy giao tiếp bằng mắt với họ khoảng 80% thời gian đó. Bạn có thể đặt thêm câu hỏi để họ kể chi tiết hơn về những điều mà bạn đang chú ý tới. Bên cạnh đó, bạn nên để họ giữ chủ đạo ít nhất 90% cuộc đối thoại. Nếu bạn có lỡ gà gật một chút hay mải nghĩ đến một chuyện khác thì bạn cần phải cố giữ tâm trí mình quay về với hiện tại nhé!

Cách dễ nhất để cải thiện tình trạng này là tập thiền định, hít thở sâu,... Bạn biết mình đã trở thành một người biết lắng nghe khi mọi người bắt đầu khen ngợi bạn về điều đó. Những người biết lắng nghe vốn không có nhiều nên người ta rất trân trọng những người như thế!

3. Liên hệ

Chúng ta có thể đến từ nhiều nơi, có hoàn cảnh khác nhau nhưng bên trong chúng ta đều giống nhau. Có những điều mà chúng ta đều từng trải qua. Đó là điểm chung của chúng ta, rằng chúng ta đều từng trải nghiệm cảm xúc của chính mình: sợ hãi, hạnh phúc, yêu thương, tiếc nuối, giận dữ, xấu hổ và nhiều loại cảm xúc khác nữa.

Đầu tiên, bạn phải xác định cảm xúc mà đối phương đang muốn thể hiện là gì trong câu chuyện họ đang chia sẻ. Sau đó, hãy liên hệ chúng với bản thân bạn bằng cách gợi nhớ lại những điều tương tự và nói với họ những chuyện bạn đang trải qua hay bạn cũng từng cảm thấy như vậy,...

Cách tốt nhất để bắt đầu một cuộc trò chuyện sâu sắc chính là phải xây dựng mối quan hệ trước. Ban đầu, bạn cần phải trò chuyện về mấy thứ "bề nổi" trước vì đây là những điều người ta dễ chấp nhận. Bạn cũng có thể tỏ chút ít hài hước để xây dựng mối quan hệ nhanh hơn. Sau khi tạo dựng được mối quan hệ với đối phương rồi, bạn nên chia sẻ những cảm xúc tích cực trước. Chắc chắn bạn sẽ không muốn nói về nỗi sợ hãi hay sự luyến tiếc của mình với ai đó mà bạn chỉ vừa mới gặp đâu!

Hãy nói về những thứ như ước mong của bạn, điều làm bạn hạnh phúc hay một khoảnh khắc vui vẻ của bạn. Một cuộc trò chuyện sâu sắc ban đầu có thể khiến bạn cảm thấy thiếu thoải mái, nhất là khi bạn không thường nói về những chủ đề này. Nhưng càng ngày bạn sẽ càng cảm thấy thích hơn vì cả bạn lẫn những người xung quanh đều trở nên cởi mở với nhau hơn. Bạn sẽ nhận được nhiều lời khen ngợi. Và hơn hết, bạn sẽ học được cách đối mặt với quá khứ, tự hào về những gì mình đã trải qua và chia sẻ chúng với mọi người xung quanh. 

Học cách xây dựng những cuộc trò chuyện sâu sắc chính là một trong những kỹ năng xã hội hữu dụng nhất mà bạn nên thủ sẵn. Nó sẽ giúp bạn trở nên cởi mở và xây dựng nhiều mối quan hệ hơn mà sau này bạn sẽ trân trọng mãi trong đời.

Quyên Nguyễn - Ohay TV

Chủ đề chính: #kỹ_năng_giao_tiếp

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn