Nguyễn Giang "SỐNG"

Làm thế nào để tha thứ và sống hạnh phúc hơn trước?

Đăng 4 năm trước

Ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua cảm giác khó chịu khi những kỳ vọng không được đáp ứng và những trải nghiệm đau thương. Dù vậy, khi cứ giữ mãi trong lòng những nỗi buồn ấy, chúng ta sẽ tự tách mình khỏi giây phút tận hưởng và bay bổng trong cuộc sống quý giá hiện tại. Thay vào đó, lòng chúng ta trĩu nặng do sự đau khổ và phản bội gây ra. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tiễn những nỗi đau đó đi xa và tôi muốn nói với bạn rằng không có gì quan trọng hơn việc chữa lành cho tâm hồn của mình.

Trong bài viết này, tác giả Patricia Young sẽ chia sẻ với bạn cách làm thế nào để tha thứ và giúp bạn có một cuộc sống hạnh phúc hơn trước. Young sẽ trình bày một cách chi tiết những bước mà bạn cần thực hiện để tha thứ cho người làm bạn tổn thương.

Tại sao chúng ta luôn cảm thấy khó khăn khi tha thứ cho ai đó?

Tôi thường thấy mọi người hay vấp ngã và mắc kẹt ở chỗ họ bị tổn thương vì họ tin rằng nếu họ cho qua, thì những nỗi đau sẽ như thể chưa từng xảy ra. Những người bị tổn thương thường cảm thấy rằng khi ai đó làm điều gì sai, họ không thể thoát khỏi nó. Nhưng điều này không đúng như vậy. Chúng ta sẽ không tha thứ cho họ vì lợi ích của họ, chúng ta không cố gắng giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Thay vào đó, chúng ta tha thứ vì chính mình. Chúng ta làm điều đó để chúng ta có thể vượt lên trên nỗi đau.

Một lý do khác giải thích tại sao lại khó tha thứ cho người khác là vì chúng ta cho rằng theo một cách nào đó, hành động tha thứ là một sự phản bội chính mình, hoặc chúng ta cảm thấy rằng khi tha thứ, chúng ta phơi bày sự yếu đuối của mình và có thể bị tổn thương thêm lần nữa.

Những sự xúc phạm và tổn thương có thể để lại cảm giác đau khổ, oán hận trong nhiều năm. Sự tổn thương đó có thể khiến chúng ta cảm thấy mình như những nạn nhân do hành vi của người khác gây ra cho mình. Khi cảm thấy mình như những nạn nhân, cảm xúc không bảo vệ, mà còn hơn thế nữa, cảm xúc đang làm hại chúng ta. Chúng ta tự nhốt mình trong những nhà tù cảm xúc với đầy những thương tích. Làm thế nào để chúng ta có thể sống hạnh phúc và kéo dài cuộc sống hơn ngay từ chỗ những vết thương đó?

Tầm quan trọng của việc học cách tha thứ

Có nhiều nghiên cứu y khoa đã chứng minh mối liên hệ giữa việc tha thứ và sức khỏe. Karen Swartz – bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Johns Hopkins chia sẻ rằng: “Có một gánh nặng thể chất to lớn khi ai đó bị tổn thương và thất vọng”. Swartz cũng khẳng định rằng những cơn giận kéo dài sẽ đặt bạn vào trong trạng thái chiến hay chạy (fight-or-flight), dẫn đến hàng loạt những thay đổi trong nhịp tim, huyết áp và phản ứng của hệ miễn dịch. Những thay đổi này sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm, các bệnh về tim, đái tháo đường và một số bệnh khác.

Trái lại, sự tha thứ có thể giúp giảm căng thẳng và mức độ lo lắng, giảm trầm cảm, có những mối quan hệ gần gũi và lành mạnh hơn, một trái tim khỏe hơn, huyết áp giảm, các cơn đau nhức cũng giảm đi, ngủ ngon hơn, chức năng miễn dịch tốt hơn, và nhiều lợi ích khác. Nói một cách rất đơn giản, bằng cách tha thứ, chúng ta tự chữa lành cho chính mình từ bên trong.

Khi nào chưa tha thứ được, chúng ta vẫn là người phải chịu thiệt thòi nhất. Chiếc bẫy cảm xúc có thể trở nên quá mức đến nỗi chúng ảnh hưởng đến những mối quan hệ hiện tại và khả năng kết nối đáng tin cậy và có cảm tình với chính mình và những người xung quanh. Chỉ khi tha thứ thật sự, chúng ta mới được giải thoát khỏi những cơn đau nhức, tổn thương và sự tức giận.

Nếu cứ giữ lấy chúng, chúng ta sẽ không thể tận hưởng giây phút hiện tại và chúng sẽ ảnh hưởng tới chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề là như thế này: khi tha thứ,chúng ta sẽ không giả vờ rằng những tổn thương và phản bội đầu tiên sẽ không xảy ra nữa, chúng ta làm điều đó vì lợi ích của chính mình. Những người được chúng ta tha thứ sẽ mang trong mình một món nợ riêng trong mọi hành động của họ. Ngược lại, chúng ta lại trở nên tự do.

Khi cứ mãi tập trung vào những cơn giận với người khác hoặc chính mình, chúng ta sẽ không nghe được tiếng nói trong tâm hồn. Khi để cơn giận ra đi, chúng ta có thể nghe những tiếng nói đó một cách sâu sắc hơn. Việc tha thứ cần sự can đảm vì ẩn sau những câu chuyện đau thương, chúng ta luôn chọn để tiếp cận với sự trọn vẹn của chính mình, và chạm vào niềm vui và lòng trắc ẩn bẩm sinh trong mỗi con người.

Cuối cùng, chúng ta sẽ giải thoát trái tim mình khỏi nhà tù của sự oán  giận, và sẽ tự mình mở ra một con đường sống mới và sống một cuộc sống mà chúng ta chỉ có thể mơ ước ngay từ bây giờ.

Làm thế nào để tha thứ cho người làm tổn thương bạn?

Tha thứ là một quyết định có chủ đích và là một trạng thái của trí não, và chúng ta có thể nuôi dưỡng qua việc rèn luyện hằng ngày. Dưới đây là những bước đơn giản để bạn có thể thực hành và bắt đầu hành trình học cách tha thứ cho mình

1. Liên kết với cảm xúc của bạn

Hãy kiểm tra xem cảm xúc của bạn hiện giờ ra sao, đừng phàn nàn gì cả. Hãy thoải mái với chính bạn và cho phép mọi việc xảy ra. Chỉ cần cảm nghiệm và đừng đổi lỗi cho ai cả. Bạn có thể viết ra giấy những ý nghĩ và cảm xúc của bạn, để bạn hiểu rõ những gì bạn đang cảm nhận

Tiếp theo, hãy tự hỏi điều gì bạn có thể làm để tìm ra một lối thoát và vượt qua những cảm xúc đó: bạn có thể ra ngoài đi dạo, dành thời gian chăm sóc môi trường, làm một số công việc sáng tạo (như sơn, vẽ tranh, tô màu mô hình vũ trụ, hát, chơi nhạc cụ…), viết một Lá thư tha thứ, hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của người tư vấn hoặc một chuyên gia.

2. Giải phóng quá khứ

Trong cuộc sống, để tiến lên phía trước, một trong những việc quan trọng mà bạn phải làm là giải phóng quá khứ và sống cho giây phút hiện tại. Chúng ta thường mang theo quá khứ mà không để ý điều đó. Chính quá khứ sẽ làm chúng ta chán nản và sẽ cảm thấy bị mắc kẹt, không tiến lên được. Nếu không thường xuyên luyện tập giải phóng quá khứ, chúng ta xây nên một ngọn đồi của những cảm xúc chưa được xử lý, và những lộn xộn về mặt tinh thần. Điều này sẽ che mờ tầm nhìn, và khiến chúng ta khó nhận ra những bước tiếp theo để hướng tới một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Hãy luyện tập việc sống cho giây phút hiện tại bằng cách ngồi tĩnh lặng, theo dõi hơi thở của mình hoặc đơn giản hơn là hãy đi ra ngoài và thưởng thức những cảnh đẹp xung quanh mình. Bạn cũng có thể viết nhật ký. Hãy tự hỏi chính mình những câu hỏi sau như những lời nhắc nhở để giúp bạn thoát khỏi cái bẫy của cảm xúc: Bạn là ai nếu không có sự giận dữ, tổn thương hay oán hơn? Bạn muốn cuộc sống trở nên khác đi như thế nào? 

3. Mang năng lượng trở lại

Hãy bắt đầu viết câu chuyện mới cho chính mình. Bạn không sinh ra để trở thành một nạn nhân và sự tha thứ không phải chỉ là trải nghiệm một lần. Bạn phải cam kết lựa chọn sự tha thứ trong mọi tình huống. Không ai có quyền làm cho bạn cảm thấy không thoải mái nếu không có sự đồng ý của bạn.

Khi những cảm xúc bị tổn thương tương tự nhau xảy đến, hãy nhắc nhở mình rằng bạn chọn tha thứ; bạn chọn mang năng lượng trở lại, và bạn chọn sự yêu thương. Tôi vẫn sử dụng công thức sau đây cho chính mình, và nó thực sự hữu dụng: “Việc sẵn lòng thay đổi cần đến từ sâu bên trong mỗi chúng ta. Chúng ta tìm đến nó khi bắt đầu tin rằng việc cuộc sống vui vẻ,có mục đích, đầy tình yêu thương và những mối quan hệ có ý nghĩa là quyền bẩm sinh của chúng ta”.

4. Tích lũy qua từng bài học

Mỗi trải nghiệm là một bài học cho chúng ta. Đôi lúc chúng ta phải trải qua những tổn thương sâu sắc, nhưng tôi tin chắc với bạn rằng chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn trước đó. Thậm chí khi chúng ta nghĩ rằng điều xảy đến với chúng ta là không công bằng, những kinh nghiệm đó là một phần trong sự trưởng thành về mặt tinh thần. Nếu chúng ta mở lòng để nhìn nhận chúng, những khoảnh khắc đen tối ấy sẽ truyền tải và giúp chúng ta có những góc nhìn và nhận thức mới. Tôi đã từng gặp nhiều người lúc họ rơi vào những thời điểm khó khăn, và chính thời điểm đó là chất xúc tác để tạo nên những câu chuyện mới và truyền cảm hứng cho chính họ.

5. Lan tỏa tình yêu thương và nguồn năng lượng 

Khi bạn đã trải qua các bước trên, bạn sẽ có thể bắt đầu gửi tình yêu đến những người làm tổn thương bạn. Tôi biết rằng không dễ để thực hiện điều này, nhưng đây chính là yếu tố thay đổi cuộc chơi! Thay vì gởi đi những cảm xúc tiêu cực đến người làm bạn bị xúc phạm, hãy trao gởi cho họ tình yêu thương và nguồn năng lượng. Khi làm điều này, không còn món nợ tình cảm nào giữa họ và bạn, và bạn có thể ăn mừng sự tự do của chính bạn với một trái tim biết ơn!

Là một phần của quá trình tha thứ, bạn cũng cần tha thứ cho chính mình. Bạn có thể có những sự không hài lòng với kỳ vọng của chính mình. Bạn có thể nghĩ rằng có những thứ đáng lẽ nên xảy ra hoặc có thể xảy ra.

Tuy nhiên, khi tha thứ, chúng ta phải từ bỏ ý nghĩ rằng quá khứ đáng lẽ ra phải khác đi hay tốt hơn. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, vì thế không nên để quá khứ biến chúng ta thành những tù nhân của nó. Thay vào đó, chúng ta cần nhìn ra những giá trị tiềm ẩn trong những việc đã xảy ra, đó luôn là một bài học mới cho chúng ta. Khi phát triển sự rõ ràng, chúng ta giải thoát mình khỏi quá khứ và bắt đầu hướng đến tương lai.

Hãy bắt đầu tha thứ ngay từ giây phút này

Sự tha thứ giúp nguồn năng lượng của chúng ta được lưu thông. Khi nắm bắt sự tha thứ, chúng ta cũng nắm lấy hòa bình, hy vọng, lòng biết ơn, niềm vui và hạnh phúc. Khi nắm giữ được chúng, chúng ta cũng chấp nhận chính con người của chúng ta.

Khi tha thứ, chúng ta đang chiếm lại quyền lực và kiểm soát cuộc sống của chính mình. Sự tha thứ mang lại cho chúng ta tự do. Nếu không, chúng ta sống mang theo món nợ tình cảm đó với chính mình.

Hãy bắt đầu tha thứ với các bước tôi đã đề cập ở trên và bạn cũng sẽ bắt đầu có một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Chủ đề chính: #tha_thứ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn