Nguyễn Giang "SỐNG"

Làm thế nào để thoát khỏi vùng an toàn của bản thân?

Đăng 4 năm trước

Theo thời gian, mỗi người chúng ta đều có một tập hợp các thói quen và đôi lúc, chính tập hợp này giam lỏng chúng ta trong một khu vực gọi là vùng an toàn mà ở đó, những gì chúng ta làm được đều dưới mức khả năng thực sự của chúng ta. Những thói quen này lâu dần quy định những gì bạn có thể thực hiện và không thể thực hiện dù cho bản thân bạn có khả năng thực hiện được. Giờ đây, đã đến lúc bạn nên bước ra khỏi khu vực này để đến với một thế giới rộng lớn hơn, mà ở đó, bạn có thể khai thác những tiềm năng của bản thân mà chưa bao giờ được dùng đến. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình và đến với một thế giới thú vị và tuyệt vời hơn?

1. Hiểu rõ sự thật về các thói quen của bạn

Những thói quen là đại diện cho thành công trong quá khứ. Bạn hình thành các hành vi cách tự động và theo thói quen bởi vì bạn đã từng xử lý chúng thành công, áp dụng chúng cho các trường hợp tương tự và bạn thấy các hành vi có hiệu quả. Đó là cách mà thói quen hình thành và vì sao chúng ta thấy chúng hữu ích. 

Để loại bỏ những hành vi khiến bạn không cảm thấy hạnh phúc và chán nản, bạn có thể phải từ bỏ nhiều thói quen yêu thích và thử những cách suy nghĩ và hành động mới. Không có phương án nào để thay thế việc này cả. Những thói quen cũ sẽ đóng khung và ngăn cản bạn tiếp cận những ý tưởng mới và sáng tạo. Không có ý tưởng, không thể học hỏi. Không thể học hỏi, không thể tiếp cận đến những thay đổi thành công. 

2. Thực hiện mọi thứ theo một cách khác đi và quan sát sự thay đổi

Dù là thói quen thành công nhất đến cuối cùng cũng sẽ mất đi tính hữu ích của chúng khi các sự kiện thay đổi thế giới và những giải pháp mới được yêu cầu. Nhưng có một thực tế là chúng ta vẫn hay bám lấy chúng dù tính hữu ích của chúng không còn. Những chiến lược trong quá khứ chắc chắn sẽ có thời điểm thất bại. Việc để chúng trở thành những thói quen tự động mà bạn không thể kiểm soát là một con đường tự làm hại cho bản thân.

3. Dành thời gian nhìn nhận lại bản thân cách chi tiết

Việc phát hiện ra những thói quen vô thức không phải là điều dễ. Và khi đã nhận biết được những thói quen đó, bạn cần phải đấu tranh với chúng. Hãy hỏi bất kỳ những ai đã từng đối mặt với những khó khăn khi họ từ bỏ hút thuốc lá. Tương tự như họ, bạn cũng đã quen với các thói quen, chúng giống như thuốc phiện hay cocain và không thể dễ dàng từ bỏ.

4. Biết mình là ai

Thật dễ dàng khi thừa nhận rằng chúng ta luôn phải cố gắng để hòa hợp với thế giới xung quanh, điều này có nghĩa là bạn phải thay đổi bản thân để được mọi người yêu quý và tôn trọng, nếu không, bạn phải đối mặt với sự loại trừ. Bởi vì hầu hết mọi người đều muốn làm vui lòng người khác, họ cố trở nên một phiên bản mà họ tin rằng người khác mong muốn họ như vậy, mặc cho điều đó buộc bản thân họ trở thành một con người không còn là chính họ, dù bên ngoài xem có vẻ tốt đẹp.

Bạn cần bắt đầu dành sự ưu tiên cho bản thân lên trước hết. Bạn là duy nhất. Tất cả mọi người đều duy nhất, vì thế việc nói lên điều này không có nghĩa là bạn tốt hay xứng đáng hơn người khác. 

Bạn cần phải dành sự ưu tiên cho bản thân trước hết bởi vì không một ai quan tâm đến cuộc sống của bạn hơn bạn cả; bởi vì nếu bạn không dành sự ưu tiên cho mình, thì cũng chẳng có ai làm điều đó cho bạn cả. Đặt những thứ khác ở vị trí thấp hơn nghĩa là bạn dành cho chúng sự tôn trọng, chứ không hoàn toàn phớt lờ đi.

5. Biết đón nhận các sự việc dù không mong muốn

Hầu hết chúng ta muốn nghĩ rằng bản thân mình là một người tốt, tử tế, thông minh và quan tâm đến người khác. Đôi lúc điều này đúng, nhưng cũng có đôi lúc không phải như vậy.

Thực tế rất phức tạp. Chúng ta không thể làm điều đó nếu không có một sự hỗ trợ hay giúp đỡ của người khác. 

Mọi thứ chúng ta có, mọi thứ chúng ta học được đều đến với chúng ta qua đôi tay của một người nào đó. Trạng thái tốt nhất là khi chúng ta biết sử dụng và làm phong phú thêm bằng sự đóng góp của chúng ta. Ngược lại, trạng thái tồi tệ nhất xảy ra khi chúng ta không tân dụng được và lãng phí những thứ được gởi đến cho chúng ta. 

Hiểu được điều này, bạn cũng nhận ra được bạn là một sự pha trộn phong phú của các ý tưởng và tình cảm – những thứ đến và đi với bạn. Đôi lúc chúng hữu ích, đôi lúc lại không. Vì thế, không cần phải cứ khư khư giữ vẻ bề ngoài, không cần phải giả vờ, không cần phải sợ điều mà bạn biết là sự thật. Khi đối mặt với sự thật của chính mình, bạn sẽ nhận thấy một sự giải thoát to lớn. Nếu bạn không tuyệt vời như bạn muốn, bạn cũng không tệ hại như bạn sợ.

Sự thật sẽ giúp bạn được tự do. Tự do để có thể làm việc tốt hơn và để tha thứ cho chính mình vì chúng ta đều là con người; tự do để bày tỏ lòng biết ơn với những người khác và nhận ra những gì bạn nợ họ; tự do để biết được cảm xúc của bạn là gì mà không để cho chúng thống trị cuộc sống của bạn. Và trên hết, bạn sẽ tự do để hiểu được sự thật của cuộc sống, đó là: phần lớn những điều xảy ra với bạn không phải lúc nào cũng là cơ hội. Đó là điều không thể tránh được và không phải là lỗi của bạn. Thật vô nghĩa khi bạn để cho chúng đánh bại bạn.

Tóm lại

Yếu tố cầm chân bạn trong các tình huống hay hành động không phải là sự trì hoãn hay chần chừ. Đó chính là sức mạnh của thói quen nhìn nhận các sự việc và thế giới bên ngoài. Khi nào bạn chưa thoát khỏi những thói quen cũ rích, bạn vẫn là tù nhân của chúng. 

Việc sống trong vùng an toàn của bạn thông qua thói quen đơn thuần, hoặc tệ hơn nữa là vẫn ở lại đó vì nỗi sợ hãi phi lý về những gì ở nằm bên ngoài, sẽ khiến bạn sống một cuộc sống thất vọng và hối tiếc.

Nếu bạn có thể chấp nhận sự thật về thế giới xung quanh và chính bản thân mình, thay đổi những thứ đang giữ chân bạn và làm quen với một góc nhìn mới mẻ về cuộc sống, bạn sẽ thấy rằng những việc làm này đang giúp bạn mở cánh cửa tù giam hãm bạn và bạn có thể hiên ngang bước ra bên ngoài. Ở đó có một thế giới tuyệt vời đang chờ đợi bạn. 

Theo Leon Ho - Lifehack

 Đọc thêm: 

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân?

Thói quen là gì? Làm thế nào để kiểm soát và luyện tập thói quen hữu ích cho bản thân?

Chủ đề chính: #kỹ_năng_sống

Bình luận về bài viết này
1 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn