Cốc Vũ

Liệu chúng ta có thể uống rượu khi đang dùng thuốc kháng sinh?

Đăng 6 năm trước

Giáng sinh sắp đến, tết âm lịch cũng sắp về. Đây là thời điểm của các bữa tiệc linh đình đồng thời cũng là thời gian cho các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp. Liệu chúng ta có thể vừa dùng kháng sinh chữa bệnh, vừa uống rượu hay không?

Các nghiên cứu cho thấy rượu không ảnh hưởng đến kết quả điều trị của hầu hết kháng sinh cũng như không làm tăng các tác dụng phụ của thuốc. Tất nhiên, câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy.

Nghiên cứu

Trong những tháng đầu mang thai, một số phụ nữ chưa sẵn sàng chia sẻ tin vui này cho mọi người. Họ biết rằng từ chối uống rượu trong các hoạt động tập thể có thể được hiểu như lời thông báo về sự xuất hiện của em bé. Khi đó, cái cớ hoàn hảo và phổ biến nhất để kể cho bạn bè hay đồng nghiệp là một liệu trình kháng sinh. Ngay cả những người bạn tò mò cũng thường không hỏi thêm về lí do dùng thuốc. 

Nhưng liệu sự thật có đúng là bạn cần phải kiêng rượu khi đang dùng kháng sinh? 

Một số người giả định rằng rượu cản trở hoạt động của kháng sinh, trong khi đó những người khác lại tin rằng uống rượu khi đang dùng kháng sinh là nguyên nhân của nhiều tác dụng phụ. Các nhân viên ở một phòng khám ở London đã khảo sát hơn 300 bệnh nhân và thấy rằng khoảng 81% người tin tưởng giả thiết thứ nhất trong khi 71% người được hỏi tin vào giả thiết thứ hai. 

Trên thực tế, đối với hầu hết các loại kháng sinh, cả hai giả định trên đều không chính xác. Nỗi lo của các bác sỹ là niềm tin sai lầm này có thể khiến bệnh nhân bỏ thuốc khi họ buộc phải uống rượu. Bất cứ lí do gì khiến bệnh nhân bỏ liều kháng sinh đều tăng thêm sự nặng nề của bệnh tật cũng như sự đề kháng với kháng sinh.

Theo các nhà nghiên cứu, đa số các kháng sinh thông thường được kê đơn không bị ảnh hưởng bởi rượu. Trừ một vài ngoại lệ.

Kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin - cefotetan làm chậm tốc độ chuyển hóa rượu, dẫn đến tăng nồng độ  chất chuyển hóa của nó là acetaldehyde. Điều này gây ra một loạt các triệu chứng khó chịu bao gồm buồn nôn và nôn, đỏ bừng mặt, đau đầu, khó thở, tức ngực. Các triệu chứng này tương tự như khi dùng đồng thời rượu và disulfiram, loại dược chất thi thoảng vẫn được dùng để cai rượu. Ý tưởng của bác sỹ khi sử dụng phương pháp này là tạo cho bệnh nhân những trải nghiệm khó chịu về việc uống rượu, khiến họ phải nhớ đến nó mỗi khi nhấc ly,ngăn cản họ tiếp tục uống. Vì những triệu chứng trên, những người đang dùng Cefotetan phải kiêng rượu, và tiếp tục kiêng thêm vài ngày sau khi dừng thuốc. 

Một loại kháng sinh khác được đặc biệt cảnh báo không dùng với rượu là metronidazole. Kháng sinh này thường được dùng để điều trị nhiễm khuẩn răng miệng, loét nhiễm khuẩn ở chân và loét do áp lực. Uống rượu khi dùng metronidazole cũng gây ra các triệu chứng tương tự như uống rượu khi dùng cephalosporins. Năm 2003, cảnh báo này được đưa ra tranh luận khi các nghiên cứu tổng quan không đủ bằng chứng ủng hộ trong khi một nghiên cứu đối chứng cỡ nhỏ lại cho kết quả ngược lại. Trong nghiên cứu này, một nhóm nam giới người Finnish đã đồng thời dùng metronidazol và uống rượu trong 5 ngày mà không gặp bất kì tác dụng phụ nào. Các tác giả cho rằng không loại trừ khả năng do số người tham gia nghiên cứu quá ít khiến ảnh hưởng đến kết quả. Nên lời khuyên hiện nay vẫn là kiêng rượu khi dùng metronidazol. 

 Chỉ một ít kháng sinh có lí do rõ ràng để tránh dùng chung với rượu, bao gồm tinidazole, linezolid, erythromycin. Nhưng các tương tác trên đã rất nổi tiếng do luôn được các bác sĩ đặc biệt cảnh báo cho bệnh nhân. 

Bài viết không nhằm mục đích khuyến khích độc giả sử dụng đồng thời hai nhóm chất này. Chúng tôi chỉ hi vọng các bạn không tự ý bỏ kháng sinh của mình khi buộc phải uống rượu.

Nhắc lại

Có một danh sách dài các kháng sinh có thể uống mà không cần kiêng rượu. Tất nhiên, say xỉn không khiến bạn khỏi ốm. Nó chỉ khiến bạn mệt lả vì mất nước, nhưng đó không phải là do tương tác giữa kháng sinh và rượu.

Có thể vài trường hợp cá biệt đã dẫn đến niềm tin rằng mọi kháng sinh đều không thể uống cùng với rượu nhưng hai giả thuyết sau là hấp dẫn hơn cả. 

Một trong số đó là là nhiều loại kháng sinh đã từng được sử dụng để điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong quá khứ, các bác sỹ đã trừng phạt  bệnh nhân bị bệnh hoa liễu của mình bằng cách tước đi niềm vui uống rượu của những người này. 

Hoặc một lí giải nữa được đưa ra bởi một trong các tác giả của cuộc khảo sát tại phòng khám London. James Bingham đã gặp bác sỹ Brigadier Ian Fraser, người bắt đầu sử dụng penicillin cho những người chiến binh Bắc Mỹ bị thương trong chiến tranh thế giới II. Trong thời gian đó, penicillin có thời gian bán thải ngắn tới mức ngay sau khi người bệnh uống nó, thuốc được tìm thấy trong nước tiểu và được đem lọc để tái sử dụng. Những người lính đang hồi phục được phép uống bia. Thật không may, bia làm tăng lên lượng nước tiểu khiến tăng thải trừ penicillin. Theo ý của Brigadier, chính các chỉ huy trong quân đội đã cấm dùng bia khi uống thuốc này.

Những chuyện trên đều thú vị, bất chấp nó có thực sự là nguyên nhân chính hay không. Loại bỏ niềm tin về tương tác xấu giữa rượu và kháng sinh là con dao hai lưỡi. Bởi khi niềm tin này mất đi, những người vừa uống kháng sinh nhưng không thể từ chối sự cám dỗ của 1- 2 ly rượu có thể hoàn thành liệu trình của họ, ngăn cản sự lan rộng của vấn nạn vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ cần sáng tạo hơn một chút trong việc tìm lí do để giữ những tháng đầu tiên của thai kì làm bí mật cho riêng họ. 

Mọi tin tức trên đây chỉ là tin tức phổ thông, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ của bạn trước khi áp dụng.

http://www.bbc.com/future/story/20130917-truth-about-drink-and-antibiotics

https://pubs.niaaa.nih.gov/publications/Medicine/medicine.htm

Chủ đề chính: #thuốc_kháng_sinh

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn