Nguyễn Giang "SỐNG"

Liệu có phải những người gian lận có ở khắp mọi nơi?

Đăng 4 năm trước

Hai nghiên cứu gần đây đã có những kết luận tương tự nhau về mức độ không trung thực ở nhiều quốc gia. Có phải người dân ở những quốc gia này không trung thực hơn người dân ở những quốc qua khác? Câu hỏi này đã được hai nhóm nghiên cứu quốc tế khảo sát và đều đi đến một kết luận tương tự nhau.

Năm 2015, David Pascual-Ezama thuộc trường Universidad Complutense Madrid và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu về tính không trung thực ở 16 quốc gia (1). Tại mỗi nước, họ chọn ngẫu nhiên 90 sinh viên thuộc các trường đại học để tham gia trò chơi tung đồng xu.

Người tham gia sẽ chỉ có một lần duy nhất để tung đồng xu có hai mặt trắng và đen. Nếu đồng rơi xuống và lật mặt màu trắng lên, họ sẽ được nhận một thanh socola như là một phần thưởng. Mỗi sinh viên sẽ tự tung đồng xu của mình và báo kết quả cho nghiên cứu viên. Nghiên cứu viên sẽ không biết nếu có trường hợp sinh viên không báo cáo kết quả cách trung thực.

Nhưng đây mới là phần hấp dẫn. Nghiên cứu viên có thể ước lượng chính xác mức độ gian lận trong cả nhóm bằng cách đếm tổng số thanh socola đã được trao như một phần thưởng. Nếu có 90 sinh viên tham gia tung đồng xu, quy luật xác suất chỉ ra rằng khoảng phân nửa số lần tung đồng xu (45 lần) sẽ rơi xuống và lật mặt màu trắng lên. Nếu hầu như cả nhóm đều báo kết quả rằng họ là người chiến thắng, nhóm nghiên cứu sẽ có bằng chứng về mức độ gian lận cao ở nhóm này. 

Một điều hơi ngạc nhiên, Pascual-Ezama và nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, tại 16 quốc gia mà họ tiến hành thí nghiệm, có 57% số sinh viên báo cáo rằng họ tung đồng xu được mặt màu trắng. Theo quy luật xác xuất, số sinh viên tung đồng xu được mặt màu trắng cao hơn số lượng mà họ ước tính nếu mọi sinh viên đều nói thật là 7%. Như vậy, trong số các sinh viên tung đồng xu được màu đen, có khoảng 14% số sinh viên nói dối, còn lại 86% số sinh viên đã chống lại được cơn cám dỗ và nói thật.

Mới đây, Heather Mann tại Đại học Duke và các cộng sự của bà đã tiến hành một thí nghiệm tương tự nhưng họ dùng một nhiệm vụ khác và có số người tham gia nhiều hơn tại 5 quốc gia thực hiện thí nghiệm (2).

Tại mỗi quốc gia, tối đa có khoảng 220 sinh viên tại các trường đại học địa phương và 220 người dân bản địa đến một quán cà phê và tham gia một trò chơi trên iPad. Trong trò chơi này, người tham gia sẽ tung một viên xúc xắc ảo 20 lần.

Trước khi chơi, người tham gia sẽ chọn một trong hai mặt: mặt trên hoặc mặt dưới, và chỉ giữ ý nghĩ này trong đầu. Sau mỗi lần tung, Ipad sẽ hiển thị số chấm ở mặt trên và mặt dưới của xúc xắc. Người tham gia biết họ sẽ được hưởng một khoản tiền nhỏ cho mỗi mặt mà họ đã chọn trước. Vì thế, họ có thể chọn sai mặt, và có thể gian lận bằng cách nói rằng họ đã chọn mặt kiếm được nhiều tiền hơn.

Trong những lần thử nghiệm trước đó, nghiên cứu viên không thể xác định được trường hợp gian lận nếu có, nhưng giờ đây, họ có thể ước tính tương đối chính xác mức độ gian lận của một nhóm bằng cách so sánh số lượng những lựa chọn kiếm được nhiều tiền hơn với số lượng của những lần thử nghiệm ngẫu nhiên trước đó.

Ở cả 5 quốc gia, số người tham gia nói rằng mặt xúc xắc mà họ chọn trước có nhiều tiền hơn là 58%. Kết quả này cao hơn 8 phần trăm so với dự kiến ​​nếu mọi người nói sự thật và không ai gian lận. Nói cách khác, khi gặp kết quả của những lần tung không thuận lợi, có 84% số người tham gia nói thật – một kết quả tương tự với thí nghiệm trước đó ở 16 quốc gia.

Như vậy có thể thấy, ở một vài quốc gia thì gian lận nhiều hơn và một số thì ít hơn, nhưng sự khác biệt thì không lớn và không có ý nghĩa thống kê. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu quan sát thấy mức độ không trung thực thấp tương tự nhau giữa các quốc gia.

Theo Mann và các cộng sự, kết quả của hai thí nghiệm trên cung cấp sự hỗ trợ thực nghiệm cho việc duy trì thuyết quan niệm bản thân (self-concept). Lý thuyết này nói rằng những động cơ bên ngoài thúc đẩy chúng ta gian lận, nhưng chúng ta cũng được khuyến khích trung thực bởi những ước muốn bên trong để thấy rằng chúng ta là những người tốt, đàng hoàng và đạo đức. Sự không trung thực ở mức độ thấp (cũng gọi là “gian lận không hoàn hảo”) là kết quả của việc nỗ lực tìm kiếm một sự trung dung giữa những phần thưởng bên ngoài cho hành vi không trung thực và những phần thưởng bên trong cho hành vi trung thực.  

(1)  16 quốc gia trong thí nghiệm của David Pascual-Ezama là: Áo, Bỉ, Colombia, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Ấn Độ, Indonexia, Nhật Bản, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Anh.

(2)  5 quốc gia trong thí nghiệm của Heather Mann là: Trung Quốc, Colombia, Bồ Đào Nha, Đức và Mỹ

Chủ đề chính: #gian_lận

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn