Huỳnh Bảo Nghĩa

Liệu đam mê có quyết định thành công?

Đăng 8 năm trước

Nhiều người vẫn suy nghĩ rằng cứ theo đuổi đam mê thì nhất định sẽ thành công? Không đúng đâu! Hãy đọc bài này để xem mối quan hệ giữa đam mê và thành công nhá.

Trong thời đại này, chúng ta đã tự do hơn trong việc lựa chọn ngành nghề. Có lẽ vì thế mà câu nói “Hãy theo đuổi đam mê” trở nên phổ biến, khiến chúng ta đắm chìm trong thứ ảo tưởng theo đuổi điều mình thích để kiếm thật nhiều tiền từ nó. Liệu “theo đuổi đam mê” có phải là một lời khuyên nghề nghiệp đúng đắn?

“Hãy theo đuổi đam mê” là một lời khuyên rất chung chung, thậm chí có thể gây hiểu lầm. Nó dẫn mọi người chạy theo cảm xúc một cách mù quáng. Họ chọn một công việc mình thích mà không có sự chuẩn bị trước, không biết mình cần gì, muốn gì và khả năng đến đâu.

Tổ chức 80,000 Hours (một tổ chức phi lợi nhuận nhằm giúp mọi người tìm được nghề nghiệp phù hợp) đã nghiên cứu và đưa ra kết luận theo đuổi đam mê là cách sai lầm để kiếm được một công việc tốt. Tại sao ư? Vì phần lớn đam mê của mọi người đều không phù hợp với thị trường việc làm.

Trong một khảo sát mới đây, 84% sinh viên Canada cho biết họ có đam mê riêng và 90% trong số này yêu thích lĩnh vực thể thao, âm nhạc và hội họa. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có 3% có việc làm trong lĩnh vực này. Một cuộc đua việc làm đang hiển hiện ngay trước mắt.

Các nhà tâm lý học cũng chỉ ra rằng không ai biết được sở thích của mình sẽ thay đổi ra sao. Bạn của 10 năm trước từng tuyên bố sẽ không lập gia đình. Nhưng ở tuổi 30, hiện tại của bạn thay đổi hoàn toàn.

Biểu đồ Venn được dùng để đánh giá thành công trong công việc chỉ ra rằng đam mê chỉ là một trong các yếu tố quyết định thành công.

Đam mê chỉ là một trong các yếu tố quyết định thành công. Minh họa: @eskimon

Trên thực tế, rất nhiều người không hề hài lòng với công việc hiện tại của mình vì ngay từ đầu họ đã chẳng mặn mà gì với nó. Tuy nhiên, nếu biết được ý nghĩa của việc mình đang làm, họ vẫn có thể tìm thấy đam mê. Một công việc ý nghĩa bao gồm 5 yếu tố cơ bản:

  • Độc lập (Independence): bạn có làm chủ được cách làm việc của mình hay không?
  • Cảm giác hoàn thành (Sense of completion): bạn có thể dễ dàng nhìn thấy thành quả của mình không?
  • Đa dạng (Variety): liệu công việc mà bạn đang làm có yêu cầu các kĩ năng khác nhau để xử lý một loạt các vấn đề hay không?
  • Phản hồi (Feedback from the job): bạn có thể biết được mình đang làm việc rất tốt hay cực tệ hay không?
  • Đóng góp (Contribution): công việc của bạn có tạo được sự khác biệt hay ảnh hưởng tích cực nào tới mọi người xung quanh hay không?

Mỗi yếu tố đều có ảnh hưởng nhất định tới động lực, năng suất và lòng tận tâm của bạn trong công việc. Đam mê chưa chắc đã cần có từ trước mà nó có thể được tạo ra ngay trong quá trình làm việc. Khả năng cống hiến cho công việc của mỗi người có thể tạo ra đam mê, làm nền tảng cho sự nghiệp lâu dài và ổn định. Điều đó chẳng phải tốt hơn sao?

Nếu thấy hay thì bấm like và share bài viết các bạn nhá. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo các bài viết khác của mình trong mục Học và Làm. Hy vọng những bài viết của mình sẽ giúp bạn được phần nào có cái nhìn sâu rộng hơn trong công việc và học tập.

Theo 99u.com

Chủ đề chính: #đam_mê

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn