Khuyến học

Liệu đọc xong Đắc Nhân Tâm đã đắc được nhân tâm???

Đăng 4 năm trước
Liệu đọc xong Đắc Nhân Tâm đã đắc được nhân tâm???

Trong những ngày rảnh rỗi mùa dịch, tôi có đọc lại cuốn Đắc nhân tâm – How to win friends and influence people của Dale Carnegie, cuốn sách nổi tiếng nhất, bán chạy nhất và có tẩm ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Cuốn sách được chia làm 4 chương lớn, lần lượt là Nghệ thuật ứng xử căn bản, Sáu cách tạo thiện cảm, 12 cách hướng người khác suy nghĩ theo bạn và Chuyển hóa người khác mà không gây ra sự chống đối hay oán giận. Những ký năng giao tiếp được cuốn sách trình bày và phân tích rất rõ ràng, mạch lạc với nhiều ví dụ minh họa. 

Nhưng bạn cũng như tôi chắc luôn có những người bạn kiểu thế này. Một anh chàng hiền lành, ít nói luôn rụt rè cả với mấy thằng bạn trai chứ đừng nói đến đám con gái hay một ông sếp nóng tính mắng nhân viên xa xả mỗi khi làm sai trong giờ làm việc, hoặc một cô nàng bốp chát nói chưa xong là cãi xong rồi,… xem qua chẳng giống như sách nói gì cả nhưng vẫn được nhiều người yêu quý và tôn trọng.

Vậy nên sau quá trình nhiều năm quan sát, tiếp xúc nhiều người tôi trộm để Đắc nhân tâm tức Được lòng người thì cuốn sách chưa đề cập đến những yếu tố gốc rễ, những yếu tố mà chúng ta thường quên đi khi Relationship Building, đó là ba thứ sau:

Thứ nhất: Tâm

Trong quan hệ giữa người với người chữ Tâm là quan trọng nhất. Khổng Tử từng dậy rằng muốn để người khác nghe lời khuyên của mình thì đầu tiên phải tạo tạo sự gần gũi. Mọi lời khen hay chê đều sẽ vô nghĩa nếu người nhận biết rằng bạn không mong muốn tốt cho họ. Cuộc sống mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một số phận, không ai muốn mình trở thành người xấu trong mắt người khác cả. Con người ta được tạo thành từ những yếu tố về di truyền, sự giáo dục của gia đình, ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh, … không ai giống ai cả. Vì vậy khi đánh giá một con người bạn nên đặt mình vào vị trí của họ, từ đó có một thái độ đúng đắn và tránh tâm lý thù ghét, có một cái tâm trong quan hệ giữa người với người. Không phải tôi đang khuyên bạn sống tốt đời đẹp đạo để yêu thương trùm khắp thế gian đâu, mà nghĩ bạn nên làm điều này vì chính bản thân bạn. Tâm lý thù ghét sẽ kiềm chế bản thân bạn, làm bạn không được thoải mái trong cuộc sống, bạn sẽ dễ có những hành vi không đúng mực với người đó làm cho người xung quanh cũng đánh giá bạn thấp hơn. Nếu ở mức độ cao hơn và cực đoan hơn nó sẽ đưa bạn đến những hành vi tiêu cực, bạn không hành động vì bản thân mình nữa mà vì để trả thù. Khi có Tâm bạn sẽ không phải mất những giây phút quý giá của cuộc sống cho những suy nghĩ tiêu cực, bạn chỉ tập trung vào những người bạn yêu thương, làm những việc bạn thực sự thích, một thái độ sống vô cùng thoải mái. Bạn sống cho bản thân chứ không phải cho “kẻ thù”. Bạn cho đi trước và tôi tin bạn sẽ nhận được thật nhiều về sau.

Thứ hai: Tầm

Bây giờ tưởng tượng rằng bạn đã là một người có tâm rồi, mọi người biết rằng bạn rất tốt nhưng khi ngồi cùng nhau bạn biết nói gì, chẳng nhẽ lại chia sẻ chuyện gia đình, công việc, cuộc sống hàng ngày mà có phải với ai bạn cũng có thể nói những chuyện như thế này đâu. Trong những bí quyết để thành công thường đề cập đến việc chúng ta nên quan hệ với những người giỏi hơn mình, thành công hơn mình. Song vấn đề là làm sao để làm được việc đó. Tôi nghĩ trong cả hai trường hợp trên chúng ta đều có thể giải quyết bằng chữ “Tầm”. Chứ Tầm gồm có khí chất và năng lực. Khi bạn có hai yếu tố này bạn sẽ dám làm, dám dấn thân, dám thay đổi, cuộc sống của bạn sẽ rất thú vị. Và khi cuộc sống của chính bản thân bạn thú vị thì bạn mới nhận được sự tôn trọng, truyền được cảm hứng sống cho những người yêu quý bạn. Bạn cũng sẽ có sự cảm nhận, thấu hiểu tốt về cuộc sống để từ đó có thể chia sẻ và đồng cảm với người khác. Hiện tại Tầm của bạn mới ở mức 3, bạn muốn kết giao với nhữn người ở mức 5, mức 7 thậm chí là mức 10 thì Tâm thôi không đủ, bạn phải liên tục nâng cao cái Tầm của bản thân nữa. Con người ta khi ở mức cao sẽ muốn kết giao với những người ở mức độ tương đương và cao hơn mình hoặc những người mà dựa vào khí chất họ biết sớm đạt mức đó. Luôn nỗ lực nâng cao cái tầm của bản thân, vì đó là sợi dây tốt nhất để buộc chặt một mối quan hệ khi bạn đã có một chữ Tâm.
 Chẳng phải chỉ vì quý trọng nhau về cái Tâm và cái Tầm mà Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi đã thề sống chết cùng nhau đó sao.

Thứ ba: Nhẫn nại

Nếu muốn xây một tòa nhà cao, bạn phải làm một cái móng sâu. Nếu muốn một mối quan hệ lâu dài, bạn không thể có nó trong một thời gian ngắn được. Cuộc sống hiện đại khá thanh bình, ít khi con người ta bị đẩy đến ranh giới giữa sự sống và cái chết để bộc lộ hết bản thân. Do đó để hiểu một người cần phải có thời gian và để tin tưởng một người thì cần phải có nhiều thời gian, trải qua nhiều sự việc cùng nhau. Vậy nên hãy cho người khác thời gian để hiểu mình và cũng đừng đánh giá người khác quá sớm. Hãy nhẫn nại.

Có một cái Tâm tốt, luôn trau dồi nâng cao cái Tầm của bản thân và luôn Nhẫn nãi làm gốc rễ, cộng với việc vận dụng linh hoạt những kỹ năng trong Đắc nhân tâm, chắc chắn rằng bạn sẽ có những mối quan hệ thật rộng và thật sâu.

Chủ đề chính: #Đắc_nhân_tâm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn