mirumirumirumo Every day may not be good, but there is something good in every day.

Loại thức uống được tiêu thụ nhiều thứ hai trên thế giới có lịch sử như thế nào?

Đăng 4 năm trước

Chúng ta đều biết nước lọc là đồ uống có lượng tiêu thụ cao nhất thế giới. Và xếp thứ hai là một thức uống đã quá quen thuộc với người dân châu Á - trà. Vậy lá trà xuất hiện từ bao giờ và vì sao nó lại trở thành một loại đồ uống phổ biến đến vậy? Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho bạn lịch sử của thức uống tuyệt vời này.

Một ngày dài khi lang thang trong rừng để tìm các loại hạt và thảo dược ăn được, một vị nông dân phi phàm tên Thần Nông mệt lử đã vô tình trúng độc 72 lần. Trước khi chất độc giết chết ông ấy, một chiếc lá đã rơi vào miệng ông. Ông ấy đã nhai nó và nó đã cứu ông, và đó là cách ta biết tới trà, hay ít nhất là truyền thuyết đã kể vậy. Trà không chữa ngộ độc, nhưng câu chuyện của Thần Nông - ông tổ nông nghiệp trong thần thoại Trung Hoa đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trà ở Trung Quốc cổ đại. 

Các chứng cứ khảo cổ cho thấy cây chè được trồng từ 6000 năm trước hay 1500 năm trước khi Pharaoh xây kim tự tháp Giza. Đó là truyền thuyết Trung Hoa về cây chè - giống như loại cây trồng khắp thế giới ngày nay. Song bấy giờ người ta sử dụng nó một cách rất khác. Nó được coi như một loại rau hay được nấu với hạt yến mạch.

Chè chỉ được chuyển từ đồ ăn sang đồ uống từ 1500 năm trước, khi người ta phát hiện ra cách kết hợp nhiệt với nước có thể tạo ra hương vị phức tạp và đa dạng từ loại lá này. Sau hàng trăm năm thay đổi cách thức chuẩn bị, phương thức phổ biến là đun chè, nén lại thành một bánh nhỏ rồi xay mịn ra thành bột, pha với nước nóng, tạo ra một loại đồ uống gọi là trà xanh hay matcha.

Matcha trở nên phổ biến đến nỗi nó trở thành trà đạo Trung Hoa. Trà trở thành một đề tài trong văn thơ, loại đồ uống ưa thích của hoàng đế và phương tiện của các nghệ sĩ. Họ có thể vẽ nên bức tranh phi thường bằng bọt trà, giống như tranh trên cốc espresso mà bạn thấy ở các quán cafe ngày nay. 

Vào thế kỷ thứ 9, ở thời nhà Đường, một nhà sư Nhật Bản đã mang cây chè đầu tiên tới Nhật. Người Nhật sau đó đã phát triển các nghi thức thưởng trà của riêng họ, hình thành nên trà đạo Nhật. 

Và ở thế kỷ 14 trong thời Minh, hoàng đế Trung Quốc chuyển chuẩn mực từ bánh trà nén sang lá rời. Lúc bấy giờ, Trung Quốc vẫn nắm giữ độc quyền thị trường cây chè, đưa chè trở thành một trong ba mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nước này cùng với đồ sứ và vải. Điều này giúp Trung Quốc có sức ảnh hưởng về chính trị và kinh tế khi thưởng trà lan ra khắp thế giới. 

Sự lan toả bắt đầu nở rộ vào đầu năm 1600 khi lái buôn Hà Lan đưa chè tới châu Âu với số lượng lớn. Công lớn thuộc về nữ hoàng Catherine xứ Braganza - một nữ quý tộc Bồ Đào Nha đã làm trà trở nên phổ biến với giới thượng lưu Anh khi bà cưới vua Charles đệ nhị vào năm 1661. Thời điểm đó, nước Anh đang trong công cuộc mở rộng thuộc địa và trở thành quốc gia mới nắm quyền thống trị thế giới. Cùng với sự phát triển của đế quốc Anh, nhu cầu trà lan rộng ra khắp thế giới. 

Tới năm 1700, trà ở châu Âu bán đắt gấp mười lần cà phê và giống cây vẫn chỉ được trồng ở Trung Quốc. Buôn bán chè lãi tới mức các loại thuyền buồm, thuyền tốc độ cao nhanh nhất thế giới được sinh ra từ sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty thương mại phương Tây. Chúng đều đua nhau để đưa chè về châu Âu nhanh nhất để tối đa hoá lợi nhuận. Ban đầu, nước Anh trả cho số lá chè này bằng bạc. Nhưng khi nó trở nên quá đắt đỏ, họ đề nghị trao đổi bằng một mặt hàng khác là thuốc phiện. Điều này làm nổ ra một vấn đề sức khoẻ tại Trung Hoa khi mà người dân trở nên nghiện thuốc. 

Đến năm 1839, một vị quan Trung Quốc yêu cầu thuộc hạ phá hủy lượng lớn thuốc phiện vận chuyển từ Anh như một lời tuyên bố chống lại sức ảnh hưởng của Anh tại nước này. Hành động này đã gây ra cuộc chiến thuốc phiện đầu tiên giữa hai nước. Chiến tranh nổ ra khắp tại ven biển Trung Quốc tới tận năm 1842 khi nhà Thanh bại trận và phải nhượng lại cảng Hồng Kông cho Anh cùng với sự hồi phục các điều khoản giao thương bất lợi. Chiến tranh đã làm suy yếu vị thế của Trung Hoa trong hơn một thế kỷ. 

Công ty British East India muốn tự trồng chè để có thể nắm giữ thị trường hơn nên họ đã ủy quyền cho nhà thực vật học Robert Fortune lấy cắp cây chè từ Trung Quốc trong một chiến dịch bí mật. Ông giả trang và bắt đầu hành trình đầy hiểm nguy khắp các đồi chè ở Trung Quốc, sau là buôn lậu cây chè và những người trồng chè có kinh nghiệm vào Darjeeling, Ấn Độ. Từ đó, giống cây trồng được lan rộng hơn nữa, giúp trà trở thành một loại mặt hàng thường nhật. 

Ngày nay, trà là đồ uống được tiêu thụ nhiều thứ hai chỉ sau nước lọc, từ trà đường Thổ Nhĩ Kỳ đến trà bơ mặn Tây Tạng, có nhiều cách để chuẩn bị trà như số lượng các nền văn hoá trên thế giới vậy. 

Nguồn: TED-Ed YouTube Channel 

Người dịch: Ly Nguyễn

Chủ đề chính: #uống_trà

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn