Chút chít Hòa đồng, nhiệt tình, tưng tửng ^^

Lời giải thích cho 4 vấn đề khó chịu mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống

Đăng 5 năm trước

Chắc hẳn rất nhiều lần bạn đã từng thắc mắc 'Tại sao mồ hôi của mình lại có mùi rất tệ khi bị căng thẳng?' hay 'Tại sao trong một vài bức ảnh, mình lại có đôi mắt màu đỏ?'... Nếu vẫn chưa tìm được câu trả lời thì bài viết dưới đây sẽ phần nào giải đáp cho bạn.

1. Tại sao mồ hôi của bạn có mùi rất tệ khi bạn bị căng thẳng?

Không ít người thắc mắc 1 điều rằng, vì sao tập hàng tiếng đồng hồ trong phòng tập gym, mồ hôi ướt sũng nhưng dường như không có mùi. 

Ấy vậy mà chỉ đứng thuyết trình 1 bài trước đám đông, hay hồi hộp chuẩn bị làm 1 bài thi thôi... mà mồ hôi đâu bỗng nhiên túa ra như tắm. Không những thế điều tệ hại là bạn phát hiện cơ thể mình hình như bốc mùi nồng nặc nữa cơ. 

Rõ cùng là mồ hôi nhưng vì sao lúc lại có mùi, lúc lại dường như không có mùi như vậy?    

Tiến sĩ George Preti - một nhà hóa học hữu cơ chuyên nghiên cứu về nguồn gốc mùi của con người tại Trung tâm Hóa học Monell, Philadelphia ( Mỹ) sẽ bật mí cho bạn câu trả lời này. 

Theo ông, cơ thể chúng ta có 2 tuyến mồ hôi khác nhau.  

  • Tuyến eccrine tạo ra lớp mồ hôi phủ khắp cơ thể khi bạn hoạt động với cường độ cao. Eccrine phân bổ khắp trên da, giúp làm mát cơ thể khi bị tăng nhiệt sau khi hoạt động thể chất hoặc trong thời tiết nóng bức. 
  • Bên cạnh tuyến mồ hồi eccrine thì còn có tuyến apocrine - thường xuất hiện ở vùng dưới cánh tay. Chúng được kích hoạt mạnh khi bạn bị căng thẳng về tâm lý.     Tuyến mồ hôi này sẽ tạo ra 1 mùi hôi mạnh mẽ, đôi khi là còn có cả mùi của lưu huỳnh khi bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi nữa. 

Ramsey Markus - phó giáo sư da liễu thuộc Đại học Y khoa Baylor cũng chia sẻ rằng: "Khi bạn căng thẳng sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm trong cơ thể, lúc này tim bạn cũng sẽ đập mạnh hơn, nhanh hơn,lòng bàn tay đổ mồ hôi, miệng khô đi". 

Ramsey Markus cũng nói thêm rằng, tuyến mồ hôi tiết ra khi bạn tập thể thao chủ yếu là nước còn mồ hôi lúc căng thẳng (phát ra từ tuyến apocrine) còn bao gồm cả chất béo, lipid, protein nữa.Lợi dụng những thành phần này,vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập - và đó là căn nguyên của sự nặng mùi cho cơ thể. 

2. Tại sao khó thức dậy hơn nếu bạn báo thức trong 5 phút?

Dù bạn đã ngủ bao nhiêu thì vẫn có vẻ khôngbao giờ là đủ. Logic mà nói thì ngủ thêm dăm mười phút sẽ làm bạn có thêm sức lực. Nhưng liệu điều đó có đúng không? 

Hoàn toàn không. Theo các chuyên gia, thay vì mang lại cho bạn sự tỉnh táo, việc chợp mắt ngủ thêm sau khi tắt chuông báo thức có thể thực sự làm tăng mệt mỏi, khiến bạn cảm thấy buồn ngủ và khó thức dậy hơn. 

Điều này là do thời gian giữa hai lần báo thức là quá ngắn khiến cơ thể không đủ thời gian để trở lại giấc ngủ sâu. Hơn nữa, sự thiếu nề nếp khiến não “bối rối” về ý nghĩa thực sự của tiếng chuông báo thức và nhầm lẫn nó với đồng hồ sinh học của cơ thể. 

Nói chung,cơ thể sẽ làm tốt hơn khi nó có thể sử dụng một quy tắc rõ ràng duy nhất - ra khỏi giường vào lúc có chuông báo thức. Việc ngủ lâu hơn một chút có vẻ rất hấp dẫn, nhưng thêm vài phút thực sự có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. 

Nếu bạn chưa sẵn sàng để ra khỏi giường thì có lẽ là bạn ngủ chưa đủ, vì thế nên bắt đầu bằng cách đảm bảo bạn sẽ ngủ đủ từ 7 đến 9 tiếng theo như khuyến nghị.

3. Tại sao trong một vài bức ảnh, chúng ta lại có đôi mắt màu đỏ?

Thật ra, chúng ta thường thấy mắt của người được chụp bị đỏ là do ảnh được chụp vào buổi tối và có sử dụng đèn flash.  

Khi chụp ảnh có đèn flash, ánh sáng mạnh từ đèn một mặt làm khung cảnh sáng lên, mặt khác tác động trực tiếp tới cầu mắt, đi xuyên qua đồng tử tới mạch máu nằm phía sau. Và chính ánh sáng phản xạ mạch máu này khiến cho mắt bị hiện tượng đỏ lên trong ảnh. 

Có một sự thật thú vị dành cho bạn - đó là những người có làn da sáng cùng đôi mắt màu xanh, xanh lá cây sẽ dễ bị "đỏ mắt" khi chụp ảnh do sở hữu ít melanin hơn. 

Nếu muốn tránh mắt đỏ toàn tập thì hãy bật tất cả đèn trong phòng lên hoặc tắt đèn flash khi chụp nhé!

4. Tại sao giọng nói khi nghe qua điện thoại hay thu âm lại khác với thực tế?

Bản thân chúng ta đều tự cảm nhận rằng chất giọng của mình thực sự cũng không tồi chút nào. Nhưng trên thực tế có một sự khác biệt rất lớn giữa âm thanh bạn nghe trực tiếp khi nói và âm thanh người khác lắng nghe từ bạn. Đó là vì sao chúng ta thường lầm tưởng về giọng nói của chính mình hay và ấn tượng cho tới khi bị “vỡ mộng” qua các đoạn băng ghi âm. 

Lý do giải thích cho sự khác biệt này chính là khi chúng ta nói, âm thanh sẽ được truyền tải theo 2 hướng khác nhau hoàn toàn. 

  • Một là âm thanh truyền trong không khí đến tai người khác nghe, chúng phải thông qua tai ngoài, tiếp đến màng nhĩ và cuối cùng là tai trong của họ. Điều này cũng tương tự như khi ta nghe đoạn ghi âm giọng nói chính mình.  
  • Một hướng khác chính là âm thanh khi chúng ta nói thành tiếng sẽ được phát từ dây thanh quản, chạy qua yết hầu rồi truyền tới xương sọ và tai trong, do đó chỉ có mình bạn có thể lắng nghe rõ được âm thanh đó. 

Ngoài ra, khi âm thanh được truyền trong không khí sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường khiến năng lượng bị suy giảm và âm sắc thay đổi khá nhiều. Ngược lại, trong quá trình truyền tải âm thanh trực tiếp tới xương sọ sẽ ít hao hụt về năng lượng và âm sắc hơn. 

Từ lời giải thích kể trên, chúng ta có thể đi tới một kết luận rằng: Giọng nói của chúng ta thường có một chút khác biệt so với những gì mà bản thân và mọi người xung quanh cảm nhận. 

Nguồn: BrightSide

Chủ đề chính: #1001_câu_hỏi_vì_sao

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn