thanhha19973

Lợi ích và nguy hại của trí tuệ nhân tạo

Đăng 6 năm trước

Sự phát triển quá nhanh của 'trí tuệ nhân tạo' dấy lên trong con người những mối lo lắng nhất định. Bên cạnh sự hào hứng về một cuộc sống đầy lợi ích khi mọi thứ đều được tự động hóa và những công việc hằng ngày sẽ có người máy giúp đỡ. Chúng ta lo lắng trí thông minh nhân tạo có tiềm năng phát triển nhanh hơn so với các chủng tộc của loài người, khi chúng ta không thể kiểm soát được chúng thì robot có thể sẽ nổi loạn và quay lại kiểm soát chúng ta.

1) Những lợi ích của trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (viết tắt là AI) được xem như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. Thực ra không có gì mới mẻ khi vào thập niên 1950, John McCarthy (1927-2011) đã thiết lập thuật ngữ “Artificial Intelligence (AI)” trong hội thảo đầu tiên dành cho chủ đề này. Ông còn sáng chế ngôn ngữ lập trình Lisp. Ngày 11 tháng 5 năm 1997, siêu máy tính Deep Blue của IBM đã đánh bại đại kiện tướng cờ vua người Nga, Garry Kimovich Kasparov. 

Ngày 9 tháng 3 năm 2016, phần mềm Alpha Go của nhóm Google Deep Mind giành 4 trận thắng trong tổng số 5 trận trước huyền thoại cờ vây Lee Se-dol đến từ Hàn Quốc.

Đây là hai dấu mốc đáng nhớ nhất trong lịch sử phát triển của trí tuệ nhân tạo. AI không ngừng phát triển và phát triển nhanh đến chóng mặt. Khi mà mọi thứ dần được tự động hóa thì nó sẽ giúp tăng chất lượng sống, giải quyết các thách thức toàn cầu, những bài toán lớn của thế giới thực như biến đổi khí hậu, lương thực, bất bình đẳng, sức khỏe và giáo dục, lúc này những quyết định của con người sẽ được lợi nhờ những chiếc máy biết học tập nhanh và xử lý dữ liệu hiệu quả hơn.

Công nghệ tiên tiến giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, tăng hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sáng tạo và phát triển của nền công nghiệp trong dài hạn. Chi phí vận chuyển và liên lạc giảm, dây chuyền cung cấp hiệu quả hơn, chi phí thương mại được giảm thiểu. 

Thực tế chúng ta có thể thấy những tiện ích thiết thực của AI hằng ngày như những trợ lý ảo Google Now, phần mềm Siri trên điện thoại iPhone, Cortana trong hệ điều hành Windows… Ở tập đoàn Google, công nghệ máy học tập và mạng mô phỏng não người đã được sử dụng rộng rãi trong một số sản phẩm, chẳng hạn như tìm kiếm (search), dịch thuật Google Translate hoặc xe hơi tự lái,... 

Trí tuệ nhân tạo giúp xử lý một loại công việc nào đó như điều khiển một ngôi nhà, nghiên cứu nhận diện hình ảnh, xử lý dữ liệu của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị, xử lý dữ liệu để tự học hỏi, khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của một công ty,…. 

Trong năm 2014 Facebook đã giới thiệu một thuật toán gọi Deep Face có thể nhận ra khuôn mặt của con người. Độ chính xác của phương pháp đạt tới 97,25%, ngay cả khi gương mặt ở độ sáng yếu hoặc một phần ẩn.   

 Ngoài ra, một số quốc gia sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để phục vụ xác thực nhập cảnh. Ngày 5 tháng 5 năm 2015 cho thấy những điệp viên của Mỹ sử dụng phần mềm nhận dạng giọng nói để chuyển đổi các cuộc gọi điện thoại thành văn bản nhằm phục vụ việc tìm kiếm dễ dàng hơn. 

2) Sự lo ngại về trí tuệ nhân tạo

Ngày tận thế của nhân loại

“Người máy sở hữu "trí tuệ nhân tạo" (AI) ngày càng thông minh hơn. Nhưng thử nghĩ xem, nếu một ngày chúng ta không thể kiểm soát được những "bộ óc máy" này nữa thì thế giới con người khi đó sẽ ra sao?”, Thomas Linkel (nhà khoa học Thomas Linkel, tới từ trường ĐH New York) chia sẻ. 

Còn nhà vật lý học Stephen Hawking đã đưa ra cảnh báo vô cùng nghiêm trọng trong cuộc phỏng vấn với đài BBC “Sự phát triển đầy đủ của trí tuệ nhân tạo có thể đặt dấu chấm hết cho nhân loại. Con người, vốn bị giới hạn bởi sự tiến hóa sinh học chậm, sẽ không thể cạnh tranh được và sẽ bị qua mặt”. 

Trí tuệ nhân tạo liệu có thể mang lại mối nguy cho nhân loại trong tương lai như những bộ phim viễn tưởng? Liệu nó có hủy diệt nhân loại?

Nhà khoa học máy tính Steve Omohundro có cảnh báo rằng ngay khi hệ thống AI nhận thức được một ngày nào đó những người chế tạo có thể chấm dứt hoạt động của chúng, chúng sẽ lập tức tập trung nguồn lực để hủy diệt chính những nhà phát minh, nhằm bảo vệ sự tồn tại của chúng. 

Theo ông Omohundro “Khi người xem hỏi các nhà chế tạo robot về sự an toàn, thông thường câu trả lời là ‘Chúng ta luôn có thể ngắt nguồn nó!’. Nhưng hãy tưởng tượng hậu quả này trên quan điểm của một quân cờ robot. Tương lai khi nó bị ngừng lại là tương lai mà nó không thể chơi hay thắng bất kỳ ván cờ nào. Điều này sẽ không mang lại nhiều lợi ích, vì thế mong muốn tối đa hóa lợi ích sẽ dẫn đến việc sáng tạo ra các phương tiện nhằm ngăn chặn cho nó không bị ngừng lại. Nếu hệ thống này tin rằng nhà chế tạo vẫn kiên quyết ngăn chặn, nó sẽ có động cơ để phát triển mục tiêu chấm dứt vĩnh viễn nhà sáng tạo robot. Omohundro còn nói thêm “Áp lực phát triển quân sự và kinh tế nhằm giúp ra quyết định nhanh chóng đang thúc đẩy sự phát triển rộng lớn của một loạt hệ thống tự động. Quân đội luôn muốn có những hệ thống mạnh hơn để dàn trận trước đối phương. Điều này có thể dẫn đến ‘cuộc chiến vũ trang’, theo đó những hệ thống này sẽ được phát triển theo tiến trình nhanh hơn là mong đợi”. 

Nếu vậy, tương lai loài người sẽ thực sự u ám và tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thể lường trước được khi những người máy trở nên siêu việt vượt xa những người thông minh nhất. Khi đó những đứa con mà loài người sinh ra sẽ phản lại chúng ta, chúng có thể sẽ đứng lên làm chủ và thống trị vũ trụ. Robot nắm quyền kiểm soát hoàn toàn khi biết rằng chúng ta là mối nguy cho sự an toàn của chúng, chúng sẽ tiêu diệt chúng ta hoặc bắt chúng ta trở thành nô lệ cho chúng. Không ai dám tưởng tượng viễn cảnh đen tối ấy tưởng chừng chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng như “Kẻ hủy diệt” lại có thể xảy ra trong thực tế.

Tỷ lệ thất nghiệp cao

Các công nghệ tự động hóa và robot, internet và trí tuệ nhân tạo tăng trưởng một cách chóng mặt. Điều này khiến cho tốc độ các công việc biến mất nhanh hơn, có thể chúng ta không kịp tạo ra những việc làm mới một cách kịp thời, vì thế nhiều người sẽ bị mất việc làm. Khi máy móc có thể làm hầu hết những việc có tính lặp đi lặp lại, mang tính dây chuyền, thao tác đơn giản, yêu cầu độ chính xác cao, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn thì chắc chắn chúng sẽ thay thế những con người đang đảm nhận những vị trí đó. Những công việc mà trong tương lai chúng ta sẽ chỉ thấy hình ảnh những robot làm việc như công nhân làm việc trong các xưởng sản xuất dây chuyền, tài xế lái xe, thu ngân, điện thoại viên, nhân viên vận hành và trông nom máy đóng gói,...

Thậm chí cả những công việc phức tạp hơn, đòi hỏi trí tuệ cũng có nguy cơ bị công nghệ cướp mất việc làm như các vị trí trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính-ngân hàng,...

Nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường lao động. Khi robot và tự động hóa lên ngôi, số lượng lao động dư thừa sẽ tăng lên. Mặt khác, khoảng cách giàu nghèo sẽ gia tăng giữa những đối tượng cung cấp vốn tài chính và vốn tri thức (các nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư) và những đối tượng phụ thuộc vào sức lao động (người lao động). Theo cách nhìn nhận đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể tạo ra sự sụt giảm thu nhập đối với số đông dân cư tại các nước phát triển khi nhu cầu nhân lực có trình độ cao tăng đồng thời nhu cầu nhân lực phổ thông giảm mạnh. Trong lịch sử, các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây cũng làm sâu sắc hơn bất bình đẳng xã hội, kéo theo hàng loạt những biến động lớn về kinh tế, chính trị bao gồm những điều chỉnh về thuế và an sinh xã hội.

Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và chúng ta đang ở trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Không thể phủ nhận sẽ có rất nhiều lợi ích cho con người khi công nghệ ngày càng phát triển và chúng ta lại đang tạo ra những người máy có khả năng giúp con người trong rất nhiều công việc, chúng còn có khả năng học hỏi để hỗ trợ cho loài người. Điều đó giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng năng suất. Nhưng vì tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt, chúng ta không thể lường trước được hậu quả, cũng như không thể thích nghi kịp với thời đại mới thì nhiều hệ lụy nghiêm trọng sẽ xảy ra, cả thế giới sẽ trở nên loạn lạc. Vì vậy, tăng nhiều lợi ích hơn rủi ro của trí tuệ nhân tạo đối với cuộc sống là điều rất quan trọng.

Chủ đề chính: #trí_tuệ_nhân_tạo

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn