TÂM DI Mỗi người sinh ra trên đời này đều có một vẻ đẹp, tài năng và giá trị khác nhau, không ai là vô dụng hay dư thừa trên cuộc đời này cả, như Albert Einstein đã nói: “Mọi người đều là thiên tài…Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch”. Chúc tất cả các bạn đều phát hiện được tài năng và vẻ đẹp của mình.
Giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh

Lời nói và cách cư xử trong cuộc sống hiện đại

Đăng 6 năm trước

Cuộc sống thay đổi không ngừng, mọi người đều hối hả chạy theo cho kịp xu hướng phát triển của thời đại, nhưng họ lại quên mất cách làm thế nào để kết nối với nhau. Đặc biệt là bằng lời nói, họ sẵn sàng làm tổn thương nhau, chà đạp nhau nhưng chúng ta hãy nhớ Benjamin Franklin đã nói rằng: 'Hãy nhớ không chỉ nói điều đúng ở đúng chỗ, mà còn khó hơn nhiều là không nói điều sai vào lúc thấy cám dỗ nhất.'

Xã hội ngày càng hiện đại làm cho con người ta cũng hối hả theo cho kịp sự phát triển ấy của thời đại. Chúng ta đang sống trong thời đại mà chỉ cần chậm một giây thôi cũng khiến cho mọi thứ bị tụt hậu, bị đẩy lùi, bị chững lại và đôi khi là biến mất. Ai ai cũng khao khát thành công, nhưng làm thế nào để đạt được điều đó thì không phải ai cũng biết. Và đôi khi, họ không từ “thủ đoạn” nào để có được điều mình muốn.

Cuộc sống thay đổi quá nhanh khiến cho chúng ta không kịp suy nghĩ kĩ những điều mình nói, những việc mình làm. Chỉ mong sao điều đó có lợi nhất cho bản thân là được. Nhưng dân gian có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, một lời nói của bạn có thể đưa người khác lên đỉnh cao, có thể giúp họ vượt qua nỗi đau, nỗi buồn, sự thất vọng hay bất an, đồng thời nó cũng khiến cho người khác bị tổn thương sâu sắc, mà rất có thể sẽ ám ảnh họ suốt cả cuộc đời.

Một đứa trẻ khi nhận được sự khích lệ của ba mẹ, có thể vững vàng hơn với những bước chân đầu đời. Dù có vấp ngã, dù có bị thương, nó vẫn tin rằng sau lưng mình, vẫn có người thân đang ủng hộ, đang cổ vũ, đang hướng mắt về nó với tất cả tình thương và sự tin tưởng. 

Một em học sinh có thể có được sự tự tin khi thầy giáo có lòng vị tha và bao dung trước lỗi lầm mà mình mắc phải. Vì thầy đủ kinh nghiệm và sự trải nghiệm để biết rằng, đời người không ai là không từng mắc sai lầm, thầy biết rõ rằng thái độ lúc này của mình rất có thể sẽ hủy hoại tương lai của một con người nếu sơ ý và không tận tâm. Hơn ai hết, thầy hiểu rằng mình cần phải động viên, khích lệ hơn là xỉ vả và chà đạp nhân phẩm, lòng tự trọng của một tâm hồn non nớt chưa định hình được bản thân mình. Tự tin hay tự ti chỉ khác nhau là thêm bớt một chữ “n”. 

Tương lai của một con người chắc chắn phải do họ quyết định, đường đời của mỗi người chắc chắn phải do mỗi người tự bước đi. Nhưng trên bước đường đó, chắc chắn sẽ có những lúc mệt mỏi, chán nản, mỏi gối chùng chân, sẽ có những lúc mình giẫm phải “gai”. Trên thế giới đầy rẫy cạm bẫy vàc hông gai này, mấy khi chúng ta gặp được “chân tình”, họ sẵn sàng giẫm đạp bạn vì bất kì lí do gì mà một trong những cách thực hiện được điều đó là bằng lời nói. Nếu biết lời nói của mình có trọng lượng thì phải thận trọng hơn mới đúng? Nếu biết lời nói của mình có thể làm tổn thương người khác, có thể làm họ rơi vào khoảng không thăm thẳm hay chìm vào đáy vực thì đáng lẽ ra chúng ta càng phải cẩn trọng, càng phải cân nhắc. Nhưng điều đáng tiếc là không phải ai cũng hiểu được điều đó. 

Cha mẹ không thể đặt quá nhiều kì vọng vào con mình, không thể bắt nó học giỏi các môn tự nhiên trong khi con lại hứng thú với các môn xã hội. Cha mẹ không thể bắt con mình giỏi văn trong khi con chỉ cảm được các con số. Khi con không thể học nỗi được các bài học trên lớp, không thể tiếp thu nỗi khi ngồi trên ghế nhà trường, muốn chuyển sang học nghề thì tại sao lại không được? Vì sao ư? Có vô số lí do để bào chữa cho việc này, muốn tốt cho con, muốn con không thua kém bạn bè, muốn…Dừng lại và thành thật với bản thân đi, có phải chúng ta đang gởi gắm quá nhiều sự kì vọng và cả sự ích kỉ của bản thân, sợ xấu hổ, sợ này, sợ kia…Khi mà con cái không đạt được điều mình muốn, cha mẹ sẵn sàng đánh đập, la mắng, sỉ nhục, ép buộc…Khi thân thể bị tổn thương, rất nhanh thôi có thể sẽ lành lại nhất là với sự phát triển của khoa học, công nghệ và trang thiết bị hiện nay nhưng tâm hồn bị tổn thương thì sao? Vết thương này sẽ khó lành và có thể sẽ không bao giờ lành, sẽ thành sẹo mà vết sẹo này sẽ âm ỉ chảy máu theo thời gian.

Ai cho phép thầy cô có quyền được tát vào mặt học trò. Dạy dỗ sao? Có hàng ngàn cách sao ta lại chọn cách tệ nhất, cái sai ở hành động này không phải mức độ nặng nhẹ của cái tát ấy, mà đối với một người, nhất là với tâm hồn non trẻ, chúng không thể vượt qua được nỗi sợ hãi tâm lí đó. Vì bị sỉ nhục, vì bị tổn thương, chấp nhận hay phản kháng còn tùy thuộc vào từng đứa trẻ nhưng thầy cô nên biết và hiểu được rằng, ngay từ giây phút đó, họ đã "góp phần" hủy hoại một con người, hủy hoại sự phát triển nhân cách và rất có thể là tương lai của đứa trẻ ấy nữa.

Điều đáng sợ nhất trong cuộc đời này, không phải là những người làm sai, nói sai mà điều đáng sợ nhất là chúng ta biết sai mà vẫn làm hoặc là không biết mình làm sai và cố chấp chạy theo những điều mà chúng ta vẫn nghĩ là đúng, là tốt cho người khác. Nhưng, hãy dừng lại đi, chỉ một phút thôi dù là hành động hay lời nói, đứng về phía người khác, nhìn nhận ở khía cạnh, ở góc độ của họ, bạn sẽ thấy khác đi rất nhiều. 

Mong mỗi người đều có sự nhìn nhận và lời nói đúng đắn, muốn có được điều đó, chúng ta phải có tâm hồn an vui.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn