Thanh Nguyễn Đình

Lòng mẹ bao la nhưng sức mẹ có hạn

Đăng 7 năm trước

Ngậm ngùi về những điều mà ta đối xử với đấng sinh thành đã cơ cực nuôi nấng ta thành người.

Vu Lan, Phật lịch 2560

Ta thường thấy mỗi lần vào nhà sách, đâu đó một người trung niên tìm cho mình một cuốn “kỹ năng nuôi dạy con nên người” hay một bạn tuổi teen lục lọi cả nhà sách để mua cho bằng được cuốn tiểu thuyết ngôn tình lãng mạn. Cha mẹ dắt con đi mua mấy tập bút chuẩn bị vào năm học mới. Vậy mà hiếm khi thấy ai đó tìm kiếm một cuốn sách nói về tâm lý của mẹ cha lúc về già. Vậy mới hiểu được giá trị câu nói của cha ông ngày trước 

Nước mắt chảy xuôi chứ bao giờ chảy ngược

Ta thường trách ba mẹ những chuyện vụn vặt, trách sao chẳng hiểu được mình, trách vì không được chiều chuộng như những đứa cùng trang lứa rồi khó chịu từ những lời răng dạy. Ngày trước mỗi khi ba mẹ đi công việc, ta cảm nhận sự thoải mái tột cùng của mình khi mà nhà chỉ có riêng ta, ta hồ hởi tự do làm những điều mình thích. Nhưng lớn lên rồi, khi trở về nhà điều đáng sợ nhất của lòng người là chẳng tìm ra được hình bóng của mẹ cha đang ngóng đợi ta về nhà sau buổi tan trường hay buổi làm việc mệt nhọc như những ngày trẻ.

Có những lúc ta hờ hững tới mức vô tâm, khi những cuộc gọi đến của ba mẹ nhắc ta về sớm, ta lại hiển nhiên không bắt máy, có khi buồn bực lại tắt nguồn, chuông điện thoại vẫn cứ reo, dòng thoại của tổng đài “thuê bao quý  khách hiện không liên lạc được…” vẫn cứ xướng lên, ai biết đằng sau những giai điệu nhạc chờ, những tiếng tút tút kéo dài đó là cả những nỗi lo lắng bồn chồn, ngủ không ngon giấc của mẹ cha.

Có những lúc ta vô tình làm tổn thương ba mẹ vì những bực dọc của bản thân trong công việc mà buông những câu nói khó nghe, cáu gắt với ba mẹ. Đổi lại là gì, là sự lặng yên đến đáng trách, mẹ vẫn cứ thế quay lưng nhưng là quay đi với nỗi buồn vô hạn. Lúc ấy mới thật sự nhận ra hối hận của lòng mình sau tiếng thở dài ngao ngán. Vậy mà có bao giờ ta mạnh dạng nói nổi câu “con xin lỗi”, có bao giờ mà ta an ủi hay nói vui một câu, để như đó là lời làm hòa của bản thân với sự bất hiếu của mình. Nhưng rồi ta vẫn quay đi, vẫn lặng lẽ bước về phòng, còn mẹ vẫn thế, vẫn lụi hụi làm những công việc nhà, chuẩn bị bữa cơm gia đình cho kịp bữa, nhưng ẩn sau trong ánh mắt đã hằng vết chân chim kia là cả những tủi hờn, những nỗi buồn khôn siết.

Có những lúc ta gặp chuyện buồn, cái xã hội điên đảo ngoài kia nó quằn cho ta đến kiệt sức, công việc gặp khó khăn, tình yêu thì tan vỡ, bản thân mệt mỏi bế tắc, rồi lại vùi mình vào những ngày say sưa, hôm nào cũng lê lết về nhà với thân hình nặc mùi rượu, với những lúc say lảm nhảm trong miệng “con say rồi”. Mẹ vẫn thế, vẫn đợi và ngóng đứa con về ăn cùng bữa cơm, vẫn lo sợ đứa con của mình liệu có gặp điều bất trắc không may ở ngoài kia khi về nhà muộn. Vẫn ứa nước mắt nhìn thấy đứa con của mình muộn phiền yếu đuối, nghẹn ngào nói ra “say nữa hả con, con say mãi mẹ buồn lòng lắm!”. Giọng nói chan chứa tình thương, nó khiến ta vỡ òa cảm xúc, rồi khóc như một đứa trẻ bị tổn thương. 

Rồi khi ta ở tuổi trưởng thành, thời gian phần nhiều ta dành cho công việc, rảnh rỗi thì lại café tản mạn cùng bạn bè, hẹn hò với nhân tình. Ở cái tuổi đó ít ở nhà lắm, nhà chỉ là nơi ta dừng chân về yên giấc ngủ khi mà tất cả bạn hữu đã không còn. Cứ vậy hàng tuần rồi hàng tháng ta bỏ mặc ba mẹ ở nhà, nấu cơm rồi đợi rồi trông đứa con của mình về, lủi thủi trong căn nhà lạnh lẽo thiếu hơi người kia.

Vậy đấy, thời gian đã ngốn của ta đã hai mươi mấy năm, ta đã lớn lên trong vòng tay của gia đình, trưởng thành với những gánh vác của cha, lớn khôn từ những bữa cơm của mẹ. Ta vẫn cứ lớn và mẹ cha ta cứ thế mà già đi. Bài toán ngày xưa ta cặm cụi giải “năm nay Bo 10 tuổi, mẹ hơn Bo 25 tuổi. Vậy 30 năm sau tuổi của Bo bao nhiêu, mẹ Bo bao nhiêu tuổi” giờ đây khi đọc lại đề bài đó ta càng cảm thấy thấm thía xót xa. Ngậm ngùi về những điều mà ta đã đối xử với đấng sinh thành đã cơ cực nuôi nấng ta thành người.

Đình Thanh

Chủ đề chính: #lòng_mẹ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn