Nguyễn Hữu Cảnh

Lý do người Nhật sống lâu, ít bệnh tật

Đăng 4 năm trước

Sống tích cực, nghĩ lạc quan; chọn lọc thực phẩm, ăn uống khoa học; tập luyện thể thao; làm việc chăm chỉ giúp người Nhật trường thọ.

Sống tích cực, nghĩ lạc quan

Trong cuốn sách “Bí quyết trường thọ của người Nhật”, cố bác sĩ Shigeaki Hinohara, huyền thoại y học Nhật Bản đã đúc kết nhiều kinh nghiệm sống lâu. "Chúng ta đếm ngược chờ cái chết, không phải để sống nơm nớp trong lo sợ, mà là để cảm ơn mỗi ngày mới mà chúng ta có để sống.... Nếu lúc nào ta cũng mỉm cười, thì chắc chắn sẽ có ngày những nếp nhăn in dấu nụ cười”, bác sĩ Shigeaki Hinohara viết.

Ngoài ra, người dân xứ sở hoa anh đào có niềm tin vững chắc vào lý tưởng sống một cuộc đời ý nghĩa, họ gọi đó là ikigai. Trong tiếng Nhật, ikigai hiểu theo nghĩa tìm kiếm mục đích của bạn hoặc lý do để thức dậy mỗi sáng. Điều cốt lõi của lý tưởng sống này là quan tâm người khác, chăm lo muôn vật (như cây cảnh, thú cưng) để giảm căng thẳng trong cuộc sống.

Chế độ dinh dưỡng khoa học

Bữa ăn thường ngày được người Nhật nâng tầm lên thành văn hóa ẩm thực bao đời nay. Họ ăn các loại cá biển giàu acid béo omega (cá hồi, ngừ, thu...) tốt cho tim mạch mỗi ngày, tiêu thụ gần 10% sản phẩm cá của thế giới, mặc dù dân số chỉ chiếm 2%. Người dân nước này cũng ăn rau cải, súp lơ xanh, cải bắp, cải xoăn, đậu nành... nhiều gấp 5 lần người Mỹ. Các thực phẩm này đều có đặc tính kháng viêm, ngừa lão hóa, bảo vệ tim mạch.

Theo Medicaldaily, thay vì ăn đậu nành tươi, người Nhật có xu hướng lên men hạt đậu và chế biến thành các món truyền thống như miso, tempeh và natto. Trong đó, món natto có lịch sử rất lâu đời, người Nhật ưa chuộng suốt 1.200 năm qua. Mỗi năm, người dân xứ này tiêu thụ khoảng 50.000 tấn natto (đậu nành lên men). Món mỹ thực truyền thống này hơi nhớt dính, vị béo ngậy, nhưng giàu enzym nattokinase.

Đại học Gifu (Nhật Bản) cũng từng nghiên cứu về món natto, trên 29.000 người trong 16 năm. Kết quả cho thấy, những người ăn nhiều natto nhất (khoảng 7g mỗi ngày hoặc 35g mỗi tuần) giảm 32% nguy cơ tai biến so với nhóm hầu như không ăn. Nhờ công dụng này, mà hầu hết các sản phẩm phòng ngừa đột quỵ ở Nhật đều chứa thành phần enzym nattokinase và Hiệp hội Nattokinase nước này chứng nhận chất lượng trước khi đưa ra thị trường.

Trong hội thảo “Việt Nam hợp tác Nhật Bản giúp người dân phòng ngừa đột quỵ” tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Raita Sasaki - Chuyên gia Hiệp hội Nattokinase Nhật Bản (JNKA) thực hiện thí nghiệm enzym nattokinase làm tan sợi máu đông. Enzym nattokinase có khả năng ngăn tế bào máu kết dính, giảm độ nhầy máu và hạ huyết áp, giúp cải thiện tuần hoàn não, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

Tập luyện thể thao

Cuốn “Cẩm nang sống khoẻ của người Nhật” do Hội Dinh dưỡng Tokyo xuất bản từng ghi lại nhiều động tác dưỡng sinh mà người Nhật vẫn tập hàng ngày, tại nhà hoặc trên các góc phố mỗi sáng. Họ cũng bớt đi xe, năng đi bộ, ngồi ăn quanh bàn thấp, ngồi nệm tatami, thay vì bàn cao kiểu phương Tây.

Với phong tục này, mỗi ngày, hầu như ai cũng phải đứng lên ngồi xuống nhiều lần giống như một bài tập thể dục giữ thăng bằng cơ thể, tránh những cú ngã khi về già. Ngoài ra, cuối tuần, họ thường đi leo núi, dã ngoại cùng gia đình, đến các trung tâm xã hội hoặc ra ngoài gặp gỡ bạn bè.

Làm việc chăm chỉ

Người dân xứ Phù Tang nổi tiếng với thái độ làm việc nghiêm túc và cường độ cao nhất nhì thế giới. Tuổi nghỉ hưu của Nhật Bản, 65 tuổi cho cả nam lẫn nữ, vốn đã cao so với các quốc gia khác. Song, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2016, khoảng 23% người Nhật trên 65 tuổi vẫn còn đi làm.

Tiến sĩ Shigeaki Hinohara, tác giả cuốn “Bí quyết trường thọ của người Nhật” cũng chỉ nghỉ hưu vài tháng trước khi qua đời ở tuổi 105. Mỗi ngày, ông có thể dành đến 18 giờ điều trị cho bệnh nhân. Theo Hinohara, làm việc chăm chỉ, không nghỉ hưu hoặc nghỉ sau tuổi 65 sẽ giúp người già khỏe mạnh và minh mẫn hơn.

Chủ đề chính: #người_nhật

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn