Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

Mách bạn 10 mẹo giúp con có giấc ngủ ngon hiệu quả bất ngờ

Đăng 6 năm trước

Làm thế nào để con nhanh chóng chìm vào giấc ngủ? Làm thế nào để con có được những giấc ngủ ngon? Đây là hai trong rất nhiều vấn đề luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của các bậc cha mẹ.

Những đứa trẻ mới ra đời có thể ngủ từ 16 đến 17 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, vài tuần đầu sau sinh, không phải em bé nào cũng có thể ngủ liên tục từ hai đến ba giờ được. Đôi khi giấc ngủ bị ngắt quãng.

Sau 6 đến 8 tuần tuổi, bé bắt đầu ngủ với những chu kỳ ngủ ngắn hơn vào ban ngày và ban đêm, giấc ngủ kéo dài hơn một chút. 

Dưới đây là 10 cách mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng để ru con nhanh ngủ. Cần lưu ý đó là sẽ mất một thời gian để bé thích nghi với sự thay đổi này.  

1. Sử dụng tiếng ồn trắng (white noise)

Nếu các âm thanh như tiếng lạch cạch của bát đũa, cửa sổ hay tiếng nói chuyện có thể khiến trẻ tỉnh giấc thì tiếng ồn trắng lại hoàn toàn khác. 

Tiếng ồn trắng là một dạng tiếng ồn được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều loại âm thanh với tần số khác biệt nhau. Hay nói cách khác, đây là loại âm thanh với tần thấp và phát đều nhau liên tục. Một số tiếng ồn trắng trong tự nhiên như tiếng sấm sét đang mưa, tiếng máy bay, sóng biển, tiếng đồng hồ quả lắc, tiếng chuông gió, tiếng dế mèn trong đêm, tiếng quạt máy, tiếng mưa rào hay tiếng đường ray xe lửa. Theo các nhà khoa học, tiếng ồn trắng giúp chúng ta dễ ngủ hơn và cũng là biện pháp thư giãn hiệu quả.  

Áp dụng đối với trẻ, bạn có thể sử dụng tiếng ồn trắng là tiếng quạt để bé ngủ nhanh hơn. Đây là cách hiệu quả, dễ làm và không hề tốn kém. Thậm chí với các em bé khó ngủ hoặc hay nghịch ngợm trên giường thì tiếng quạt quay đều đều còn có thể “ru ngủ” chúng trong vài phút. 

2. Cho bé ăn đúng giờ

Đối với khá nhiều em bé, được ăn uống đúng giờ cũng đồng nghĩa với thời gian ngủ ổn định. Trẻ sẽ đi ngủ với bụng no căng và không bị thức giấc vì đói.  

Tuy nhiên, một lưu ý là nên cho trẻ ăn ít nhất 30 phút trước giờ đi ngủ vào buổi tối; đồng thời, hạn chế các loại thức ăn gây đầy hơi, chướng bụng. Nếu xảy ra hiện tượng này, trẻ sẽ ngủ không ngon và dễ khóc lúc nửa đêm. 

Có hai mẹo nhỏ bạn có thể sử dụng: 

  • Vào buổi tối, lúc cho bé ăn cần giữ không gian yên tĩnh, tránh tiếng ồn. Vào ban ngày, có thể bật nhạc, tivi hoặc nói chuyện. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách phân biệt giữa hai thời điểm trong ngày.  
  • Nếu trẻ đang ngủ bỗng nhiên khóc, hãy chờ khoảng 10 phút rồi mới cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình. 

3. Hình thành thói quen ngủ cho trẻ

Việc đi ngủ đúng giờ và có các thói quen trước khi ngủ tốt sẽ giúp trẻ ngủ ngon và sâu hơn rất nhiều.  

Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng tiếng chuông để trẻ nhận biết đó là tín hiệu đến giờ đi ngủ. Massage nhẹ nhàng, tắm bằng nước ấm, lau bằng khăn sạch và tạo tiếng cười để trẻ thích thú. Bật một chút nhạc nhẹ, tặng con một cái hôn ấm áp và sau đó, đặt bé lên giường. Mỗi ngày, đều đặn trước khi ngủ đều làm như vậy sẽ khiến bé quen dần và dễ dàng chìm vào giấc ngủ. 

4. Tắt đèn

Một số bậc cha mẹ thường có thói quen bật đèn hoặc sử dụng ánh sáng nhẹ trong phòng bé vì cho rằng bé có thể tỉnh dậy bất ngờ và khóc òa vì bóng tối. Tuy nhiên, thói quen này càng làm cho bé dễ thức giấc hơn. 

Do vậy, tốt nhất là không nên sử dụng ánh sáng để tăng sự nhận biết ban ngày – ban đêm cho trẻ.

5. Chú ý tới nhiệt độ phòng

Đừng để phòng quá nóng hay quá lạnh, khoảng 27 – 28 độ C và độ ẩm tương đối khoảng 50% là lý tưởng cho giấc ngủ của trẻ. 

Nếu trẻ ra mồ hôi, bạn có thể bỏ đi một lớp mền hoặc mặc áo mỏng cho trẻ. Nếu trẻ bị lạnh, hãy kê thêm một tấm mền.  

Ngoài ra, hãy kiểm tra nhiệt độ của giường trước khi đặt bé xuống. Bởi vì một sự thay đổi nhiệt độ có thể khiến trẻ khó chịu và dễ bị cảm lạnh.

6. Đặt bé vào cũi trước rồi mới ru bé ngủ

Nhiều bậc phụ huynh mắc một sai lầm lớn đó là để trẻ ngủ trên tay sau đó mới đặt lên cũi. Điều này sẽ khiến trẻ tỉnh giấc thường xuyên hơn và rất khó ngủ trở lại. 

Nếu muốn con ngủ ngon và không bị ngắt quãng lúc nửa đêm thì hãy đặt con vào cũi trước khi bé có hiện tượng ngáp ngủ. Nhờ đó, trẻ sẽ có cơ hội thư giãn và từ từ nhắm mắt mà không bị một tác động nào khác làm tỉnh giấc nữa.  

Mặc dù thủ thuật này rất đơn giản và hữu ích nhưng sẽ mất một vài tuần để trẻ quen thuộc. Bởi vì nếu như bạn không nắm được các giờ bé buồn ngủ thì khi còn tỉnh, thật khó để đặt bé vào cũi. 

7. Chơi đùa cùng bé vào ban ngày và cho bé ngủ trưa

Khi bé chưa buồn ngủ, bạn có thể nói chuyện, hát và đùa nghịch với bé. Các hoạt động này sẽ góp phần giúp bé ngủ ngon hơn vào buổi tối. Tuy nhiên, đừng lạm dùng bởi vì khi quá mệt, bé sẽ rất khó ngủ.  

Thêm vào đó, ngủ trưa đều đặn với các khoảng ngắn từ 20 đến 30 phút cũng có tác dụng làm cho bé ngủ sâu hơn vào buổi tối.  

Ngoại trừ trẻ sơ sinh, trẻ từ 1 đến 3 tuổi không nên ngủ trưa nhiều hơn 3 tiếng mỗi ngày. 

8. Không để trẻ ngủ chung giường với bố mẹ

Hạn chế cho bé nằm cùng bố mẹ là lời khuyên mà các nhà khoa học nhấn mạnh. Lý do là bởi vì đây được xem là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng đột tử SIDS ở trẻ sơ sinh rất phổ biến. Không ít cha mẹ cho con nằm giữa và nghĩ như vậy là an toàn, con khó có thể lăn trái lăn phải, song điều này lại khiến không khí xung quanh bé bị bí và khiến bé dễ bị thiếu không khí để thở.  

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo các bà mẹ không nên cho con bú khi đang nằm trên giường.  

Để đảm bảo an toàn, bạn nên đặt một chiếc cũi hoặc chuẩn bị cho bé một giường riêng trong phòng của bố mẹ. Bằng cách này, bạn vẫn có thể quan sát bé và giữ khoảng cách an toàn với con của mình để giảm rủi ro xảy ra SIDS. 

9. Sử dụng núm vú giả

Thay vì bế bé trực tiếp, bạn có thể sử dụng núm vú giả để giúp bé dễ ngủ và giảm hội chứng đột tử. Tuy nhiên, khi bé đã ngủ rồi thì nên lấy núm vú giả ra vì lúc này, nó đã hết tác dụng.  

Một lưu ý nữa đó là chỉ nên sử dụng núm vú giả cho tới khi bé được 3 hoặc 4 tuần tuổi. Nên biết rằng nhiều khi các bé không hề có nhu cầu sử dụng núm vú giả nhưng các bậc phụ huynh lại cứ nhanh nhảu đưa cho bé. 

Trường hợp khi bé ngủ, núm vú giả bị rơi ra hay tuột ra khỏi khỏi miệng và bé không khóc thì bạn không cần bỏ núm vú vào miệng bé nữa. Đồng thời, cần tiệt trùng núm vú để loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh có thể tích tụ. 

10. Đi ngủ đúng giờ

Bất kỳ một sự thay đổi nào của giờ ngủ (bao gồm cả giờ đi ngủ và giờ tỉnh dậy) cũng sẽ khiến bé khó thích nghi, khó chịu và thậm chí là rối loạn đồng hồ sinh học.  

Khi hình thành được “lịch ngủ” đều đặn cho bé thì từ sau, cứ đến giờ đó, bé sẽ bắt đầu có các dấu hiệu buồn ngủ như ngáp hay nhắm mắt. Lúc này, bạn không cần phải tác động nhiều nữa để bé ngủ. 

Một số bí quyết khác:

  • Mỗi em bé đều có sự khác biệt nên không phải một cách đều áp dụng được cho tất cả các trẻ.  
  • Để thay đổi chu kỳ giấc ngủ hiện tại của trẻ, có thể mất từ 3 đến 14 ngày.  
  • Nếu trẻ bị tỉnh giấc lúc nửa đêm, hãy chờ một vài phút trước khi đi vào phòng hoặc lại gần trẻ. Bởi vì trẻ có thể ngủ tiếp mà không cần bạn dỗ dành. 


Theo Top10homeremedies

Chủ đề chính: #giúp_bé_ngủ_ngon

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn