Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Mafia và bóng đá

Đăng 5 năm trước

Bạn có biết cá cược là một ngành công nghiệp mang về doanh thu rất khủng. Giả sử một trận bóng cấp câu lạc bộ trong châu Á, thu lợi từ mỗi người dân chỉ là một Đô La thì các công ty cá cược đã thu lãi lên hàng chục triệu Đô . Và khi các hảo thủ đang làm xiếc với trái bóng làm ngất ngây người hâm mộ thì cũng tồn tại những bàn tay phía sau đang thao túng, chi phối trận đấu. Người ta gọi thế lực đó là Mafia trong bóng đá.

Bóng đen trong FIFA

Vào sáng ngày 27-05-2015, Thuỵ Sỹ đã tiến hành bắt giữ 7 quan chức của Liên Đoàn bóng đá thế giới FIFA về hành vi hối lộ, nhận lại quả, gian lận phiếu bầu cùng hàng loạt các sai phạm khác. Đã có 14 người trong đó có 9 giám đốc điều hành FIFA cả đương nhiệm và mãn nhiệm bị buộc tội ngoại trừ Chủ tịch FIFA Seep Blatter. Họ bị cáo buộc về việc tham nhũng, gian lận và bỏ túi 150 triệu USD. Các công tố viên Thuỵ Sỹ đã tiến hành điều tra về các giao dịch mờ ám đằng sau quyết định trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và 2022 cho Qatar. 

Và từ lâu, gian lận đã tồn tại như một tệ nạn thường xuyên trong thể thao. Ví như giới tội phạm đã từng chi phối môn quyền Anh, môn cricket cũng như các mạng lưới cờ bạc mọc như nấm tại Mỹ. Và FIFA được coi là kẻ giàu nhất, mạnh nhất và moi tiền nhiều nhất của thế giới từ các phi vụ bóng đá. Dư luận rất tình nghi về các hành động phi pháp, thiếu minh bạch của tổ chức này. Toàn bộ hoạt động của FIFA được điều hành bởi một nhóm được gắn kết chặt chẽ với nhau, cùng chịu ơn một ông “trùm”.

Các hoạt động này đã bắt đầu từ dưới thời người tiền nhiệm của Blatter là João Havelange, người Brazil, FIFA đã trở thành đế chế tham nhũng và giàu sụ bằng cách kết nạp ngày càng nhiều các nước đang phát triển và mua phiếu bầu từ các nước này thông qua những thương vụ béo bở. Có lúc, giới truyền thông đã gọi Blatter là “Bố già Blatter” . Rất nhiều bí mật của tổ chức này như hăm doạ các đối thủ cạnh tranh của những người điều hành tổ chức, hối lộ và đòi nợ làm dấy lên mối quan hệ giữa FIFA và giới tội phạm. Khoản tiền khổng lồ của các công ty Coca-Cola và Adidas đã hòa vào hệ thống để chảy vào cái túi không đáy của những kẻ thống trị Thế giới thứ Ba và như cáo buộc thì vào cả túi của Havelange. 

Coca-Cola là nhà tài trợ chính của World Cup 1978 tại Argentina, khi đang được cai trị bởi một chính quyền quân sự tàn bạo. Không giống như Havelange, Blatter không công khai sự quan hệ với giới tội phạm. Nhưng quyền lực của ông ta cũng dựa trên những phiếu bầu và lòng trung thành của các nước bên ngoài Tây Âu, được báo đáp bằng lời hứa bản quyền truyền hình và nhượng quyền thương mại. Như trường hợp của Qatar, vẫn giành được quyền đăng cai World Cup mặc dù khí hậu quốc gia này hoàn toàn không phù hợp

Khi bị phương Tây chỉ trích thì Blatter đáp trả đó là ý kiến của những kẻ mang tư tưởng thực dân Châu Âu, phân biệt chủng tộc. Blatter là một nhà điều hành tàn nhẫn nhưng lại tự coi mình là anh hùng đấu tranh cho các nước đang phát triển, bảo vệ lợi ích của người châu Phi, châu Á, Ả Rập, và Nam Mỹ trước một phương Tây kiêu ngạo. Những chính trị gia tha hoá từ các nước nghèo bị mua chuộc vì mục đích chính trị, thương mại của phương Tây. Một số tiền thực sự rất lớn được tạo ra từ bên ngoài phương Tây như ở Trung Quốc, Vịnh Ba Tư, và thậm chí cả Nga. Để Thỏa mãn các chế độ độc tài và những lợi ích thương mại mờ ám. Đó là liên minh giữa các nhóm lợi ích phương Tây với giới quyền lực phi dân chủ, nhưng giàu có. 

Họ đã đánh lạc hướng dư luận bằng những luận điểm theo kiểu chống chủ nghĩa đế quốc của cánh tả. Hàng loạt các thoả hiệp với các ông trùm, những nhà độc tài. Ví dụ như bán nhượng quyền thương mại của một trường đại học hoặc một bảo tàng cho một quốc gia vùng Vịnh, xây dựng thêm một sân vận động khổng lồ ở Trung Quốc, hoặc kiếm khoản tiền kếch xù bằng cách ưu ái quyền đăng cai World Cup cho Nga hay Qatar. Tham nhũng, mua phiếu bầu, nỗi khát khao uy tín quốc tế đến vô lý của các ông bầu bóng đá, các ngăn tủ căng đầy huy chương và giải thưởng – tất cả được núp dưới danh nghĩa vì sứ mệnh chung. Đó là thói đạo đức giả độc hại. Và sức mạnh đồng tiền vẫn còn cai trị trong bất cứ hình thức chính thể nào.

Ông Javier Tebas, Chủ tịch La Liga cáo buộc các quan chức FIFA ma mãnh chẳng khác nào băng đảng mafia ở Sicily, Italy. Liên đoàn bóng đá Anh (FA) và truyền thông Pháp đều gọi FIFA là tổ chức mafia trong thế giới bóng đá.

Trái bóng nằm sau họng súng

Gần đây thủ môn nổi tiếng một thời của Paraguay đã phát biểu gây sốc trên mạng xã hội như sau: "Mafia bóng đá đã xác định Juventus không đủ điều kiện để đi tiếp." Quyết định của trọng tài Michael Oliver khi để Real Madrid hưởng phạt đền và phạt thẻ đỏ với thủ môn Gianluigi Buffon đang gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội cho giới chuyên môn và CĐV. Phút 90+3, trọng tài Michael Oliver thổi phạt 11m sau pha phạm lỗi gây tranh cãi của Medhi Benatia với Lucas Vazquez. Gianluigi Buffon đã phản ứng để rồi nhận thẻ đỏ. Và Cristiano Ronaldo sút phạt thành công, loại Juventus khỏi Champions League. Phải chăng có sự nhúng tay của Mafia? 

Và dư luận lại chấn động khi vào ngày 5-5-2018, cầu thủ Penaranda người Columbia bị bắn chết trước thềm World Cup. “Vụ việc xảy ra vào lúc 0h40 sáng (giờ Cali, Colombia) thứ Sáu, ở một bữa tiệc có sự góp mặt của nhiều cầu thủ bóng đá. Theo những nhân chứng tại hiện trường cho biết, trong lúc bữa tiệc đang diễn ra, đã xuất hiện 2 người đàn ông lạ mặt. Một người tiến về nhóm các cầu thủ để hỏi về một phụ nữ nào đó. Người thứ hai, sau đó, đã chủ động xả súng về phía các cầu thủ” – Cảnh sát trưởng thành phố Cali, ông Hugo Casos cho biết. Alejandro Penaranda, cầu thủ 24 tuổi đang thi đấu cho CLB hạng Nhì Deportivo. Đây không phải là lần đầu tiên cầu thủ bị ám sát tại Columbia. 

Trước đây, người ta cũng bàng hoàng về vụ án Andrés Escobar Saldarriaga (13 tháng 3 năm 1967 - 2 tháng 7 năm 1994) là cầu thủ bóng đá người Colombia, bị bắn chết tại Medellín. Động cơ được cho là do bàn đá phản lưới nhà của Escobar tại World Cup 1994, gây thiệt hại cho các ông trùm buôn ma tuý tham gia cá độ. Escobar là hậu vệ của đội tuyển Colombia tại 2 kì World Cup 1990 và 1994. Bàn đá phản lưới nhà tai hoạ của Escobar trong trận đấu gặp đội tuyển Mỹ ngày 22 tháng 6 ở bảng A tại World Cup 1994. Do cản phá một đường tạt bóng của đối phương, anh làm bóng đổi hướng, bay vào lưới nhà. Mỹ thắng 2 - 1 và hậu quả là Colombia bị loại ngay từ vòng đấu bảng

Khi trọng tài “bẻ còi”

Trong sự thao túng bóng đá của mafia thì sự việc trọng tài “bẻ còi” được coi là một mắc xích không thể thiếu, tác động trực tiếp đến kết quả trận đấu. 

Trọng tài Byron Moreno

Ngày 21.9.2010, vị trọng tài Byron Moreno bị bắt giữ tại sân bay quốc tế John F.Kennedy, New York (Mỹ) sau khi đáp chuyến bay thương mại từ Ecuador. Moreno bị phát hiện giấu 6 kg heroine hết sức tinh vi trong đồ lót. Vụ bắt giữ vị trọng tài người Ecuador khiến FIFA “xấu mặt”, nhưng với các băng đảng mafia, việc Moreno sa lưới pháp luật là một tai nạn khiến họ phải mất trắng một số tiền không nhỏ. Bởi từ lâu, Moreno đã trở thành tay sai của các băng đảng tội phạm thao túng kết quả các trận đấu bóng đá, đỉnh điểm là vụ “bẻ còi” trong trận tứ kết World Cup 2002 giữa chủ nhà Hàn Quốc và Ý.

Ngoài việc nặng tay truất quyền thi đấu Francesco Totti, vị trọng tài trên còn thẳng thừng không công nhận bàn thắng hợp lệ ở phút 111 trong hiệp phụ của Damiano Tommasi. Ý bị loại trong tức tưởi bởi “bàn thắng vàng” của Jiung Hwan Ahn ở phút 117.

Vị trọng tài này đã “trúng quả đậm” sau những quyết định “bẻ còi” ở World Cup 2002. Bởi không lâu sau, Moreno rong ruổi ở thành phố Quito trên một chiếc xe Chevrolet sang trọng, đội mũ vành đặc sản Panama và áo hoa lóng lánh hợp kim, trước khi làm một chuyến du lịch đến Miami (Mỹ). Theo điều tra, đó là khoản chi phí mà mafia trả công cho Moreno. 

Tháng 9.2002, Moreno lại trở thành tâm điểm bán độ ngay tại quê hương trong một trận đấu ở giải VĐQG giữa Deportiva Universita de Quito và Barcelona Sporting Club. Ở trận này, cựu trọng tài 46 tuổi bất ngờ cho trận đấu bù giờ đến 13 phút giúp Deportiva ghi 2 bàn thắng liên tiếp để thắng 3-2. Sau vụ “bẻ còi” này, Moreno bị treo còi 20 trận.

Trọng tài Robert Hoyzer

 Năm 2005, Robert Hoyzer từng gây chấn động bóng đá Đức khi bị kết tội dàn xếp kết quả 23 trận đấu ở Cúp QG Đức, Bundesliga và giải hạng hai, hạng ba. Theo kết quả điều tra, trọng tài này đã bán mình cho các tay cá độ chỉ để nhận lấy 70.000 USD khi dàn xếp các trận đấu quốc nội trong khoảng thời gian từ 10.4 đến 3.12.2004. Vụ bê bối làm rung chuyển bóng đá châu Âu và ảnh hưởng đến World Cup 2006 đồng thời kéo theo đó là hàng trăm cuộc điều tra bán độ được khởi động, trong đó hơn 100 quan chức, trọng tài, cầu thủ, HLV... bị triệu tập và bắt giữ.

Và trong vòng chung kết World Cup 2018, đâu đó người ta vẫn còn hoài nghi về bàn tay của Mafia trong kết quả từng trận đấu.

Hồ Hoàng Anh tổng hợp

Chủ đề chính: #bóng_đá

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn