Kimle

Mại dâm – một căn bệnh khó chữa của xã hội.

Đăng 4 năm trước

Mại dâm hình thành từ rất lâu đời, liên quan đến tín ngưỡng phồn thực, từ thủa bình minh của loài người. Quan hệ tình dục tuy đã trải qua nhiều hình thức nhưng chỉ nhằm mục đích sinh sản để duy trì nòi giống và đảm bảo sụ hài hòa của quan hệ âm dương.

Gần đây, có những ý kiến cho rằng Việt Nam nên hợp pháp hóa mại dâm, coi đây là một ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, những ý kiến này đã vi phạm Hiến pháp năm 2013 (Khoản 2 Điều 36 quy định "Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình", Khoản 3 Điều 60 quy định "Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc"); 

Đồng thời cũng vi phạm công ước về quyền con người của quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp quốc về trấn áp buôn bán người và bóc lột mại dâm người khác . 

Việt Nam cần phải tôn trọng Hiến pháp và các công ước về quyền con người của quốc tế; theo đó không thể coi mại dâm là hợp pháp mà cần phải loại bỏ những hình thức tổ chức mại dâm khỏi đời sống xã hội, đặc biệt là ngăn chặn việc buôn bán phụ nữ và trẻ em để phục vụ mại dâm.

Nguyên nhân bán dâm

Nguyên nhân chủ quan.

Trên 53% gái bán dâm thú nhận nguyên nhân chủ yếu khiến họ bán dâm là do thu nhập cao, trong khi bản thân họ lười lao động, sợ vất vả nhưng lại thích ăn chơi và đua đòi, trong đó có cả những cô gái nhà khá giả nhưng bị cha mẹ quản lý tiền chặt chẽ, muốn có tiền ăn chơi nên tự đi bán dâm, thậm chí có cả những người mẫu, diễn viên, hoa hậu, ca sĩ vì muốn sống xa hoa nên cũng làm gái gọi.

Một số gái bán dâm có học vấn không hề thấp. Công an đã làm rõ một số đường dây mại dâm bao gồm cả giáo viên, viên chức, đặc biệt là những sinh viên có ngoại hình đẹp, thích ăn chơi đua đòi tại các trường đại học, cao đẳng được các tú bà tuyển mộ để bán dâm giá cao. Gái bán dâm trong các đường dây này là sinh viên, nhưng lại thích đua đòi, ăn chơi ở những chốn sành điệu, dù bố mẹ chu cấp đầy đủ nhưng vẫn đi bán dâm chỉ để có tiền thỏa mãn sĩ diện.

Có cô cho biết: "Nhà em không phải là nghèo, giàu là khác nhưng ông bà già quản tiền chặt. Chơi với bạn, cái sỹ nổi lên, không có tiền thì tự mình kiếm. Bạn em nó gợi ý cái là em đồng ý luôn."  Có sinh viên, thậm chí cả học sinh Trung hoc phổ thông mới 17 tuổi đã vừa bán dâm vừa kiêm luôn vai trò môi giới mại dâm, buôn bán phụ nữ với những chiêu tinh vi như "bán trinh giả" Nhu cầu tiền bạc và lối sống buông thả, ăn chơi đua đòi của một bộ phận sinh viên đang trở nên phổ biến, sức hút của đồng tiền khiến nhiều sinh viên chấp nhận bán dâm để thỏa mãn lối ăn chơi xa xỉ cho xứng với "đẳng cấp của dân chơi".

Trong điều kiện xã hội hiện nay, nếu vẫn cho rằng gái mại dâm là "nạn nhân của số phận, vì hoàn cảnh mới phải bán dâm" thì xem ra không còn phù hợp, nhiều trường hợp chẳng đói nghèo, dốt nát gì vẫn đi bán dâm. Việc liên tiếp nhiều vụ án mại dâm sinh viên, người mẫu bị phát hiện đã gióng lên hồi chuông báo động về lối sống ngày càng tha hóa của một bộ phận con người trong xã hội.


Nguyên nhân khách quan.

Theo quy luật kinh tế, có "cầu" ắt phải có "cung". nó sẽ tạo thành thị trường kinh doanh tình dục , một kỹ nghệ kinh doanh khai thác tình dục,dựa trên khả năng hoạt động tình dục có hiệu quả, một cái vốn tự có của người bán. 

Một trong những nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu thỏa mãn tình dục của một số đàn ông, đặc biệt ở một số người "ham của lạ", muốn tìm" cảm giác mới".Mặt khác do nhu cầu thỏa mãn tình dục ngoài hôn nhân của một bộ phận nam giới vẫn tồn tại trên thực tế, nên gái mãi dâm có điều kiện tồn tại và phát triển. 

Cùng với sự phát triển của các ngành giải trí khác (gội đầu , tẩm quất, massage, xông hơi  và du lịch ) nghề mại dâm cũng phát triển theo .

Tại Hà Nội, từ khi biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh được gỡ bỏ, việc xử lý gái bán dâm đứng đường gặp rất nhiều khó khăn. Sau một thời gian tạm yên, hiện tượng gái mại dâm vẫy khách nơi công cộng ở Hà Nội có dấu hiệu phức tạp trở lại. Gái mại dâm bị bắt nhưng lại phải thả ra vì không có chế tài xử lý, sau khi được thả gái mại dâm ngay lập tức dạt sang địa bàn phường khác vẫy khách.

Có gái mại dâm thì nói thẳng với nhà báo: "Chị không bỏ nghề đâu, vì nghề này vừa sướng lại vừa có tiền". Thậm chí, có ngôi làng đua nhau đẩy con gái đi bán dâm để làm giàu. Nhiều gia đình của làng còn có hẳn một kế hoạch đưa ra cho con gái họ, bắt phải bán dâm bao lâu, để gia đình mua sắm thế nào. Có bà mẹ vì hám tiền đã bất chấp nhân phẩm và tình mẫu tử, ép con đi bán dâm.

Công nhận mại dâm là một nghề là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Quốc hội đã thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính, Điều này có nghĩa, tất cả những người có hành vi bán dâm đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, trung tâm giáo dục lao động xã hội (quen miệng hơn gọi là trung tâm phục hồi nhân phẩm ) sẽ được trở về với xã hội.  Người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. 

Qua đó để tạo điều kiện cho việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với nhóm người bán dâm, giúp họ tiếp cận được với các dịch vụ xã hội ngoài cộng đồng.Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Minh( Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM ) luật này chẳng khác nào công nhận mại dâm là một nghề và “vẽ đường cho hươu chạy”. Bởi nếu phạt hành chính rồi lại thả thì mại dâm vẫn hoạt động bình thường, thậm chí là hoạt động công khai. 

Được biết, hiện thu nhập bình quân của gái "bán hoa" đứng đường khoảng 10 triệu đồng/tháng, gái gọi cao cấp lên tới 150 triệu đồng/tháng. Nếu số tiền nộp phạt lớn, mức giá bán dâm sẽ tăng lên, không ảnh hưởng đến túi tiền của họ. 

Thông qua một tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS, PV tiếp cận được một cô gái bán dâm, cô gái này tâm sự không che giấu : “Sau một thời gian làm nhân viên phục vụ cho các quán ăn, vừa mệt lại không có tiền nhiều nên nghe lời mấy đứa bạn bảo làm gái vừa sướng vừa có tiền nên em theo. Lúc mới vào nghề cũng phải lén lén lút lút, sợ bị công an bắt giam, giờ chỉ bị phạt hành chính thì chẳng còn gì phải sợ nữa… Tính ra, một ngày em có thể tiếp đến 10 khách, mỗi lượt cũng được 200.000 – 300.000 đồng thì nộp phạt cũng chẳng đáng là bao”. 

Không những vậy, những kẻ “kinh doanh xác thịt” sẽ lợi dụng điều này mà mở rộng mạng lưới hoạt động. Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có khoảng gần 30.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện và các đường dây hoạt động mại dâm trá hình.“Đó là chưa kể, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của một bộ phận giới trẻ về vấn đề mại dâm. Chỉ cần bỏ ra một ít tiền là nam thanh niên sẽ sa đà vào con đường chơi bời, gái gú. Còn đối với nữ giới thấy việc bán dâm vừa nhàn lại có tiền sắm sửa nên cũng dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Đặc biệt, độ tuổi của người bán dâm ngày cảng trẻ hóa, tình trạng quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân chính lây truyền HIV…”,

Không nên bắt chước nước ngoài

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, không nên bắt chước nước ngoài hợp thức hóa hoạt động mại dâm. Trước hết, việc này không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Á Đông. 

Trong khi đó, ở nước ngoài, việc thành lập các “khu đèn đỏ” rất bài bản. Từ việc các chủ chứa phải có danh sách nhân viên, đóng các loại bảo hiểm, nhân viên phải đi xét nghiệm sức khỏe hàng tháng đến việc đảm bảo an ninh trật tự đều tốt và chặt chẽ. 

Còn nếu ở Việt Nam “thả” nổi, mại dâm sẽ càng biến tướng khôn lường. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là nếu không đưa các phụ nữ bán dâm vào các trung tâm, cơ sở chữa bệnh sẽ rất khó kiểm soát được sự lây lan của bệnh HIV/AIDS. Theo tiết lộ của lãnh đạo một trung tâm giáo dục lao động xã hội thì, phần lớn những gái bán dâm khi được đưa vào đây dể điều trị đều mắc các bệnh lây lan đáng sợ như: giang mại, lậu, HIV…

Vì vậy, cần phải xem xét lại Luật xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi mại dâm một cách hợp tình, hợp lý hơn.Với mức phạt hành chính mới theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, người có hành vi bán dâm sẽ bị xử phạt 300 ngàn đồng cho lần vi phạm đầu tiên và sẽ tăng lên 5 triệu đồng cho lần vi phạm thứ hai. Mức xử phạt này, cảm giác là chỉ có sức nặng đối với những người có hành vi bán dâm “bình dân”. Còn lực lượng cao cấp hơn, như chân dài, người mẫu, á hậu, hoa khôi, người mẫu, diễn viên… thì mức phạt tiền trên chỉ là “muỗi”.  

Có ý kiến nêu ra, đối với “lực lượng nhan sắc cao cấp có danh vọng” nếu phát hiện có hành vi bán dâm, phải chịu mức phạt nặng. Đồng thời, cấm hành nghề biểu diễn. Bởi họ có đầy đủ điều kiện để kiếm tiền mà không cần phải mưu sinh bằng “vốn tự có”.

Đối với người "bóc bánh trả tiền ".

Một vấn đề khác là mức phạt hành vi mua dâm. Ở nhiều nước như Mỹ, Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Hàn Quốc... hành vi mua dâm bị phạt nặng để răn đe tối đa những người có ý định mua dâm (khi đó tự khắc số gái bán dâm cũng giảm đi). Ở những nước này, mua dâm là tội hình sự, có thể bị phạt hàng ngàn USD và đi tù nhiều tháng. Cảnh sát cũng công khai danh tính kẻ mua dâm nơi công cộng để họ phải cảm thấy hổ thẹn.

 So với những nước này, mức phạt tại Việt Nam nhẹ hơn rất nhiều, chỉ bị phạt tiền 300-500 ngàn đồng, cũng không bị giam giữ hoặc công khai danh tính. Nghị định 178/2004/NĐ-CP quy định: nếu là cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang thì ngoài việc xử lý hành chính còn bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người đó để xử lý.

 Nhưng thực tế trong nhiều năm qua, có không ít cán bộ, công chức bị bắt khi mua dâm nhưng đa số đều không bị thông báo về cơ quan vì "nể tình" hoặc có sự can thiệp từ nhiều mối quan hệ, khiến pháp luật mất tính răn đe. Mức xử phạt thấp như vậy chẳng thấm tháp gì so với túi tiền của khách mua dâm nên không có sức răn đe, bị phạt cũng không ai sợ, việc chống mại dâm do vậy chỉ như "chống ngọn mà chưa chống gốc, giơ thì cao nhưng đánh thì khẽ". 

Việc xử lý như hiện nay là phạt ít tiền rồi lại thả nên chẳng khác gì "bắt cóc bỏ đĩa", theo chiều hướng này sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu: bán dâm thì chẳng e ngại gì, còn kẻ mua dâm thì cứ mặc sức mà mua.Thực tế này đòi hỏi cần phải có chế tài mới nghiêm khắc tương xứng. Có những đề nghị phải tăng mức phạt, đồng thời công khai danh tính đối tượng mua dâm để nâng cao tính răn đe những đối tượng này. Đây là hoạt động "có cầu có cung" nên phải xử lý nghiêm từ cả hai phía là mua dâm và bán dâm. 

Bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Ba Vì nói: "Về việc này, tôi nhận thấy là không công bằng. Trong hoạt động mại dâm có cầu mới có cung... nếu chúng ta hạn chế được người mua dâm, thì gái mại dâm không có cơ hội để hành nghề". Tiến sĩ xã hội học Tống Văn Trung nói: "Việc không công khai danh tính người mua dâm là dung túng đối với người mua dâm... cần công khai danh tính để răn đe, khi phạt thì cũng phải phạt nặng. Nếu chỉ phải xử phạt hành chính thì không ai dám chắc rằng họ không tái phạm, bởi dù có bị bắt thì chỉ nộp phạt là xong." 

Theo một chuyên gia xã hội học, thuốc đặc trị để dẹp mại dâm không hề khó, nhưng phải được nhiều ngành phối hợp làm nghiêm túc và triệt để. Đó là sửa đổi Pháp lệnh Phòng chống mại dâm theo hướng tăng nặng, đặc biệt là việc thông báo về gia đình, nơi công tác của người mua dâm cần được thực hiện thật nghiêm túc. Không chỉ cán bộ, công chức mà bất cứ ai mua dâm đều bị đưa ra kiểm điểm trước gia đình, tổ dân phố, cơ quan... Các đối tượng bảo kê cũng cần có chế tài xử lý về hình sự.

 Chuyên gia tâm lý, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng khoa nhân học, Trường Đại học KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu:"Một hiện tượng mới trong xã hội phát triển là hình thành một tầng lớp mới gọi là "đại gia". Họ giàu có nhờ những nguồn này nguồn khác, kể cả lao động hay bất chính; từ đó, nảy sinh nhu cầu mua dâm "chân dài". Đáp ứng lại điều đó, một số người mẫu, diễn viên, sinh viên (gọi nôm na là "chân dài") hình thành các nhóm bán dâm cao cấp, do tham tiền bạc, đạo đức xuống cấp đã sẵn sàng bán mình để lấy nguồn tiền lớn từ túi "đại gia". Vì thế, không chỉ phạt gái bán dâm, mà còn phải xử phạt thật nặng những người đi mua dâm nói chung và những người mua dâm thuộc tầng lớp "đại gia" nói riêng"

Kimle

Tổng hợp

Chủ đề chính: #mại_dâm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn