Nguyễn Giang "SỐNG"

Mối liên hệ thú vị giữa óc hài hước và sự trầm cảm

Đăng 4 năm trước

Đại thi hào Mark Twain đã từng nói: “Sự hài hước là lời chúc phúc lớn nhất của nhân loại”. Vậy liệu có mối liên hệ nào giữa “lời chúc phúc lớn nhất của nhân loại” với một trong những căn bệnh gây nhức nhối của thời đại hiện nay là trầm cảm hay không?

Những kinh nghiệm sống của con người về óc hài hước luôn thay đổi, và sự hài hước có nhiều chức năng khác nhau trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Thỉnh thoảng chúng ta sử dụng óc hài hước như một cơ chế sao chép khi có thứ gì đó diễn ra không suôn sẻ, còn những lần khác chúng ta sử dụng chúng và tận hưởng một tràng cười với bạn bè. Các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều thước đo đa dạng để đánh giá các kinh nghiệm về sự hài hước của con người, nhưng cho đến nay, loại thước đo phổ biến nhất là Bảng câu hỏi các loại hài hước (Humor Styles Questionnaire) do Rod Martin và các cộng sự phát triển. Người ta sử dụng loại thước đo này trong hàng trăm nghiên cứu khác nhau và cũng để đánh giá việc con người sử dụng sự hài hước như thế nào.

Người tham gia khảo sát được yêu cầu đánh giá về mức độ đồng tình hoặc không đồng tình với nhiều phát biểu khác nhau (ví dụ như: Tôi thích làm cho mọi người cười,..). Các câu trả lời sẽ tạo nên một điểm số, và người ta chia thành bốn kiểu hài hước bao gồm: 

  • Hài hước kết nối (Affiliative Humor): Kiểu này có xu hướng chia sẻ sự hài hước với người khác, kể chuyện đùa hay chuyện cười, làm người khác cười, sử dụng sự hài hước để dễ dàng kết nối các mối quan hệ và làm người khác giảm căng thẳng. 
  • Hài hước tự trào (Self-Enhancing Humor): Kiểu này có xu hướng duy trì một góc nhìn vui nhộn, hài hước về cuộc sống thậm chí khi không dành cho ai cả, họ sử dụng sự hài hước để giải quyết căng thẳng và làm ai đó phấn khởi. 
  • Hài hước gây sự (Aggressive Humor): Xu hướng của kiểu này là dùng sự hài hước để chê bai, làm xuống tinh thần hoặc lôi kéo ai đó; sử dụng sự nhạo báng, hay hài hước mang tính xúc phạm, và có khả năng sử dụng thành kiến về giới tính và những câu chuyện phân biệt chủng tộc.
  • Hài hước tự làm hại bản thân (Self-Defeating Humor): Xu hướng của kiểu này là tự làm mất thể diện của bản thân, làm người khác cười bằng cách tự chế giễu mình, hoặc sử dụng sự hài hước để che giấu cảm xúc thật với chính mình và người khác. 

Một nghiên cứu gần đây đã tập trung vào mối liên hệ giữa các kiểu hài hước trên và sự trầm cảm. Trầm cảm là một bệnh lý tinh thần nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Trong bốn kiểu hài hước kể trên, những người có điểm số cao ở hai kiểu hài hước tích cực (hài hước kết nối và hài hước tự trào) thường gắn với các kết quả sức khỏe tích cực khác nhau, như trở nên vui vẻ hơn và có nhiều mối quan hệ lành mạnh hơn. Trái lại, việc có điểm số cao ở hai kiểu hài hước tiêu cực (hài hước gây sự và hài hước tự làm hại bản thân) có thể có ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.

Trong nghiên cứu về mối liên hệ giữa bốn kiểu hài hước và trầm cảm, các nghiên cứu viên muốn kiểm tra có phải những người được chẩn đoán trầm cảm thường có điểm số cao ở hai kiểu hài hước tiêu cực và có điểm số thấp ở hai kiểu hài hước tích cực hay không. Ngoài ra, họ cũng tìm hiểu liệu nền tảng di truyền có liên quan đến bốn kiểu hài hước và trầm cảm hay không. 

Để làm điều đó, họ thu thập mẫu của 1,154 cặp song sinh người Australia. 339 cặp trong số đó là song sinh cùng trứng và 236 cặp là song sinh khác trứng. Tất cả các cặp tiến hành lấy số liệu đều cùng giới tính với nhau. Trong tất cả các mẫu, có 145 cá nhân được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Tất cả các cặp song sinh đều hoàn thành Bảng câu hỏi các loại hài hước, và ngoài ra, họ trả lời thêm 3 câu hỏi có liên quan đến trầm cảm. Những câu hỏi này được lấy từ các thang đo khác nhau và phù hợp với các đối tượng đã từng được chẩn đoán rối loạn trầm cảm, dù không cung cấp chẩn đoán chính thức nào.

Kết luận đầu tiên của nghiên cứu là phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm gấp 2,5 lần so với đàn ông, và thực tế này cũng được các nghiên cứu khác chứng minh. Thứ hai, như đã dự đoán từ trước, những người được chẩn đoán trầm cảm sử dụng kiểu hài hước tự làm hại bản thân hơn những người không trầm cảm. Ngoài ra, cũng giống như giả thuyết, những cặp song sinh mắc chứng trầm cảm ít sử dụng hai kiểu hài hước tích cực hơn những cặp song sinh không bị trầm cảm. Tuy nhiên, trái với dự đoán, không có sự khác biệt giữa người mắc chứng trầm cảm và người không mắc chứng trầm cảm trong việc sử dụng kiểu hài hước gây sự. 

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu tìm hiểu xem liệu có sự ảnh hưởng của gen và các yếu tố môi trường đến mối quan hệ này hay không. Sự so sánh giữa song sinh cùng trứng và khác trứng cho phép các nghiên cứu viên biết được sự đóng góp mang tính tương đối của yếu tố môi trường và yếu tố di truyền đến mối liên hệ giữa hài hước và trầm cảm nhờ sử dụng nghiên cứu về di truyền học hành vi. Các phân tích đã tiết lộ rằng 26% những khác biệt trong mức độ trầm cảm được cho là có sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền, và 74% khác biệt còn lại được cho là do khác biệt môi trường (các cặp sinh đôi có cùng những người bạn chung nhưng học ở lớp khác nhau). Và việc cùng chia sẻ chung một môi trường có 0% tỉ lệ ảnh hưởng. Một kết luận khác nữa là có một sự tác động cơ bản của yếu tố di truyền đến mối liên hệ tích cực giữa thang đo trầm cảm và kiểu hài hước tự làm hại bản thân, và giữa mối liên hệ tiêu cực giữa thang đo trầm cảm và kiểu hài hước tự trào. 

Tóm lại, nghiên cứu không chỉ xác minh rằng các kiểu hài hước có liên quan đến trầm cảm, mà còn khẳng định rằng ít nhất một vài liên hệ là kết quả của ảnh hưởng do yếu tố di truyền (dù chưa hoàn toàn được chứng minh). Nghiên cứu cũng nhấn mạnh thực tế rằng không phải kiểu hài hước nào cũng tốt cho con người, và một vài kiểu hài hước có thể gây những tác động tiêu cực nghiêm trọng cho chúng ta.

Dĩ nhiên, mối liên hệ giữa hài hước và trầm cảm không ngụ ý là mối quan hệ nhân quả, và mối liên hệ này chính xác là như thế nào thì vẫn chưa được làm rõ ý nghĩa. Nhưng để biết liệu có phải những người bị trầm cảm là vì họ chỉ chọn cho mình kiểu hài hước tiêu cực và không cố gắng thay đổi bằng cách chọn kiểu hài hước tích cực hay không? Và một khả năng nữa là những yếu tố nhất định (bao gồm cả di truyền và môi trường) có ảnh hưởng đến trầm cảm và việc sử dụng các kiểu hài hước tiêu cực hay không? Những câu hỏi này vẫn còn cần nhiều thời gian và nghiên cứu để tìm câu trả lời chính xác nhất. 

Đọc thêm:

9 nguyên nhân dẫn đến nỗi buồn mà chúng ta không thể ngờ tới

Chủ đề chính: #hài_hước

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn