Thiên Đồng Hướng tới những bài viết ưu trội về những điều trường tồn trong nhu cầu của lương tâm, trần tục và tâm linh của người Việt.

Một nông dân trồng hành “bật” lại ý kiến: “đưa tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi chương trình Ngữ văn như thế nào?

Đăng 6 năm trước

Chúng tôi ở Ohay TV xin chia sẻ lời ghi của một học sinh về việc một nông dân trông hành phản bác ý kiến: “đưa tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi chương trình Ngữ văn như thế nào?

Bố tớ là một người nông dân trồng hành và thích đọc truyện của nhà văn Nam Cao, đang sống ở một vùng thôn quê Thái Nguyên. Còn tớ thì là con gái của ông đang học lớp 11. Sau khi đọc xong bài báo “Nên đưa tác phẩm “Chí Phèo” ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?” tớ rất lo lắng. Vì vậy, tớ hỏi bố:

- Bố đã đọc bài viết của anh Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh giáo dục học tại Úc chưa? 

- Bố đọc rồi 

- Vậy bố có đồng ý bỏ “Chí Phèo” ra khỏi chương trình không? 

- Bố phản đối. Sóng Hiền nghiên cứu sinh nhưng tư duy thì vẫn ở trình độ “hớt váng” con ạ. 

- Bố giải thích cho con đi.

Chỉ chờ câu hỏi ấy, bố tớ, ông nông dân trồng hành mỉa mai phân tích:

Thứ nhất, Sóng Hiền nói rằng“Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân”, thì cứ cho là đúng đi; nhưng nói rằng “không đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hóa” là hoàn toàn sai.

Bố tớ giải thích: Ở lãng Vũ Đại, trước Chí Phèo đã có nhiều người tương tự Chí Phèo. Đầu tiên là Năm Thọ, rồi binh Chức, sau binh Chức mới nở ra Chí Phèo. Họ đều bị đẩy vào con đường lưu manh hóa, trở thành kẻ bất thiện, người không ra người thú không ra thú. Nếu kể cả những vùng quê khác thì còn nhiều “hiện tượng Chí Phèo” lắm con ạ. Vậy “bi kịch cá nhân” bị lưu manh hóa đã trở “nhiều”. Khi trở thành “nhiều”,thì mỗi “bi kịch cá nhân” tự nó đã trở thành một trường hợp đại diện. Do đó, Chí Phéo tự nó đã trở thành một trường hợp và là một trường hợp điển hình đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hóa. 

Ngoài ra, Sóng Hiền nói Chí không thể là điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy chỉ vì Chí không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục. Nói thế là lẫn lộn cái này với cái kia. Bố nghĩ rằng, một nông dân thì vẫn là nông dân khi anh ta không cha, không mẹ hoặc không được giáo dục. Nói như Sóng Hiền thì khác gì nói 90% nông dân trong xã hội cũ không phải nông dân vì họ mù chữ đâu con. 

Thứ hai, Sóng Hiền đặt ra câu hỏi: Chí là người tốt hay xấu? 

Theo bố, đó là một câu hỏi sai, hoàn toàn sai! Trong tác phẩm, Nam Cao muốn làm nổi bật lên quá trình trở thành lưu manh hóa, từ một con người hiền lành, tốt bụng, có nhân phẩm trở thành kẻ vô lương để qua đó phê phán kịch liệt cái xã hội đã đẩy con người ta vào con đường đó, làm cho con người ta không được sống như con người, không được sống lương thiện. 

Thứ ba. Sóng Hiền lại nói rằng: “lúc say Chí chửi cái đứa nào đã đẻ ra mà không nuôi Chí chứ đâu chửi cái xã hội đang sống. Đơn giản, Chí không phải là một sản phẩm của xã hội đó. Chí chỉ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác. Vì vậy, không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội phong kiến lưu manh hoá, hay bị cường hào ác bá làm hại”. 

Câu nói “đứa nào đẻ ra” Chí, mang hai nghĩa, nghĩa đen đúng là chửi người cha mẹ đẻ ra Chí. Nhưng cha mẹ Chí, vì sao họ để Chí “trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ”. Để giải thích điều này, con cần chú ý chi tiết ở cuối tác phẩm: “Đột nhiên thị (Thị Nở) thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không”. Chi tiết ấy cho thấy con của Chí Phèo sau này cũng có thể chịu cảnh như Chí bây giờ, bởi Chí đã chết, còn Thị Nở như một kẻ dở hơi, liệu không bỏ quên con ở đó? Chi tiết ấy như một sự giải thích về xuất thân và cuộc đời của cha mẹ Chí, có thể cũng là người lương thiện bị cường hào ác bá tước đoạt quyền sống và làm người chăng? 


Tầng nghĩa thứ hai, nghĩa ẩn“cái đứa nào đã đẻ ra” hắn, theo bố chính là xã hội phong kiến đã thối nát. Quả thật, trong truyện, không ít lần Nam cao đã trực tiếp hoặc gián tiếp nói về việc Chí (cả Năm Thọ và binh Chức) bị đẩy vào cảnh lưu manh hóa, cướp đi cái cái lương thiện. Chi tiết cuối tác phẩm đã thể hiện điều đó một cách sắc nét:

– Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế thì anh cần gì?  

Hắn (Bá Kiến) dõng dạc:  

– Tao muốn làm người lương thiện.  

Bá Kiến cười ha hả:  

– ồ tưởng gì!Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.  

 Hắn lắc đầu:  

– Không được! Ai cho tao lương thiện? 

Đấy, chính lúc này Nam Cao đã để anh Chí tỉnh thức, anh hiểu ra rằng chính Bá Kiến (đại diện cho giai cấp phong kiến địa chủ đã thối nát) tước đi tính lương thiện của anh.Nhưng Bá Kiến chỉ có thể tước đi mà không thể cho anh lương thiện, hắn chỉ có thể cho mấy đồng tiền và tiếp tục lợi dụng. Theo bố đó mới là ý của Nhà Văn.    

Như vậy cả theo nghĩa đen và ẩn, thì Chí cũng vẫn là sản phẩm của xã hội mà thôi. Vậy mà cậu Sóng Hiền lại nghĩ như vậy mới lạ.

Thứ 4. Anh Sóng Hiền luôn nhìn từ “góc độ giáo dục” khi không hiểu thực chất tác phẩm nên thành phiến diện 

Sóng Hiền luôn nhìn từ “góc độ giáo dục” để lên án hành động của Chí, để cho rằng, đó là hành động không thể chấp nhận được, một hành động cần được pháp luật trừng trị, đặc biệt là hành động sàm sỡ Thị Nở và Giết Bá Kiến. Anh ta  “kịch liệt phê phán và phản đối những hành vi lưu manh, thú tính của hắn.Chí đã giết người trong lúc say, đó là hành vi không phải của một con người.”

Bố thấy rằng, Sóng Hiền đã mắc sai lầm từ chính cái “góc nhìn giáo dục” phiến diện ấy của anh ta. Anh ta nói thế mà không biết rằng “hành vi lưu manh, thú tính” ấy là quá trình cường hào ác bá đẩy Chí tới, chứ trước đây Chí là người thành niên biết “thấy nhục” khi phải bóp chân cho bà la, cái con quỷ cái – vợ Bá Kiến. Thế mà Sóng Hiền không biết điều đó mới lạ, nên cậu ấy chỉ nhăm nhăm qui kết tội lỗi cho Chí. (chỉ vì anh ta nghĩ Chí là hiện tượng cá nhân, chỉ do cha mẹ đẻ ra, không được giáo dục, thật là cái nhìn hạn hẹp).  

Việc Chí giết Bá Kiến là một hành động thức tỉnh. Phần người trong Chí thức tỉnh (nhờ được Thị Nở ứng xử có nhân có nghĩa), nhưng Chí lại vẫn không thể sống được như một con người.  Thị Nở cũng không thể tiếp tục bên Chí do bà cô Thị Nở không đồng tình. Chí định đến giết bà cô ấy, nhưng Chí lại đến nhà giết Bá Kiến. Bởi Chí đã thực sự thức tỉnh, kẻ tước đi hạnh phúc đơn sơ, tước đi lương thiện và không thể trả lại lương thiện là Bá Kiến. 

Chí là đại diện cho người nông dân đau khổ cùng cực, Bá Kiến – người đại diện cho giai cấp địa chủ phong kiến đang thối nát. Hành động giết Bá Kiến của Chí đó chính là ước mong của người nông dân muốn lật đổ kẻ thống trị đã gieo rắc đau khổ cho mình. Do đó việc giết chết Bá Kiến còn là cách nói để chấm dứt tình trạng tha hóa nhân phẩm thì phải thủ tiêu cái điều kiện gây ra sự tha hóa ấy – chế độ phong kiến (chứ đâu còn dừng lại ở cách hiểu giết thể xác).  

Sóng Hiền vì không hiểu điều đó nên anh muốn xét xử Chí Phèo vì giết người, thật là nực cười quá con ạ. Chắc anh ta đứng trên lập trường giai cấp phong kiến địa chủ, cho nên nhìn những người như Chí Phèo đương nhiên là đáng lên án rồi, phải bị xét xử rồi. Nhưng tiếc thay đó không là cách nói của văn học.  

Bố tớ tổng kết: 

"Chàng nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền ấy đã sai tư cái điểm đầu tiên khi coi Chí Phèo chỉ là bi kịch cá nhân mà không biết đó là hiện tượng xã hội có tính quy luật "tre già măng mọc" (cái này có do cậu ta lười đọc tác phẩm thôi chứ chưa cho thấy đầu óc kém cỏi). Vì sai lầm đầu tiên ấy đã ngăn cản Anh ta coi Chí Phèo là sản phẩm xã hội. Điểm sai lầm này không thể đổ lỗi cho Anh ta lười đọc mà do kém về trí tụê. Sai lầm thứ hai này khiến Hiền trở thành tàn nhẫn không biết đau xót trước tình cảnh bị tha hóa nhân phẩm, bị mất đi lương thiện của người nông dân mà còn đứng trên quan điểm giáo dục để đi xét xử, qui kết tội cho Chí. Quan điểm, chỗ đứng và nghĩ suy của Anh ta đúng là quan điểm, chỗ đứng và suy nghĩ của những Bá Kiến và những kẻ bảo vệ chế độ đã trở nên thối nát ấy".

Theo bố, Nam Cao, nhà văn vĩ đại cảm thông với nỗi đau của con người, với ngườì nông dân, có tư tưởng vô cùng sâu sắc.Người tầm thường như Nguyễn Sóng Hiền chỉ biết tới bề ngoài của sự việc vạn năm nữa cũng không hiểu nổi nếu vẫn giữ thói tư duy tủn mủn ấy. Bố thấy đâm lo con gái ạ, nếu Sóng Hiền mà làm quản lý giáo dục thì không biết nền giáo dục nước nhà sẽ đi đến đâu.  

Trên đây là ý kiến của bố tớ, một người nông dân trồng hành, nên chắc sẽ có nhiều sai sót, mong các bạn thông cảm nhé! 

Xin khép lại bằng một lời phản bác của thầy giáo tớ về việc đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình ngữ văn:

“Có 1000 năm nữa trong huyết quản mỗi người dân VN (thừa nhận hay không thừa nhận không thành vấn đề), thì Chí Phèo, Chị Dậu,Lão Hạc vẫn hòa chung trong mỗi hồng cầu, mỗi nhịp thở, mỗi thớ da thịt, gân mạch chằng chéo. Quá khứ nô lệ. Quá khứ bần cố nông, là có thật, có thật trong những mấy nghìn năm lịch sử. Sau hào quang, sau chiến công, sau tượng đài là những dặc dài quá khứ ấy. Không ai mong quay lại hoặc tiếp diễn quá khứ ấy. Nhưng phải đối diện thẳng thắn. Cho dù bao thứ trang trí cho mỗi cái mặt, cái xác người Việt Nam gần như không mang tì vết của mảnh sành, không mang tì vết của bả chó, của bán con, bán sữa...nhưng tận thẳm sâu trong huyết quản, nó...tất cả những cái đó vẫn còn. Nó là một phần quá khứ đau thương, nhưng cũng là cốt lõi nhân bản,cốt lõi văn hóa, linh hồn dân tộc Việt, một dân tộc dám thừa nhận mình, dám gìn giữ mình, và không khuất phục trước bất kì kẻ xâm lược nào, chứ không cần nói tới mấy thói rởm rít của lũ nửa vời..."gia tài của mẹ để lại cho con một bọn lai căng, một lũ bội tình" [ý muốn nói về những kẻ muốn bỏ “Chí Phèo]... (gia tài của mẹ _ Trịnh Công Sơn)”

Chủ đề chính: #chí_phèo

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn