Nguyễn Minh Ngọc Hà Dream as if you'll live forever. Live as if you'll die today. - James Dean -

Một số lỗi chính tả thường gặp và thảo luận cách viết đúng - P1

Đăng 7 năm trước

Có những từ do chúng ta phát âm sai rồi quen dần khi viết và mặc nhận chúng là từ đúng. Bài viết này sẽ nêu ra một số lỗi chính tả thường gặp, phân biệt cách sử dụng từ và thảo luận cách viết đúng.

Nếu các bạn yêu thích tiếng Việt và muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có thể tham khảo cũng như bổ sung nguồn/trích dẫn đáng tin cậy khác để chúng ta cùng thảo luận cách viết đúng nhé.

1. Bắt chéo hay bắt tréo?

Theo Từ điển tiếng Việt online Soha:

- Bắt chéo: không có

- Bắt tréo:

Động từ: gác cái nọ ngang qua cái kia theo hình chữ X

VD: bắt tréo hai tay

"Bây giờ anh đang ngồi bắt tréo kheo, hất hàm lên, nghênh trời." (NCao; 4)

Theo Từ điển Tiếng Việt Phổ thông (Viện Ngôn ngữ học) định nghĩa:

- Chéo:

  • Chéo (tính từ): (thường dùng phụ sau động từ). Thành hình một đường xiên. Cắt chéo tờ giấy.
  • Chéo (động từ): Thành hình những đường xiên cắt nhau. Đường đi lối lại chéo nhau như mắc cửi.

- Tréo (tính từ, thường dùng phụ sau động từ): (Chân, tay) ở tư thế cái nọ gác, vắt lên cái kia, thành hình những đường xiên cắt nhau. Hai tay bắt tréo trước ngực. Nằm vắt tréo chân.

Theo bachkhoatrithuc.vn:

Những trường hợp sử dụng CHÉO - TRÉO:

- Chéo: chéo áo, chéo bóng, chéo cánh sẻ, chéo chân chữ ngũ, (vải) chéo go, chéo góc, chéo chăn; bắt chéo tay, cắt chéo, chằng chéo, chồng chéo, đan chéo, đường chéo, khăn chéo, lụa chéo, vải chéo.

- Tréo: tréo cẳng, tréo chân, tréo cửa, tréo đường, tréo giò, tréo khoeo, tréo mảy, tréo ngoáy, tréo quẹo, tréo trả; bắt tréo chân, tru tréo.

Kết luận: bắt tréo (có lẽ đúng) # bắt chéo (có lẽ sai)

2. Vô hình chung hay vô hình trung?

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, xuất bản năm 2003 do Hoàng Phê chủ biên:

- Vô hình chung: Không có

- Vô hình trung:

Phó từ: Tuy không có chủ định, không cố ý, nhưng tự nhiên lại là như thế (tạo ra, gây ra việc nói đến). Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó.​

Theo Từ điển tiếng Việt online Soha:

- Vô hình chung: Không có

- Vô hình trung: tuy không chủ ý, chủ tâm nhưng tự nhiên lại là như thế (tạo ra, gây ra việc nói đến).

VD: không nói gì, vô hình trung là tỏ ý tán thành

Nói thêm:

Vô hình trung 無形中”, chữ “trung中” là trong, bên trong; nghĩa của cụm từ là “trong cái vô hình”.

Kết luận: vô hình trung (có lẽ đúng) # vô hình chung (có lẽ sai)

3. Tựu chung hay tựu trung?

Theo Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2009 do Hoàng Phê chủ biên (trang 1385):

- Tựu chung: Không có

- Tựu trung: Từ biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến. VD: Mỗi người một ý, nhưng tựu trung đều tán thành cả.

Nói thêm: 

Tương tự như cụm từ “vô hình trung”, “tựu trung 就中” cũng thường bị viết nhầm thành “tựu chung”.

Kết luận: tựu trung (có lẽ đúng) # tựu chung (có lẽ sai)

4. Trăng trối hay trăn trối?

Theo từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, xuất bản năm 2003 do Hoàng Phê chủ biên:

- Trăn trối: Không có.

- Trăng trối: như Trối trăng, Lời trăng trối.

Nói thêm:

- Trối:

  • Danh từ: đốt ở sát mặt đất như cây mạ, có vòng rễ ăn vào đất. Mạ nhổ bị đứt trối.
  • Động từ: Dặn dò lại trước khi chết. Chết không kịp trối. Những điều trối lại cho con cháu.

Theo từ điển tiếng Nôm

Kết luận: trăng trối (có lẽ đúng) # trăn trối (có lẽ sai)

5. Câu chuyện hay câu truyện?

Theo từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, xuất bản năm 2003 do Hoàng Phê chủ biên:

- Câu truyện: không có

- Câu chuyện:

Danh từ: Sự việc hoặc chuyện được nói ra. 

VD: Câu chuyện thương tâm, Cắt ngang câu chuyện.

Nói thêm:

- Chuyện: 

Danh từ: 

  • Sự việc được kể lại. Chuyện đời xưa.
  • Khẩu ngữ: việc, công việc, nói chung. Chưa làm xong chuyện.
  • Việc lôi thôi, rắc rối. Gây chuyện.
  • Khẩu ngữ, dùng ở đầu câu như một chủ ngữ: Việc nghĩ là đương nhiên, không có gì là để cần phải nói. Chuyện, mẹ lại chẳng thương con.

- Truyện:

Danh từ: Tác phẩm văn học miêu tả tính cách nhân vật và diễn biến sự kiện thông qua lời kể của nhà văn. Truyện dài.

Kết luận: câu chuyện (có lẽ đúng) # câu truyện (có lẽ sai)

6. Dành hay giành?

Theo Từ điển tiếng Việt online Soha:

- Giành:

Động từ:

Cố dùng sức lực để đạt được, lấy được về cho mình, để không bị chiếm mất.

VD: giành giật thức ăn, đấu tranh giành độc lập, giành được giải nhất, giành quyền đi trước...

Đồng nghĩa: Đoạt, tranh

- Dành: 

Động từ:

  • giữ lại để sau này dùng

dành tiền mua xe máy

dành lại chút thức ăn cho bữa chiều

  • để riêng cho ai hoặc cho việc gì

lớp học dành cho người khiếm thính

dành nhiều thời gian cho việc học

=> Như vậy, từ giành có nghĩa tương tự như đoạt lấy từ người khác, còn dành thì có nghĩa tương tự như tiết kiệm/để lại dùng cho việc gì/cho ai.

7. Sáng lạng, sáng lạn hay xán lạn?

Theo Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - xuất bản năm 2003 do Hoàng Phê chủ biên:

- Xán lạn: 

Tính từ: rực rỡ, huy hoàng.

VD: Tương lai xán lạn.

- Sáng lạn: không có

Theo bachkhoatrithuc.vn:

Xán lạn là một từ Hán Việt ghi bằng hai chữ Hán 灿烂. Chữ trước thường được đọc là xán (kể cả trong các từ điển Hán-Việt như của Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Nguyễn Quốc Hùng, v.v.) nhưng âm Hán Việt chính thống hiện đại của nó lại là thán vì thiết âm của nó là “thứ án thiết” với phụ âm đầu là th. Còn thiết âm của chữ sau là “lặc ngạn thiết”, vì vậy nên nó mới được đọc là lạn. Âm cuối của cả hai, như đã thấy, đều là n chứ không phải ng, vì vậy nên Nguyễn Quốc Hùng mới nhận xét trong Hán Việt tân từ điển rằng “ta thường nói sáng lạng là lầm”. Xán có nghĩa là sáng, đẹp, chói, tinh khiết. Nó có một song lập thể (doublet) là xắn – mà nhiều người vẫn thích xem là một yếu tố láy hoặc yếu tố vô nghĩa - vẫn còn tồn tại trong từ ghép đẳng lập xinh xắn. Còn lạn cũng có nghĩa là sáng, bóng, láng, lấp lánh. Và cũng có một song lập thể là lặn còn thấy được ở các từ ghép đẳng lập lành lặn và liền lặn (từ cái nghĩa “láng, bóng” của lạn, ở đây lặn có nghĩa rộng là không thô, không nháp, không nhám). Vậy trong từ vựng của tiếng Việt thì xán lạn là một từ Hán Việt có nghĩa là sáng sủa, rực rỡ, đúng như bạn đã nêu.

Còn sáng cũng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 爽 âm Hán Việt là sảng, cũng có nghĩa là sáng (Đây cũng là chữ sảng trong mê sảng vì nó còn có nghĩa là nhầm lẫn nữa). Sáng cũng đi chung với láng, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 朗, âm Hán Việt là lãng có nghĩa là sáng, rõ, trong, để làm thành từ ghép đẳng lập sáng láng, vẫn thông dụng trong phương ngữ Nam Bộ và đã được ghi nhận trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cũng như trong Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà Nội, 1994).

Kết luận: xán lạn (có lẽ đúng) # sáng lạng (có lẽ sai) # sáng lạn (có lẽ sai)

8. Xoay xở hay xoay sở?

Theo từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, xuất bản năm 2003:

- Xoay xở

Động từ:

Làm hết cách này đến cách khác để giải quyết cho được khó khăn, hoặc để có cho được cái cần có. 

VD: Xoay xở đủ nghề, xoay xở tiền mua xe.

Trong đó, từ Xở có nghĩa:

Phó từ: gỡ rối

VD: xở tơ rối, xở món nợ.

- Xoay sở: không có

Trong đó, Sở có nghĩa:

Danh từ: 

1. Cây nhỡ cùng họ với chè, lá hình trái xoan, có răng, hoa trắng, hạt ép lấy dầu dùng trong công nghiệp và để ăn.

2.a. Cơ quan quản lý ngành chuyên môn của nhà nước ở cấp tỉnh, và thành phố.

VD: Sở Y tế

2.b. Tổ chức kinh doanh của nhà nước

VD: Sở xe lửa, Sở cao su.

2.c. Công sở hoặc sở tư (nói tắt), trong quan hệ với nhân viên làm việc. 

VD: Đến sở làm việc.

Kết luận: xoay xở (có lẽ đúng) # xoay sở (có lẽ sai)

9. Điểm yếu, yếu điểm hay nhược điểm?

Theo Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (xuất bản trước 1975):

- Yếu điểm: dt điểm chính, điểm cốt yếu: yếu điểm một bài văn, yếu điểm của vấn đề, nhấn mạnh các yếu điểm; yếu điểm quân sự.

- Nhược điểm: dt chỗ yếu kém: có nhiều nhược điểm cần sửa chữa.

Theo Tự Điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn (xuất bản trước 1975):

- Yếu điểm: điểm cốt yếu, chỗ quan trọng.

- Nhược điểm: điểm yếu, chỗ kém.

Nói thêm:

- Yếu điểm (danh từ): Từ gốc Hán (Yếu: quan trọng; Điểm: chỗ, vị trí). Yếu điểm: Chỗ quan trọng. (Yếu nhân: người quan trọng).

- Điểm yếu (từ thuần Việt): Điểm chưa mạnh (nhược điểm). “Yếu” ở đây chỉ mức độ kém.

=> Như vậy, điểm yếunhược điểm có cách sử dụng giống nhau trong khi yếu điểm được sử dụng hoàn toàn khác biệt.

10. Bàng quan hay bàng quang?

Theo Wiki:

- Bàng quan:

Động từ:

Làm ngơ, đứng ngoài cuộc, coi như không dính líu gì đến mình.

VD: Thái độ bàng quan. Bàng quan với mọi việc chung quanh.

Tính từ:

(Kinh tế học vi mô) Thái độ của người tiêu dùng không có sự phân biệt giữa các lựa chọn kết hợp hàng hóa bởi lẽ mọi lựa chọn đều cho tổng mức thỏa dụng bằng nhau.

- Bàng quang:

Danh từ: bọng đái

=> Cách dùng bàng quanbàng quang hoàn toàn khác biệt nên bạn hãy chú ý, sai một li là đi một dặm đấy nhé.

Hy vọng bài viết này có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn cách dùng từ và cách viết đúng chính tả. Hẹn gặp lại các bạn ở các phần tiếp theo nhé.

Ngọc Hà - Ohay TV

Chủ đề chính: #Một_số_lỗi_chính_tả_thường_gặp

Bình luận về bài viết này
2 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn