Thủy Vu "Hãy học khi người khác ngủ, lao động khi người khác lười nhác, chuẩn bị khi người khác chơi bời, và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước"-William Arthur Ward.

Mua sắm - rắc rối giữa mong muốn và nhu cầu

Đăng 6 năm trước

Bạn đã từng đi lang thang trong trung tâm mua sắm hay siêu thị với tâm trạng chẳng biết mua gì rồi sau đó vác về một đống đồ không? Hay khi mua xong một thứ, bạn đột nhiên tự hỏi mình: Mình mua nó để làm gì nhỉ? Bạn có biết rằng, việc mua những thứ không cần thiết đã tiêu tốn của mình hàng chục triệu đồng không?

Bạn hay mua những thứ không cần thiết

Nhịp sống hiện đại ngày nay đã khiến con người thay vì tiêu tiền vào những nhu cầu cơ bản như là thức ăn, nhà cửa thì họ lại tiêu nhiều tiền hơn vào những thứ không nằm trong dự tính. Chúng ta bị kích thích bởi mong muốn và cảm xúc, thế nên không lạ khi bước ra khu mua sắm với túi to túi bé. 

Trong cuốn sách Phụ nữ thông minh phải biết tiêu tiền, Lois P. Frankel đã liệt kê 10 loại đồ dùng mà người ta hay mua khi không thực sự cần sau đây:

  • Những thứ giải trí như đầu đĩa, băng đài, đầu DVD.
  • Sách và tạp chí.
  • Những tấm thiệp và văn phòng phẩm cá nhân.
  • Những sản phẩm chăn sóc cá nhân( ngoài kem đánh răng và xà phòng).
  • Nến.
  • Những đồ dệt may dùng trong nhà như gối, chăn len, khăn trải bàn.
  • Hạt giống, cây cối và những thứ khác cho việc làm vườn.
  • Những đồ dùng trong nhà bếp.
  • Những đồ vật trang trí theo mùa.
  • Đồ chơi, búp bê và các trò chơi.

Điều thú vị là phụ nữ có xu hướng mua về chín trên mười loại đó. Có khi nào bạn định vào cửa hàng tiện lợi mua một thứ và rời đi với năm, sáu thứ nữa trên tay? Việc nhọc nhằn giữa mua những thứ thật sự cần và những thứ mong muốn chính là nguyên nhân làm cho ví tiền của bạn nhanh chóng "viêm màng túi" vào cuối tháng. 

Phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn

  • Nhu cầu là những thứ bạn cần thiết phải mua vào một thời điểm nào đó, nếu không, sẽ có một vài hoặc nhiều rắc rối xảy ra trong cuộc sống. Nhu cầu thường là thức ăn, gạo, nước uống khi trong nhà đã không còn, hoặc là một cái bóng đèn mới cho nhà vệ sinh khi mà cái bóng đèn cũ đã đứt tối qua... Đó là những việc cần thiết phải làm.
  • Mong muốn là những đồ vật bạn vô tình hứng thú rồi mua về, hay là những vật không có cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại của bạn. Tại sao phải mua thêm một cái váy mới khi mà tủ quần áo của bạn đầy những cái váy vẫn chưa tháo mác? Tại sao phải mua bóp tiền mới khi cái cũ vừa mua cách đây năm ngày?

Bạn đừng lầm tưởng nhu cầu và mong muốn, nếu không, nhà bạn sẽ trở nên chật chội hơn đấy.

Khi bạn không có nhiều tiền, việc phân biệt này khá dễ dàng. Nhưng ngược lại, bạn sẽ khó kiểm soát rất nhiều. Nhiều người nghèo trúng xổ số nhưng sau một thời gian, họ lại trở về với công việc trước đó của họ. Bởi vì họ đã quá đà trong việc vung tay mua những thứ không cần thiết mà họ mơ ước một lần trong đời.

Cách kiểm soát chi tiêu

  • Lập kế hoạch: Việc lên danh sách những thứ cần khi đi mua sắm chẳng những giúp tiết kiệm thời gian mà còn tránh chi quá đà. Hơn nữa, bạn cũng sẽ giảm thiểu khả năng tiêu quá trớn khi bị thu hút bởi những những thứ mà bạn nghĩ nó cần thiết ở thời điểm hiện tại. 
  • Đừng có thử nó: Khi bạn đem một cái áo vào phòng thử chính là đang biến nó thành của mình trong khi trước đó bạn còn đang cân nhắc. Vậy nên, nếu như bạn thực sự không cần nó, hãy đặt nó xuống. Có một sự thú vị là ở những cửa hàng nội thất, cạnh một cái giường ngủ thường đặt thêm một cái tủ đầu giường, một bộ bàn trang điểm... Hoặc những con ma-no-canh phía trước shop quần áo luôn không chỉ mặc quần áo mà còn có thêm mũ, giày, áo len, thắt lưng, túi xách... Điều đó có nghĩa là khi bạn mua một thứ, nhân viên bán hàng sẽ gợi ý cho bạn mua thêm những thứ liên quan. Hãy nghĩ xem, bạn đã bỏ tiền mua một cái áo vest, nếu mua thêm một cái caravat nữa thì giá của nó cũng nhỏ hơn rất nhiều so với cái áo. Vì thế, bạn đã bị thu hút và chi tiền mua thứ không nằm trong dự tính.
  • Xếp thứ tự ưu tiên: Có những thứ mà khi mua, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, nhưng bạn biết rõ là nó không thực sự cần ngay lúc này. Thay vì vậy, hãy suy nghĩ xem thứ cần thiết nhất phải mua là gì, rồi thứ cần thiết thứ hai, thứ ba... Như vậy, đến khi số tiền trong kế hoạch hết, bạn sẽ không dễ mua thêm nữa. Ngoài ra, hãy cất thẻ tín dụng đi nếu như bạn đã chi tiêu quá đà, chỉ cần giữ lại ít tiền mặt phòng khi cần thiết thôi. 

Hy vọng bài viết này thực sự hữu ích đối với bạn. Nếu như bạn muốn hiểu nhiều hơn về kế hoạch tài chính, hãy tìm đọc những quyển sách liên quan. Hãy là người tiêu tiền thông minh nhé!

Xem thêm

Chủ đề chính: #nhu_cầu_và_mong_muốn

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn