Khuyến học

Mục đích đến trái đất của bạn là gì!

Đăng 4 năm trước
Mục đích đến trái đất của bạn là gì!

“Mục đích đến trái đất của bạn là gì” chắc hẳn là câu hỏi mà nhiều người chúng ta thường tự hỏi ở dạng “mình thích làm gì”, “mình đam mê gì”, “đâu mới là lĩnh vực mà mình sẽ cống hiến trọn đời”. Chắc chắn rằng chính bản thân bạn sẽ phải trả lời câu hỏi này. Nhưng Maslow sẽ phần nào giúp bạn có một câu trả lời tốt nhất.

Năm 1943 trong cuốn A Theory of Human Motivation, nhà tâm lý học Abraham Maslow đã đưa ra Tháp nhu cầu Maslow (Maslow’s hyerachy of needs), thể hiện các nhu cầu của con người theo trật tự phân cấp với 5 bậc. Trong những năm sau của mình, Maslow quan tâm nhiều hơn đến các trật tự và nhu cầu cao hơn của con người, cũng như cố gắng liên tục phân loại chúng. Cuối cùng, Maslow thêm vào một số bậc và không còn xem nhu cầu tự khẳng định bản thân, một việc hầu như không bao giờ có thể đạt được một cách tuyệt đối là cao nhất nữa, mà phải là nhu cầu tự tôn bản ngã. Nhu cầu này thậm chí dẫn dắt chúng ta tới ngưỡng tâm linh ví dụ như Gandhi, mẹ Theresa, đức Đạt Lai Đạt Ma… Nếu không có ý nghĩa tâm linh hay siêu vị kỷ, cái tôi vượt trội ấy, theo ông chúng ta đơn giản chỉ là những cố máy do tự nhiên tạo ra. Trong quản trị học hay marketing, tháp nhu cầu với 5 bậc được áp dụng rộng rãi. Nhưng tôi nhận thấy để áp dụng cho bản thân thì tháp nhu cầu mở rộng sẽ phù hợp hơn (chi tiết tại ảnh).

Tháp nhu cầu được phân cấp thành nhu cầu cơ bản với 4 nhu cầu đầu tiên từ dưới lên, nhu cầu bậc cao là 4 nhu cầu ở trên. 4 nhu cầu cơ bản hay còn gọi là các nhu cầu thiếu hụt, là những nhu cầu mà thiếu nó con người khó lòng mà tồn tại được, họ sẽ đấu tranh để có được nó. 4 nhu cầu bậc cao là những nhu cầu mà con người sẽ hướng đến khi các nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng. Con người sẽ đi từ chân tháp đi dần lên với 4 nhu cầu đầu tiên, sau khi đạt được 4 nhu cầu cơ bản này rồi con người sẽ tự do nhảy nhót, không cần theo thứ tự trong 4 nhu cầu bậc cao.

Vậy chúng ta áp dụng tháp nhu cầu này như thế nào?

Bản thân tôi nhận thấy rằng không phải tất cả mọi người đều sẽ leo lên từng bậc, từng bậc theo đúng tháp nhu cầu. Chúng ta có thể không vượt qua được, dễ bị mắc kẹt và cảm thấy hài lòng trong bậc của mình, hoặc tự huyễn hoặc bản thân đã đạt đến bậc cao hơn, nhất là với các bậc ở mức cơ bản. Trọc phú là một ví dụ điển hình cho kiểu này. Họ kiếm tiền chỉ để thỏa mãn nhu cầu về sinh lý, cảm giác được an toàn. Vì tiền họ bất chấp. Khi có tiền rồi, họ nghĩ rằng những người xung quanh kính trọng họ, quí mến họ. Nhưng họ không biết rằng, mọi người không kính trọng mà chỉ sợ họ vì những việc họ đã làm, quí mến họ vì mong muốn kiếm một chút lợi ích cho bản thân. Cả cuộc đời, trọc phú luôn chỉ loay hoay ở bậc 1, bậc 2. Hoặc như có những người luôn chỉ cố gắng sống sao cho mọi người quí mến, tin cậy, tôn trọng mình thế là đủ. Cách sống này hoàn toàn tốt cho cộng đồng, cho xã hội song chỉ chưa tốt cho bản thân bạn. Vì bạn sẽ không biết được rằng cuộc sống còn những điều tuyệt đẹp hơn. Nó cũng như việc bạn ăn rau, ăn cháo vẫn sống nhưng sẽ không bao giờ biết ẩm thực là gì. Cũng như bạn sống nơi đồng bằng sẽ không bao giờ biết núi nón hùng vĩ ra sao, biển trời rộng lớn đến nhường nào. Là con người sinh ra trong trời đất, càng được hưởng thụ những nhu cầu ở bậc cao thì cuộc đời đó càng đáng sống.

Và bản thân tôi nhận thấy một điều rằng khi bạn càng hướng đến những nhu cầu ở mức trên thì những nhu cầu ở mức dưới sẽ tự bù đắp, tự tìm cách để thỏa mãn. Ví như khi bạn hướng đến nhu cầu được tôn trọng thì điều gì sẽ xảy ra. Bạn sẽ cố gắng để có một lối sống chuẩn mực, công việc được giao bạn sẽ hoàn thành tốt, chuyện tình cảm nam nữ bạn sẽ nghiêm túc… vì bạn cần được tôn trọng. Và khi bạn như vậy chắc hẳn các nhu cầu về sinh lý, về an toàn, về được giao lưu, tình cảm sẽ tự khắc đạt được. Hoặc như khi bạn hướng đến thỏa mãn nhu cầu về nhận thức, hiểu biết thì chắc cũng dễ dàng suy ra rằng bạn sẽ dần đạt được 4 nhu cầu cơ bản ở chân tháp. Những bậc hiền triết, trí sĩ, bác học bao đời nay không kể hết là những ví dụ cho điều này. Họ theo đuổi chân lí, theo đuổi khoa học xem nhẹ những nhu cầu cơ bản. Nhưng dần rồi những nhu cầu về sinh lý, an toàn, được giao lưu, được tôn trọng sẽ được bổ sung, thỏa mãn.

Maslow đã cho chúng ta một thang nhu cầu để hiểu rõ bản thân mình, để biết mình muốn gì, việc sử dụng sao cho hiệu quả là của chúng ta. Với bản thân mình, là một người trẻ, tôi sẽ luôn cố gắng để hướng bản thân đến những nhu cầu bậc cao, kiềm chế bớt những nhu cầu cơ bản trước mắt để có thể trải nghiệm tối đa những cung bậc thỏa mãn trong đời sống này.

Chủ đề chính: #phong_cách_sống

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn