Huyền Nguyễn

Muỗng ăn được - vừa ngon vừa thân thiện với môi trường

Đăng 6 năm trước

Hãy thử tưởng tượng, bạn đang ở trong một bữa tiệc được bày biện rất nhiều món ăn thơm ngon và bỗng phát hiện ra rằng cả cái muỗng cũng ăn được nữa! Nếu bạn là người tổ chức tiệc thì chẳng cần phải lo tới chuyện rửa chén dĩa nữa nhé.

Ý tưởng này đã và đang được các bếp trưởng và công ty thực phẩm để mắt đến. Trước đây, hãng KFC đã cho ra mắt ly cà phê được làm từ bánh bích quy. Tại Ấn Độ, nhà nghiên cứu Narayana Peesapaty đã mượn ý tưởng này để tạo ra sự khác biệt.

Ông Narayana Peesapaty bắt đầu nghiên cứu và phát triển muỗng ăn được như một biện pháp giúp thay thế các loại dụng cụ ăn uống bằng nhựa dùng một lần. Ông Narayana cho biết người Ấn Độ sử dụng 120 tỷ dụng cụ ăn bằng nhựa mỗi năm. Những dụng cụ dùng 1 lần này thường được sử dụng ở các tiệc sinh nhật,sự kiện và đặc biệt là ở các quầy ăn ven đường. Tệ hơn, có vài nơi còn chẳng thèm vứt chúng đi mà chỉ rửa sơ qua và sử dụng lại, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Lấy cảm hứng từ nghiên cứu và trải nghiệm của mình, ông Narayana Peesapaty đã thành lập một nhà máy gồm những công nhân nữ để sản xuất nhiều loại muỗng, nĩa, và đũa ăn được. Với mục đích tập trung vào sức khỏe và dinh dưỡng, những dụng cụ ăn được này làm từ 3 nguyên liệu là jowar (cây kê Ấn Độ), gạo và bột mì. Số lượng mỗi nguyên liệu khác nhau tùy thuộc vào từng loại muỗng. Những hạt ngũ cốc đầy dinh dưỡng jowar có nhiều dưỡng chất cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi. Jowar cung cấp một lượng canxi và sắt dồi dào cho những người mẹ mang thai và đang cho con bú. Nếu vào tuổi dậy thì, nhiều hoóc môn trong cơ thể thay đồi có nguy cơ dẫn đến stress thì jowar lại chứa niacin và axit floric giúp giảm stress hiệu quả. Jowar còn là nguyên liệu tốt cho người bị tiểu đường, lượng hyđrat-cacbon phức tạp có trong jowar giúp giải phóng glucose từ từ và duy trì lượng đường trong máu.

Sản phẩm này vô cùng thân thiện với môi trường. Muỗng sẽ tự động phân hủy sau 3 đến 7 tuần và nếu bị động vật hoặc côn trùng ăn phải, nó cũng sẽ không gây hại đến chuỗi thức ăn. Ông Narayana nói thêm “Nhiều người có thể sẽ thắc mắc tại sao chúng tôi lại sản xuất đũa trong khi ở Ấn Độ rất ít người dùng, nhưng chúng tôi nhắm đến mục tiêu rộng hơn. Đa phần đũa được sử dụng ở Nhật Bản nhưng lại do Trung Quốc sản xuất. Bởi vì đũa được làm từ tre, nạn phá rừng tràn lan đã diễn ra để lấy đất trồng tre. Mặt khác, người Nhật lại có tục đốt đũa sau khi sử dụng. Rừng đang cạn kiệt và lượng cacbon thải ra ngày càng tăng.Với những chiếc đũa ăn được và có thể phân giải này, chúng tôi đang tiến một bước nhỏ trong công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học.”

Chủ đề chính: #sản_phẩm_thân_thiện_với_môi_trường

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn