Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Năm Kỷ Hợi – Kinh doanh theo tuyệt chiêu Con Lợn

Đăng 5 năm trước

Với dân gian, hình tượng con lợn thể hiện về sự sung túc, dồi dào và an nhàn. Đầu năm Kỷ Hợi, tôi lại chợt nhớ đến hai câu thơ trong bài thơ “Bên kia sông Đuống” của thi sĩ Hoàng Cầm: Quê hương ta lúa nếp thơm nồng Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong Trong Lục súc (Mã, Ngưu, Dương, Cẩu, Trư, Kê tức Ngựa. Trâu, Dê, Chó, Lợn, Gà) thì chú ủn ỉn có vẻ là vô dụng nhất. Ấy thế mà thiếu chú này lại không được.

Ngày đầu năm Kỷ Hợi, chúng ta cùng suy ngẫm cái tuyệt chiêu mà giới kinh doanh thích ở chú Trư

1. Lập trường

Chắc hẳn khá nhiều người còn nhớ câu chuyện “Lục súc tranh công” thuở cắp sách đến trường. Ngựa, Trâu, Gà, Dê, Chó đều đồng loạt chê bai chú Lợn chẳng biết trò trống gì, là kẻ bất tài, theo cái kiểu “nằm ăn chờ chết”. Lợn ta đành tiu ngỉu mà phân bua:

“... 

Việc quan, hôn, tang, tế, vô hồi  

Thảy thảy cũng lấy heo làm trước.  

                                            … ”  

Quả thật là nỗi oan cho chú Trư. Xét cho kĩ trong hàng chuyện quốc gia đại sự thuở xưa, từ vua tế đàn Nam giao đến cưới hỏi, ma chay hay việc hòa giải trong làng nước chẳng phải luôn thấy bóng hình chú Lợn sao ? Lại chưa kể chú lấy xương thịt mình ra mà đền ơn chủ khác chi lòng trung như Trâu, Ngựa, Chó. Đó là việc ở đời, ai có phận ấy song thiên hạ lại có người vốn thích lắm điều mà sinh sự. 

Trong thương trường, việc ghen ghét, đố kị, gièm pha chắc chắn là điều không bao giờ tránh khỏi. Bạn phải luôn từng ngày từng giờ đối diện với nó như câu “nước lên ắt thuyền lên”. Khi bạn có những bước đầu thành công thì bên cạnh những lời tán dương cũng không ít những lời xuyên tạc. Lúc thất bại có người động viên, an ủi cũng có kẻ chê bai, dè bĩu chẳng tiếc lời. Người đời chỉ nhìn vào bề nổi để phán xét sự việc mà chẳng mấy ai quan tâm đến ngọn ngành của sự tình chú Lợn kia. 

Dư luận vốn dĩ bất phân lập trường, bạn càng quan tâm thì tinh thần càng mất phương hướng vì xu hướng con người ngày càng có thói quen sống theo trào lưu đám đông, tất cả cùng hoan hô, tất cả cũng chà đạp. Dư luận như một cơn bão tràn qua dù mạnh rồi có lúc sẽ tan biến. Nên mới thấy cái khí phách an nhiên tự tại, chẳng phiền muộn của chú Trư. 

Bài học cho người thành công đó chính là Giữ vững ý chí lập trường không dao động theo đám đông . Lịch sử cho thấy chỉ có người quyết đoán mới thành công vì thành công không dành cho đám đông.

2. Sinh sôi

Đúng là “Đẻ như lợn”. Việc sinh sản của họ nhà Lợn thì chẳng cần bàn cãi. Bất kì loài nào muốn tồn tại cũng phải sinh sản để duy trì nòi giống. Năng suất sinh sản càng cao thì việc chăn nuôi càng gặp thuận lợi.  

Xét về việc kinh doanh, cơ bản doanh nghiệp muốn tồn tại bắt buộc phải đi đôi với phát triển. Trong sự bùng nổ về thị trường hiện nay, xu thế rất phức tạp, bạn không thể cứ mãi đứng yên một chỗ trong tư thế an phận được. Vì như thế, con thuyền của bạn rất dễ chìm trong sóng to vì muốn ra khơi xa thì phải dùng thuyền to. 

Như bức tranh Đông Hồ vẽ Đàn lợn Âm dương qua đó là khát khao về sự sung túc, thịnh vượng. Và mục tiêu luôn là hãy mở rộng mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng. Trong khi đó, kinh doanh theo hệ thống đang trở thành một cách kiếm lợi nhuận mạnh mẽ từ các nước tiên tiến. 

3. Hòa khí

Chú Gà trống cứ choai choai là thích gây gỗ, kiếm đường đánh đá, cũng chỉ vì “con gà ganh nhau tiếng gáy”. Chưa kể, mấy ông “Ngựa non háu đá”. Rồi cả Trâu cũng hì hục choảng nhau làm thú vui cho con người trong Hội chọi trâu. Rồi vì tranh cái hư danh mà tay nào cũng sứt đầu mẻ tráng. Ấy vậy mà, mấy ông Trư cử đủng đỉnh chẳng phiền đến ai. Chó gà lại có lúc tranh ăn, còn ông Lợn một mình một cõi nhàn nhã nhất đời, “Dĩ bất biến ứng vạn biến”

Việc kinh doanh như một cuộc chiến. Ở đó, bạn càng ít đối thủ thì khả năng rủi ro càng thấp. Và dĩ nhiên, ít đối thủ, nhiều đối tác nên là tôn chỉ của bạn. Như người xưa có câu “Dĩ hòa vi quý” hay “Hòa khí sinh tài” cũng đều có nguyên nhân sâu xa của việc giữ hòa khí tránh hiềm khích. Khi nắm một doanh nghiệp, việc giữ hòa khí với đối phương, đối tác hay cả tập thể công ty đều là thiết yếu.

4. Tích trữ

Theo thuyết âm dương ngũ hành thì Hợi là lợn, thuộc âm, ngũ hành thuộc thủy. Mà nước chủ về tài lộc, âm tàng, chứa đựng tích trữ. Không biết từ bao giờ hình tượng chú heo đất đã được coi là biểu tượng của sự tiết kiệm và tích lũy tài chính. Nó đi vào trong hình ảnh của tuổi thơ mỗi người chúng ta trong dịp xuân về Tết đến cũng như lời nhắc nhở về truyền thống cần kiệm của cha ông ta thuở trước với các thế hệ sau.

Chính trị gia người Mỹ Bejamin Franklin (1706-1790) đã có một câu nói bất hũ: 

“ Beware of little  expenses. A small leak will sink a great ship” 

Tức là :“ Hãy cẩn trọng với những khoản chi phí nhỏ. Một lỗ rò rỉ nhỏ cũng sẽ đánh chìm một con tàu lớn”

Điều này khá đúng trong nguyên tắc kinh doanh. Hãy kiểm soát chắc chẽ về nguồn tài chính của doanh nghiệp và đưa ra những chiến lược thu chi thật hợp lý, khoa học để tránh việc lơ là trong những lỗ hỏng nhỏ nhất. Và hiển nhiên việc tiết kiệm phải đi đôi với những phương pháp tích lũy. 

Nó không những là cách để mỗi doanh nghiệp phát triển nguồn vốn mà còn là cứu cánh khi bạn gặp những rủi ro trong tương lai. Một nguyên tắc bất di bất dịch là tấn công đi đôi với phòng thủ. Bởi thế, trong Binh pháp có câu “Nuôi quân ngàn ngày chỉ dùng một giờ”           

Tiết kiệm sẵn có đồng tiền    

Phòng khi túng lở không phiền lụy ai                                              

                             Ca dao

5. Chú heo chăn cừu

Bạn có còn nhớ bộ phim nổi tiếng từng đoạt 7 giải Oscar – Chú heo chăn cừu (1995) ? Trong film đề cập đến việc chăn cừu chỉ dành cho những chú chó thuộc giống chuyên biệt, rất thông minh, có tố chức kỷ luật và vô cùng dũng mãnh. Cac chú chó sẽ uy hiếp bầy cừu bằng những tiếng sủa mạnh mẽ của mình khiến  chúng sợ và làm theo những hiệu lệnh của chú chó. 

Thật bất khả thi khi đưa một chú heo con vào vị trí ấy. Chú heo nhỏ bé không biết sủa, lại chậm chạp, yếu ớt và còn bị bầy cừu chế nhạo, đôi khi, bị cho là kẻ kém thông minh như chó. Ấy vậy, chú đã nghĩ ra cách của mình, đối thoại chân thành để tìm cách chăn được bầy cừu theo ý mình, lãnh đạo chúng chỉ bằng ngôn từ không phải sức mạnh chỉ thị. 

Chú đã khiến bầy cừu phải phục tùng mệnh lệnh của mình.Việc đạt đến đình cao vinh quang của chú heo không phải nhờ sự xuất thân, hay những kĩ năng thiên phú mà đó là do chúng hiểu được bầy cừu và tìm cách cho bầy cừu hiểu chú.

Vị trí lãnh đạo của một doanh nghiệp là một nghệ thuật. Bạn muốn tất cả chung vai đấu cật cùng mình chung chí hướng quả thật là gian truân. Vì doanh nghiệp là một tập thể, những các thể khác nhau. Như vậy, bạn phải dung hòa, kết nối họ thành một khối bằng chính sự chân thành của mình. Hãy hiểu mọi người và để mọi người hiểu mình trong một khuôn khổ cho phép.

Hồ Hoàng Anh

Chủ đề chính: #kinh_doanh

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn