Lê Thị Diệu Thúy

Năm loại 'siêu thực phẩm' vừa bảo vệ sức khỏe con người vừa bảo vệ môi trường

Đăng 4 năm trước

Khi đời sống vật chất đủ đầy, con người chú trọng hơn tới vấn đề vừa bảo vệ sức khỏe vừa bảo vệ được môi trường. Có nhiều báo cáo thống kê tới 50 loại “siêu thực phẩm” đáp ứng được hai điều trên. Năm trong số đó là những loại thực vật rất quen thuộc với chúng ta, nhưng chưa hẳn đã được nhìn nhận đúng giá trị của nó. Cùng Ohay.tv khám phá tới những vùng trời kiến thức mới tốt cho sức khỏe nhé !

1. Diêm mạch

      Đây là loại giả ngũ cốc được ví như mẹ của ngũ cốc, từng là một loại thực phẩm chủ yếu ở Bolivia và Peru, giờ đây đã trở thành một loại thực phẩm quen thuộc khắp thế giới. Nó có vị gần giống với cây củ cải đường, rau bina và rau dền và các loại giả ngũ cốc khác. Sau khi thu hoạch, hạt diêm mạch thường được xử lý để loại bỏ lớp vỏ bên ngoài có chứa saponin có vị đắng. Hạt diêm mạch được nấu chín như gạo và có thể được sử dụng trong rất nhiều món ăn. Lá diêm mạch được sử dụng như lá rau giống như rau dền, tuy nhiên việc sử dụng lá diêm mạch như rau xanh vẫn còn hạn chế. Khi được nấu chín, các thành phần dinh dưỡng trong diêm mạch tương đương với các loại ngũ cốc thông thường, cung cấp một lượng vừa phải chất xơ và khoáng chất như: folat, sắt, kẽm và magiê. Diêm mạch không chứa gluten và do đó dễ tiêu hóa. Do những đặc điểm này, diêm mạch được lựa chọn là cây trồng thử nghiệm trong hệ thống hỗ trợ kiểm soát cuộc sống sinh thái của NASA cho các chuyến bay không gian trong thời gian dài. Diêm mạch được xem như là một nguồn tài nguyên có giá trị có thể mang lại một lượng lớn thực phẩm dinh dưỡng thay thế cho mì ống và gạo. Diêm mạch có thể kết hợp vào bữa sáng miễn phí tại trường và được các chính phủ quy định trong các khẩu phần ăn cho phụ nữ mang thai và cho con bú.

2. Chùm ngây

    Trong khoa học cây chùm ngây có tên là Moringa. Loại cây này được xem như một loại “cây thần” vì sự phát triển nhanh và khả năng chịu đựng hạn hán. Ở vùng Nam Á, thừa hưởng nền y học Hindu truyền thống, người dân thường sử dụng các bộ phận của cây để chữa bệnh. Lá chùm ngây giàu vitamin A, vitamin C, acid oleic giúp hạ mỡ máu. Mỗi năm có thể thu hoạch lá khoảng 7 lần, chế biến thành các món sinh tố, súp và trà. Priya Tew, một chuyên gia dinh dưỡng và phát ngôn viên của Hiệp hội Dinh dưỡng Anh, biết rất rõ điều đó: "Nó là thành phần không thể thiếu trong món tủ của gia đình tôi -  món cà ri Sri Lanka. Nó ngon tới giọt cuối cùng."

3. Rong biển

   Wakame trong tiếng Nhật nghĩa là“rong biển”. Ngày nay, rong biển cũng được trồng ở các cánh đồng gần biển ở Pháp, New Zealand và Argentina; được thu hoạch quanh năm và phơi khô dưới ánh mặt trời mà không cần sử dụng phân bón hoặc thuốc trừ sâu. Rong biển không chỉ thơm ngon, tạo vị đậm đà cho thức ăn mà còn giàu axid eicosapentaenoic -  loại axit béo omega 3 gần như chỉ có trong cá biển ăn tảo. Trong số đó, rong biển Wakame - có màu nâu,mềm mại chứa một lượng lớn fucoidan - một loại chất xơ mà các nghiên cứu trên động vật nhận thấy chất này có khả năng hạ huyết áp, chống đông máu thậm chí ngăn ngừa sự phát triển các khối u. Priya Tew-  người phát ngôn của Hiệp hội dinh dưỡng Anh nói rằng: "Rong biển là nguồn iod và omega 3 tuyệt vời, đặc biệt đối với những người ăn ít sản phẩm động vật. Mùi vị những món xào có rong biển khá hấp dẫn" - nhưng cô cũng cảnh báo rằng: "Điều quan trọng là chỉ ăn một lượng nhỏ mỗi ngày để bạn không hấp thu quá nhiều iốt và kim loại nặng từ biển”.

4. Fonio

    Fonio cùng loại với kiều mạch, yến mạch, mùi vị giống hạt dẻ. Loại cây này có niên đại hơn 5.000 năm, có bằng chứng được trồng đầu tiên ở Ai Cập cổ đại và sau đó ở những sa mạc phía Tây châu Phi. Loại hạt châu Phi cổ đại này được biết đến với hương vị tinh tế mà người Bambara ở Mali nói "không bao giờ làm người nấu ăn phải thất vọng" bởi vì nó rất dễ chế biến. Các hạt Fonio nhỏ như cát, có lớp vỏ trấu mỏng phía ngoài - trước khi ăn người ta phải loại bỏ lớp vỏ. Các nhà khoa học nhận thấy chúng rất giàu sắt, kẽm và magiê, có thể được sử dụng thay thế cho gạo hoặc dùng làm bia. Hầu như  hạt fonio phải thu hoạch bằng tay vì kết cấu hạt rất dễ vụn. Hiện nay một số nhà máy mới ở Senegal (vùng Tây Phi) đang trong quá trình sản xuất loại ngũ cốc này để xuất khẩu trên toàn thế giới. Priya Tew cho rằng: “Hạt fonio sẽ phổ biến vì nó không chứa gluten và khả năng chịu hạn phù hợp với tình hình nóng lên toàn cầu."

5. Bambara

   Bambara là một loại cây họ đậu có vị ít béo hơn, ngọt hơn đậu phộng. Đậu Bambara đã lọt vào mắt xanh của các chuyên gia thực phẩm vì nó có thể phát triển ở vùng đất nghèo, khiến đất đai trở nên màu mỡ hơn bằng cách "cố định" nitơ trong trái đất. Loại cây họ đậu truyền thống châu Phi này cũng được trồng ở miền nam Thái Lan và một số vùng ở Malaysia. Có thể luộc, nướng, chiên hoặc xay thành bột mịn tùy theo sở thích người ăn. Ở phía đông châu Phi, đậu được xay nhuyễn để làm súp. Nó được gọi là "thực phẩm hoàn hảo" vì giàu protein và là nguồn cung cấp axit amin methionine - giúp thúc đẩy sự phát triển của các mạch máu mới và sự hấp thụ kẽm, cần thiết cho hệ thống miễn dịch của cơ thể và selenium, giúp điều chỉnh chức năng tuyến giáp và cũng đóng một vai trò trong hệ thống miễn dịch.Priya Tew cho rằng:  “ Đây là loại thực phẩm tuyệt vời cho những người ăn chay do nó là một nguồn protein hoàn chỉnh và là một loại cây trồng bền vững".

   Y học thường thức đề cao: "Phòng bệnh hơn chữa bênh". Ăn uống cũng là một cách để điều trị bệnh tật và nâng cao sức khỏe. Vì vậy bạn hãy cân nhắc thêm những loại "siêu thực phẩm" trên vào khẩu phần ăn hàng ngày của bản thân và gia đình nhé.


                                                                                    Diệu Thúy 

                                                            Dịch từ BBC Food: 

                                                         https://www.bbc.com/news/health-48138772

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn