Phạm Thế Hợp Xin chào! Chúng ta ở đây để cùng nhau khám phá và chia sẻ thế giới quan. Hãy đi cùng tôi nhé!

Nắm trọn 7 quy tắc sau đây, việc học thuộc của bạn sẽ không còn khó khăn nữa.

Đăng 5 năm trước

Việc học thuộc từ trước đến nay luôn là một vấn đề khó khăn đối với học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp, việc học thuộc trở nên quan trọng và 'khó nhằn' hơn bao giờ hết. Nhưng cách để học thuộc nhanh, hiệu quả và nhớ lâu thì ít ai biết. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn một số mẹo giúp việc học thuộc không còn là 'nỗi ác mộng' đối với những học sinh có trí nhớ kém nữa.

1. Xây dựng một không gian học phù hợp

Tạo cho bản thân một không gian học tập phù hợp là bước đầu tiên giúp cho việc học thuộc trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Một không gian học lý tưởng là một nơi thoáng, yên tĩnh, rộng rãi. Tuy nhiên nói học chỉ nên rộng vừa đủ để tránh sự phân tán mất tập trung, không cần quá im lặng để tránh sự "ghé thăm" từ những cơn buồn ngủ. Việc sắp xếp bàn học cũng là một yếu tố quan trọng trong việc tạo cảm hứng học tập. Một chiếc bàn học ngăn nắp, gọn gàng sẽ khiến chúng ta dễ chịu, dễ tập trung hơn là một "bãi chiến trường" trên chiếc bàn tương tự. Đồng thời, một góc học tập ngăn nắp sẽ giúp bạn dễ dàng trong việc tìm sách vở, tài liệu khi cần thiết.

Nếu cảm thấy chiếc bàn học của mình toàn là giấy tờ, sách vở quá đơn điệu, nhàm chán, bạn có thể lên trên đó một chậu hoa nhỏ hay một chú gấu bông để không gian thêm sinh động. Nhưng phải đảm bảo đồ trang trí của bạn không quá thu hút sự chú ý, sẽ ảnh hưởng đến quá trình tập trung của bản thân.

2. Học hiểu chứ không "học vẹt"

Trước khi bắt tay vào học thuộc, bạn cần hiểu rõ mình đang học về vấn đề gì? có những mục lớn nào? Những mục lớn đó chia thành những mục nhỏ nào? Những mục nhỏ ấy bao chứa nội dung gì? Việc hệ thống lại kiến thức như vậy trước hết sẽ giúp chúng ta nhớ "phần xương" của mảng kiến thức sắp tiếp cận. Sau khi đã nắm được những thông tin cơ bản của phần kiến thức, chúng ta cần đọc chậm lại một lần từ đầu đến cuối, đọc đến đâu phải hiểu đến đó. Việc còn lại là học thuộc phần nội dung chi tiết ứng với mỗi một đề mục. Cách học thuộc này có những ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với "học vẹt". Thay vì phải ngồi cả tiếng đồng hồ để đọc thuộc y nguyên từng câu chữ rồi sau đó bạn lại quên "sạch sành sanh" thì giờ đây, học thuộc bằng cách hiểu sẽ giúp bạn học thuộc nhanh hơn, nhớ lâu và khó bị sai lệch kiến thức. 

Một điều các bạn cần lưu tâm là hãy cố gắng hiểu hết kiến thức ngay khi học ở trên lớp. Hãy chú ý nghe giảng, xây dựng bài, trao đổi bài để kiến thức dễ "ăn vào não" hơn. Đừng ngần ngại giơ cánh tay yêu cầu thầy cô giải đáp những thắc mắc và đừng xấu hổ khi nhờ bạn khác giảng bài cho mình. Chủ động trong việc học nghĩa là bạn đã chủ động về kiến thức, được như vậy thì thời gian học thuộc sẽ rút ngắn đi rất nhiều và hiệu quả thậm chí còn cao hơn.

3. Biết cách chia nhỏ kiến thức

Chia nhỏ kiến thức luôn là một cách học thuộc nhanh, hiệu quả và luôn luôn được áp dụng. Việc nhồi nhét quá nhiều kiến thức chỉ khiến học sinh thêm chán nản, không có tinh thần học, học trước quên sau. Đến khi cần sử dụng đến mảng kiến thức ấy thì đoạn quên, đoạn nhớ thậm chí có những trường hợp rơi vào cảnh "râu ông nọ cắm cằm bà kia", rất nguy hiểm. Vì thế, ngoài những mục kiến thức nhỏ đã được chia trước, chúng ta còn cần phải tự biết chia những phần kiến thức khó, dài  để dễ học thuộc lòng hơn. Thỉnh thoảng bạn có thể tranh thủ những khoảng thời gian rảnh rỗi ngắn để học thuộc một phần kiến thức đã được chia nhỏ vì học nó không mất nhiều thời gian mà vẫn hiệu quả

Tuy nhiên, khi đã học thuộc những phần kiến thức đã được chia nhỏ, bạn cần biết xâu chuỗi những gì vừa thuộc để xây dựng một bài học hoàn chỉnh. Nếu không có khả năng hệ thống lại những gì đã học thì cách chia nhỏ kiến thức vô tình trở thành con dao hai lưỡi: vừa tốn thời gian - vừa vô tác dụng.

4. Học thuộc cùng với liên hệ thực tế

Nếu chỉ ngồi học thuộc, học thuộc và học thuộc thì qua thời gian, kiến thức còn lại trong đầu chúng ta chẳng được bao nhiêu. Việc liên hệ phần kiến thức vừa học với thực tế sẽ tạo cho bạn ấn tượng, thích thú với bài học từ đó giúp nhớ lâu hơn, có thể áp dụng vào những trường hợp cụ thể nếu có. Ví dụ như môn Lịch sử gắn với sự kiện, ngày tháng,... môn Địa lí gắn với vùng miền, khí hậu, kinh tế... Chỉ cần trải nghiệm qua một lần là bạn có thể "nằm lòng" những mảng kiến thức đó thậm chí không cần học thuộc.

Tuy nhiên việc được trải nghiệm thực tế không phải ai cũng có cơ hội được tiếp cận. Cho nên đây là một cách học được khuyến khích nhưng không quá quan trọng.

5. Vừa học thuộc vừa ghi

Làm thế nào để học nhanh hơn nữa? Câu trả lời là ghi. Việc ghi chép những gì mình vừa học thuộc như một cách nhẩm lại lần nữa, tạo ra những phản xạ hữu ích cho sau này khi mà bạn sử dụng phần kiến thức ấy trong một bài viết. Theo như phân tích, thống kê, việc học thuộc và ghi chép tăng gấp đôi khả năng ghi nhớ của học sinh.

Hãy ghi lại bài học một cách có hệ thống để có thể sử dụng lại nó khi cần thiết. Đây chính là một cách học "đôi công ba việc" rất hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức.

6. Dùng sơ đồ tư duy

Nếu bạn có một trí nhớ không tốt, đừng cố nhồi nhét từng câu chữ "dài dằng dặc" vào trong đầu. Việc làm như vậy chỉ tốn thời gian mà còn không hiệu quả, giống như việc bạn bắt một con cá phải đi trên mặt đất vậy. Hãy hiểu phần kiến thức mình cần phải học thuộc, vận dụng kĩ năng chia nhỏ kiến thức rồi vẽ chúng vào một sơ đồ tư duy. Nghiên cứu cho thấy việc học bằng sơ đồ tư duy sẽ tạo cảm hứng học tập, hiệu quả hơn vì sơ đồ tư duy ngắn gọn, súc tích và thu hút được sự chú ý của học sinh. Bạn chỉ có một sơ đồ đưa ra những đề mục của kiến thức, rồi vận dụng những gì đã hiểu, đã nhớ "lắp" vào từng mục lớn rồi mục nhỏ là đã có thể nắm trọn kiến thức trong lòng bàn tay.

Một sơ đồ tư duy do chính mình vẽ ra sẽ giúp bạn học thuộc nhanh hơn là dùng sơ đồ tư duy có sẵn. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể tự làm cho mình một sơ đồ sao cho đúng và hiệu quả nhất. Lúc đó, bạn có thể tham khảo ý kiến thầy cô, bạn bè hay đơn giản là tham khảo từ Internet.

7. Học nhóm

Học nhóm đúng cách cùng một vài người bạn sẽ giúp hiệu quả học thuộc trở nên rõ rệt. Mọi người có thể giúp đỡ nhau, trao đổi cách học thuộc, kiểm tra chéo phần ghi nhớ của bạn mình và giúp bạn chỉnh sửa những phần chưa đúng. Việc học theo cách "đôi bạn cùng tiến" như thế sẽ giúp các bạn đều có cảm hứng học, trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm mà bạn khác có cho nên hiệu quả của việc học thuộc đi lên là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, việc quan trọng nhất khi tạo lập một buổi học nhóm là chọn bạn bè tham gia cùng. Tưởng tượng mà xem, nếu bạn chọn phải một người bạn lười biếng, nói nhiều, hay làm người khác mất tập trung thì buổi học nhóm còn có ý nghĩa gì không? Chọn sai bạn học nhóm khiến cho buổi học không hiệu quả thậm chí lực học của bạn còn bị "kéo xuống" và đem đến những hậu quả khôn lường. Vì vậy, khi tạo một buổi học nhóm, hãy mời những người bạn có học lực tốt, chăm chỉ và có ý thức chủ động trong học tập, họ sẽ giúp cho bạn nhiều hơn bạn nghĩ bởi lẽ "học thầy không tày học bạn".

Một tuần bạn chỉ nên học nhóm 1-2 lần là đủ. Thời gian còn lại chúng ta dành cho tự học, tự trau dồi kiến thức để buổi học nhóm không bị nhàm chán, sôi nổi qua những cuộc trao đổi hiểu biết cá nhân.

Ghi nhớ 7 quy tắc trên, việc học thuộc từ nay sẽ dễ hơn bao giờ hết. Hi vọng với những cách học vừa rồi, các bạn học sinh chúng ta sẽ tìm cho mình một cách học thuộc sao cho hiệu quả nhất, phục vụ cho các kì thi quan trọng! "Trên đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng" - Lỗ Tấn.

Chủ đề chính: #mẹo_học_tập

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn