TranHang

Nghệ thuật trang trí Rangoli của người Ấn Độ

Đăng 7 năm trước

Điều đầu tiên khơi gợi trí tò mò cho bạn khi vừa đặt chân đến Ấn Độ sẽ là các họa tiết Rangoli uốn lượn đầy mê hoặc trước cửa mỗi nhà dân được vẽ lên bởi những bàn tay khéo léo của người phụ nữ nơi đây.

Nếu bạn là người yêu thích nghệ thuật vẽ tranh chắc hẳn điều đầu tiên khơi gợi trí tò mò cho bạn khi vừa đặt chân đến Ấn Độ sẽ là các họa tiết Rangoli trước cửa mỗi nhà dân được vẽ lên bởi những bàn tay khéo léo của người phụ nữ nơi đây. Những họa tiết uốn lượn đầy mê hoặc đó luôn làm du khách tò mò muốn tìm hiểu về kết cấu, vẻ đẹp và ý nghĩa của nghệ thuật trang trí này.

Những thông tin sau sẽ giúp các bạn có một cái nhìn toàn diện và hiểu sâu về Nghệ thuật trang trí Rangoli của người Ấn Độ.

1. Lịch sử ra đời nghệ thuật Rangoli

Có nhiều tên gọi khác nhau cho loại hình nghệ thuật này, ở miền Nam Ấn Độ gọi là Kolam, ở miền Bắc Ấn Độ gọi là Chowkpurna, ở Bengal gọi là Alpana, ở Bihar gọi là Aripana, và nhiều tên gọi khác nữa nhưng Rangoli là tên gọi phổ biến nhất.

Người ta không chắc chắn về nguồn gốc của Rangoli, nhưng câu chuyện phổ biến nhất về hình thức nghệ thuật này được tìm thấy trong một bộ sưu tập có tên là Chitralakshana mô tả các hình thức nghệ thuật khác nhau của Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Câu chuyện kể về một vị vua và vương quốc của mình đã vô cùng đau buồn về cái chết của con trai linh mục cao. Họ đưa ra lời cầu nguyện về cuộc sống của đứa bé với thần Brahma – Thần sáng tạo ra vũ trụ. Trước lời cầu nguyện đó, Brahma đã đến và yêu cầu với nhà vua để vẽ một chân dung của cậu bé chết trên sàn nhà bằng bột phấn. Sau đó thần Brahma đã thổi cuộc sống vào bức chân dung và cậu bé đã sống lại.

Trong một huyền thoại khác kể rằng, Thiên Chúa đã sử dụng nước được chiết ra từ cây xoài để vẽ hình của một người phụ nữ xinh đẹp.Sau đó, Rangoli đã trở thành một hình thức trang trí phổ biến của người phụ nữ. Nhà cầm quyền Chola khi biết đến Rangoli đã cho sử dụng rộng rãi hình thức trang trí này để vẽ bức tranh trên sàn nhà trong cung điện của họ.

Nghệ thuật cổ xưa của Ấn Độ này được cho là có nguồn gốc từ bang Maharashtra của Ấn Độ, sau đó lan rộng ra các cùng miền khác của đất nước.

2. Chủ đề

Chủ đề phổ biến thường là các biểu tượng thiên thể: mặt trời mọc, mặt trăng, ngôi sao, dấu hiệu hoàng đạo, hình chữ vạn, chakra, hoa sen,... Ngoài ra, những hình ảnh thiên nhiên như hoa, dây leo, cây, cá, chim, voi, con số nhảy múa, hình người và hình khối như tròn, bán vòng tròn, tam giác, hình vuông và hình chữ nhật cũng được thể hiện phổ biến trong Rangoli.

3. Kết cấu

Kết cấu đối xứng được sử dụng chính trong trang trí nghệ thuật Rangoli, đây cũng là kết cấu cơ bản của tuyệt đại đa số sinh vật: lá ở hai bên cành cây, động vật có hai hoặc bốn chân, bộ cánh con công…Hay những bộ phận chỉ là độc nhất nhưng lại mọc lên ở chính trục dọc cơ thể (vẫn mang tính đối xứng) như: sừng tê giác, vòi voi, u bò hay đuôi của nhiều loài vật… Điều này cho thấy hình thức trang trí đối xứng đã mô phỏng cuộc sống một cách điển hình,có chọn lọc.

Một trong những kết cấu điển hình khác của nghệ thuật trang trí Rangoli là kết cấu so le: lá ở hai bên cành cây, đường gân của lá... Kết cấu này đã mang lại những họa tiết uốn lượn nhịp nhàng, và sinh động cho mọi tác phẩm Rangoli.

Nếu kết cấu đối xứng,so le mang tính nối tiếp, chạy dài thì kết cấu tỏa tròn lại hấp dẫn hơn nhiều do có lực hút vào tâm và sức lan tỏa. Loại kết cấu này được lấy cảm hứng từ các bông hoa nở nhìn chính diện, các vòng sóng lan tỏa khi ta ném hòn sỏi xuống nước... 

Các mẫu Rangoli truyền thống thường có họa tiết được vẽ theo ba loại kết cấu kể trên. Còn mẫu hiện đại với các họa tiết chân dung, tĩnh vật đến tranh phong cảnh thì được biến tấu với nhiều hình dạng phong phú, không bắt buộc phải đối xứng nhau.

4. Chất liệu

Bột gạo được nghiền mịn và nhuộm màu bằng phương pháp tự nhiên được sử dụng phổ biến nhất (màu lấy từ bột nghệ, bột quế, lá bạc hà, than củi...). Ngoài ra, vẽ bằng cát màu, ngũ cốc, cánh hoa... cũng vô cùng độc đáo. Ngày nay, các loại bột màu hóa học với màu sắc đa dạng và độ mịn cao hơn bột tự nhiên cũng được bày bán nhiều trong các khu chợ Ấn Độ. Ở miền Nam Ấn Độ còn có loại Rangoli ướt, làm từ bột màu ngâm trong nước.

5. Cách vẽ

Rangoli được vẽ bằng 2 cách:

Dùng khuôn hình đúc sẵn với mọi hình dáng, chỉ việc đổ bột màu qua khuôn là sẽ có được hình bạn muốn.

Dùng tay uốn theo hình phễu, có 2 cách:

  • Vẽ toàn bộ hình mẫu lên nền đất trước, rồi dùng tay đổ bột theo hình.
  • Chỉ dùng các chấm nhỏ để định vị các góc chính, rồi trực tiếp rắc bột tạo hình.

Dù bằng cách vẽ nào thì hình vẽ phải được phủ kín, không chừa lại một khe hở nào, nếu không linh hồn ma quỷ sẽ lợi dụng để xâm nhập vào nhà.

6. Ý nghĩa của nghệ thuật Rangoli

Ý nghĩa tâm linh

Nhiều người cho rằng tinh thần của Ấn Độ giáo được đại diện bởi Rangoli. Các bức tranh trên sàn nhà được sử dụng như bảo vệ chống lại các linh hồn ma quỷ. Trong đó, kết cấu đối xứng luôn được sử dụng vì nó là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng và tăng trưởng.

Tại lễ hội Diwali, để thể hiện một chuyến viếng thăm của vị nữ thần này đến nhà của họ, họ sẽ vẽ chân nữ thần Lakshmi ở lối vào chính của ngôi nhà hoặc gần nơi thờ phượng với các hình khối: vuông, chữ nhật, tròn cùng các họa tiết như hoa sen, quả dừa, quả xoài, lá đa, lá đề, dấu chân nữ thần Lakshmi, hay các thiên thể như mặt trời, mặt trăng, ngôi sao... với ý nghĩa con người và muôn vật luôn hòa hợp. Trung tâm bức tranh thường đặt một bông hoa sen tượng trưng cho Nữ thần Lakshmi.

Người ta còn tin rằng Rangoli như một hình thức nghệ thuật mong manh khi được tạo nên bởi bột hoặc cát – những nguyên liệu rất dễ rửa sạch, đây như một phép ẩn dụ cho thấy sự vô thường của cuộc sống.

Theo thần thoại Hindu thì trong tháng Maarkazhi (từ ngày 15.12 đến ngày 15.1 dương lịch, Nữ thần Andal đã cầu hôn thần Thirumal và toại nguyện. Vì vậy, vào tháng này, các cô gái ở Tamil Nadu đều vẽ Rangoli và hát bài hát Thiruppaval của Nữ thần Andal để mong sớm lấy được chồng.

Gửi gắm một điều ước cũng là một trong những ý nghĩa tâm linh quan trọng của Rangoli. Các điểm chấm được tạo ra lần đầu tiên trên mặt đất bởi các ngón tay khéo léo của người phụ nữ tạo thành các thiết kế tinh tế làm viền cho bức tranh. Những dấu chấm đó tượng trưng cho những trở ngại trong cuộc sống. Sau đó họ vẽ những họa tiết ở phía bên trong những dấu chấm đó thể hiện sự may mắn với niềm tin điều ước sẽ thành hiện thực.

Trong một gia đình truyền thống, người phụ nữ của ngôi nhà bắt đầu công việc nhà hàng ngày của mình bằng cách làm sạch lối vào chính của ngôi nhà và trang trí nó theo hình thức Rangoli. Điều này cho thấy ý thức về sự sạch sẽ trong gia đình. Họ tin rằng các vị thần sẽ ghé thăm và ban phát nhiều điều tốt lành.

Ở miền Nam Ấn Độ người ta thường vẽ Rangoli bằng bột gạo vì gạo là thứ chủ yếu nuôi sống con người và là thước đo sự khấm khá nên muốn phúng gạo như một phần của cải tới các vị thần, đồng thời nó có màu trắng biểu tượng của sự bình an, trong sạch. Ngoài ra, màu đỏ cũng được sử dụng nhiểu để thể hiện sự tốt lành và màu vàng là biểu tượng của thịnh vượng.

Rangoli cũng thường được thực hiện tại các bàn thờ cùng với cây Tulsi hoặc cây húng quế được coi là một biểu hiện thực vật của Vishnu thiêng liêng, phối ngẫu cùng Lakshmi. Trong một bức tranh Rangoli, bàn chân của Lakshmi được vẽ chồng chéo với bàn chân của Vishnu. Đường viền bảo vệ được vẽ xung quanh. Bức tranh trở thành một sự hòa hợp, biểu tượng của sự thịnh vượng - nữ thần Lakshmi, và biểu tượng của sự giữ và bảo quản - thần Vishnu.

Tùy từng dịp khác nhau, đám cưới, lễ hội, khởi hành, chào đón khách hay trang trí nhà cửa hàng ngày mà người ta sử dụng các họa tiết khác nhau cho phù hợp.

Như vậy, Rangoli không chỉ là một hình thức nghệ thuật trang trí mang tính thẩm mỹ đơn thuần mà quan trọng hơn là cả một niềm tin linh thiêng cùng với những lời thỉnh nguyện chân thành, biểu hiện của lòng biết ơn, họ tin rằng những bức tranh Rangoli sẽ mang đến cho họ một cuộc sống bình an và thịnh vượng.

Thể hiện sự sáng tạo

'Rangoli' là từ tiếng Phạn, nghĩa là một biểu hiện sáng tạo nghệ thuật bằng màu sắc. Đây là loại hình nghệ thuật mong manh và dễ tan biến, nhưng luôn kích thích sức sáng tạo không ngừng. Nó là một ví dụ hoàn hảo về vai trò của nghệ thuật trong đời sống và văn hóa Ấn Độ.

Người ta quan niệm rằng quá trình tạo ra một Rangoli cũng tương tự như định hướng và thiền định,trong đó sự chú ý đến chi tiết là rất quan trọng. Nhiều thế hệ đã đi qua nhưng Rangoli vẫn tồn tại như một phần quan trọng trong sinh hoạt của người dân Ấn Độ. Nghệ thuật trang trí này cho thấy sự khéo léo, tài hoa của người Ấn Độ – Một nét đẹp rất đáng trân trọng!

Ngày nay, nghệ thuật trang trí nhà cửa Rangoli không chỉ có ở đất nước Ấn Độ mà nó được thiết kế trưng bày ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này cho thấy vẻ đẹp và ý nghĩa của Rangoli đã có tầm ảnh hưởng rất lớn và đem lại cảm hứng nghệ thuật cho giới nghệ sĩ và khách tham quan ở những đất nước không phải là nơi sinh ra nó – Đó là sức lan tỏa giá trị tuyệt vời của Rangoli!

Loại hình nghệ thuật này là một trong những điều đáng lưu tâm khi bạn khám phá đất nước Ấn Độ đầy sắc màu và bí ẩn. Hãy một lần ghé thăm và trải nghiệm bạn nhé! 

Trần Hằng

Chủ đề chính: #Rangoli

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn