Thanh Thảo

Nghĩa của từ “đắng lòng” và những vấn đề xung quanh nó.

Đăng 7 năm trước

'Đắng lòng' nghĩa là gì? Nó được 'ra đời' và 'phát triển' như thế nào? Chúng ta hãy thử đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.

Nếu thử lên google search gõ từ “đắng lòng” thì bạn sẽ nhận được khoảng 834.000 kết quả trong 0,53 giây, chỉ một thao tác nhỏ nhưng cũng đã giúp ta thấy được phần nào sự phổ biến và từng là trào lưu trong khoảng thời gian gần đây của từ này. Nhưng thực chất, đắng lòng là gì? Đây là một từ hoàn toàn mới hay đã có trước đây? Hẳn, là những câu hỏi  mà không nhiều người trả lời được.

Theo  Wiktionary tiếng Việt thì “đắng” có 3 nghĩa

1.     Có vị làm khó chịu như vị của bồ hònmật . Đắng như bồ hòn (tục ngữ)

2.   (Kết hợp, hạn chế) .  cảm giác đau đớn thấm thía về tinh thần. Chết đắng cảngười. Đắng lòng

3.   Láy đăng đắng. ( Ý mức độ ít)

Như vậy, đắng lòng có thể được dùng để diễn tả tâm trạng không được vui, và hơn thế là sự đau khổ.

Trong thơ của nhà thơ họ Phan (Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan) cũng có lần đã sử dụng từ “đắng lòng”: “Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc”. Dạo gần đây xuất hiện bài hát có tên “Đắng lòng”, hay lời bài hát của một nhạc sĩ trẻ cũng có chứa từ này: “Mùi cà phê nghe đắng lòng”. Việc sử dụng ấy cũng đồng nghĩa với việc từ “đắng lòng” không phải là một từ được sáng tạo mới hoàn toàn. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao trong thời gian gần đây từ này lại trở nên phổ biến và thông dụng trong ngôn ngữ của giới trẻ, ngôn ngữ của báo mạng?

Trước hết, phải nói đến xu hướng khẳng định mình, thích nổi bật của giới trẻ hiện nay. Có nhiều cách để khiến mình trở nên đặc biêt, và một trong những cách được các bạn trẻ ngày nay ưa chuộng đó là sử dụng ngôn ngữ đặc biêt. Đặc biệt có thể là vì đó là một từ mới, do các bạn sáng tạo ra, đặc biệt là vì đó là một từ ít phổ biến, điển hình là từ “đắng lòng”, “rúng động”…

Nguyên nhân thứ hai cũng không kém phần quyết định đến sự “ra đời và phát triển” của từ này là việc các tờ báo, đặc biệt là báo mạng không ngại giật tít để tăng lượt xem.

Và một trong những yếu tố then chốt, đó là sự thay đổi trong quan niệm của các bạn trẻ về những chuẩn mực. Đã dần có sự phớt lờ với sự “trong sáng” của ngôn ngữ tiếng Việt, đã dần có những sự lạ hóa, độc hóa trong lối nghĩ và lối sống của giới trẻ hiện nay.

Mọi sự phát triển suy cho cùng  cũng không thể nào là sự trút bỏ hoàn toàn quá khứ. Phát triển, có chăng là sự kế thừa, thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, môi trường mới. Phải làm sao để phát triển đi đôi với bảo tồn, thay đổi đi đôi với kế thừa vẫn là điều khiến không ít người trăn trở. Phải làm sao để ngàn năm sau ta vẫn không khỏi tự hào khi nói lên tiếng nói của dân tộc mình như nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ”!  

Chủ đề chính: #đắng_lòng_nghĩa_là_gì

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn