Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Ngỡ mình trên phá Tam Giang

Đăng 5 năm trước

Buổi chiều cũ kỹ như mùi người ta ủ nấm rơm trong xó bếp. Tôi vàng vọt thiếp đi vào ánh chiều lẳng lặng. Ngỡ mình trên Phá Tam Giang. Xuồng máy Kohler tành tạch một thủa trai hùng.

Trai hùng đi đâu mà gió, trai hùng đi đâu mà mây, trai hùng đi đâu bốn bể là nhà. Thời ấy qua rồi. Bây giờ vợ con bịn rịn nặng nợ áo cơm. Muốn làm giang hồ vặt cũng khó huống chi trai hùng…Phá Tam Giang là phóng khoáng bụi hồ, có thể đứng ngoảnh mặt lên trời mà cười, vin hai tay chống sào mà hiền, quên đôi chân đạp nước mà đi. Tam Giang phá cách như một nét xổ dài trong bức thư họa mặc trầm cố đô, thương lạ thương lùng trời Nam ngàn thủa. Phá Tam Giang nằm trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, nổi tiếng là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Cách cố đô khoảng 12 km, phá Tam Giang thuộc địa phận của bốn huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang.Một đời trai sá gì không dạo quanh một vòng 52km2 Tam Giang, nạp đầy nhiên liệu mà tành tạch Kohler phát vãng 24km trải dài tà tà từ Tây Tây Bắc tới ngà ngà Đông Đông Nam. Ngất ngư ở Phá Tam Giang có lẽ là hình ảnh người đàn ông phong trần đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Cười nhẹ một cái chim muông soải cánh bay về. Nháy mắt một cái nhàn nhạt trưa vắng nắng thưa. Đã có lúc bài thơ đẹp như một nỗi hèn.

Giá một ngày anh thoát khỏi cơn mê

 Quẳng nợ áo cơm nhọc nhằn vào một xó 

Có khoảng trời nào vẫn bình yên bỏ ngỏ 

Soi tâm hồn mình trong sâu thẳm nụ cười em

Trên Phá Tam Giang bình minh sâu thẳm như một nụ cười, ai ai cưỡi thuyền băng băng như đan từng đường chỉ bạc như dệt từng đám tơ màu, từ trong veo veo một dải đến xanh lơ xanh lắt một vùng, mê chi đâu mà thoát, nợ chi đâu nhọc nhằn. Tam Giang như một điệu hò ngẫu nhiên mà kẻ bụi hồ hứng chí, phanh ngực cho gió đùa, đầu trần cho nắng phơi, nhe răng buồn nhăng buồn nhố. Ngỡ mình trên Phá Tam Giang.Du hành xứ Huế bằng thơ Khơi nhạc Hồ, một thủa cố đô thâm u kín cổng cao tường như thiếu nữ khuê son lầu vắng và Ngỡ mình trên Phá Tam Giang mở nắng đón gió phô trương khí khái đầm phá muôn trùng. Có lúc Tam Giang như một người con gái tắm phải dòng nước lợ mà da thịt nhan nhát phù du. Có lúc Tam Giang lại như người đàn ông đi hỏi vợ nhiệt thành đến quê mùa quá lố, oang ổng cái mồm, thở nắng phả gió, vỗ nước táp sóng mà yêu mà thương.

Sau này tôi đến Thái nhập vào Songkran và cuộc chiến thân thiện trên đường phố, kết bằng gọi hữu rong chơi chợ nổi tháng ngày. Khi về Lục Tỉnh ngoe nguẩy Cần Thơ, Tương tư ở xứ Ninh Kiều tôi lại như con cá linh đâm mùa ve vãn chợ nổi Cái Răng. Nhưng nói để mà nhớ thì không gian chợ nổi đầm phá Tam Giang là một Trải nghiệm khác biệt. Chợ nổi là một trong những đặc trưng của vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này. Các phiên chợ nổi thường họp từ lúc 4h và tan khi bình minh ló rạng, thường vào khoảng 6-7h. Không đông đúc và đa dạng như những chợ nổi miền Tây Nam Bộ, chợ nổi ở đây chủ yếu mua bán các loại thủy sản của vùng đầm phá.

Chợ nổi bốn bề, chợ nổi mênh mang, chợ nổi như muốn lấy đi con mắt của bạn, vì chợ xa, vì chợ sâu chẳng ai đánh thuế tầm nhìn. Âm thanh như triệu triệu con cào cào đạp chân tành tạch vào tàu chuối khô phành phạch. Mùi vị ngân nga nhấn nhá như ngàn ngàn cá nục tanh trục tanh tròn, như bầy bầy tôm sú đú đởn hấp bia, vậy nhưng đố lẫn đi đâu được mùi xăng dầu hao máy, người ta nghiện nó xem nó như tấm thẻ bài nhập chợ. Sắc đẹp như cô em chưa tròn hai chục, buông tóc mắng  gió, ném cười gác chèo. Không có loại nước hoa nào dám lên mặt vênh váo với mùi dầu diezen dư thơm thừa khét uy quyền ở xứ này nó xe duyên với mùi tanh tao cá tôm đầm phá nghiễm nhiên trở thành một cuộc hôn nhân thánh thần. Ngỡ mình trên Phá Tam Giang.

Làm sao phải ngại ngần, cô em hớn hở như chiếc máy xuồng đề khẽ nổ giòn, tành tạch Kohler, phành phạch Tam Giang. Đẹp như một khúc tiêu dao. Phá Tam Giang không dành cho người sến sẩm ủy mị. Tôi vươn vai hít chậm thở sâu, lâu lâu nhấn chân dập dềnh để biết mình đang đứng chứ không phải lửng lơ bay lượn như một chú nhóc siêu nhân.Bằng hữu ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi và đánh bắt thủy hải sản. Các thương lái trên chợ nổi đều là những ngư dân sinh sống trong các làng chài mà tôi từng tạm trú như Thái Dương Hạ, Ngư Mỹ Thạnh… Chợ nổi làng Ngư Mỹ Thạnh tồn tại đến nay cũng khoảng vài trăm năm, nhưng lạ nhỉ mang tiếng là chợ nổi mà đố bao giờ tìm thấy một chỗ treo biển ghi danh. Chẳng sao cả vì tôi biết bằng hữu Tam Giang đi không thay tên, ngồi không đổi họ. Lại nhớ có một cô em chưa tròn hai chục tết tóc vào gió, xém cười lệch chèo bảo tôi: Thái Lọ đừng lo, nổi cỡ nào cũng không chạy mất được đâu, em cột neo rồi…Ngỡ mình trên Phá Tam Giang.Chợt nhớ, chợt nghĩ, chợt quên, rồi chợt tự hỏi ở thế gian này thực sự có một cái neo như vậy không và Nghệ thuật thả neo có phải là những vùng neo tâm tưởng. Phá Tam Giang hoang sơ, phóng khoáng mà vẫn phảng phất hơi thở trầm mặc đặc trưng đất Huế. Nếu cuộc đời còn có những tháng ngày trôi dạt biết đâu Ngỡ mình trên Phá Tam Giang


NguồnTản văn Huy Phước

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn